Đánh giá ảnh hưởng của chính sách tỷ giá USD/VND đến hoạt động xuất

Một phần của tài liệu MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA BIẾN ĐỘNG TỶ GIÁ TỚI HOẠT ĐỘNG XUẤT NHẬP KHẨU CỦAVIỆT NAM THỜI KÌ HẬU WTO (Trang 69)

nhập khẩu của Việt Nam thời kì hậu WTO

Qua phân tích diễn biến tỷ giá USD và tình hình xuất nhập khẩu ở phần trên, có thể thấy rằng tình hình biến động tỷ giá ở Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu do 2 nguyên nhân chính, thứ nhất là do hiện tượng mất cân bằng cung cầu ngoại tệ do hiện tượng nhập siêu kéo dài. Nguyên nhân thứ hai là do tâm lý của người dân và doanh nghiệp khi nhận thấy những thông tin không tốt từ thị trường liền có động thái mua hay bán ồ ạt gây ra những đột biến trên trường ngoại tệ.

Từ quý II năm 2008 đến nay, NHNN điều hành chính sách tỷ giá theo xu hướng duy trì đồng VND yếu. Với xu thế phát triển một nền kinh tế mở của hướng ngoại, Việt Nam cũng như các nước khác muốn đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu của mình để một mặt cải thiện cán cân thương mại, tăng thu nhập ngoại tệ, giảm bớt gánh nặng nợ nước ngoài, mặt khác hoà nhập và xác nhập một vị trí nhất định trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, chính sách này lại đang bộc lộ một số mặt trái.

Thứ nhất, trong điều kiện hiện nay, Việt Nam mới bắt tay vào thực hiện công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước với nguồn vốn còn hạn hẹp, công nghệ sản xuất sản phẩm chưa đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới làm cho khả năng cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam còn yếu cả về chất lượng và giá cả. Để khắc phục điều đó ta buộc phải mở cửa để nhập khẩu không chỉ những máy móc thiết bị và công nghệ mà còn phải nhập khẩu rất nhiều yếu tố đầu vào phụ trợ cho quá trình sản xuất hàng xuất khẩu do Việt Nam chưa thể tự cung ứng được những mặt hàng đó nên tỷ trọng hàng nhập khẩu trong sản xuất hàng xuất khẩu còn rất cao. Khi áp dụng chính sách tỷ giá ưu đãi cho xuất khẩu tức đã phần nào hạn chế được hoạt động nhập khẩu, bởi vì khi đó giá hàng nhập khẩu trở nên tương đối đắt hơn. Nhưng chính việc tăng giá hàng nhập khẩu này đã làm tăng chi phí đầu vào để sản xuất hàng xuất khẩu, kết quả là sức cạnh tranh về giá cả của hàng xuất khẩu Việt Nam giảm, kim ngạch xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Như vậy công cụ tỷ giá trở nên không có hiệu quả. Tình trạng này còn tiếp tục diễn ra chừng nào mà sản xuất hàng hoá trong nước cũng như hàng hóa xuất khẩu ở Việt Nam còn quá phụ thuộc vào việc nhập khẩu đầu vào.

Thứ hai, để phát triển kinh tế và thúc đẩy xuất khẩu thì việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài là một mục tiêu quan trọng. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải tạo ra được một môi trường kinh tế chính trị thuận lợi ổn định thì mới hấp dẫn được các nhà đầu tư. Vì vậy, kiềm chế và kiểm soát lạm phát lại trở thành một trong những yêu cầu hàng đầu cần đạt được của chính sách tiền tệ, tín dụng. Mặt trái của chính sách tỷ giá khuyến khích xuất khẩu thể hiện ở chỗ chính phủ áp dụng tỷ giá ưu đãi cho xuất khẩu nghĩa là làm mất giá đồng VND, điều đó gây tâm lý mất tin tưởng vào đồng nội tệ trong dân chúng. Mọi người ngày càng không muốn giữ đồng tiền đang mất giá, do vậy họ đổ xô đi mua ngoại tệ hay vàng, với hy vọng bảo toàn giá trị tài sản của mình. Như vậy, từ sự phá giá đồng nội tệ, lạm phát đã bùng phát và bất ổn có thể lan ra toàn nền kinh tế. Lạm phát và những bất ổn trong nền kinh tế, chính trị tăng lên không những gây thiệt hại đến sản xuất trong nước mà còn ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu do giá thành hàng xuất khẩu cũng theo đà tăng lên như những hàng hoá khác. Có thể nói trong điều kiện Việt Nam như hiện nay, khi nguy cơ tái lạm phát còn cao, người dân chưa tin tưởng vào giá trị đồng Việt Nam thì việc phá giá đồng nội tệ như là một công cụ để khuyến khích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu chưa hẳn đã phát huy hết vai trò, tác dụng của nó mà còn có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế quốc dân.

