Trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật

Một phần của tài liệu Phật giáo đại việt dưới triều đại lý trần (1009 1400) (Trang 82)

Đóng góp về văn học

Thời Lý

Ở giai đoạn này tồn tại hai bộ phận văn học song song: văn chương yêu nước và văn học Phật giáo. Nếu như văn chương yêu nước với những áng bất

hủ như Phạt Tống lộ bố văn, Nam quốc sơn hà…đã đem lại hùng tâm bi tráng

cho cả một dân tộc thì mảng văn chương Phật giáo lại nhẹ nhàng, sâu lắng, trầm tích nhiều triết lý hoặc tươi tắn, gợi cảm giác thanh bình.

Các tác phẩm trong Thiền uyển tập anh được xem là những thành tựu

tiêu biểu của văn học thời này vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay. Đặc điểm nổi bật của văn học đời Lý là một đội ngũ hùng hậu “văn nhân, thi sĩ” khoác áo cà sa: Đỗ Pháp Thuận, Mãn giác, Viên Thông, Dương Không Lộ, Quảng Nghiêm…Các thiền sư thời Lý đã góp phần không nhỏ vào kho tàng văn học cổ Việt Nam. Sáng tác của các thiền sư tập trung thuyết lý cho đạo Phật nhưng vẫn chứa đựng những yếu tố xã hội tích cực và có giá trị văn học. Dưới đây là một số bài thơ tiêu biểu như thơ của Thiền sư Vạn Hạnh:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô Nhận vận thịnh suy vô bố úy Thịnh suy như lộ thảo đầu phô

Dịch

Thân như bóng chớp có rồi không Cây cối xuân tươi thu não nùng Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông.

Hay bài thơ của thiền sư Mãn Giác đã trình bày về cái quy luật sinh sinh hóa hóa của vạn vật và thiên nhiên:

Xuân khứ bách hoa lạc Xuân đáo bách hoa khai Sự trục nhãn tiền quá Lão tòng đầu thượng lai Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Dịch

Xuân ruổi, trăm hoa rụng Xuân tới, trăm hoa cười Trước mắt, việc đi mãi Trên đầu, già đến rồi

Dừng tưởng, xuân tàn hoa rụng hết Đêm qua, sân trước một cành mai.

Các vị Cao tăng Phật giáo và các Phật tử thuần thành , nhất là những tác giả sống trong một quốc gia hòa bình và phát triển, bằng những tác phẩm của mình đã khiến cho những âm điệu của thơ ca đời Lý đạt tới đỉnh cao. Những bài thơ giác ngộ này đã góp một phần quan trọng vào kho tàng văn hóa của dân tộc.

Thời Trần

Văn học thời Trần có nhiều thể loại như: truyện ký, chính sự, sử học, thơ văn, phú hịch...Điểm đặc biệt là hầu hết những sáng tác đều xuất thân từ các thiền sư. Các thiền sư ở đây cũng chính là các vị vua, đồng thời là nhà văn, nhà thơ với những áng thơ văn bất hủ. Vua Trần Thái Tông đã sáng tác

nhiều tác phẩm như: Thiền tông chỉ nam, Kim Cương Tam Muội Kinh chú giải, Bình đẳng lễ sám văn, Lục thời sám hối khoa nghi, Khóa hư lục, Thi tập.

Phật tâm ca là tác phẩm văn học thiền được viết bằng thể ca do Tuệ

Trung thượng sĩ sáng tác bằng chữ Hán gồm 12 khổ, 55 câu.

Vua Trần Nhân Tông có các tác phẩm tiêu biểu: Cư trần lạc đạo phú, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, Thiền lâm chiết thủy ngữ lục, Thượng sĩ ngữ lục…

Pháp Loa tôn giả để lại các tác phẩm: Thạch Thất Mị Ngữ niệm tụng, Tham thiền yếu chỉ, Pháp Hoa Kinh Khoa sớ, Pháp Sự Khoa Văn…

Huyền Quang để lại các tác phẩm: Chư Phẩm kinh, Công văn tập, Thích khoa giáo.

