Tỷ giá USD/VND lại tiếp tục tăng đà tăng trong 4 tháng đầu năm, đặc biệt sau khi NHNN thực hiện nới rộng biên độ tỷ giá lên +/-5% khiến cho tỷ giá ngoại tệ LNH đã có đợt tăng đột biến và giao dịch trên thị trường tự do tiến sát mức 18.000 VND. Trong bối cảnh nguồn ngoại tệ ròng vào VN là dương trong 4 tháng đầu năm thì yếu tố chính khiến cho tỷ giá USD/VND tăng mạnh lại là do sự găm giữ ngoại tệ khiến cho cung ngoại tệ giảm mạnh.
Từ tháng 1 đến tháng 3, tỷ giá liên NH dao động từ 17.450-17.700 VND, cách giá trần từ 0-200 VND, còn thị trường tự do cao hơn tỷ giá LNH khoảng 100 VND.
Trong tháng 1, tỷ giá LNH dao động xung quanh mức 16.970-16.976 VND, tỷ giá giao dịch của các NHTM thì xung quanh mức 17.380-17.485 VND, đối với giá mua và 17.840- 17.485 VND đối với tỷ giá bán ra, còn thị trường tự do thì tăng lên từng ngày trong khoảng 17.340-17.700 VND với tỷ giá mua vào, 17.380-17.770 VND với tỷ giá bán và đạt cao nhất là vào ngày 24/1 là 17.700-17.770 VND
Sang tháng 2 và tháng 3, tỷ giá vẫn tiếp tục ổn định ở nửa tháng đầu quanh mức 16.975- 16.981 VND đối với tỷ giá LNH, còn tỷ giá trên thị trường tự do vẫn tiếp tục tăng. Tỷ giá vào thời điểm thấp nhất là 17.570-17.600 VND và cao nhất là 17.680-17.730 VND. Tỷ giá của các NHTM cũng tương đối ổn định, xoay quanh mốc 17.480-17.488 VND, tuy
nhiên cũng có nhiều NHTM công bố tỷ giá mua vào cũng như tỷ giá bán ra bằng nhau do nguồn cung lúc này đang khan hiếm dần trong khi nhu cầu vay USD của doanh nghiệp thì đang cao gây áp lực ngân hàng phải đi tìm nguồn. Dù NHNN đã cho phép biên độ tỷ giá lên mức +/- 3%, tỷ giá của các NH đã tăng kịch trần cho phép, nhưng tỷ giá của các NH vẫn thấp hơn trên thị trường tự do từ 150 – 261 VND trong tháng 1. Chênh lệch tỷ giá giữa NHTM và thị trường tự do khiến không ít doanh nghiệp có nguồn thu USD chọn nơi có lợi hơn để bán càng làm cho mức chênh lệch lớn hơn. Ngày 20/3, thị trường tự do bất ngờ gây sốc khi lên tới mức 18.000 VND dù tỷ giá LNH vẫn ở mức 16.974 đồng, tỷ giá giảm nhiệt ngay ngày hôm sau và có xu hướng tăng trong những ngày tiếp theo. Nguyên nhân của hiện tượng này là do tin đồn về việc tăng giá USD và thiếu USD trên thị trường. Ngày 23/3, NHNN đưa ra quyết định mới biên độ tỷ giá từ +/-3% lên +/-5%. Có thể nói là quyết định của NHNN vào thời điểm đó là tương đối thích hợp bởi vì cung cầu ngoại tệ trên thị trường vẫn có sự chênh lệch. Tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng luôn chạm mức kịch trần cho phép (khoảng 17.500 VND), và giá USD tại thị trường tự do luôn cao hơn mức kịch trần tại các NH. Điều này cho thấy các giao dịch trên thị trường ngoại tệ chưa thực sự phản ánh đúng tính thị trường, và luôn có áp lực cần điều chỉnh giảm giá đồng VND so với USD. Việc NHNN nới rộng thêm biên độ tạo điều kiện cho các NH có thể giao dịch ở một khoảng rộng hơn. Đây là lần thứ tư kể từ trong năm 2008, NHNN nới mạnh biên độ tỷ giá giữa VND với USD. Khác với những lần trước, lần điều chỉnh này khá bất ngờ với thị trường, cả ở thời điểm và mức độ khiến tỷ giá USD/VND bình quân LNH giảm mạnh từ mức 16.980 VND xuống dưới 16.940 VND ngay ngày hôm sau. Tại các NHTM, giá USD bán ra vọt lên 17.700 VND. Những ngày tiếp theo, tỷ giá vẫn có chiều hướng đi lên, tuy nhiên chênh lệch giữa tỷ giá của các NHTM và tỷ giá trên thị trường tự do không còn lớn như trước nữa mà giảm xuống mức thấp hơn 100 đồng.
