Diễn biến tỷ giá và chính sách tỷ giá 6 tháng đầu năm 2010

Một phần của tài liệu MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA BIẾN ĐỘNG TỶ GIÁ TỚI HOẠT ĐỘNG XUẤT NHẬP KHẨU CỦAVIỆT NAM THỜI KÌ HẬU WTO (Trang 54)

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá USD tháng 1/2010 so với tháng 12/2009 giảm 0,11%, so với tháng 1/2009 tăng 8,96%. Mức giảm chỉ 0,11% qua một tháng nhưng là diễn biến ít thấy trong suốt những năm gần đây. Còn theo niêm yết của các NHTM, tỷ giá USD/VND đứng yên trong tháng 1. Thay đổi chỉ có ở mức chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra. Nguyên do là sau những điều chỉnh trong tháng 11/2009, NHNN liên tục cố định mức 17.941 VND của tỷ giá bình quân LNH (đây cũng là điều hiếm thấy kể từ kỳ liên tục có biến động mạnh từ năm 2008). Giá USD niêm yết của các NHTM theo đó cũng ở trạng thái luôn kịch trần biên độ cho phép, cố định ở mốc 18.479 VND. Điểm khác biệt so với hơn một tháng trước đó là giá mua vào được giữ thấp hơn giá bán ra 10 VND. Diễn biến này phản ánh một phần trạng thái cung – cầu vốn ngoại tệ của các NHTM khi các NHTM không mua vào bằng mọi giá khi đẩy giá mua kịch trần biên độ như trong gần suốt năm 2009.

Theo thông tin từ NHNN, thị trường ngoại tệ thời điểm những tháng đầu năm đã có những chuyển biến tích cực, cung – cầu đã bớt căng thẳng. Nguồn ngoại tệ đã có sự hỗ trợ từ hoạt động bán lại của 7 tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước. Tính đến cuối tháng 1, con số liên quan đến nguồn này là khoảng 450 triệu USD. Một phần ngoại tệ mà nhiều doanh nghiệp găm giữ trước đó đã được giải phóng. Tín hiệu tích cực là nhập siêu đã giảm tháng thứ ba liên tiếp. Từ mức trên 2 tỷ USD trong tháng 11/2009, nhập siêu giảm còn trên 1,9 tỷ USD trong tháng 12/2009 và chỉ còn 1,3 tỷ USD trong tháng 1/2010 (giảm tới 32,6% so với tháng trước).

Ngày 10/2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 3/2010/TT-NHNN quy định mức lãi suất tiền gửi tối đa bằng USD của tổ chức kinh tế tại tổ chức tín dụng và quyết định điều chỉnh tỷ giá bình quân LNH. Theo đó, tỷ giá USD/VND bình quân LNH áp dụng cho ngày 11/2/2010 là 18.544 VND, tăng 603 VND (tương đương hơn 3%) so với ngày 10/2. Như vậy, với biên độ biến động tỉ giá là +/-3%, ngân hàng có thể mua bán USD với giá trần là 19.100 VND và giá sàn là 17.987 VND. Cũng từ ngày 11/2, mức lãi suất tiền gửi tối đa bằng USD của tổ chức kinh tế (trừ tổ chức tín dụng) tại tổ chức tín dụng tối đa là 1,0%/năm nhằm mục đích hạn chế hiện tượng găm giữ ngoại tệ của các tổ

chức và doanh nghiệp. Ngay khi thông tư được ban hành, giá niêm yết USD tại các NHTM đã thay đổi liên tục, giá mua dao động từ 18.495 - 18.595 VND, giá bán dao động từ 18.800 - 19.100 VND.

Diễn biến tỷ giá khá ổn định trong những ngày tiếp theo nhưng đến ngày 23/2 các NHTM đột ngột tăng mạnh giá mua vào với mức 18.800 VND, cao hơn hẳn so với những ngày trước đó, giá bán ra ở mức kịch trần biên độ cho phép khi tỷ giá bình quân LNH ở mức 18.544 VND. Thời gian tiếp theo, tỷ giá LNH vẫn đứng yên ở mốc này và tỷ giá giao dịch của các NHTM vẫn xoay quanh biên độ +-3% của tỷ giá LNH.

Tỷ giá mua bán của các NHTM đồng loạt giảm mạnh vào ngày 7/4 khi giá mua vào giảm tới 50 VND và giá bán ra cũng giảm khoảng 20 VND, đến trung tuần tháng 4 thì tỷ giá bán ra đã rớt xuống dưới mức 19.000 VND, giá trên thị trường tự do cũng giảm mạnh. Ngày 28/4, trong khi giá USD mua/bán của NHTM là 18.930 - 19.000 VND thì ở thị trường tự do lần lượt là 18.940 VND và 18.970 VND. Sau gần 1 tháng biến động giảm, đến giữa tháng 5, tỷ giá USD bán ra của các NHTM lại bắt đầu tăng trở lại mức trên 19.000 VND và diễn biến khá ổn định cho đến hết tháng 6.

