Không – thời gian trong Sống đọa thác đày của Mạc Ngôn

Một phần của tài liệu Phương Thức huyền thoại trong tiểu thuyết Sống Đọa Thác Đày của Mạc Ngôn (Trang 102)

Không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật là hai yếu tố không thể thiếu trong việc góp phần xây dựng thành công nên giá trị nghệ thuật của một tác phẩm. Chính vì vậy, trong tác phẩm ấy mối quan hệ giữa hai yếu tố không – thời gian càng mật thiết và gắn kết với nhau hơn .

Tác phẩm Sống đọa thác đày của Mạc Ngôn, được nhà văn sử dụng theo xu hướng huyền thoại hóa cho nên kết cấu và cốt truyện của tiểu thuyết này có phần khá đặc biệt. Không – thời gian nghệ thuật trong Sống đọa thác đày vừa tồn tại không gian hiện thực, thời gian vừa thực vừa tồn tại thời gian ảo, cứ đan xen, quyện vào nhau: khi Tây Môn Náo bị hành xử thì không gian đó là không gian thực ở địa ngục, còn thời gian lúc Tây Môn Náo đang kêu oan dưới âm phủ thì cùng thời điểm đó ở trên dương gian lại là thời gian người ta đã tiến hành cải cách ruộng đất, thời gian của hiện tại trên trần gian không trùng khít với không gian dưới âm phủ, tưởng chừng như nó làm cho câu chuyện rời rạc, độc lập nhưng trái lại có sự gắn kết, thống nhất.

Do sự đổi thay trong quan niệm về xã hội, cá nhân, hoạt động của nhà văn mà không – thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết này đã có sự thay đổi. Bên cạnh việc kế thừa các kiểu không – thời gian nghệ thuật truyền thống (thời gian tự sự chủ yếu được tổ chức theo biên niên, theo trật tự tuyến tính, thời gian sự kiện được xác định bằng ngày, tháng, năm, thậm chí đến bây giờ.

Địa điểm và hoạt cảnh xảy ra sự kiện, vấn đề cũng được thể hiện rõ ràng, minh bạch) ở tiểu thuyết Sống đọa thác đày không gian nghệ thuật còn đa dạng và phong phú hơn, không gian nghệ thuật mang tính khái quát cao, phạm vi phản ánh rộng lớn. Mỗi câu chuyện được kể ấy có thể độc lập, có thể có mối quan hệ mật thiết với các câu chuyện khác trong tác phẩm, cũng có khi xảy ra cùng một thời gian hoặc không gian giống nhau. Tất cả nó thể hiện tính phức điệu bản nhạc của cuộc sống, chẳng hạn trong tiểu thuyết Sống đọa thác đày có sự đồng hiện của hai sự kiện hoàn toàn giống nhau, có cùng thời gian nhưng có cái khác nhau là không gian thể hiện một bên là cảnh thực, còn một bên là giả. Cảnh thực là mẹ Lam Giải Phóng chết, còn cảnh giả là mẹ nhân vật chính trong phim mà Lam Giải Phóng đóng cũng mất. Nỗi đau cùng là của con người nhưng có nỗi đau trong phim cảnh, có nỗi đau thật ngoài đời. Độc giả chứng kiến tang lễ thật và tang lễ giả cùng xảy ra song hành, cùng diễn ra theo lời kể của hai người kể chuyện luân phiên là Lam Giải Phóng và Tây Môn Chó. Hai câu chuyện này được tác giả bố trí đan cài vào nhau. Nếu ở các đoạn trước Lam Giải Phóng và Tây Môn Chó cũng thay nhau kể chuyện nhưng mỗi người bọn họ kể một chương, thì giờ đây chỉ một đoạn văn ngắn họ lại đổi vị trí kể chuyện cho nhau. Do đó, hai câu chuyện này hiện ra trước mắt người đọc cùng diễn ra một lúc, gay cấn, lẫn lộn vào nhau. Cảm xúc của Lam Giải Phóng trong bộ phim anh diễn giống như cảm xúc thực của một con người trước nỗi đau mất mẹ. Bằng cách chuyển tải thời gian và không gian ấy Mạc Ngôn đã mang lại cho tiểu thuyết Sống đọa thác đày một cái nhìn mới.

