Ngay từ đầu, nước ta đã tạo ra lịch sử Phật giáo riêng của mình: nàng Man, cô gái làng Dâu (Bắc Ninh), một trong những đệ tử đầu tiên của Phật giáo, trở thành Phật tổ với ngày sinh là ngày Phật đản 8 – 4.
Người Việt rất coi trọng lối sống phúc đức, ăn ở trung thực và tự tu luyện nên người cho nên có quan niệm: “Thứ nhất tu tại gia, thứ nhì là tu chợ, thứ ba là tu chùa”.
Phật giáo vào nước ta được đồng nhất với những vị thần trong tín ngưỡng truyền thống có khả năng cứu giúp mọi người thoát khỏi mọi tai họa: “Nghiêng vai ngửa vái Phật, Trời, Đương cơn hoạn nạn độ người trầm luân”; làm nên mây mưa sấm chớp để mùa màng tốt tươi (hệ thống chuà Tứ pháp), ban lộc cho những người bình dân để quanh năm làm ăn phát đạt, cứu độ cho người chết và giúp họ siêu thoát.
Tượng Phật nước ta mang dáng dấp hiền hòa với những tên gọi rất dân gian: ông Nhịn ăn mà mặc (Tuyết Sơn gầy ốm), ông Nhịn mặc mà ăn (Di Lặc
to béo), ông Bụt ốc (Thích ca tóc xoăn)…Nhiều pho tượng được tạc theo lối ngồi không phải trên tòa sen mà là chân co chân duỗi rất thỏa mái, giản dị. Trên đầu Phật Bà chùa Hương còn lấp ló lọn tóc đuôi gà truyền thống của người phụ nữ Việt.
Ngôi chùa Việt được thiết kế theo phong cách ngôi nhà cổ truyền với hình thức mái cong có ba gian hai chái…Chùa Một Cột như một lễ vật dâng lên Phật Bà với hình bong sen thanh thoát ở trên và trụ đá tròn trong hồ vuông ở dưới biểu hiện ước vọng phồn thực (no đủ và đông đúc).
Cùng với mái đình, ngôi chùa trở thành công trình công cộng quan trọng thứ hai ở mỗi ngôi làng. Người dân đi bất kỳ đâu có thể ghé chùa xin nghỉ tạm hoặc nghỉ xin ăn.