Nguyên nhân được cho là từ chính sách tiền tệ của chính phủ khi ngày 30/12/2009, với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN chính thức ban hành thông tư hướng dẫn việc các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước bán lại ngoại tệ cho các ngân hàng. Việc bán lại được thực hiện khá nhanh sau đó và tạo một nguồn cung đáng kể, hỗ trợ các ngân hàng cải thiện trạng thái ngoại tệ vốn căng thẳng trước đó. Ngày 18/1/2010, NHNN có Quyết định số 74/QĐ-NHNN giảm mạnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với các tổ chức tín dụng. Việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ từ 7% xuống 4% đối với kỳ hạn dưới 12 tháng, từ 3% xuống 2% đối với kỳ hạn trên 12 tháng đã làm tăng nguồn vốn khoảng 500 triệu USD (9.000 tỷ đồng) cho các NHTM để cho vay trên thị trường. Ngay sau đó, NHNN tiếp tục ban hành Thông tư số 03/2010/TT-NHNN, quy định mức lãi suất tiền gửi tối đa bằng USD của tổ chức kinh tế tại tổ chức tín dụng là 1%/năm. Đây được xem là một cú hích mạnh khi ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các tổ chức kinh tế có tiền gửi bằng USD, khi lãi suất trước đó được hưởng có từ 4% - 4,5%/năm. Quy định này đặt các tổ chức đó vào thế phải tính toán lợi ích và xem xét bán lại ngoại tệ, chuyển sang VND để có lãi suất tiền gửi cao hơn. Khớp với chính sách này, các NHTM đồng loạt tăng giá USD mua vào để thu hút nguồn ngoại tệ tiềm năng này. Chênh lệch lãi suất vay vốn bằng VND và USD lớn khiến các doanh nghiệp cân nhắc và dịch chuyển sang vay USD. Lãi suất vay VND tăng cao đầu năm 2010, lên từ 15% - 17%, trong khi lãi suất vay USD chỉ khoảng 3-5%/năm. Chênh lệch này khiến một bộ phận doanh nghiệp chọn vay USD rồi bán lại lấy vốn VND, tăng cung ngoại tệ cho thị trường. Ngoài chênh lệch lãi suất lớn,

lựa chọn này được hỗ trợ bởi kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ ổn định, hoặc rủi ro biến động không quá lớn trong kỳ vay vốn. Thực tế, tỷ giá USD/VND khá ổn định kể từ tháng 2 đến thời điểm này. Điều này lý giải tại sao việc vay ngoại tệ đang tăng lên và dù ngân hàng có cam kết lãi suất cho vay tiền đồng tối đa 14%/năm, doanh nghiệp vẫn vay ít. Các nhà xuất khẩu thay vì 3-6 tháng sau khi thu Đô la về mới bán cho ngân hàng, thì họ bán ngay cho ngân hàng bây giờ bằng cách vay ngoại tệ và trả nợ khi nguồn thu Đô la về trong tương lai. Nguồn cung ngoại tệ vì thế trở nên dồi dào.

Thêm vào đó, ngày 15/12/2009, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 25/2009/TT-NHNN mở rộng đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ, đặc biệt là các đối tượng xuất khẩu. Tác động này được dẫn chứng ở tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ đã tăng đột biến tới 14,07% trong quý 1/2010, trong khi cùng kỳ năm ngoái giảm 2,24%. Nhập khẩu hai tháng đầu năm 2010 đã giảm mạnh so với mức nhập khẩu cao trước đó của các tháng cuối năm 2009. Tuy nhiên, sự sụt giảm này chỉ mang tính chất tạm thời và không sớm thì muộn sẽ tăng trở lại, khi các doanh nghiệp cần nguyên vật liệu cho chu kỳ sản xuất mới. Sự giảm sút tạm thời của nhập khẩu khiến cầu ngoại tệ không quá căng thẳng trong khi nguồn kiều hối chuyển về đầu năm nay đã tăng trở lại đã có tác động làm giảm giá USD.

Một phần của tài liệu MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA BIẾN ĐỘNG TỶ GIÁ TỚI HOẠT ĐỘNG XUẤT NHẬP KHẨU CỦAVIỆT NAM THỜI KÌ HẬU WTO (Trang 54)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(90 trang)
w