Phật giáo Đại Việt thờiLý-Trần mang tính tổng hợp

Một phần của tài liệu Phật giáo đại việt dưới triều đại lý trần (1009 1400) (Trang 67)

Tổng hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian

Sự kết hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng bản địa tạo nên cái mà người ta gọi là “dòng Phật giáo dân gian” và nó cũng đã tồn tại lâu dài trong lịch sử nước ta. Nước ta vốn là một xứ sở gắn liền với nghề nông nghiệp trồng lúa nước, nên con người sớm nảy nở các hiện tượng tự nhiên: mây, mưa, sấm, chớp…Khi mà Phật giáo du nhập vào nước ta đã bén rễ ngay vào tư tưởng này. Sự hỗn dung ấy biểu hiện ra ở Thạch Quang Phật, tượng Tứ Pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện ở chùa Luy Lâu (nay là chùa Dâu ở Thuận Thành, Bắc Ninh). Điều đó cho ta thấy tín ngưỡng buổi ban đầu ở nước ta đã hòa ngay vào triết lý văn hóa, tín ngưỡng bản địa, đó là triết lý “mẹ sinh”.

Cư dân nông nghiệp còn thờ phổ biến Trời, Đất. Người Việt thờ Trời, Đất gọi là thờ Thổ Công, Thổ Địa. Tục thờ trời đất cũng tác động vào chùa,

không có ngôi chùa nào không có bàn thờ ông Thổ Địa ( thể hiện ông mặt đỏ, râu dài, đội mũ cách chuồn, mặc áo long bào, ngồi trên bục hai bên có lính hầu), bàn thờ ông Thiên Lôi. Việc thờ thần Thổ Địa có ngôi chùa còn lập đền thờ riêng như chùa Tây Phương (Hà Nội).

Tín ngưỡng thờ thần cũng phát triển phổ biến ở cấp độ làng. Thần làng ấp là những vị có công đánh giặc ngoại xâm, những vị có công lập làng khai hoang mở đất, những vị tổ nghề, thần còn là hồn thiêng sông núi. Từ đó, dẫn tới một số nhà sư trở thành thần thánh và được thờ trong chùa, theo kiểu “tiền Phật hậu thánh”. Nhà sư Từ Đạo Hạnh được tôn làm thánh. Ông được thờ trong chùa Láng (Hà Nội) quê ông và ở chùa Thầy (Hà Tây) nơi ông tu hành trút xác đầu thai.

Trong đời sống tâm linh người Việt, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên diễn ra sâu rộng nhất so với các loại hình kể trên. Thờ cúng tổ tiên mang ý nghĩa là nhớ về cội nguồn, biết ơn cha mẹ là người nuôi nấng, dạy dỗ, sinh thành ra ta và là thần linh phù hộ cho ta trong cuộc sống thường ngày. Đối với Phật giáo lý tưởng cao quý nhất là mong thành Phật để lên cõi Niết Bàn, không có gì vương vấn ở cõi trần thế này. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên tác động vào chùa thành hình thức thờ Sư Tổ như chùa Diên Phúc thời Lý, nhưng mạnh mẽ là phải kể từ khi Nho giáo được đề cao, với việc coi trọng hiếu đễ. Việc thờ Tổ trong chùa đã làm cho chùa trở thành một gia đình gia tộc. Ca dao có câu:

“Tu đâu cho bằng tu nhà Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”

Tổng hợp Phật giáo-Nho giáo-Đạo giáo

Sỡ dĩ Nho – Phật – Đạo cùng tồn tại trong thời kỳ này có thể giải thích từ những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, tâm linh người Việt luôn cởi mở, bao dung. Người Việt đã

tiếp thu những yếu tố ngoại lai phục vụ cho nhu cầu tâm linh xã hội của mình đồng thời cải biến các yếu tố đó sao cho phù hợp.

Thứ hai, những cái khác nhau của Nho, Phật, Đạo lại bổ sung cho nhau:

Nho giáo lo tổ chức xã hội sao cho quy củ, Đạo giáo lo thể xác con người sao cho khỏe mạnh, Phật giáo lo cho tâm linh con người sao cho thoát khổ.

Thứ ba, do nhà nước Lý – Trần đã chủ trương một chính sách khoan

dung hòa hợp và chung sống hòa bình giữa các tín ngưỡng tôn giáo. Vì vậy các tôn giáo đều được quan tâm, phát triển.

