6. Cấu trúc luận văn:
1.2.3. Khái quát về nội dung và nghệ thuật của thơ thiền Lý Trần
1.2.3.1. Về nội dung thơ thiền
Trước nay đã có nhiều nhà nghiên cứu đề cập, giới thuyết:
- Nguyễn Phạm Hùng trong luận án Tiến sĩ Vận dụng quan điểm thể loại vào
nghiên cứu văn học Việt Nam (năm 1995)đã chia thơ thiền gồm hai nội dung sau:
Thơ thiền thiên về triết lý: Nòng cốt của nó là những bài kệ và cả những bài thơ trực tiếp phát biểu về triết lý và quan niệm thiền.
Thơ thiền thiên về trữ tình: Đó là những bài thơ mang những yếu tố thiền về tư tưởng, cảm xúc, tâm trạng.
- Đoàn Thị Thu Vân trong luận án Tiến sĩ Khảo sát đặc trưng nghệ thuật của thơ thiền từ thế kỉ thứ X đến thế kỉ thứ XIV (năm 1995) cho rằng: Thơ thiền là những bài thơ của các tác giả là thiền sư hoặc không phải là thiền sư nhưng hâm mộ thiền, có nghiên cứu và hiểu biết về thiền, sáng tác theo những nội dung sau:
Trực tiếp thuyết giảng về yếu chỉ Thiền tông. Đó là những bài kệ.
Bày tỏ cảm xúc mang ý vị thiền trước cái đẹp của thiên nhiên,con người và cuộc sống hoặc bày tỏ trạng thái tâm tư giác ngộ chân lý, miêu tả cái đẹp vi diệu bên trong tâm hồn con người.
- Nguyễn Công Lý trong công trình Văn học Phật giáo thời Lý Trần - Diện
mạo và đặc điểm (NXB Đại học quốc gia, TP.HCM, 2002) ở phần khảo sát các thể
loại đã gom kệ và thơ thiền thành một nhóm thể loại, rồi lại phân chia chúng thành 4 loại như sau:
Loại thứ nhất là kệ: trực tiếp trình bày giáo lý, tư tưởng nhà Phật
Loại thứ hai là kệ được thi vị hóa (hay còn gọi là thơ triết lý) thể hiện triết lý nhà Phật thông qua ngôn ngữ lung linh, đầy hình ảnh đẹp và gợi cảm, giàu chất thơ.
Loại thứ ba là thơ mang cảm hứng thiền học: là những bài mang cảm xúc trữ tình nhưng nội dung có đề cập đến tâm, Phật, sinh tử, niết bàn.
Loại thứ tư là thơ tức cảnh sinh tình, bộc lộ cảm xúc, tâm trạng của thiền sư đối với cái lung linh, mỹ lệ của ngoại cảnh thông qua cảm quan thiền học.
Qua đây, ta thấy rằng, nội dung thơ thiền có hàm nghĩa tương đối rộng và có tính chất mở. Có thể tổng hợp lại như sau:
- Thứ nhất, đó là những bài kệ, bài thơ hoặc trực tiếp hay gián tiếp trình bày, thuyết giảng những giáo lý, tư tưởng nhà Phật, những yếu chỉ Thiền tông.
- Thứ hai, đó là những bài thơ miêu tả ngoại cảnh, bày tỏ cảm xúc, tâm trạng thông qua cảm quan thiền học.
1.2.3.2. Về hình thức nghệ thuật
Từ ngữ:từ ngữ trong thơ thiền là lớp từ ngữ nhà Phật, các điển tích, điển cố, các hình ảnh thơ ca gắn bó với Phật giáo.
Cú pháp:Thơ thiền sử dụng một tần số cao các mẫu câu nhất định như câu nghi vấn và câu phủ định khiến lời thơ có tác dụng như sự quát, thét, đánh, phản vấn, truy bức…vì đấy là công cụ nghệ thuật để ngộ đạo và truyền đạo mà sự ngộ đạo và truyền đạo trên tinh thần Phật giáo “đốn ngộ” vốn rất chú trọng tính độc lập, sáng tạo của người tu hành, tính tự chủ và tự quyết của họ.
Các biện pháp tu từ: cũng như thơ ca thời trung đại khác, thơ thiền rất chú trọng sử dụng các tượng trưng, ước lệ, ẩn dụ, so sánh… nhằm làm cho hình ảnh thơ ca thêm sinh động, phong phú. Song, khác các loại hình thơ ca khác, thơ thiền đã đem đến cho tượng trưng, uớc lệ, ẩn dụ, so sánh những phẩm chất riêng biệt. Tượng trưng ước lệ trong thơ ca Nho giáo thường hướng đến cái chung, hướng tới cộng đồng thẩm mỹ bằng những hình ảnh có sẵn theo qui ước như: tùng, cúc, trúc, mai, long, ly, quy, phượng…còn tượng trưng, ước lệ trong thơ thiền là những hình ảnh thẩm mỹ cá biệt. Nó phong phú, sinh động vì đó là những hình ảnh tức thời, bộc phát mà họ bất ngờ nắm bắt được chứ không phải là hình ảnh đã chuẩn bị sẵn. Nó làm nên cái đẹp của thơ thiền hay chính là cái đẹp của bản ngã riêng biệt từng thi sĩ. Thi sĩ thiền mượn thiên nhiên để thể hiện tư tưởng, tình cảm của mình, thể hiện bản ngã của mình. Cái bản ngã ấy của thi nhân có khi lại “vút cao trên một đỉnh núi, khi trầm lắng dưới một dòng sông, khi vi vu trong tiếng tù và rúc gió, khi sảng khoái
trong một tiếng kêu dài, khi lộng lẫy trên một sắc hoa, màu lá, khi trong trẻo trong
tiếng oanh kêu, quyến luyến trên cánh bướm, ấm áp khí dương xuân. Hay êm đềm
trên con thuyền của ngư ông giữa trời nước mênh mông, phẳng lặng…” [18, 65]
1.3. MỘT SỐ TRIẾT LÝ NHÂN SINH CƠ BẢN CỦA PHẬT GIÁO VÀ PHẬT GIÁO THIỀN TÔNG THỜI LÝ - TRẦN