Giai đoạn quý 1/2008

Một phần của tài liệu MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA BIẾN ĐỘNG TỶ GIÁ TỚI HOẠT ĐỘNG XUẤT NHẬP KHẨU CỦAVIỆT NAM THỜI KÌ HẬU WTO (Trang 42)

Đầu năm 2008, tỷ giá còn dao động quanh mức 16.000 – 16.200 VND, thì đến giữa tháng 3/2008, tỷ giá giảm xuống còn 15.400 VND/USD. Sự sụt giảm này bắt nguồn từ các biện pháp của Chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, giá tiêu dùng tháng 1/2008 đã tăng 2,38% so với tháng 12/2007 và tăng 14,11% so với tháng 1 cùng kỳ năm 2007. Với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ngày 30/1/2008, NHNN thông báo điều chỉnh các lãi suất: lãi suất cơ bản từ 8,25%/năm tăng lên 8,75%/năm, tăng 0,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn từ 6,5%/năm tăng lên 7,5%/năm, tăng 1,0%/năm; lãi suất chiết khấu từ 4,5%/năm tăng lên 6,0%/năm, tăng 1,5%/năm… Ngày 13/2, NHNN thông báo phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước bằng VND vào ngày 17/3 dưới hình thức bắt buộc đối với 41 NHTM với tổng giá trị tín phiếu phát hành là 20.300 tỷ đồng, kỳ hạn là 364 ngày, lãi suất là 7,80%/năm. Đồng thời trên thị trường thế giới giá trị đồng USD vẫn tiếp tục suy giảm, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục cắt giảm lãi suất cơ bản. Tháng 1, Mỹ cắt giảm lãi suất xuống còn 3% từ mức 4,25% của thời điểm cuối năm 2007, đến tháng 3 lãi suất tiếp tục giảm chỉ còn 2,25%. Hệ quả tức thời của các tác động trên là nhu cầu về đồng VND cao, gây ra hiện tượng khan hiếm tiền mặt, thừa USD giữa các NHTM. Vào thời điểm đó, USD/VND xuống rất thấp, tỷ giá của các NHTM luôn ở mức dưới tỷ giá LNH. Người dân không còn giữ USD như trước mà chuyển sang mua vàng hoặc giữ tiền đồng để gửi tiết kiệm hưởng lãi suất cao. Chênh lệch lãi suất VND và USD lớn đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài chuyển từ USD sang VND. Các NHTM một mặt phải chạy đua lãi suất với nhau, diễn ra một cuộc cạnh tranh gay gắt nhằm thu hút lượng VND để đủ tiền mua tín phiếu bắt buộc của NHNN, mặt khác phải cầu cứu NHNN mua bớt ngoại tệ để khai thông dòng chảy cho đồng USD, giải ngân để lấy tiền đồng hỗ trợ thanh khoản khi cung vốn cạn dần. Các doanh nghiệp nhập khẩu không thể bán USD vì lỗ nặng. Trước tình hình này, để giữ cho hệ thống ngân hàng không rơi vào tình trạng mất thanh khoản, nhưng vẫn theo chủ trương tăng giá VND kiềm chế lạm phát; ngày 10/3/2008, NHNN đã quyết định mở rộng biên độ mua, bán ngoại tệ của các NHTM so với tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng từ +/-0,75% lên +/-1%, tỷ giá LNH được giảm dần. Ngoài ra, NHNN cũng tung ra thị trường 33.000 tỷ đồng vay ngắn hạn; gấp 1,5 lần số lượng tiền định rút về qua tín phiếu bắt buộc, làm cho lạm phát tăng nhanh hơn vào những tháng sau, ảnh hưởng đến tỷ giá. Tỷ giá giao dịch LNH từ 1/1/2008 đến 26/3/2008 chỉ được NHNN điều chỉnh giảm từ 16.112 xuống 15.960 (1,3%). Trong khi đó, trên thị trường tự do, giá giao dịch USD đã có lúc xuống 15.500 VND/USD.

Tuy nhiên, vào những ngày cuối tháng 3/2008, thị trường đảo chiều, VND không thể tăng giá. Trong 1 tuần tính từ ngày 21/3 đến 28/3 tỷ giá USD/VND đã tăng 280-298 VND, tăng kịch trần +1% so với quy định của NHNN. Tỷ giá công bố của các NHTM tăng lên mức phổ biến 16.080-16.120 VND. Mặc dù vậy NHNN vẫn giữ tỷ giá LNH ở mức ổn định 15.960. Đây cũng là mức thấp nhất của tỷ giá LNH tính từ đầu năm 2008.

Nguyên nhân là do CPI tháng 3 tiếp tục ở mức cao 2,99%, đưa chỉ số giá tiêu dùng 3 tháng đầu năm lên 9,19%, bên cạnh đó NHNN áp đặt trần lãi suất huy động không vượt quá 12%/năm nhằm chấp dứt tình trạng các NHTM đua lãi suất, ảnh hưởng đến tâm lý người dân khi giữ tiền đồng, lạm phát cao, lãi suất thực âm, ai cũng muốn giữ tiền để mua sắm hàng hóa,… vì lo ngại giá của hàng hóa sẽ tiếp tục tăng. Nhập siêu quý I/2008 tới 7,3 tỷ USD do một phần nhiều nhà đầu tư chứng khoán chuyển vốn sang vàng, khiến cầu vàng tăng mạnh và doanh nghiệp vàng bạc đang phải huy động nhiều USD để nhập khẩu vàng. Vào thời điểm đó, Việt Nam nhập trên 30 tấn vàng, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ hằng năm, nhu cầu ngoại tệ đối với nhập khẩu tăng khá mạnh. Đồng thời với tác động của việc giá USD liên tục tăng làm cho những DN khác dù chưa đến hạn thanh toán cũng yêu cầu mua USD để tránh rủi ro làm cho cầu USD tăng mạnh hơn.

Biểu đồ 3: Diễn biến giá USD bán ra của Vietcombank tháng 3/2008

(Đơn vị: VND)

Một phần của tài liệu MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA BIẾN ĐỘNG TỶ GIÁ TỚI HOẠT ĐỘNG XUẤT NHẬP KHẨU CỦAVIỆT NAM THỜI KÌ HẬU WTO (Trang 42)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(90 trang)
w