Tình hình Phật giáo Việt Nam trước thế kỷ XI

Một phần của tài liệu Phật giáo đại việt dưới triều đại lý trần (1009 1400) (Trang 27)

Thế kỷ thứ I, Luy Lâu trở thành một trung tâm phật giáo lớn, có đến hơn 500 vị tăng ni xuất gia, dịch được 15 bộ kinh và xây được hơn 20 chùa tháp.

Năm 189 CN, tập luận thuyết đầu tiên về đạo Phật được viết bằng chữ

Hán được viết tại Giao Châu đó là cuốn “Lý hoặc Luận” của Mâu Tử, một

người Trung Hoa trước theo Lão giáo, về sau ngụ tại Giao Chỉ, theo học đạo

Phật ở đây và trở thành một Phật tử rất thuần thành. Tác phẩm “Lý hoặc luận”

của Mâu Tử đã trực diện phê phán Nho giáo, nền tảng tư tưởng của chính quyền phong kiến phương Bắc. Mâu Tử là một người Hán, từng học sách Nho, ông rất hiểu Nho giáo nên khi đứng về lẽ phải để bảo vệ chân lý thì sự phê phán của ông vô cùng xác đáng. Ông không chỉ chỉ ra những điểm hạn chế của Nho giáo mà còn chỉ ra những giá trị của văn hóa Việt và bày tỏ quan điểm phê phán thói ngạo mạn, tự phụ nước lớn của Trung Quốc, đề cao lối

sống hòa đồng, bình đẳng. Cùng với sách “Lý hoặc luận”, ở Giao Châu khi

ấy, nhiều kinh điển Phật giáo đầu tiên được dịch ra tiếng Hán. Ví như kinh

“Tứ thập nhị chương” (kinh 42 chương) đã phổ biến những quan điểm cơ bản

về Phật, pháp, tăng, về Niết bàn, Luân hồi, Nghiệp báo, từ bi, bố thí, diệt dục và cả về thiền định.

Sang thế kỷ III, IV có ba nhà truyền giáo nước ngoài đến hoằng pháp tại Giao Châu là các Ngài Khương Tăng Hội, Ngài Chi Cương Lương Tiếp và Ngài Ma Ha Kỳ Vực. Khương Tăng Hội là người gốc Khang Cư, nước Khương (vùng Trung Á, gần Ấn Độ), nhưng sinh ra, lớn lên và xuất gia đầu Phật ở Giao Châu khoảng thế kỷ thứ III. Ông được xem như là người khởi đầu Thiền học Đại Thừa Việt Nam và cũng là người đầu tiên đem Thiền học sang miền Giang Đông (Trung Quốc). Cùng thời với Khương Tăng Hội còn có Chi Cương Lương người nước Chi (một tiểu quốc thuộc Bắc Ấn Độ) cũng thuộc hệ phái Phật giáo Đại thừa và cũng có khuynh hướng thiền học, tới Giao Châu vào khoảng giữa thế kỷ III. Ở đây ông đã dịch và quảng bá nhiều kinh Phật. Ma Ha Kỳ Vực vốn là người Ấn Độ từng đến Phù Nam rồi sang Giao Châu, Quảng Châu, Lạc Dương và trở về Ấn Độ khoảng cuối thế kỷ III.

Đến thế kỷ V, có hai thiền sư xuất hiện là Đạt Ma Đề Bà và Huệ Thắng (người Việt). Thiền sư Đạt Ma Đề Bà người Ấn Độ đến Giao Châu vào giữa thế kỷ thứ V giảng dạy về phương pháp thực hành thiền học, đề cao triết lý Phật tại tâm với tứ pháp “Chính tâm, nhất ý, hưng thiện, diệt ác”. Thiền sư Huệ Thắng là người địa phương, là một trong những học trò của ông, từng được mời sang giảng về thiền pháp Đại thừa ở Bành Thành (Trung Quốc).