Dưới thời Lý – Trần, Phật giáo có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Phật giáo được coi là quốc giáo. Hầu hết các vua nhà Lý, nhà Trần đều tôn sùng đạo Phật, bỏ nhiều tiền của xây dựng chùa tháp, cúng ruộng cho chùa, tạc tượng, đúc chuông, dịch kinh, soạn sách Phật…

Nho giáo được du nhập vào Việt Nam ngay từ thời Bắc thuộc dưới một phương thức giao lưu văn hóa cưỡng chế, vì vậy, trong hơn mười thế kỷ, nó vẫn chỉ là một lớp váng mỏng đọng lại trong tầng lớp ưu tú, ảnh hưởng đến xã hội rất nhỏ bé. Đến thời Lý – Trần, nó đã trở thành một nhu cầu tư tưởng thiết yếu cho việc xây dựng một thiết chế quân chủ tập quyền theo mô hình Đông Á Trung Hoa, cũng như những nguyên lý cơ bản của phép trị nước, trong đó biện pháp chiến lược là chế độ khoa cử. Do vậy, các nhà vua sùng Phật thời Lý – Trần vẫn cần đến sự bổ trợ của Nho giáo. Thời Lý, Nho giáo được Nhà nước chấp nhận, nhưng vẫn giữ một vị trí khá khiêm tốn. Năm 1070, Lý Thánh Tông cho xây dựngVăn Miếu, thờ Chu Công, Khổng Tử và các vị tiên hiền, làm nơi dạy học Hoàng Thái Tử. Năm 1075, Lý Nhân Tông xuống chiếu tuyển Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường. Lê Văn Thịnh. Năm 1076, mở trường Quốc Tử Giám. Năm 1086, triều đình lập Hàn Lâm Viện, nho sĩ Mạc Hiển Tích bổ làm Hàn Lâm học sĩ. Tháng 2 năm 1232, triều đình tổ chức khoa thi Thái học sinh và xếp hạng đệ nhất giáp, đệ nhị giáp, đệ tam

giáp, học vị này về sau gọi là Tiến sĩ. Năm 1247, nhà Trần đặt danh hiệu tam khôi (ba học vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa) dành cho ba người thi đỗ xuất sắc trong các kì thi Đình…Tầng lớp Nho sĩ đời Trần ngày càng phát triển, trong đó có những gương mặt tiêu biểu như Lê Văn Hưu, Nguyễn Trung Ngạn, Trương Hán Siêu, Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An…

Thời Lý – Trần, Nho giáo chỉ là nền văn hóa giáo dục chứ chưa phải là hệ tư tưởng thống trị xã hội. Mặt khác nó bị hạn chế trong những giai tầng thượng lưu trí thức mà chưa thấm sâu vào tầng lớp bình dân làng xã.

Ngoài Phật giáo, Nho giáo thì Đạo giáo cũng được lan truyền. Thời Lý các Đạo sĩ luôn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh. Họ thường được triều đình mời vào cung làm các lễ tống trừ ma quỷ vào các dịp lễ Tết, đi trấn yểm các vùng sông núi, làm phép cầu đạo…Những Đạo sĩ nổi tiếng thời ký này như Thông Huyền đạo nhân, Giác Hải thiền sư…Năm 1250, vua Trần Thái Tông nhờ đạo sĩ cung Thái Thanh cầu tự cho vua để vua có Hoàng Thái tử thứ 6 là Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật. Khi đánh giặc Mông – Nguyên lần thứ 3 (1288), vua Trần Nhân Tông cho người đến bói quẻ…

Có thể nói rằng sự kết hợp nhuần nhuyễn, dung hợp giữa Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo đã tạo nên một nền văn minh Đại Việt rực rỡ và tinh hoa. Dù đồng hành tồn tại, song trong “Tam giáo đồng nguyên” thời Lý – Trần, đạo Phật vẫn đóng vai trò chủ đạo. Phật giáo thời Lý – Trần là tinh hoa, là đỉnh cao của Phật giáo và văn hóa Việt Nam vì chính Phật giáo đã làm nên cái chất Đại Việt, cái hào khí Đông A của thời đại, tạo nên bước nhảy vọt về tư tưởng của dân tộc ta lúc bấy giờ làm nên sự hồi sinh mạnh mẽ của dân tộc ta sau hơn một ngàn năm bị phương Bắc đô hộ.

Tổng hợp giữa các tông phái Phật giáo

Phật giáo truyền vào nước ta chủ yếu là ba tông phái lớn: Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông.

