Chuyển giá thông qua giá trị tài sản góp vốn:
Các nhà đầu tư nước ngoài thường góp vốn bằng tiền, máy móc, thiết bị và công nghệ. Tuy nhiên, các máy móc thiết bị công nghệ mà nhà đầu tư nước ngoài mang vào Việt Nam thường đã lạc hậu và thường được định giá cao hơn so với thực tế. Việc định giá cao tài sản góp vốn dẫn đến khấu hao và thu hồi vốn nhanh hơn, trì hoản nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong những năm đầu. Ngoài ra, điều đó còn dẫn đến việc tăng ảo tỷ lệ góp vốn của các nhà đầu tư, ảnh hưởng đến việc phân chia lợi nhuận trong liên doanh.
Luật Đầu tư nước ngoài trước đây đã quy định doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phải giám định máy móc, thiết bị góp vốn và thực hiện thủ tục phê duyệt báo cáo quyết toán công trình tại cơ quan Nhà nước. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thể thuê giám định độc lập để tái giám định vốn góp. Tuy nhiên, việc triển khai quy định này gặp nhiều khó khăn do cơ quan quản lý nhà nước phải có những chứng cứ, căn cứ pháp lý chặt chẽ thì mới chỉ ra được những bất lợi hợp lý của doanh nghiệp.
Chuyển giá thông qua việc cung cấp dịch vụ, phí quản lý, tiền bản quyền: Các doanh nghiệp FDI kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản đặc biệt đối với loại kinh doanh khách sạn, văn phòng, căn hộ, ngoài việc trả tiền phí bản quyền cho việc sử dụng tên gọi khách sạn còn phải trả một số loại phí khác như phí tham gia vào chuỗi, phí hoa hồng… có trường hợp phí này lên tới 30% doanh thu khách sạn.
Ngoài ra, các doanh nghiệp FDI còn thực hiện tăng chi phí quản lý dẫn đến làm giảm lợi nhuận, thậm chí làm doanh nghiệp lỗ để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế. Tuy nhiên, phía nước ngoài thì vẫn được hưởng lợi từ việc tăng chi phí này vì các công ty cung cấp dịch vụ quản lý thường là những công ty con của Bên nước ngoài Liên doanh tại Việt Nam.
Chuyển giá thông qua nâng chi phí cho vay, bảo lãnh:
Các doanh nghiệp nước ngoài khi thành lập doanh nghiệp liên doanh hay doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thường có tỷ lệ vốn chủ sở hữu/ vốn vay là rất nhỏ. Vốn vay thường được huy động từ công ty mẹ hoặc vay do công ty mẹ bảo lãnh. Việc vay vốn lớn dẫn đến tăng chi phí, giảm nghĩa vụ thuế. Do vậy, tương tự như việc tăng chí phí quản lý, khi hoạt động của liên doanh thu lỗ thì công ty mẹ ở nước ngoài vẫn thu được khoản lãi tiền vay. Đây cũng là một trong những hình thức mà doanh nghiệp nước ngoài dùng để thôn tính liên doanh, chiếm phần vốn góp của Việt Nam bằng giá trị quyền sử dụng đất đối với những mãnh đất có vị trí đẹp.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính cập nhật tới ngày 30/12/2011, qua kết quả tổng hợp 4.095 doanh nghiệp FDI, tổng nợ phải trả năm 2010 của doanh nghiệp FDI là 411.180 tỷ đồng, chiếm 57,8% so với tổng nguốn vốn). Điều này cho thấy sự tăng lên của tổng nguồn vốn chủ yếu được tài trợ bởi nợ phải trả, đặc biệt là nợ ngắn hạn cho thấy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam phụ thuộc lớn vào vốn vay. Theo quy định của pháp luật hiện hành, doanh nghiệp FDI chỉ phải đăng ký. Hợp đồng vay trung và dài hạn với Ngân hàng nhà nước, các khoản vay ngắn hạn thì không phải đăng ký. Do vậy việc kiểm soát các khoản vay này là rất
khó khăn trong công tác quản lý nhà nước. Đồng thời, lãi tiền vay chỉ phải chịu thuế nhà thầu là 10% thấp hơn nhiều so với mức thuế thu nhập doanh nghiệp.