Như vậy, cùng với Nho giáo, Phật giáo cũng được đưa vào vùng Dâu – Luy Lâu ngay từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Phật giáo có sự kết hợp và chuyển hóa lẫn nhau với tín ngưỡng dân gian một cách tự nhiên, hài hòa. Đó là sự hình thành Phật tổ Man Nương (hay còn gọi là Phật Mẫu Man Nương và Tứ Pháp (Pháp vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện).

Đến thế kỷ thứ VI, Lý Bí khởi nghĩa đánh đuổi được quân Lương, giành lại độc lập dựng nước Vạn Xuân. Trong thời gian ở ngôi vua ngắn ngủi của mình (541 – 547), ông đã cho dựng chùa Khai Quốc (mở nước), hiện là chùa Trấn Quốc ở Hà Nội ngày nay. Cùng với hệ thống chùa Tứ pháp, những

ngôi chùa khởi nguyên của Phật giáo Giao Châu, nay còn thấy nhiều ở các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tây, cũng như ở Hà Nội nay vẫn còn tên chùa Bà Đàn (Giàn), cùng với việc vua Tùy Văn Đế gửi hòm xá lỵ sang Giao Châu, để chia thờ ở chùa Pháp Vân (chùa Dâu) cùng với những chùa tháp nổi tiếng khác ở Châu Phong (Vĩnh Phúc), Trường Yên (Ninh Bình), Châu Ái (Thanh Hóa), Châu Hoan (Nghệ Tĩnh) đã nói lên Phật giáo lúc này đã mở rộng ra khắp xứ Giao Châu.

Từ thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ IX, Phật giáo có sự phát triển mạnh mẽ, nổi bật với sự du nhập thêm hai thiền phái Thiền tông của Phật giáo Trung Quốc. Phái Thiền tông Nam Phương do Tì Ni Đa Lưu chi, người Nam Thiên trúc, dòng dõi Bà La Môn sáng lập. Ông lúc trẻ sang Tây Thiên Trúc nghiên cứu Phật đạo, sau sang Trung Quốc đến Trường An, Hà Nam rồi về trụ trì ở chùa Chế Chỉ (Quảng Châu). Năm 580 ông sang Giao Châu trụ trì

chùa Pháp Vân (Thuận Thành, Bắc Ninh), dịch kinh Tổng trì. Ông qua đời

vào năm 594 dưới thời Tùy. Đệ tử của ông là Pháp Hiền, được ông truyền tâm ấn cho. Pháp Hiền dựng tháp ở chùa Pháp vân và các chùa danh tiếng ở Phong Châu, Hoan Châu, Trường Châu, Ái Châu. Phái Thiền tông Nam phương phát triển mạnh, đặc biệt là vùng Từ Sơn (Bắc Ninh). Dòng phái này đã đem đến nhiều tư tưởng lớn mà đại diện là những bậc cao tăng sau này đã làm sống động tinh thần Phật giáo và tích cực tham gia đóng góp trong công cuộc củng cố xây dựng đất nước cho các triều đại Việt Nam. Đặc biệt, từ dòng phái này yếu tố Mật giáo được đẩy lên như một trào lưu mới, người tu học Mật giáo không còn chỉ là của tăng sĩ nước ngoài nữa, mà các tăng sĩ Việt Nam cũng đã nắm bắt được những tinh hoa, những nghi quỹ cốt lỗi của pháp

tu Mật giáo. Trong “Việt Nam Phật giáo sử luận”, Nguyễn Lang nhận xét: “Thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi bắt nguồn từ tư tưởng Bát Nhã, Tam luận và Hoa Nhiêm, có khuynh hướng thiên vọng về Mật giáo, theo tinh thần bất lập

văn tự nhưng vẫn chú trọng sự nghiên cứu kinh luận, chủ trương thực tại siêu việt không hữu, chú trọng việc truyền thụ tâm ấn, có khuynh hướng nhập thế giúp dân và biết sử dụng các thuật phong thủy sấm vĩ. Thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi hầu như chỉ chịu ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ mà ít chịu ảnh hưởng của Trung Hoa. Đây là một thiền phái rất có tính cách dân tộc Việt Nam, vừa biểu lộ sinh hoạt tâm linh siêu việt của Phật giáo vừa biểu lộ được đời sống thực tế và đơn giản của quần chúng nghèo khổ” [8, tr.178].