Lịch sử đã sang trang, quá khứ cũng lùi xa, thế nhưng những áng văn, những vần thơ của các thiền sư vẫn còn hiện hữu với những giá trị đích thực của nó, vẫn tỏa hương ngào ngạt trong vườn hoa thi ca thời đại và mãi mãi là hạt châu long lánh giữa muôn ngàn châu báu trong kho tàng quốc bảo Đại Việt.

Đóng góp về nghệ thuật

Nghệ thuật cũng có bước phát triển mới. Thời Lý – Trần, những công trình nghệ thuật Phật giáo được xây dựng ở khắp mọi nơi như chùa Một Cột (Hà Nội), chùa Dâu (Bắc Ninh), chùa Phật Tích (Bắc Ninh), chùa Dạm (Bắc Ninh)…Người Trung Quốc đã từng nói tới An Nam tứ đại khí là Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh), Tháp Báo Thiên (Hà Nội), Chuông Quy Điền (Hà Nội), Vạc Phổ Minh (Nam Định).

Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều – Quảng Ninh) xây dựng vào khoảng thế kỷ XI, tượng Di Lặc đúc bằng đồng cao 24m, đặt trong tòa tháp điện cao 30m.

Tháp Báo Thiên (còn gọi là Đại Thắng Tư Thiên Bảo Tháp) là một công trình kiến trúc đồ sộ do vua Lý Thánh Tông cho xây dựng ở Thăng Long cùng với chùa Báo Ân năm 1057 để tạ ơn trời Phật.

Chuông Quy Điền (Ruộng rùa) đường kính của miệng chuông rộng 1,5m, cao 12m, nặng vài vạn kg. Quả chuông này bị giặc Minh phá hỏng để làm súng đạn và ống phun lửa.

Vạc Phổ Minh đúc bằng đồng vào thời Trần Nhân Tông (1279 – 1293), vạc sâu 1,6m, rộng 4m, nặng 7 tấn, vạc to mức có thể nấu được một con bò mộng, trẻ con có thể nô đùa trên miệng vạc.

Phật giáo ra đời ở Ấn Độ và lan truyền sang các nước láng giềng. Và Phật giáo du nhập vào Việt Nam đã hơn 2000 năm. Qua mỗi chặng đường lịch sử, Phật giáo đểu có những đặc điểm riêng. Phật giáo thời kỳ Lý – Trần không phải là một trường hợp ngoại lệ. Dưới thời Lý – Trần Phật giáo mang nhiều đặc điểm, ví dụ như Phật giáo mang tính tổng hợp, tính nhập thế…Điều này không chỉ giúp chúng ta phân biệt Phật giáo ở giai đoạn này với giai đoạn khác mà còn Phân biệt Phật giáo ở nước ta so với các nước trên thế giới.

Triều Lý và Triều Trần là hai vương triều sùng Phật nhất trong lịch sử Việt Nam. Chính sách sùng Phật được đặt trên nền tảng của đường lối tôn giáo khoan hòa, bình đẳng đã góp phần quan trọng đặc biệt vào sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo trong thế hòa đồng với các tôn giáo, tín ngưỡng khác cùng hướng tới mục tiêu chung là sự chấn hưng phồn thịnh, thái bình của xã tắc và an lạc của chúng sinh. Nhờ vậy Phật giáo đã phát huy vai trò tích cực của mình. Về chính trị, Phật giáo xây dựng một nền tư tưởng độc lập, thống nhất, đồng thời góp phần đoàn kết dân tộc trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc để xây dựng và bảo vệ nước nhà độc lập, thống nhất. Về xã hội, Phật giáo có tác động không nhỏ đến đường lối cai trị đất nước đó là xây dựng một xã hội khoan dung nhân hòa, mọi người cùng thương yêu và sẻ chia với nhau trong cuộc sống. Về văn hóa, dưới sự ảnh hưởng của Phật giáo rất nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật và các tác phẩm văn học ra đời

có giá trị cho đến tận ngày hôm nay.

Một phần của tài liệu Phật giáo đại việt dưới triều đại lý trần (1009 1400) (Trang 82)