Tình hình Phật giáo thời nhà Trần

Một phần của tài liệu Phật giáo đại việt dưới triều đại lý trần (1009 1400) (Trang 56)

2.2.3.1. Các dòng phái Phật giáo - Thiền phái Trúc Lâm - Thiền phái Trúc Lâm

Như chúng ta đã biết bắt đầu từ vua Thánh Tông nhà Lý, cả ba dòng phái đều song song tồn tại và phát triển, và đều có đóng góp cho triều đại nhà Lý. Những ngôi chùa lớn, danh tiếng hầu như đề gắn với các dòng phái, các bậc cao tăng như chùa Lục Tổ của dòng Tì Ni Đa Lưu Chi, chùa Kiến Sơ thuộc dòng Vô Ngôn Thông và chùa Khai Quốc thuộc dòng phái Thảo Đường. Mục đích tu hành của các dòng phái là như nhau, đó là “Thượng cầu đạo Phật, hạ họa chúng sinh”. Đối với bản thân thì chuyên cần, tinh tiến tu hành để đạt tới giải thoát và giác ngộ. Đối với xã hội thì thực thi trách nhiệm của người tu hành thuyết pháp độ sinh. Thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi hình thành tại Việt Nam vào thế kỷ thứ VI, đến cuối triều Lý, dòng phái Tì Ni Đa Lưu Chi đã tồn tại gần sáu trăm năm. Thiền sư cuối cùng của dòng phái Tì Ni Đa Lưu Chi là Quốc sư Viên Thông. Sau đó, tuy dòng phái Tì Ni Đa Lưu Chi vẫn còn một số cao tăng, nhưng lại trụ trì ở chùa khác, chùa đình Lục Tổ thiếu vắng bậc cao tăng. Chính vì vậy mà sau mấy chục năm, Thiền sư thuộc thệ hệ thứ 12 dòng thiền Vô Ngôn Thông là Thường Chiếu về đây trụ trì. Còn phái Thảo Đường vốn phát triển trong giới vua quan triều Lý, hầu như không có cơ sở xã hội rộng rãi. Xu hướng thống nhất các thiền phái đã được khởi đầu với

sư Thường Chiếu và được thực hiện với sự thành lập Thiền phái Trúc Lâm do Trần Nhân Tông sáng lập. Thiền phái Trúc Lâm đã quy tụ mọi tông phái và gần như trở thành một giáo hội thống nhất của Phật giáo Đại Việt. Đây là một dòng phái mang tính dân tộc, tính nhập thế và tính nhân bản cao.

Phật giáo Trúc Lâm gắn đạo với đời, chủ trương nhập thế, không phân biệt con đường tu hành, nêu cao trách nhiệm với dân, với nước, với sơn hà xã tắc. Phật giáo Trúc Lâm quan niệm mọi người đều có “Phật tính” và “Tâm đức Phật, Phật tức tâm” và chủ trương “tu tại tâm”, mọi người đều có thể giải thoát, giác ngộ, đều có thể thành Phật.

Phật giáo Trúc Lâm đã phát huy ảnh hưởng rộng lớn trong xã hội và đưa Phật giáo Việt Nam đạt đến đỉnh phát triển cao nhất. Phái Trúc Lâm được lưu truyền 23 thế hệ, trong đó có các vị cao tăng lỗi lạc, đã đóng góp không nhỏ cho dân tộc, cho Phật giáo như Đạo Viên, Đại Đăng, Tiêu Diêu, Huệ Tuệ, Trúc Lâm, Pháp Loa, Huyền Quang…Đây được coi là các bậc Thượng sĩ, Thánh tăng của Phật giáo Việt Nam. Cùng với các nhà tu hành suốt đời phụng sự cho đạo pháp còn có các vị vua đầu thời Trần như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Minh Tông, Trần Anh Tông. Họ không chỉ là các bậc minh quân, mà còn là những Phật tử thuần thành . Trong số đó xuất sắc nhất phải kể đến đức vua Trần Nhân Tông. Ngài vừa là anh hùng hào kiệt của dân tộc, một bậc quân vương minh triết, một nhà chiến lược đại tài, vừa là bậc chân tu vĩ đại của dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam.