Sau thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi, đến năm 820, thiền phái Vô Ngôn Thông từ Trung Quốc du nhập sang Việt Nam. Đây là Thiền phái chủ trương thuyết đốn ngộ, tức là trong một giây lát có thể đạt được vị giác ngộ, khỏi cần đi qua nhiều giai đoạn. Thiền phái Vô Ngôn Thông tuy có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng với tinh thần từ bi bình đẳng, bác ái, khi được du nhập vào Việt Nam cũng đã phát triển rực rỡ, ít ra cũng được trên dưới 400 năm. Nhiều vị đệ tử là những bậc cao tăng Việt Nam đã có những cống hiến xứng đáng như Đa Bảo, Khuông Việt Đại sư…

Có thể nói hai dòng phái Tì Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình đấu tranh giành độc lập của dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng Tổ quốc khi đất nước giành được chủ quyền.

Dưới thời Bắc thuộc, mặc dù bị phương Bắc đô hộ nhưng Phật giáo vẫn có điều kiện để phát triển. Sang đến thời Ngô, Đinh, Tiền Lê Phật giáo ngày càng được quan tâm chú trọng.

Năm 938, dưới sự lãnh đạo của Ngô Quyền, nhân dân ta đã giành chiến thắng oanh liệt trước quân xâm lược Nam Hán, khẳng định quyền tự chủ sau hơn 1000 năm chịu ách đô hộ của phong kiến phương Bắc. Dưới thời nhà Ngô, Phật giáo không có gì nổi bật. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi xưng Đế, đặt Quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đặt kinh đô ở Hoa Lư, mở ra thời kỳ độc lập và thống nhất, phát triển lâu dài trong lịch sử Việt Nam. Đạo Phật thời này

cũng không là ngoại lệ, đã phát triển đến đỉnh cao và tham dự vào nhiều sự kiện hệ trọng của đất nước. Ngay từ buổi đầu xây dựng triều đình, cùng với việc bổ nhiệm các quan văn, quan võ, Đinh Tiên Hoàng cũng rất chú ý đến các chức quan coi quản về tôn giáo, như: Tăng thống Ngô Chân Lưu, Tăng lục Trương Ma Ni, Sùng Chân uy nghi Đặng Huyền Quang. Nhà Đinh chủ trương lấy Phật giáo làm chỗ dựa tinh thần để khẳng định thái độ độc lập với Nho giáo. Các sư tăng đã trở thành rường cột của triều đình và Phật giáo có điều kiện để phát triển. Tuy nhiên, mô hình tập quyền quân sự dựa trên sức mạnh trấn áp dường như mâu thuẫn với tư tưởng từ bi, khoan hòa của Phật giáo. Vì vậy đã dẫn tới những mâu thuẫn trong những giai đoạn lịch sử tiếp theo. Nhà Lê được thành lập thay cho nhà Đinh. Lê Hoàn lên ngôi được thừa hưởng những thành quả mà Đinh Tiên Hoàng đã tạo dựng. Đó là quan điểm của chính quyền đối với Phật giáo. Chính Đinh Tiên Hoàng là người đã phát hiện ra vai trò và giá trị của Phật giáo thì Lê Hoàn là người đã đưa ra những giá trị tư tưởng của Phật giáo và áp dụng khá triệt để những giá trị đó vào trong hành động của mình. Sau khi lên ngôi, ông đã cậy nhờ rất nhiều đến học vấn của những bậc cao tăng trí thức trong giới Phật giáo để phục vụ công cuộc trị quốc của mình. Ngay cả những sách lược đối nội, đối ngoại và quân sự, những việc trọng đại của quốc gia, Lê Hoàn đều tham vấn các bậc cao tăng Phật giáo. Thời nhà Tiền Lê có một số nhà sư nổi tiếng tham dự triều chính như Khuông Việt Đại sư, Đỗ Pháp Thuận, Ma Ha, Vạn Hạnh.