Nguyên nhân của đợt tăng giá này là do ảnh hưởng của cung cầu ngoại hối, vốn ODA giải ngân chỉ đạt 198 triệu USD, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 6 tỷ, giảm 40% so với cùng kì năm 2008 nhưng chỉ giải ngân được 1,44 tỷ, giảm 14% so với quý 1 năm 2008. Nguồn thu kiều hối do tình hình kinh tế thế giới suy thoái cũng không khả quan. Thời điểm này, các đồng tiền khác trong khu vực cũng có xu hướng mất giá so với USD (chẳng hạn Rupee của Ấn Độ mất giá 18%, Rupiah của Indonesia mất giá 14%, Peso của Philipinnes mất giá 13%), việc tăng tỷ giá sẽ giúp Việt Nam tiếp tục duy trì sức cạnh tranh với những nước này.Thị trường ngoại tệ cũng phải chịu áp lực rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh suy thoái kinh tế, trong đó có cả các nguồn vốn đầu tư gián tiếp.Theo tính toán, số vốn nước ngoài đầu tư cả cổ phiếu và trái phiếu tại Việt Nam thời điểm này khoảng còn từ 3-4 tỷ USD (so với hồi đỉnh cao 8-9 tỷ USD)
Từ tháng 4 - tháng 9, tỷ giá trên 2 thị trường dao động từ khoảng 18.180-18.500 VND. Trong tháng 4, tỷ giá bình quân LNH liên tục giảm và xuống thấp nhất là mức 16.934 VND trong khi tỷ giá trên thị trường tự do thì tăng liên tục, vượt qua mốc 18.000 VND, có lúc áp sát mốc 18.300 VND vào ngày 20, trong khi đó, các NHTM thì niêm yết giá đạt mức kịch trần cho phép và giá mua bằng với giá bán.
Vào thời điểm này, cung cầu ngoại tệ không quá căng thẳng. Cán cân thương mại đã có sự cải thiện đáng kể khi trong quý I/2009, số liệu thống kê cho thấy kim ngạch xuất khẩu đạt 14,14 tỷ USD (theo giá FOB) tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2008; kim ngạch nhập khẩu đạt 11,81 tỷ USD (theo giá FOB), giảm 41,3% so với cùng kỳ năm 2008. Do vậy, cán cân thương mại thặng dư 2,32 tỷ USD trong khi cùng kỳ năm 2008 thâm hụt 6,95 tỷ USD. Cán cân vãng lai quý 1/2009 thặng dư ở mức 2,6 tỷ USD, ngược hẳn với mức thâm hụt 6,1 tỷ USD của cùng kỳ năm 2008.
Tổng nguồn vốn huy động bằng ngoại tệ quý 1/2009 tăng 3,6% so với cuối năm trước. Số tiền gửi ngoại tệ của cá nhân khoảng 9 tỷ USD, của các tổ chức là 10 tỷ USD và vẫn có xu hướng tăng lên. Dự trữ ngoại hối đã tăng khá so với những năm trước kia và tính tới năm 2008 đã tương đương 20 tuần nhập khẩu.
Như vậy, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ yếu tố tâm lý, lòng tin của doanh nghiệp và người dân đối với đồng tiền quốc gia, làm tăng nhu cầu găm giữ ngoại tệ.
Hoạt động đầu cơ đã xuất hiện, khiến cho cung- cầu ngoại tệ trên thị trường bị méo mó, đẩy tỷ giá lên cao. Trong điều kiện các kênh đầu tư khác như vàng, USD, chứng khoán, bất động sản,... lên xuống thất thường do các yếu tố thế giới, trong nước, động thái lướt sóng diễn ra mạnh cũng tác động đến tỷ giá.
Trước tình hình đó, ngày 22/4/2009, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có công văn số 2879/NHNN-QLNH yêu cầu các tổ chức tín dụng được phép cung ứng dịch vụ ngoại hối kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động ngoại hối khiến cho USD ngay trong ngày giao dịch hôm đó giảm khá mạnh xuống mức 18.150 VND. Tỷ giá vẫn giữ mức ổn định trong những ngày tiếp theo, tuy nhiên các NHTM vẫn niêm yết giá mua và giá bán bằng nhau với biên độ kịch trần cho phép và hiện tượng này kéo dài sang tận tháng 5. Tỷ giá mua bán của các NHTM chỉ chênh lệch trở lại từ ngày 26/5.