- Mật giáo: Phật giáo thời Trần là Phật giáo nhất tông, nhưng như vậy

không có nghĩa là Mật tông đã tuyệt tích. Và đến thế kỷ XIV, Mật Tông xuất hiện. Tiêu biểu là thiền sư Pháp Loa và thiền sư Huyền Quang.

Khi Pháp Loa bệnh nặng, Ngài đã trao lại những ấn chứng truyền thừa cho các đệ tử, trong đó có những pháp khí thuộc truyền thừa của Mật giáo.

(1371), sư bệnh nặng, bèn đem y và tâm kệ do Điều Ngự truyền lại trao cho Huyền Quang, đem phát khí tích trượng trao cho Cảnh Ngung, phất tử trao cho Cảnh Huy, trúc bề trao cho Tuệ Quán, kinh sách và dụng cụ hành pháp trao cho Tuệ Nhiên, linh vàng trao cho Hải Ấn, chày vàng trao cho Tuệ Chúc.

Vậy có một câu hỏi được đặt ra là Pháp Loa đã tôn bậc thầy nào của Mật Tông? Tuy rằng các tài liệu không trực tiếp nói Pháp Loa tôn ai làm thầy, nhưng từ thời vua Nhân Tông và Anh Tông đã có các vị sư từ Ấn Độ, Chiêm Thành, Tây Tạng sang ta. Ngay thời vua Trần Nhân Tông đã có Du Chi Bà Lam vị sư người Hồ sang Đại Việt rồi ở lại cho đến cuối đời. Đến thời vua

Trần Minh Tông: “cũng có sư người Hồ là Bồ Đề Thất Lý sang ta, có thể nổi trên mặt nước, nhưng nằm ngửa mà nổi, không giống nhà sư Du Chi” [5,

tr.96].

Cùng với các sư người Hồ, “vào năm Giáp Thìn, Hưng Long năm thứ 12 (1304) còn có sư Du Già nước Chiêm Thành sang ta, chỉ ăn sữa bò” [5,

tr.88].

Năm 1318, một vị tăng sĩ người Ấn Độ là Ban Để Ô Sá Thất Lợi đã phụng chiếu vua Minh Tông dịch Bạch Tán Cái Thần Chú.

Như vậy, việc sư Pháp Loa học Mật giáo chăc chắn có liên quan chặt chẽ đến hoạt động của các vị sư ngoại quốc nói trên. Mật giáo đầu thế kỷ 14 dường như được khơi dậy lại.

Đến vị tổ thứ 3 của phái Trúc Lâm Yên Tử là Huyền Quang, yếu tố Mật giáo cũng biểu hiện khá rõ nét. Đó là ngày rằm tháng giêng năm Qúy Sửu (1313), sư về kinh thăm vua, rồi đến chùa Báo Ân giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm. Đây là bộ kinh có liên quan đến thiền và Mật giáo. Đặc biệt sự kiện mà Huyền Quang bị Thị Bích vu khống, khi vua cho kiểm tra lại bằng cách lập một đàn Lục Cúng, trong đó bày cả những đồ tập vật, rồi thỉnh sư tới

nữ thử mình ngày trước, liền ngửa mặt lên trời than thầm, rồi lên đàn ba lần, xuống đàn ba lần. Đứng ngay giữa đàn, vọng bái thánh hiền mười phương. Tay trái cầm bình bạch ngọc, tay phải cầm nhánh dương xanh, mặt niệm thần chú và tẩy tịnh trên dưới và trong ngoài đàn tràng. Bỗng thấy một đám mây đen hiện lên từ hướng Đông Nam, bụi bay mù mịt ngất trời. Một lát liền dứt, các thứ tạp vật cuốn bay đi hết, chỉ còn lại hương đăng lục cúng…

- Tịnh độ tông

Ngoài Mật Tông, Phật giáo đời Trần còn ảnh hưởng tư tưởng tịnh độ

tông. Trần Thái Tông có bàn về niệm Phật qua tác phẩm Niệm Phật luận và

coi trọng cả ba hình thức đọc kinh, tọa thiền, niệm Phật. Khuynh hướng dung hòa Thiền và Tịnh ở Trần Thái Tông đặt cơ sở trên quan điểm tự lực và tha lực.

