Hoạt động của Tăng đoàn Phật giáo

Một phần của tài liệu Phật giáo đại việt dưới triều đại lý trần (1009 1400) (Trang 61)

Về phương diện tu học

Trong giai đoạn đầu của Thiền phái Trúc Lâm, chư tăng chủ yếu thực hành pháp tu Thiền quán. Nhưng từ đầu thế kỷ 14, từ tổ Pháp Loa, chư tăng bắt đầu tu niệm theo lục thời khoa nghi, tức một ngày chư tăng hành trì lễ niệm theo sáu thời khóa. Khóa lễ vào lúc sáng sớm gọi là công phu, vào bốn giờ sớm chư tăng thức dậy trì chú Thủ Lăng Nghiêm, Đại bi thập chú và ngồi thiền. Ban ngày có tất cả bốn thời khóa (sáng, trưa, chiều và tối), và một khóa lễ trước khi đi ngủ gọi là lâm thụy, niệm Phật trước khi đi ngủ. Những thời khóa ban ngày, chư tăng thường tụng đọc các bộ kinh Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Thủ Lăng Nghiêm, Kim Cương, Bát Nhã, Kinh Di Đà…

Về phương diện tổ chức giáo hội

Phật giáo thời nhà Trần đã lấy chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) làm trung tâm tổ chức của giáo hội, nơi lưu giữ quản lí tăng tịch của tu sĩ Phật giáo trên cả nước. Người lãnh đạo tinh thần của giáo hội là Trúc Lâm đệ nhị tổ Pháp Loa tôn giả.

Theo “Tam tổ thực lục” thì tổ Pháp Loa là vị tăng sĩ đầu tiên được vua

Anh Tông ban Độ điệp tu hành vào năm 1308. Từ đây giáo hội quy định người xuất gia bắt buộc phải có Độ điệp. Với Độ điệp, sư tăng không bị trở ngại khi di chuyển, và được các chùa tiếp đón và thu xếp nghỉ qua đêm. Với hàng chục nghìn tu sĩ và hàng nghìn ngôi chùa thì đây là cách quản lý tăng sĩ chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho họ. Vì với số lượng sư tăng đông như vậy nếu không quản lý chặt chẽ, sẽ có những trường hợp lợi dụng và mạo danh làm tổn hại tới uy tín của Phật giáo. Dưới thời Pháp Loa có lúc đã phải hạn chế đàn giới, theo đó ba năm mới tổ chức một lần. Mỗi lần tổ chức đàn giới có hàng nghìn thí sinh đến dự tuyển. Việc khảo thí một lần đàn giới vào

năm Tân Dậu, Đại Khánh năm thứ 8(1321) được “Đại Việt sử ký toàn thư” chép như sau: “Thi các tăng nhân, hỏi Kinh Kim Cương” [5, tr.107].

Việc đào tạo tăng tài, chủ yếu dựa vào các tổ đình lớn. Ngoài ra chư tăng còn được tu học vào 3 tháng (thừ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch) hằng năm. Người xuất gia ngày càng đông, nên Pháp Loa tôn giả đã cho dựng 200 tăng đường làm nơi cư trú và tu học cho tăng sĩ. Số lượng tăng ni được cấp độ diệp, trong vòng 16 năm từ năm 1313 đến 1329 là 15.000 người. Vào năm 1322 Pháp Loa tôn giả còn cho in 5.000 bản bộ luật Tứ phần.

Việc tổ chức cho tăng ni Phật tử tu học thời nhà Trần đã có tiếng vang sang tận nhà Minh, nên có lúc họ đã yêu cầu nhà Trần cung cấp sư tăng. Sách

“Đại Việt sử ký toàn thư” viết: “Tháng 3, nhà Minh sai sứ sang đòi 20 Tăng nhân” [5, tr.170).