Những diễn biến trên thị trường ngoại hối trong nước vẫn chủ yếu là do yếu tố tâm lý. Doanh nghiệp và người dân đều biết nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục đương đầu với những khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Các nguồn cung ngoại tệ cho nền kinh tế đều giảm sút, thậm chí một số lĩnh vực còn giảm sút rất mạnh. Suy nghĩ đó đã tạo ra tâm lý lo ngại sự mất giá mạnh của VND dẫn đến găm giữ ngoại tệ. Theo số liệu thống kê
của Ngân hàng Nhà nước, số dư tiền gửi ngoại tệ của các tổ chức kinh tế tăng liên tục trong suốt 4 tháng đầu năm 2009. Tiền gửi ngoại tệ của cả nền kinh tế tăng 3,35%. Đây là hiện tượng không bình thường khi mà hàng năm, số dư tiền gửi của tổ chức kinh tế lên xuống khá mạnh theo chu kỳ xuất, nhập khẩu, tạo ra sự lưu thông của nguồn ngoại tệ nhằm tự điều tiết cung, cầu ngoại tệ trên thị trường. Bốn tháng đầu năm 2009 số ngoại tệ này hầu như đóng băng. Bên cạnh đó, hoạt động đầu cơ trên thị trường chợ đen cũng thừa cơ trỗi dậy. Nắm được tâm lý của doanh nghiệp và người dân, giới đầu cơ chủ động đưa ra các tin đồn thất thiệt, thậm chí còn tự tạo ra các đợt sóng trên thị trường ngoại tệ để mua bán kiếm lời.
Ngoài ra, còn có yếu tố khách quan. Từ cuối năm 2008, Chính phủ đã đưa ra các gói gồm nhiều giải pháp đồng bộ chống khủng hoảng, trong đó có nhóm giải pháp hỗ trợ 4% lãi suất vay vốn ngân hàng bằng VND cho cả ba kỳ hạn: ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Việc tiến hành hỗ trợ lãi suất vay VND 4% đã đưa mặt bằng lãi suất vay VND thực tế của doanh nghiệp và dân cư xuống 5 - 6% (một số trường hợp còn thấp hơn). Mặt bằng lãi suất này cũng bằng mặt bằng lãi suất cho vay ngoại tệ của hệ thống NHTM. Điều này vô hình chung đã khuyến khích các doanh nghiệp có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tiến hành vay vốn bằng VND để mua ngoại tệ của các NHTM thay vì vay vốn bằng ngoại tệ bởi vì hiệu quả kinh tế như nhau lại không bị rủi ro về biến động tỷ giá. Thậm chí nhiều doanh nghiệp đang có số dư vay vốn NH bằng ngoại tệ cũng tìm mọi cách vay VND mua ngoại tệ để trả nợ trước hạn vốn vay ngoại tệ cho NH. Số liệu thống kê cho thấy 4 tháng đầu năm 2009 tăng trưởng tín dụng nói chung của cả nền kinh tế là 11,6%, trong khi đó tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ lại giảm 2,5%. Thực tế này đã làm tăng đột biến nhu cầu ngoại tệ trong nền kinh tế.
Bên cạnh đó, còn có hiện tượng phổ biến là nhiều doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ, dùng ngoại tệ để thế chấp vay VND. Theo tính toán gửi ngoại tệ tại ngân hàng để lấy lãi suất 2% đến 3%, vay VND sau hỗ trợ phải trả từ 5% đến 6%, như vậy thực tế phải trả lãi vốn vay ngân hàng ở mức 2% - 3%. Điều này khiến nguồn cung ngoại tệ giảm sút, tác động làm tăng tỷ giá hối đoái.
