Đối với tôn giáo nói chung, nhà Lý dường như đã thực hiện chính sách tự do tín ngưỡng, tạo nên sự bình đẳng về mặt xã hội, có cái nhìn rất chính xác giá trị và mục đích cuối cùng của các tôn giáo là khác nhau. Các vua Lý muốn mang lại một sự tự do thực thụ cho người dân, bằng cách giúp cho dân hiểu và thực hành giáo lý của Đức Phật, mong rằng họ không còn tham, sân, si, thì họ sẽ đạt được tự do và hạnh phúc. Các vua triều Lý cũng muốn sử dụng tinh thần Bát chính đạo của Phật giáo để xóa bỏ mê tín dị đoan, những hủ tục từ xưa đến nay vẫn đang tồn tại trong cộng đồng làng xã. Chỉ có phát huy được Bát chính đạo của nhà Phật, thì mới đẩy lùi được mê tín. Vua Lý Thái Tổ cũng học được sự tự do chân thực từ những tấm gương của các bậc cao tăng Phật giáo. Hành trạng của họ đã giúp cho vua nhận thức rõ tự do tâm linh. Sự việc Tăng thống – Đại sư Khuông Việt, cũng như Thiền sư Vạn Hạnh, sau khi giúp vua hoàn thành đại sự đều trở về chùa tu hành, không màng tới danh lợi, đã tác động rất lớn đến tự tưởng tự do tâm linh của nhà vua.
Với tư tưởng tôn trọng sự tự do tín ngưỡng, không phân biệt tôn giáo,
nên ngay khi mới lên ngôi, vua Lý Thái Tổ đã “…hạ lệnh cho các hương ấp, nơi nào có chùa quán đã đổ nát đều phải sửa chữa lại” [4, tr.242]. Trong lệnh
này không chỉ chùa chiền của Phật giáo, mà cả những đạo quán của Lão giáo cũng được tu sửa. Trong ba lần khuyến khích người xuất gia thì một lần vua cho cả người theo đạo Lão được tu hành, lần đó xảy ra vào năm Bính Thìn, niên hiệu Thuận Thiên thứ 7 (1016). Những lệnh này ban ra cho thấy, triều Lý thực hiện chính sách bình đẳng tôn giáo đối với xã hội. Đường lối này được thực hiện nhất quán tới thời vua Lý Nhân Tông,
Trong thời gian trị vì của mình, vua Lý Thái Tông đã cư xử rất bình đẳng đối với Đạo giáo. Tinh thần tự do bình đẳng của vua Lý Thái Tông thể hiện rất rõ qua sự kiện vua ban áo ngự cho đạo sĩ Trần Tuệ Long ở quán Nam Đế. Năm Tân Mùi, niên hiệu Thiên Thành thứ 4 (1031), đạo sĩ Trịnh Trí Không xin cho các đạo sĩ được nhận Ký lục, một loại giấy chứng nhận cho phép tu hành ở cung Thái Thanh, vua đã y cho.
Không chỉ Phật giáo, Đạo giáo phát triển mà Nho giáo cũng được quan tâm. Vào năm Canh Tuất, niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) vua Lý Thánh Tông cho lập Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Đến năm Ất Mão, niên hiệu Thái Ninh thứ 4 (1075) mùa xuân, tháng 2, vua Lý Nhân Tông xuống chiếu tuyển minh kinh bác học và thi Nho học tam trường, Lê Văn Thịnh đã trúng tuyển, được tuyển vào cung để hầu vua học. Năm 1076, vua cho lập Quốc Tử Giám. Đây là trường học đầu tiên của nước ta. Đến năm Bính Dần, Quảng Hựu thứ 2 (1086), mùa thu, tháng 8, thi người có văn học trong nước, sung làm quan ở Hàn Lâm Viện, Mạc Hiển Tích trúng tuyển, bổ làm Hàn Lâm học sĩ.
Dưới thời Lý Nhân Tông, cả Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo đều được
đối xử rất bình đẳng. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Mùa đông, tháng 11, năm Thiên phù Duệ vũ thứ 7 (1126), sau khi vua đi xem gặt ở hành cung Ứng Phong về đến kinh sư, các nhà Nho, Đạo, Thích đều dâng thơ mừng” [4,
tr.294]. Những lúc nhàn rỗi, vua vẫn mời cả cao tăng Phật giáo cũng như Đạo giáo vào cung để đàm đạo, và họ đều để lại cho vua Nhân Tông một ấn tượng kính ngưỡng.
Nhờ chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng và bình đẳng tôn giáo, nhà Lý đã tập hợp được lực lượng toàn dân. Dù theo bất kỳ tôn giáo nào, người dân cũng đều vì vua, vì đất nước. Chính sách tôn giáo của triều Lý không chỉ mang đặc tính tự do, bình đẳng, khoan hòa, mà quan trọng hơn là nhờ đó mà
nhiều tôn giáo, tín ngưỡng xích lại gần nhau, đan xen vào nhau và tạo nên thể hỗn dung, hài hòa. Chính trên nền tảng hỗn hung, khoan hòa giữa “Tam giáo - Nho, Phật, Đạo” với các tín ngưỡng cổ truyền của người Việt, trên nền tảng chủ nghĩa yêu nước của người Việt mà Phật giáo đời Lý đã phát triển rực rỡ và khẳng định được vị trí, giá trị của mình với những đóng góp to lớn vào sự nghiệp chấn hưng dân tộc.