Trong số các vị cao tăng trên, Pháp Thuận là người thân cận với Lê

Hoàn ngay từ buổi đầu dựng nghiệp, “sư có công dựng bàn hoạch định sách lược, khi thiên hạ thái bình, sư không nhận chức tước của triều đình phong thưởng. Vua Lê Đại Hành lại càng thêm kính trọng, thường không gọi tên mà gọi là Đỗ Pháp sư, thường ủy thác cho sư các công việc văn hàn” [11, tr.180].

Ngoài Pháp Thuận, Khuông Việt, đại sư Ngô Chân Lưu cũng là người

được Lê Hoàn rất mực chú trọng, “phàm các việc quân quốc triều đình, sư đều được tham dự” [11, tr.42].

Trong các bậc cao tăng phò trì cho Lê Hoàn, không thể không nhắc tới

sư Vạn Hạnh. Theo sách Thiền uyển tập anh thì khi quân Tống kéo sang xâm

lược nước ta, vua Lê Đại Hành mời sư đến hỏi tình thế đánh bại thế nào, nhà

sư đáp: “Chỉ trong ba, bảy ngày giặc tất phải lui, sau quả đúng như vậy. Vua muốn đi đánh Chiêm Thành cùng bàn bạc với triều thần, nhưng chưa quyết, sư đề nghị vua xin cấp tốc tiến quân, nếu không sẽ lỡ dịp. Vua bèn đem quân đi đánh, quả nhiên thu được toàn thắng” [11, tr.188]. Dự báo của ông là niềm

tin tất thắng, là nguồn sức mạnh tinh thần vô địch của triều đình và nhân dân Đại Cồ Việt. Nhà sư Vạn Hạnh sau này chính là nhà tư tưởng, trụ cột về tinh thần cho công cuộc khơi dựng vương triều Lý đầu thế kỷ XI.

Ngoài ba vị cao tăng trên, Ma Ha cũng là một vị chân tu có phẩm chất đặc biệt. Tuy không thường xuyên ra vào cung trực tiếp giúp cho vua, nhưng

Thiền sư cũng có những đóng góp cho đất nước, cho dân tộc. Theo sách Thiền uyển tập anh, Thiền sư Ma Ha được Lê Hoàn ba lần thỉnh mời về triều để hỏi

han việc nước nhưng sư chỉ chắp tay từ chối, khiến vua bực mình, vua cho nhốt vào chùa Vạn Tuế trong đại nội. Nhưng cũng chính vì tính khẳng khái ấy khiến vua lại càng thêm kính nể. Trên thực tế việc “hoằng dương Phật pháp” là để đem lại an lạc cho chúng sinh, theo quan niệm của vua cũng là cống hiến cho dân tộc, cho đất nước.

Có thể nói rằng nếu từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ X là giai đoạn Phật giáo du nhập vào Việt Nam thì Phật giáo giai đoạn tiếp theo, cụ thể thời Lý – Trần, là giai đoạn Phật giáo phát triển cực thịnh. Phật giáo từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ X là giai đoạn đặt nền móng vững chắc để ở giai đoạn tiếp theo

Phật giáo có vai trò không nhỏ trong công cuộc dựng nước và giữ nước đối với lịch sử dân tộc.

Một phần của tài liệu Phật giáo đại việt dưới triều đại lý trần (1009 1400) (Trang 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)