Bản chất của hiệu quả kinh doanh.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất sơn và mực in tại TP. Hồ Chí Minh (Trang 30)

Mục tiêu hiệu quả luôn luôn là mối quan tâm hàng đầu của tất cả các nền sản xuất. Nhưng hiệu quả là gì? Như thế nào là hoạt động kinh doanh có hiệu quả? Không phải là một vấn đề đã được giải quyết triệt để và có quan niệm thống nhất trong lý luận và trong công tác thực tiễn. Dưới góc độ nghiên cứu khác nhau, phạm trù hiệu quả kinh tế sẽ được hiểu và xem xét khác nhau. Khi nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường, nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần có sự chỉ đạo và quản lý của nhà nước thì việc xác định rõ bản chất, phương pháp đánh giá hiệu quả kinh tế trở thành một đòi hỏi cấp bách. Thật khó đánh giá mức độ hiệu quả kinh tế đạt được mà khi bản thân phạm trù này chưa được xác định rõ về bản chất những biểu hiện của nó. Do vậy hiểu đúng hơn bản chất và có những quan niệm thống nhất về hiệu quả kinh tế là vấn đề không những có ý nghĩa quan trọng về lý luận mà còn rất cần thiết trong hoạt động thực tiễn. Nó sẽ cho phép xác định đúng đắn mục tiêu và biện pháp để nâng cao hiệu quả kinh tế trước đây khi nền kinh tế hoạt động theo cơ chế kế hoạch tập trung, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp được đánh giá bằng mức độ hoàn thành các chỉ tiêu pháp lệnh do Nhà nước giao như: Giá trị tổng sản lượng hàng hoá thực hiện, khối lượng sản phẩm chủ yếu như chỉ tiêu nộp ngân sách … về thực chất đây là các chỉ tiêu phản ánh kết quả, không thể hiện được mối quan hệ so sánh với những gì mà doanh nghiệp bỏ ra và nhà nước đầu tư. Mặt khác trong thời kỳ này giá cả mang tính hình thức, theo sự chỉ đạo chung nên việc tính toán các chỉ tiêu thống kê và hạch toán mang tính hình thức không phản ánh đúng thực chất trình độ quản lý của doanh nghiệp.

Khi nền kinh tế chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường, Nhà nước thực hiện chức năng quản ký kinh tế bằng các chính sách định hướng vĩ mô thông qua các công cụ là hệ thống luật pháp hành chính và luật pháp kinh tế nhằm đạt được mục tiêu chung của xã hội. Các doanh nghiệp là các chủ thể sản xuất, tự do kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật cho phép, các doanh nghiệp có toàn quyền quyết định đường đi cho mình và bình đẳng trước pháp luật. Chính vì vậy mà hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp và hiệu quả xã hội không đồng nhất với nhau.

Để đánh giá kết quả đạt được của các loại hình doanh nghiệp thì Đảng và Nhà nước ta đã đề ra và xác định cho mỗi loại hình doanh nghiệp các mục tiêu khác nhau. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII đã xác định: “ Lấy suất sinh lời tiền vốn là tiêu chuẩn chủ yếu để đánh giá hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh. Lấy kết quả thực hiện các chính sách xã hội làm tiêu chuẩn chủ yếu để đánh giá hiệu quả của doanh nghiệp công ích”. Đây là một quan điểm có ý nghĩa rất quan trọng về cả mặt lý luận và thực tiễn trong việc làm rõ bản chất của hiệu quả kinh tế và tiêu chuẩn để xác định, đánh giá hiệu quả kinh tế.

Từ thực tiễn nêu trên ta thấy, “Hiệu quả kinh tế là một phạm trù phản ánh trình độ năng lực quản lý bảo đảm thực hiện có kinh tế cao những mục tiêu kinh tế xã hội với chi phí nhỏ nhất”. Chúng ta cần đánh giá hiệu quả kinh tế toàn diện trên cả hai mặt đó là mặt định tính và mặt định lượng.

Thứ nhất: Về mặt định lượng: Hiệu quả kinh tế của việc thực hiện mỗi nhiệm vụ kinh tế, xã hội biểu hiện ở mối tương quan giữa kết quả thu được và chi phí bỏ ra. Nếu xét về tổng lượng, người ta chỉ thu được hiệu quả kinh tế khi nào kết quả lớn hơn chi phí, chênh lệch này càng lớn, hiệu quả kinh tế càng cao và ngược lại.

Thứ hai: Về mặt định tính: Mức độ hiệu quả kinh tế cao thu được phản ánh sự cố gắng, nỗ lực, trình độ quản lý ở mỗi khâu, mỗi cấp trong hệ thống công nghiệp và sự gắn bó của việc giải quyết những yêu cầu và mục tiêu kinh tế với những yêu cầu và mục tiêu chính trị – xã hội.

