Mục tiêu của chính sách tỷ giá

Một phần của tài liệu MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA BIẾN ĐỘNG TỶ GIÁ TỚI HOẠT ĐỘNG XUẤT NHẬP KHẨU CỦAVIỆT NAM THỜI KÌ HẬU WTO (Trang 73)

Trên cơ sở những chủ trương của Đảng và Nhà nước, chính sách tỷ giá trong giai đoạn tới cần tập trung vào một số mục tiêu lớn sau đây:

giá hối đoái ổn định tương đối, được xác định trên cơ sở sức mua thực tế của đồng Việt Nam với các ngoại tệ, tương quan cung cầu ngoại tệ trên thị trường. Đồng thời không ngừng nâng cao uy tín của đồng Việt Nam trên cơ sở ổn định vững chắc giá trị của đồng Việt Nam. Uy tín của đồng nội tệ có một vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, sự mất uy tín về mặt tiền tệ sẽ dẫn đến những biến động về kinh tế – tài chính và gây nguy hại đến tích luỹ, đầu tư nội địa, giảm sức thu hút đối với nguồn đầu tư từ nước ngoài, làm tăng nguy cơ lạm phát. Hiện nay uy tín của đồng Việt Nam trên trường quốc tế vẫn chưa cao, do vậy nhất thiết cần phải ổn định đồng bản tệ, nâng giá trị đồng bản tệ, đưa đồng bản tệ trở thành đồng tiền được sử dụng duy nhất trong quốc gia.

b. Hướng đồng Việt Nam thực hiện vai trò chủ quyền tiền tệ quốc gia, phối hợp với chính sách ngoại hối nói chung để ngăn chặn tình trạng đô la hoá nền kinh tế, tạo đầy đủ các điều kiện thuận lợi về kinh tế, pháp chế để đồng Việt Nam thực sự thực hiện được chức năng của nó và tăng cường vai trò của đồng tiền trong đời sống kinh tế, đặc biệt là trong thanh toán lưu thông và phương tiện cất trữ. Đối với bất cứ quốc gia nào, chủ quyền tiền tệ có ý nghĩa rất quan trọng. Với tình trạng đô la hoá như hiện nay ở nước ta, vô hình chung chính sách tiền tệ của nước ta có phần nào bị phụ thuộc tương đối vào chính sách tiền tệ của Mỹ. Điều hành chính sách tỷ giá của ta sẽ hết sức khó khăn bởi lẽ chúng ta bị lệ thuộc lớn vào biến động của tỷ giá đồng đô la Mỹ từ bên ngoài, đồng thời NHNN cũng không nắm bắt kịp thời được khối lượng tiền trong lưu thông (khi đô la được sử dụng thanh toán như nội tệ). Ngoài ra, do hiện tượng đô la hoá cao, chức năng của đồng Việt Nam bị giảm sút, phạm vi điều chỉnh của NHNN bị thu hẹp, khả năng đối phó với lạm phát sẽ gặp nhiều khó khăn. Như vậy, để tránh tình trạng lệ thuộc vào bên ngoài trên lĩnh vực tiền tệ, sau đó là kinh tế, chính trị…, sử dụng chính sách tỷ giá và các biện pháp quản lý ngoại hối khác để đảm bảo tính chủ quyền của đồng Việt Nam là một vấn đề cấp bách. Sau khi ra khỏi khủng hoảng tài chính – tiền tệ, hệ thống tài chính – tiền tệ của nước ta đã từng bước được cải thiện, tạo tiền đề cho thực hiện chủ quyền về tiền tệ. Tuy nhiên, một mình chính sách tỷ giá không đủ sức để giải quyết hiện trạng này, cần có nhiều chính sách khác phối hợp như chính sách quản lý ngoại hối, chính sách ngoại thương, kết hợp với cải cách nhanh trong hệ thống tài chinh ngân hàng, đặc biệt là hệ thống thanh toán, đảm bảo uy tín, ổn định giá trị và sức mua của đồng Việt Nam.