Thiền là yếu tố căn bản của đạo Phật để thấy được chân tâm và làm chủ bản thân trước mọi sự vật, hiện tượng, hay trước mọi hoàn cảnh mà tâm minh luôn tự tại. Thiền học là phương pháp giác ngộ bằng tự lực của chính bản thân mình soi ngược vào nội tâm. Cho nên trong các pháp môn tu của Phật giáo, kết quả của sự công phu là làm cho định lực phát sinh nơi chính tự thân, có như vậy mới mong thoát khỏi sự chìm đắm trước mọi dòng chảy của cuộc đời. Hầu hết các hành giả đều phải có nội lực thông qua thiền định mới có thể dẫn dắt mọi người. Thời Lý có ba thiền phái cùng tồn tại và phát triển: thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi, thiền phái Vô Ngôn Thông, thiền phái Thảo Đường. Sang đến thời Trần, ba thiền phái hợp nhất thành Thiền phái Trúc Lâm. Đây là thiền phái do người Việt sáng lập.

Mật giáo du nhập vào Việt Nam theo chân các nhà truyền giáo Ấn Độ, phù hợp với Phật giáo quyền năng và tín ngưỡng thần linh bản địa. Với thuật sấm vĩ, trì chú, chiết phục trấn áp cái ác, khuyến tu điều thiện, Mật pháp được các thiền sư sử dụng làm phương tiện thu phục quần chúng, mục đích nhờ tha lực hỗ trợ truyền bá chánh pháp và công năng luyện tập của mình để giúp đời. Nhiều vị thiền sư đời Lý như Vạn Hạnh, Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không… đều giỏi pháp thuật và có tài thần thông biến hóa. Sang đến thời Trần, để củng cố và phát triển Phật giáo Trúc Lâm, các vua và thiền sư đời sau có xu hướng đưa thêm Mật giáo vốn đã rất thịnh từ thời Lý vào hệ thống học thuyết Trúc Lâm. Mật giáo được phát triển trở lại từ thời Anh Tông và Pháp Loa, nổi bật nhất trong xu hướng này là thiền sư Huyền Quang.

Tịnh độ là pháp tu tha lực, hành giả nương nhờ Phật lực tiếp dẫn vãng sinh sang cõi nước Tịnh độ để tiếp tục thuận duyên tu hành. Đây là pháp môn dễ tu, dễ phổ cập mọi tầng lớp quần chúng. Còn đối với các thiền sư lúc bấy giờ, niệm Phật tức là niệm tâm, Phật tức tâm, tâm tức Phật. Ở pháp tu này chỉ rõ cõi Tịnh độ hay Niết bàn chính là mục tiêu để hành giả đạt tới nếu như

không thể tự mình đi tới giác ngộ. Ở Phật giáo Trúc Lâm, trước đó vua Trần Thái Tông cũng nói về niệm Phật qua tác phẩm Niệm Phật luận và coi trọng cả ba hình thức đọc kinh, tọa thiền, niệm Phật. Khuynh hướng dung hòa Thiền và Tịnh ở Trần Thái Tông đặt cơ sở trên quan điểm kết hợp tự lực với tha lực. Vua Trần Nhân Tông có sử dụng pháp môn Tịnh độ đó là di vật gọi là xá lợi của Ngài hiện còn lưu giữ tại chùa Hương, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Ngôi chùa này là nơi Ngài lưu binh về thế thủ trước sự tấn công ồ ạt của giặc Mông – Nguyên, để rồi củng cố tướng sĩ, lập nên lời nguyện bằng hai chữ “sát thát”.

Về phương pháp luận, ba pháp môn này khó có thể cùng sử dụng thực hành đồng thời, bởi mục tiêu và cách hành trì khác nhau. Song vua Trần Nhân Tông là người làm cho ba pháp môn hòa quyện nhau trong Phật giáo Trúc Lâm, trở thành thiền phái mang đủ ba yếu tố: Thiền – Tịnh – Mật. Điều này khác với các thiền phái khác. Ví dụ, ở Trung Hoa đã là thiền thì chỉ chuyên nhất về thiền mà không có sự pha trộn với các pháp môn khác. Chính vì vậy, thiền của Vua Phật Trần Nhân Tông là thiền phái đặc thù của dân tộc Việt Nam.

Một phần của tài liệu Phật giáo đại việt dưới triều đại lý trần (1009 1400) (Trang 67)