Hai mặt định lượng và định tính của phạm trù hiệu quả kinh tế có quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong những biểu hiện về định lượng phải nhằm đạt được những mục tiêu chính trị – xã hội nhất định. Ngược lại, việc quản lý kinh tế, dù ở giai đoạn nào, cũng không chấp nhận việc thực hiện những yêu cầu, mục tiêu chính trị, xã hội với

bất kỳ giá nào, cần phân biệt sự khác nhau và hiệu quả mối quan hệ giữa hiệu quả kinh tế và kết quả kinh tế. Về mặt hình thức, hiệu quả kinh tế luôn là một phạm trù so sánh thể hiện mối tương quan giữa cái phải bỏ ra và cái thu về được. Kết quả chỉ là yếu tố cần thiết để tính toán và phân tích hiệu quả. Từ bản thân mình, kết quả chưa thể hiện nó tạo ra ở mức và phải chi phí nào.

Trong quản lý sản xuất kinh doanh, phạm trù hiệu quả kinh tế được biểu hiện ở những dạng khác nhau. Việc phân loại hiệu quả kinh tế là cơ sở để xác định các chỉ tiêu hiệu quả kinh tế, phân tích hiệu quả kinh tế và xác định những biện pháp nâng cao hiệu quả kinh tế. Có mấy cách phân loại chủ yếu sau đây:

Hiệu quả kinh tế cá biệt và hiệu quả kinh tế quốc dân.

Hiệu quả kinh tế cá biệt là hiệu quả thu được từ hoạt động của từng doanh nghiệp công nghiệp, biểu hiện trực tiếp của hiệu quả này là lợi nhuận mà mỗi doanh nghiệp phải thu được và chất lượng thực hiện những yêu cầu do xã hội đặt ra cho nó. Hiệu quả kinh tế quốc dân được tính cho toàn nền kinh tế quốc dân. Về cơ bản đó là lượng sản phẩm thặng dư, thu nhập quốc dân hoặc tổng sản phẩm xã hội, mà đất nước và tài nguyên đã hao phí.

Trong việc thực hiện cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, không những cần tính toán và đạt được hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp, mà còn cần phải đạt được hiệu quả toàn bộ hệ thống kinh tế quốc dân, mức hiệu quả kinh tế quốc dân lại phụ thuộc vào mức hiệu quả cá biệt. Nghĩa là phụ thuộc và sự cố gắng của mỗi người lao động và mỗi doanh nghiệp. Đồng thời, xã hội qua hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng có tác động trực tiếp đến hiệu quả cá biệt. Một cơ chế quản lý đúng tạo tiền đề thuận lợi cho việc nâng cao hiệu quả cá biệt. Ngược lại, một chính sách lạc hậu, sai lầm lại trở thành lực cản kìm hãm việc nâng cao hiệu quả kinh tế.

Hiệu quả của những chi phí bộ phận và hiệu quả của chi phí tổng hợp.

Hiệu quả của chi phí tổng hợp thể hiện mỗi tương quan giữa kết quả thu được và tổng chi phí bỏ ra để thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Còn hiệu quả chi phí bộ phận lại thể hiện mối tương quan giữa kết quả thu được với lượng chi phí từng yếu tố cần thiết để thực hiện nhiệm vụ ấy (lao động, thiết bị, nguyên vật liệu …).

Việc tính toán hiệu quả chi phí tổng hợp cho thấy hiệu quả chung của doanh nghiệp, hay nền kinh tế quốc dân. Việc tính toán và phân tích hiệu quả của các chi phí bộ phận cho thấy sự tác động của những nhân tố nội bộ sản xuất kinh doanh đến hiệu quả kinh tế nói chung. Về nguyên tắc, hiệu quả chi phí tổng hợp phụ thuộc vào hiệu quả của các chi phí bộ phận.

Hiệu quả tuyệt đối và hiệu quả so sánh.

Trong công tác quản lý công nghiệp, việc xác định và phân tích hiệu quả kinh tế nhằm hai mục đích:

Một là: Phân tích và đánh giá trình độ quản lý và sử dụng các loại chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hai là: Phân tích luận chứng kinh tế – xã hội các phương án khác nhau, trong việc thực hiện một nhiệm vụ cụ thể nào đó để chọn lấy phương án cơ lợi ích nhất.

Hiệu quả tuyệt đối được tính toán cho từng phương án bằng cách xác định mối tương quan giữa kết quả thu được với chi phí bỏ ra, khi thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội, về mặt lượng, hiệu quả này được biểu hiện ở các chỉ tiêu khác nhau, như năng suất lao động, thời gian hoàn vốn, tỷ suất vốn, lợi nhuận …

Hiệu quả so sánh được xác định bằng cách so sánh các chỉ tiêu hiệu quả tuyệt đối, hoặc so sánh tương quan các đại lượng thể hiện chi phí, hoặc kết quả của các phương án khác nhau. Các chỉ tiêu hiệu quả so sánh được sử dụng để đánh giá mức độ hiệu quả của các phương án, để chọn phương án có lợi nhất.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất sơn và mực in tại TP. Hồ Chí Minh (Trang 30)