c. Góp phần tạo các tiền đề thuận lợi, cần và đủ để mở rộng hình thức, nội dung, phạm vi chuyển đổi của đồng Việt Nam, tiến tới chuyển đổi hoàn toàn trên lãnh thổ đồng Việt Nam. Trong nền kinh tế thị trường, sự chuyển đổi hoàn toàn của đồng

nội tệ có ý nghĩa quan trọng đối với bất cứ quốc gia nào. Chuyển đổi tự do đồng tiền không những sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong thanh toán mà còn góp phần tối ưu hoá sử dụng ngoại tệ, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đưa nền kinh tế hoà nhập vào hệ thống buôn bán quốc tế, tham gia các khối kinh tế (như khối ASEAN) và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng mở cửa. Với thực trạng của Việt Nam hiện nay, vấn đề khả năng chuyển đổi tự do của đồng Việt Nam ở trong lãnh thổ là có thể đạt tới trong tương lai không xa. Tuy nhiên, để có sự chuyển đổi hoàn toàn cả đối nội lẫn đối ngoại là một vấn đề cần phải từng bước giải quyết. Thực tế, hướng tới chuyển đổi hoàn toàn là cả một quá trình gồm nhiều bước, đòi hỏi có những điều kiện kinh tế, chính trị, tiền tệ đầy đủ. Nền kinh tế phải được phát triển liên tục và bền vững, uy tín của đồng tiền và của Nhà nước phải được duy trì và cải thiện, lạm phát ổn định ở mức thấp, dự trữ ngoại tệ đủ mạnh, cơ cấu kinh tế – tiền tệ phù hợp với trào lưu quốc tế…

d. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư, khuyến khích XK, hạn chế NK nhằm góp phần tăng dự trữ ngoại tệ cả về phạm vi, số lượng và cơ cấu các đồng tiền.

Là một nước nghèo đang trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế, vấn đề vốn ngoại tệ là không thể thiếu, đặc biệt là thực lực dự trữ của quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu NK công nghệ, máy móc, ngoài ra còn là cơ sở để vận hành các chính sách kinh tế - tiền tệ, có thể can thiệp khi cần thiết. Nước ta có số nợ nước ngoài lớn, nhu cầu ngoại tệ cho nền kinh tế và trả nợ đến hạn thanh toán tăng nhanh, vì vậy dự trữ ngoại tệ lại càng phải được quản lý hợp lý và không ngừng được bổ sung. Ngoài ra, với nền sản xuất nhỏ còn lạc hậu, sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam trên thị trường quốc tế còn yếu, cho nên cần kết hợp chính sách tỷ giá với các chính sách hỗ trợ khác để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp XK có được vị thế mạnh trên thị trường quốc tế.

Tóm lại, bốn mục tiêu lớn trên của chính sách tỷ giá là những mục tiêu cơ bản, quan trọng nhất đối với việc hoạch định chính sách tỷ giá trong thời gian tới, các mục tiêu này cần phải đạt tới một cách đồng bộ và được hỗ trợ lẫn nhau. Về cơ bản, các mục tiêu có mối quan hệ nội tại hữu cơ tương đối chặt chẽ. Mục tiêu chủ quyền tiền tệ, khả năng chuyển đổi tự do chỉ có thể đạt được nếu đồng Việt Nam có uy tín cao, ổn định về giá trị, ngược lại khi đồng tiền Việt Nam mở rộng hình thức, nội dung, phạm vi chuyển đổi thì uy tín của đồng tiền ngày càng nâng cao và chủ quyền của đồng tiền sẽ được tăng lên, giúp tăng dự trữ quốc gia. Trong khi đó, chỉ khi dự trữ quốc gia đủ mạnh, có thực lực thì mới có thể tạo ra một trong những tiền đề vững chắc để đảm bảo duy trì khả năng chuyển đổi của đồng Việt Nam, tăng cường khả năng điều hành của Nhà nước trong lĩnh vực tỷ giá, thực hiện chính sách tiền tệ.

Một phần của tài liệu MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA BIẾN ĐỘNG TỶ GIÁ TỚI HOẠT ĐỘNG XUẤT NHẬP KHẨU CỦAVIỆT NAM THỜI KÌ HẬU WTO (Trang 73)