Về các bâc Danh tăng

Ở nhà Lý bên cạnh các chức quan văn, quan võ còn có các chức quan như Tăng thống hay Tăng lục, nhưng sang đến thời nhà Trần thì không thấy xuất hiện các chức Tăng thống hay Tăng lục mà chỉ thấy chức danh Quốc sư. Triều Trần phong 12 cao tăng làm Quốc sư và hai cao tăng nhận danh hiệu Đại sư.

Trúc Lâm Yên Tử có 23 vị tổ sư nối tiếp truyền thừa là Hiện Quang tổ sư, Viên Chứng Quốc sư, Đại Đăng Quốc sư, Tiêu Dao tổ sư, Huệ Tuệ tổ sư, Nhân Tông tổ sư, Pháp Loa tổ sư, Hiền Quang tổ sư, An Tâm Quốc sư, Phù Vân Quốc sư, Vô Trước Quốc sư, Quốc Nhất Quốc sư, Viên Minh tổ sư, Đạo Huệ tổ sư, Viên Ngộ tổ sư, Tổng Trì tổ sư, Khuê Thám Quốc sư, Sơn Đằng Quốc sư, Hương Sơn Đại sư, Trí Dung Quốc sư, Tuệ Quang tổ sư, Chân Trú tổ sư, Vô Phiền Đại sư.

Bên cạnh đó có những tu sĩ, cư sĩ là vua, là quan triều đình như vua Trần Thái Tông, vua Trần Thánh Tông, vua Trần Minh Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trí Viễn thiền sư, Thuần Nhất pháp sư...

Trong các bậc Danh tăng đời Trần có hai người, một người được coi như Bồ Tát là Tuệ Trung Thượng Sĩ (Trần Tung) và một người được coi là vị Phật tổ của Việt Nam là Điều Ngự Giác Hoàng (Vua Trần Nhân Tông).

Về những trước tác của Phật giáo đời Trần

Vào thời Trần có rất nhiều tác phẩm được đúc kết từ những kinh nghiệm thực tế tu hành, rất có giá trị, được coi là sách gối đầu giường của các tăng ni.

Vua Trần Thái Tông tuy không xuất gia, nhưng những trước tác của

Ngài lại vô cùng sâu sắc. Ngài đã để lại những tác phẩm sau: “Thiền Tông chỉ nam”, “Kim Cương Tam Muội kinh chú giải”, “Lục thời Sám hối khoa nghi”, “Bình Đẳng lễ Sám văn”, “Khóa hư lục”, “Thi tập”.

Vua Trần Nhân Tông để lại các tác phẩm: “Thượng sĩ ngữ lục”, “Thiền Lâm Thiết Chủy ngữ lục”, “Trúc Lâm hậu lục”, “Thạch Thất Mị Ngữ”, “Đại Hương Hải thi tập”, “Tăng Già toái sự”.

Pháp Loa để lại các tác phẩm: “Thạch Thất Mị Ngữ niệm tụng”, “Tham Thiền yếu chỉ”, “Kim Cương Trường Đà La Ni Kinh Khoa chú”, “Pháp Hoa Kinh Khoa sớ”, “Lăng già Kinh Khoa sớ”, “Bát Nhã Tâm Kinh Khoa sớ”, “Pháp Sự Khoa Văn”, “Độ Môn Trợ Thánh tập”, “Nhân Vương Hộ Quốc Nghi Qũy”.

Huyền Quang có các tác phẩm: “Chư Phẩm kinh”, “Công văn tập”, “Thích Khoa giáo”.

Có thể nói rằng vào thời Trần có rất nhiều tác phẩm có giá trị nhưng tiếc rằng vào năm 1400, khi giặc Minh sang xâm lược nước ta, nhiều tác phẩm thời Trần bị chiến tranh hủy hoại hoặc nhà Minh đã đem về Trung Quốc đến nay đã không còn.