Thứ ba là trên lý thuyết, duy trì đồng nội tệ yếu thì có thể tăng sức cạnh tranh thương mại do giá hàng hóa của 1 nước rẻ hơn nhưng điều này chỉ đúng với những nước có ngành công nhiệp phát triển, hàng xuất khẩu có hàm lượng chất xám, công nghệ cao, hiện đại thì giá trị xuất khẩu mang lại là rất lớn. Nhưng với điều kiện sản xuất ở Việt Nam hiện nay, rất nhiều yếu tố còn chưa được khai thác, trình độ khoa học kỹ thuật còn ở mức thấp chưa cho phép nước ta phát huy hết mọi tiềm năng vốn có. Điều đó làm giới hạn lượng cung hàng hoá trên thị trường cả về chất lượng và số lượng. Nghĩa là với khả năng sản xuất hạn hẹp như hiện nay, uy tín trên thị trường quốc tế của hàng hoá Việt Nam còn thấp, chất lượng hàng hoá xuất khẩu còn chưa có chất lượng cao, chưa đáp ứng được mọi nhu cầu ngày càng khắt khe của bạn hàng trên thế giới. Cho dù Chính phủ có áp dụng chính sách tỷ giá ưu đãi xuất khẩu đi chăng nữa thì hàng hoá của Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong việc tham gia vào thị trường thế giới và hàng nội địa của Việt Nam khó cạnh tranh với hàng hoá nhập khẩu ngay trên thị trường Việt Nam.

Thứ tư là, hiện nay ở Việt Nam nguồn vốn đầu tư của nước ngoài vào nhiều tạo ra lượng cung ngoại tệ lớn, tạo ra áp lực dẫn đến việc đồng Việt Nam lên giá. Như vậy để đạt được mức phá giá đồng nội tệ, Ngân hàng nhà nước cần tốn một lượng nội tệ đáng

kể để mua ngoại tệ vào. Trong điều kiện vốn ngoại tệ lẫn vốn nội tệ cần phải huy động cho phát triển sản xuất cùng với áp lực của lạm phát lên cao do tăng lượng cung ứng nội tệ thì chắc chắn Ngân hàng nhà nước sẽ gặp khó khăn khi theo đuổi mục tiêu này. Và cuối cùng là sự mâu thuẫn về cân bằng lợi ích giữa các nhà xuất khẩu và nhập khẩu. Trong khi nền kinh tế vẫn có nhu cầu phải tồn tại hai hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu thì việc áp dụng chính sách tỷ giá để khuyến khích một hoạt động này sẽ kìm hãm hoạt động kia. Vậy thì tỷ giá cần phải được can thiệp ở mức nào đó để không gây mức chênh lệch quá lớn về lợi ích giữa hai bên, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng trong nền kinh tế. Phần định lượng ở đây thực sự là rất khó xác định.

Như vậy, chính sách tỷ giá duy trì đồng VND yếu của chính phủ đã không phát huy được vai trò của nó với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Việc làm ổn định tỷ giá USD trong trung và dài hạn là yếu tố tác động tích cực lên hoạt động xuất nhập khẩu. Điều chỉnh tăng hay giảm tỷ giá thì cũng phải đặt tỷ giá trong mối quan hệ với các yếu tố khác như lãi suất, cán cân thanh toán, nợ quốc gia, đầu tư,… với mục tiêu nâng cao uy tín và vị thế của VND, hướng đến một đồng tiền tự do chuyển đổi trong khu vực. Có như vậy mới tạo được sự ổn định bền vững cho đồng VND, từ đó thuận lợi cho NHNN điều chỉnh tỷ giá theo hướng có lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

CHƯƠNG 3:

GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH TỶ GIÁ ĐỂ NÂNG CAO HOẠT ĐỘNG XUẤT NHẬP KHẨU CỦA VIỆT NAM

Từ thực tế diễn biến tỷ giá USD/VND và hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam thời kỳ hậu WTO đã trình bày ở chương 2, trong chương 3, bài khóa luận sẽ nêu định hướng của Đảng, Chính phủ và NHNN về chính sách tỷ giá và hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp và kiến nghị nhằm hoàn thiện chính sách tỷ giá và nâng cao hiệu quả của hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Một phần của tài liệu MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA BIẾN ĐỘNG TỶ GIÁ TỚI HOẠT ĐỘNG XUẤT NHẬP KHẨU CỦAVIỆT NAM THỜI KÌ HẬU WTO (Trang 69)