Trong lĩnh vực bất động sản, các doanh nghiệp thường huy động vốn từ các nguồn: Vốn của cổ đông (trong nước và nước ngoài), vốn góp do phát hành cổ phiếu, trái phiếu; vốn vay ngân hàng, vay cổ đông, vốn hợp tác đầu tư, liên doanh liên kết và huy động từ khách hàng. Tại một số dự án khu nhà ở, khu đô thị mới, khu du lịch sinh thái, chủ đầu tư huy động bằng hình thức hợp đồng góp vốn đầu tư của các nhà đầu tư thứ cấp tại các thời điểm phù hợp với quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản và nhà ở.
Theo báo cáo của 95/300 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài, kết quả huy động vốn từ các tổ chức tín dụng (dưới hình thức vay ngân hàng) và khách hàng cụ thể như sau:
Đối với 62 dự án trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, căn hộ cho thuê, khách sạn, khu du lịch sinh thái: tổng vốn vay là 1,1 tỷ USD trong đó vay từ các tổ chức tín dụng trong nước là 387,1 triệu USD (chiếm 35% tổng vốn vay), vay từ tổ chức tín dụng nước ngoài là 569,8 triệu USD (chiếm 52% tổng vốn vay), vay từ các tổ chức khác là 145,2 triệu USD (chiếm 13% tổng vốn vay). Huy động từ khách hàng là 159,15 triệu USD (bằng 14,4% so với vốn vay);
Đối với 23 dự án phát triển nhà, khu đô thị mới: tổng vốn vay là 930,6 triệu USD, trong đó vay từ các tổ chức tín dụng trong nước 232,13 triệu USD (chiếm 25% tổng vốn vay), vay từ tổ chức tín dụng nước ngoài 689,52 triệu USD (chiếm 74% tổng vốn vay), vay từ các tổ chức khác 8,95 triệu USD (chiếm 0,96% tổng vốn vay). Huy động từ khách hàng là 654,17 triệu USD (bằng 70,3% so với vốn vay);
Đối với 10 dự án hạ tầng khu công nghiệp, sân golf: Chỉ có 2 doanh nghiệp có báo cáo về tình hình vay vốn với tổng vốn vay là 44,7 triệu USD; trong đó, vay từ các tổ chức tín dụng trong nước là 22,7 triệu USD (chiếm 51% tổng vốn vay), vay từ tổ chức tín dụng nước ngoài là 22 triệu USD (chiếm 49% tổng vốn vay).
Qua số liệu nêu trên, có thể thấy rằng nhà đầu tư tại phân khúc dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới đã vay vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài với tỷ lệ khá cao (74%). Nguồn vay được huy động từ Công ty mẹ hoặc vay do Công ty mẹ ở
nước ngoài bảo lãnh với lãi suất vay dao động từ 5-8%/ năm dẫn tới nhiều trường hợp dự án kinh doanh không hiệu quả vì lợi nhuận chỉ đủ chi trả lãi vay. Việc vay vốn lớn dẫn đến tăng chi phí, giảm nghĩa vụ thuế. Nói cách khác, đây là một hình thức chuyển giá thông qua nâng chi phí cho vay.
Như vậy, mục tiêu của Chính phủ là tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài từ bên ngoài vào các lĩnh vực kinh tế trọng điểm của nền kinh tế đất nước trong đó có lĩnh vực bất động sản là chưa thể đạt được trong giai đoạn này.