Từ khi mở cửa nền kinh tế, cán cân thương mại của Việt Nam luôn rơi vào tình trạng thâm hụt. Mức độ thâm hụt thương mại càng nghiêm trọng hơn khi Việt Nam gia nhập WTO. Kể từ năm 2007- 2009, mức thâm hụt thương mại của Việt Nam lần lượt là 14,12 tỷ USD; 18,03 tỷ USD và 12,8 tỷ USD. Hai quý đầu năm 2010, nhập siêu đã lên mức 6,92 tỷ USD tăng gần 3 lần so với cùng kì năm 2009. Cán cân thương mại thâm hụt tăng lên mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh là do mức tăng của xuất khẩu không bằng mức tăng của hoạt động nhập khẩu.
Biểu đồ 6: Cán cân thương mại của Việt Nam từ năm 2007-2009
( Nguồn: Tổng cục hải quan)
Khởi nguồn của sự mất cân đối thương mại của Việt Nam là từ sự hạn chế về năng lực xuất khẩu cũng như nhập khẩu. Xuất khẩu có những khiếm khuyết nhất định làm hạn chế khả năng gia tăng xuất khẩu nhanh hơn so với nhập khẩu, đó là:
- Việt Nam chưa thực sự hội nhập hoàn toàn vào chuỗi giá trị trong khu vực và chỉ đóng vai trò là nơi thực hiện hoạt động lắp ráp cho các tập đoàn đa quốc gia chứ chưa trở thành cơ sở sản xuất với giá trị gia tăng cao.
- Các doanh nghiệp trong nước có tỷ trọng đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước không lớn trong khi tỷ trọng nhập khẩu của khu vực này lại cao hơn nhiều so với khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cho thấy năng lực hoạt động của khối doanh nghiệp trong nước còn kém và chưa thực sự đem lại hiệu quả kinh tế tương xứng.
- Cơ cấu đầu tư của Việt Nam chưa thực sự mang lại giá trị gia tăng, với lượng đầu tư ít ỏi vào các lĩnh vực hỗ trợ phát triển các ngành phụ trợ hoặc dây chuyền sản xuất sử dụng nhiều đầu vào nội địa. Chính vì tỷ trọng nhập khẩu trong sản xuất xuất khẩu rất cao, chiếm tới 2/3 giá xuất xưởng nên mọi biện pháp làm tăng chi phí của hàng nhập khẩu sẽ giúp hạn chế nhu cầu nhập khẩu nhưng cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng xuất khẩu của Việt Nam.
- Hàng hoá xuất khẩu chưa đa dạng, tập trung vào một số ngành hàng như dầu thô, dệt may, thuỷ sản, nông sản và giày dép. Do vậy, Việt Nam dễ chịu ảnh hưởng
tiêu cực khi có sự biến động lớn về giá hàng hoá cũng như biến động trong nhu cầu ở thị trường nước ngoài.
- Khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái kinh tế tại các nước phát triển làm thu hẹp nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam dẫn đến sự sụt giảm lớn trong năm 2009.
Từ góc độ nhập khẩu, có một số yếu điểm trong nhu cầu trong nước dẫn tới sự phụ thuộc đáng kể vào nhập khẩu. Cụ thể là:
- Như đề cập ở trên, tỷ lệ nhập khẩu trong sản phẩm xuất khẩu ở mức khá cao dẫn tới thực tế là nếu xuất khẩu muốn tăng lên thì nhất thiết nhập khẩu sẽ tăng.
- Việt Nam là một nền kinh tế chuyển đổi, nhu cầu đối với công nghệ và máy móc hiện còn rất cao và cần phải nhập khẩu từ nước ngoài. Các dự án cơ sở hạ tầng lớn của khu vực tư nhân và nhà nước, ví dụ như nâng cấp cảng hoặc đầu tư cơ sở hạ tầng là đường xá, làm gia tăng thâm hụt thương mại nhưng sẽ gián tiếp nâng cao năng lực xuất khẩu trong tương lai.
- Nền kinh tế phát triển nóng làm cho dòng vốn FDI tăng mạnh. Đầu những năm 2000, vốn FDI tập trung vào các ngành sản xuất phục vụ thị trường trong nước đã tạo ra nhu cầu nhập khẩu để đầu tư trong khi không tạo ra tiềm năng xuất khẩu, đến giữa những năm 2000, FDI tập trung vào công nghiệp chế tạo phục vụ xuất khẩu, làm gia tăng cả nhập khẩu (nhập đầu vào nguyên liệu, bán thành phẩm và máy móc thiết bị) lẫn xuất khẩu, còn một vài năm gần đây, FDI có dấu hiệu tập trung nhiều hơn vào xây dựng, du lịch và thị trường bất động sản, làm tăng thêm nhu cầu nhập khẩu vật liệu xây dựng và máy móc công nghiệp nặng, đồng thời chỉ tạo ra chút ít lợi thế cho tăng xuất khẩu.
- Sự biến động trong giá hàng hoá thế giới dẫn tới hoạt động đầu cơ hàng hoá, nên nhiều hàng hoá được nhập khẩu để tích trữ trước khi giá tăng.
- Dự đoán đồng tiền Việt Nam sẽ mất giá làm gia tăng đột biến vàng nhập khẩu trong năm 2007, 2008 và 2009 vì vàng được coi là tài sản đầu tư an toàn.
- Việc áp dụng các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại và nâng cao các dịch vụ hỗ trợ thương mại đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho xuất khẩu nhưng cũng đồng thời thúc đẩy cả hoạt động nhập khẩu.
- Thu nhập ở Việt Nam tăng lên tạo thêm nhu cầu đối với hàng tiêu dùng và xa xỉ phẩm.
- Áp dụng thuế nhập khẩu thấp hơn đối với thương mại hàng hoá theo FTA trong nội khối ASEAN (AFTA), FTA giữa ASEAN với Trung Quốc (ACFTA), và việc gia nhập WTO trong 2007, làm cho hàng nhập khẩu trở nên rẻ đi tương đối so với các sản phẩm trong nước và phù hợp hơn với túi tiền của dân chúng nên đã tạo ra tỷ lệ tiêu dùng hàng nhập khẩu cao hơn.