2.3. NGUYÊN NHÂN PHẬT GIÁO ĐẠI VIỆT THỜI LÝ – TRẦN HƯNG THỊNH

Về nguyên nhân giúp Phật giáo hưng thịnh có thể có rất nhiều, song có thể kể ra một số nguyên nhân chính sau đây:

Thứ nhất, uy tín tinh thần Phật giáo lúc này là uy tín tinh thần quốc gia

Đại Việt. Đó là tinh thần của một quốc gia khẳng định nền độc lập rõ ràng, mạnh mẽ và bất khuất.

Bằng uy tín của mình, Phật giáo góp phần gắn kết nhân tâm, trên dưới đồng lòng bảo vệ biên cương lãnh thổ, đánh tan mọi kể thù xâm lược: kháng chiến chống Tống (1075 - 1077) và ba lần chiến thắng quân Mông - Nguyên vào các năm 1258, 1285, 1288. Dù trải qua bao biến cố thăng trầm, qua bao đổi thay của thời gian thì lịch sử Việt Nam vẫn sáng ngời với hào khí Đông A vĩ đại. Hào khí ấy thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn, tinh thần bất khuất, quyết tâm bảo vệ độc lập, tự chủ cả vua quan và nhân dân Đại Việt.

Thứ hai, văn hóa Phật giáo khẳng định nền văn hóa dân tộc.

Trên mười thế kỷ xâm chiếm và đô hộ, thế lực ngoại bang phương Bắc luôn tìm mọi cách đồng hóa nền văn hóa truyền thống Đại Việt. Trong đó, đồng hóa văn hóa Phật giáo là một trong những âm mưu của thế lực này. Bởi họ hiểu rằng, độc lập văn hóa có nghĩa là độc lập dân tộc.

Trong quá trình du nhập và giao lưu văn hóa, Phật giáo Đại Việt có tiếp nhận ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc, Ấn Độ hay Tây Tạng, nhưng vẫn giữ cá tính đặc biệt của mình. Với cá tính đặc biệt này, đến thời nhà Trần đã xuất hiện Phật giáo Trúc Lâm, khẳng định được bản sắc văn hóa dân tộc Việt, phục vụ cho người Việt, duy trì và bồi đắp cá tính Việt.

Thứ ba, vai trò lãnh đạo trí thức của Phật giáo.

Mặc dầu thời kỳ này Nho giáo và Lão giáo cũng đã phát triển nhưng có thể nói, chi phối xã hội Đại Việt mãnh liệt nhất lúc này chính là Phật giáo, nhất là về hệ tư tưởng và chính trị. Xuyên suốt tư tưởng của Đại Việt lúc này

là tinh thần dung hòa, từ ái thanh thoát của Phật giáo. Tư tưởng ấy nhằm phụng sự cho đời sống xã hội và đời sống tâm linh giải thoát.

Phật giáo không đóng góp trực tiếp vào sự nghiệp chính trị nhưng lại là một yếu tố quan trọng liên kết nhân tâm. Các nhà chính trị đời Lý - Trần đã khéo léo áp dụng tinh thần Phật giáo vào công cuộc giữ nước và xây dựng đất nước. Tinh thần khoan dung, khai phóng của Phật giáo không đi đôi với sự yếu hèn, khiếp nhược mà nó đi đôi với tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ dân tộc.

Thứ tư, đặc tính của Phật giáo là tinh thần nhập thế.

Tinh thần nhập thế của Phật giáo mang hai ý nghĩa: nhập thế để phụng sự đời sống xã hội và nhập thế để phục vụ đời sống tâm linh. Tinh thần nhập thế của Phật giáo nhằm đáp ứng một cách phù hợp với yêu cầu của xã hội lúc bấy giờ.