Tuệ Trung Thượng sĩ chủ trương lấy thiền tu là chính nhưng Ngài có

nghiên cứu tịnh độ. Trong tập Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục có bài phú “Bảo tu nghiệp Tây phương”:

Di Đà vốn thực pháp thân ta Nam Bắc Đông Tây khắp chói lòa Trăng Thu ngự giữa trời cao lộng Đêm lặng trùng dương rạng chiếu xa.

Trong thực tế, người tu hành pháp môn niệm Phật được chia làm ba hạng: thượng, trung và hạ trí. Người hạ trí cho rằng Đức Di Đà và cảnh giới Tây Phương là một mục tiêu cần đạt đến. Người trung trí nhận được Phật Di Đà và cảnh giới Tây Phương có trong tâm ta, nhưng do bị vô minh, cầu nhiễu che lấp nên cần phải tu hành để trở về với tâm vốn Di Đà của mình. Đối với bậc thượng trí, thì Di Đà là pháp thân, sáng rỡ và có khắp cả mười phương. Thượng sĩ là người đã giác ngộ được “tính không”, vượt qua khỏi đối đãi, xem Tịnh độ Di Đà bằng con mắt của bậc giác ngộ.

2.2.3.2. Hệ thống chùa, tháp được xây dựng

Sang thời Trần, các vua triều Trần vẫn rất tôn sùng Phật giáo, nhưng do nhà Trần kết tiếp văn hóa nhà Lý, nhà Trần thừa hưởng nhiều ngôi chùa thời Lý để lại, hơn nữa thời Trần phải tập trung nhân tài vật lực cho ba lần kháng chiến chống Mông – Nguyên xâm lược (1258, 1285, 1288), nên ít thấy sử chép các vua Trần bỏ tiền xây dựng chùa, tháp. Năm 1262, vua Trần Thánh Tông cho xây dựng chùa Phổ Minh ở phía Tây cung Trùng Quang phủ Thiên Trường.

Pháp Loa đã cho mở rộng, xây dựng thêm nhiều chùa, tháp trên núi Yên Tử. Ông cho xây dựng chùa Đức La ở Yên Dũng (Bắc Giang) thành một tổ đình lớn của thiền phái Trúc Lâm. Đồng thời ông còn mở rộng hai khu chùa lớn là chùa Báo Ân ở Siêu Loại (Bắc Ninh), chùa Quỳnh Lâm ở Đông Triều (Quảng Ninh) thành những trung tâm khác của thiền phái Trúc Lâm. Riêng ở chùa Báo Ân, ông đã cho xây dựng 33 hạng mục, gồm các điện thờ Phật, gác chứa kinh, nhà tăng đường. Ngoài ra, ông còn cho xây dựng nhiều am chùa khác như am chùa Hồ Thiên, Chân Lạc, Yên Hà, Vĩnh Khê và mở rộng chùa Thanh Mai, Côn Sơn. Ông nhiều lần độ tăng ni. Năm 1329, Pháp Loa độ được 1500 tăng ni. Cho đến cuối đời Pháp Loa đã đúc được hơn 1.300 tượng đồng lớn nhỏ, tạc được hơn trăm pho tượng đất, vẽ được hai bộ tranh Phật bằng vải sơn. Trong số tượng nói trên, phải kể đến tượng Phật Di Lặc ở chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh) đúc vào năm 1327, cao hơn một trượng.

Sư Trí Nhu đã xây dựng tháp Linh Tế ở núi Dục Thúy (Ninh Bình) vào năm 1343 và tháp Hiển Diệu ở Hoa Lư vào năm 1367. Hoặc các nhà sư xây dựng chùa Hòa Long (chùa Thông) ở Vĩnh Lộc (Thanh Hóa), chùa Hương Tĩnh, chùa Hồng Lĩnh ở Can Lộc (Hà Tĩnh), chùa Hang ở núi Úc ở yên Bái.

Một phần của tài liệu Phật giáo đại việt dưới triều đại lý trần (1009 1400) (Trang 56)