Trong ba năm gia nhập WTO, khối lượng và giá trị xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam như sản phẩm gỗ, giày dép, dây điện và cáp điện vẫn chưa thấy có sự biến đổi mạnh so với thời kỳ trước đó, thậm chí có xu hướng chững lại. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch của các sản phẩm này đều thấp hơn so với giai đoạn trước khi gia nhập WTO. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm trong hai năm 2007-2008 của các sản phẩm dây điện và dây cáp điện giảm xuống còn 19,1%/năm, năm 2009 giảm 12,6%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 42,7%/năm trong các năm 2004-2006.
Qui mô xuất khẩu còn nhỏ, kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Xuất khẩu bình quân đầu người năm 2007 của Singapore là 60.600 USD, Malaysia 5.890 USD, Thái Lan 1.860 USD, Philippin 546 USD, và Việt Nam 570 USD (năm 2008 là 730 USD, năm 2009 là 666 USD). Xuất khẩu dễ bị tổn thương trước biến động từ bên ngoài như các cú sốc giá cả hay sự xuất hiện rào cản thương mại mới. Điều này một phần do chủng loại mặt hàng xuất khẩu
còn nghèo nàn, tập trung vào một số ít hàng xuất khẩu chủ lực, thiếu đột phá. Tỷ trọng kim ngạch các mặt hàng quan trọng nhất trong xuất khẩu chỉ giảm từ 80,8% năm 2004 và 79,5% năm 2006 xuống 76,7%, 73,0% và 68,8% trong 3 năm tiếp theo. Nếu bỏ dầu thô ra khỏi nhóm các mặt hàng xuất khẩu chính thì tỷ trọng các mặt hàng khác trong tổng kim ngạch xuất khẩu gần như không đổi. Năm 2004, tỷ trọng các mặt hàng này là 59,3% thì năm 2007, 2008 và 2009 lần lượt là 59,2%, 56,4% và 57,8%.
Xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào các mặt hàng thô như khoáng sản (dầu thô, than đá), nông, lâm, thủy sản; trong khi các mặt hàng công nghiệp chế biến (như dệt may, da giày, điện tử và máy tính) về cơ bản mang tính chất lắp ráp, gia công với GTGT thấp. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu các mặt hàng sử dụng công nghệ thấp vẫn chiếm tới 44,5% tổng giá trị kim ngạch (không kể dầu thô). Tỷ trọng giá trị xuất khẩu các mặt hàng sử dụng công nghệ cao và công nghệ trung bình tăng chậm từ 14,5% năm 2004 lên 18,1% năm 2008. Chất lượng hàng xuất khẩu còn không đồng đều.
Có ba yếu tố chính có ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu.
Trước hết, các yếu tố kìm hãm xuất khẩu có thể không còn là hàng rào bảo hộ tại các nước bạn hàng, mà ở mức độ nhất định là do những hạn chế mang tính cơ cấu nội tại nền kinh tế như năng suất có hạn, khả năng cạnh tranh thấp do quy trình thủ tục xuất khẩu vẫn còn chưa thuận tiện, chi phí liên quan đến dịch vụ hậu cần (chuyên chở, bưu chính viễn thông, kho bãi, cảng) và dịch vụ tài chính ngân hàng còn cao. Công nghiệp phụ trợ chưa phát triển nên phải nhập hầu hết nguyên vật liệu để sản xuất hàng xuất khẩu; giá trị gia tăng không cao. Mặt khác, hạn chế trong từng ngành sản xuất về chất lượng sản phẩm (bao gồm cả an toàn vệ sinh thực phẩm), mẫu mã, tiếp thị,... cũng là các yếu tố kìm hãm đáng kể.
Yếu tố thứ hai là khả năng chủ động nắm bắt những cơ hội thuận lợi để thâm nhập và khai thác các thị trường xuất khẩu còn hạn chế. Các doanh nghiệp cũng chưa tận dụng triệt để lợi ích từ việc gia nhập WTO, các hiệp định thương mại song phương và khu vực để khai thác hết tiềm năng của các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Trung Quốc... Công tác xúc tiến thương mại nhỏ lẻ, rời rạc, hiệu quả chưa cao.
Yếu tố thứ ba là biến động của nền kinh tế toàn cầu. Hội nhập sâu rộng hơn làm tăng trưởng xuất khẩu nhiều mặt hàng, nhất là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực nhưng cũng làm cho các mặt hàng này biến động mạnh cùng với thăng trầm của nền kinh tế thế giới, nhất là của các bạn hàng chính. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu dệt may suy
giảm và kim ngạch xuất khẩu gạo tăng đột biến là hai thí dụ điển hình minh chứng cho điều này.