Đại Việt lúc này đang trong giai đoạn hồi sinh và xây dựng với ngùn ngụt hào khí chiến thắng. Bên cạnh đó, Đại Việt luôn phải dè chừng thế lực ngoại bang có thể xâm phạm bờ cõi bất cứ lúc nào. Thế nên, yêu cầu xã hội lúc này là định hướng đời sống tinh thần để thể hiện bản sắc của Đại Việt, bản sắc tự cường, độc lập tự chủ kết hợp với ngoại giao mềm dẻo và khôn khéo. Chính tinh thần bình dị, trong sáng, dung hòa của Phật giáo đã đáp ứng nhu cầu này.

Thứ năm, Phật giáo được triều đình hết lòng ủng hộ.

Với chế độ chuyên chế tập quyền như xã hội thời phong kiến, tiếng nói của những người đứng đầu vương triều có sức mạnh nhất định. Các vị vua nhà Lý - Trần đã thành công trong việc dựa vào Phật giáo để củng cố triều đại của mình. Họ là những Phật tử chân chính, uyên thâm Phật pháp chứ không phải là chỉ trên danh nghĩa là Phật tử để lợi dụng Phật giáo trong chính trị. Các vị vua này đã sáng suốt khi thấy vai trò của Phật giáo trong việc ổn định chính trị, xã hôi nên nhiệt tình ủng hộ Phật giáo. Sự ủng hộ của triều đình là

yếu tố khách quan thật sự quan trọng giúp Phật giáo hưng thịnh trong suốt thời Lý - Trần.

Vương triều Lý và vương triều Trần là hai vương triều phát triển thịnh đạt trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam. Trong gần bốn trăm năm trị vì đất nước, triều Lý và triều Trần đã thực sự có những đóng góp vô cùng to lớn và đa dạng vào lịch sử phát triển của dân tộc. Một trong những yếu tố cốt lõi nhất đã giúp cho triều Lý và triều Trần đạt được những thành tựu rực rỡ, mang tính lịch sử đó là chính sách đối với tôn giáo nói chung và đặc biệt là đối với Phật giáo nói riêng. Chính sách này một mặt giúp vương triều Lý, Trần tạo ra và duy trì được sự đồng thuận, gắn kết chặt chẽ của cộng đồng dân tộc xung quanh triều đình, làm bệ dỡ cho công cuộc chấn hưng dân tộc. Nhờ những chính sách đúng đắn này mà Phật giáo đã phát huy cao độ được giá trị của tư tưởng từ bi, hỷ, xả, khoan dung, nhân ái, hòa đồng, trở thành bệ đỡ tư tưởng, tâm linh cho hai vương triều và cho toàn dân tộc.

Sở dĩ Phật giáo có thể có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp chấn hưng dân tộc, xây dựng nên một thời kỳ thái bình, thịnh trị của kỷ nguyên văn minh Đại Việt trước hết xuất phát từ chính bản chất của chính Phật giáo với tính cách của một tôn giáo nhập thế, đề cao sự giác ngộ của trí tuệ, từ bi, khoan dung quảng đại về tâm thức, sự khoan hòa, dung dị trong tu tập và ứng xử. Đồng thời, Phật giáo cũng đã có lịch sử gắn bó mật thiết với cộng đồng dân tộc Việt Nam từ nhiều thế kỷ. Phật giáo thời Lý, Trần đã tìm ra con đường nhập thế, nhờ đó mà giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhà nước quân chủ, đặc biệt là từ các vị vua. Đây cũng chính là cơ sở để Phật giáo có những đóng góp trực tiếp và có hiệu quả hơn vào sự nghiệp trị nước, an dân, đồng thời làm cho Phật giáo thực sự trở thành một bộ phận hữu cơ, nền tảng của nền văn hiến – văn minh Đại Việt.

Chương 3

ĐẶC ĐIỂM, VAI TRÒ, HẠN CHẾ PHẬT GIÁO ĐẠI VIỆT THỜI LÝ - TRẦN

(1009 - 1400)

Một phần của tài liệu Phật giáo đại việt dưới triều đại lý trần (1009 1400) (Trang 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)