Đến nửa đầu tháng 6, tỷ giá theo công bố của NHNN liên tục tăng nhẹ từng ngày. Tỷ giá USD/VND của các NHTM cũng bám sát diễn biến trên, luôn kịch trần biên độ cho phép. Ngày 3/6, 5 NHTM lớn đã thống nhất giảm lãi suất tiền gửi USD xuống còn 1,5% ở nhiều kì hạn. Ngoài 5 thành viên trên, một số ngân hàng cổ phần khác cũng bắt đầu điều chỉnh giảm, nhưng mức độ nhỏ hơn. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cũng đã có công văn gửi các thành viên kêu gọi nhập cuộc theo hướng điều chỉnh này. Mục tiêu chung mà VNBA đề cập là tạo được một sự đồng thuận nhằm kéo lãi suất cho vay xuống, kích thích
doanh nghiệp trở lại vay vốn bằng USD, góp phần phá tan băng tình trạng găm giữ ngoại tệ ở doanh nghiệp…
Ngày 17/6, tỷ giá LNH tăng cao nhất ở mức 16.952 VND sau 3 tháng liên tục ở dưới mốc 16.950 VND và tiếp tục tăng dần trung bình mỗi ngày 1 đồng cho đến hết tháng 7, tỷ giá của các NHTM lại tiếp tục hiện tượng giá mua và giá bán niêm yết bằng nhau. Lúc này trên thị trường xuất hiện rất nhiều lo ngại cho rằng cán cân thanh toán có nhiều khó khăn, khiến cho thiếu hụt ngoại tệ trên thị trường nhưng theo tính toán của NHNN, so với năm 2008, các yếu tố kinh tế vĩ mô của Việt Nam về cơ bản đã chuyển biến theo hướng tích cực hơn. Sáu tháng đầu năm 2009, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam đã nhập siêu khoảng 2,1 tỷ USD chỉ bằng 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác, kế hoạch cả năm của Bộ Công Thương nhập siêu chỉ ở mức dưới 20% so với kim ngạch xuất khẩu, tương đương dưới 10 tỷ USD cho cả năm 2008. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tính đến hết tháng 6/2009 chỉ tăng 2,68% so với cuối năm 2008. Đồng thời dòng vốn đầu tư gián tiếp đang có xu hướng chuyển vào. Vốn FDI thực hiện 6 tháng đầu năm đạt khoảng 4 tỷ USD, các khoản vay của WB, ADB cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tăng lên từ 1,2-1,5 tỷ USD so với kế hoạch cũ, ODA giải ngân khoảng 1,27 tỷ. Nguồn kiều hối, lao động nước ngoài gửi về 6 tháng đầu năm cũng ở mức 2,83 tỷ USD, tuy có giảm so với năm 2008 nhưng không giảm nhiều. Vì vậy diễn biến trên thị trường ngoại tệ chỉ có thể giải thích là do người dân và doanh nghiệp có ngoại tệ găm giữ ngoại tệ đầu cơ. Sang tháng 8, hiện tượng găm giữ ngoại tệ của các doanh nghiệp đã giảm rất nhiều, đặc biệt vào ngày 10/8, các ngân hàng đã bán ra 150 triệu USD, nhưng mua vào 221 triệu USD, có nghĩa là mua ròng 71 triệu USD. Cung cầu ngoại tệ đã bớt căng thẳng, tính thanh khoản trên thị trường ngoại tệ có những chuyển biến tích cực, ngoài hoạt động bán ra từ phía doanh nghiệp, NHNN cũng đã có động thái bán ra để hỗ trợ các NHTM. Trên thị trường liên ngân hàng, tổng doanh số giao dịch tuần giữa tháng 8 đạt 2 tỷ USD, bình quân đạt 400 triệu USD/ngày. Tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ LNH sau khi lên đến mốc 16.970 VND cũng đã giảm xuống còn 16.964 VND (ngày 12/8) và tăng dần vào cuối tháng. Tỷ giá LNH lên trên mức 16.980 VND vào ngày 10/9. Trong lịch sử, tỷ giá bình quân LNH cao nhất ghi nhận ở mức 16.989 VND của ngày 25/12/2008 - ngày mà lần đầu tiên NHNN trực tiếp tăng một bước 3%, từ mức 16.494 VND. Từ thời điểm đó đến trung tuần tháng 2/2009, tỷ giá bình quân LNH được áp dụng quanh mốc 16.980 VND. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, biên độ tỷ giá quy định ở mức +/-3% nên giá USD của các NHTM phổ biến chỉ ở dưới 17.500 VND. Từ cuối tháng 3/2009, tỷ giá bình quân LNH bắt đầu giảm mạnh, có ngày giảm gần 10 VND. Đây được xem là một sự điều chỉnh “cân đối” với chính sách biên độ mới, khi từ ngày 24/3/2009 NHNN bắt đầu nới biên độ
từ +/-3% lên +/-5%. Từ cuối tháng 7, tỷ giá bình quân LNH bắt đầu tăng trở lại; vẫn thấp hơn so với những ngày cuối năm 2008, nhưng do có biên độ lớn hơn nên giá USD của các NH đã lên mức cao nhất từ trước tới nay. Tỷ giá đã vượt đỉnh vào ngày 28/9 với mức 16.994 VND. Các NHTM vẫn áp mức giá mua vào bán ra bằng nhau.