Thời gian và không gian trong tiểu thuyết Sống đọa thác đày có mối quan hệ móc xích, hỗ trợ cho nhau, có lúc chúng tách bạch nhau ra nhưng vẫn không làm mất đi mối quan hệ ấy mà còn tăng thêm tính hấp dẫn cho tác phẩm. Thời gian trong tiểu thuyết này diễn ra không đều, có khi dồn lại trong một khoảng thời gian nhất định, có khi lại giàn trải khắp cả tác phẩm. Chẳng hạn, khi Giải Phóng nói chuyện với Lam Ngàn Năm (chuyển kiếp của Tây Môn Náo) thời gian ấy là thời gian của hiện tại năm 2006, (được viết một trang, tr153- tr154), rõ ràng thời gian ở đây chỉ dồn lại ở một khoảng nhất

định. Trong lúc đó, khoảng thời gian quá khứ từ ngày 01/10/ 1964 lúc Mặt Xanh mua con nghé mà Tây Môn Náo chuyển kiếp (chín trang từ tr145- tr163), tới năm 1965 đến 1968 những mâu thuẫn trong gia đình Mặt Xanh: Mặt Xanh, Giải Phóng mâu thuẫn với Kim Long, Bảo Phượng(cá thể mâu thuẫn với tập thể, phong trào luyện ganh thép của làng Tây Môn (33 trang, từ tr163- tr196). Thời gian từ năm 1968 – 1969 chỉ có một năm nhưng trong tiểu thuyết lại được kéo dài dãn ra ( kéo dài 78 trang, tr197- tr275), năm Đại Cách Mạng Văn Hoá ở làng Tây Môn dưới sự chỉ đạo của Kim Long và Hồng Vệ Binh. Mặt Xanh vẫn theo con đường cá thể. Việc phân bố thời gian không đều trong tiểu thuyết Mạc Ngôn muốn làm nổi bật toàn bộ đời sống xã hội - không gian của con người phải vật lộn với cuộc sống đầy sóng gió. Không gian nghệ thuật trở về gần hơn với cuộc sống của con người, phản ánh cuộc sống khổ cực của những con người lao động, những số phận kém may mắn. Hình ảnh con người hiện lên với vai trò là nhân vật trung tâm của bức tranh cuộc sống xã hội. Nhà văn đã bám sâu vào hiện thực cuộc sống để phản ánh chân thật những nỗi nhọc nhằn vất vả của cuộc sống con người trên hành trình mưu sinh và kiếm tìm hạnh phúc đầy nhọc nhằn.

Bằng việc kết hợp mối quan hệ giữa không – thời gian trong tiểu thuyết

Sống đọa thác đày, nhà văn Mạc Ngôn đã dám nhìn thẳng vào những bi kịch

nhân sinh, phản ánh cuộc sống một cách chân thực. Với tài năng vốn có, khát vọng mãnh liệt Mạc Ngôn đã mang đến cho tiểu thuyết Trung Quốc một phong vị đặc biệt, ông đã khái quát cuộc sống chân thực, sinh động trên nền lịch sử xã hội khá dài của Trung Quốc từ hiện đại tới đương đại. Qua tác phẩm, nhà văn muốn gián tiếp phê phán, đấu tranh chống lại những ngang trái, bất công, phi nhân tính… góp phần bảo vệ quyền sống, quyền làm người cho mỗi cá nhân, cá thể và hướng tới những giá trị nhân văn cao cả. Đó là sứ mệnh của một nhà văn chân chính – Mạc Ngôn đã làm được điều ấy.

Việc nghiên cứu nghệ thuật thời gian qua một số thủ pháp vào một tác phẩm cụ thể ở đây cho thấy tầm quan trọng của nó trong sáng tác nghệ thuật, thời gian có mặt ở khắp nơi mà trong tác phẩm, nhà văn luôn có tham vọng

qua tiểu thuyết của anh ta nắm giữ toàn bộ những mạng nhện, thời gian của quá khứ… Chính thủ pháp nghệ thuật về thời gian đã dệt nên trong tác phẩm một mạng lưới tâm lí truyện kể được xem như một ý thức về thời gian hoàn toàn rõ rệt và nhưng mối liên hệ không mập mờ giữa quá khứ, hiên tại … Mạc Ngôn đã làm được điều đó trong tiểu thuyết của mình ở Sống đọa thác đày thể hiện đầy đủ phong cách vừa cổ điển, vừa hiện đại và là tác phẩm thể hiện tài năng vượt bậc của Mạc Ngôn. Cùng với Cao lương đỏ, Đàn hương

hình Sống đọa thác đày, cả ba kiệt tác này đã làm nên tên tuổi Mạc Ngôn

và giải nobel văn học năm 2012 được trao cho nhà văn này hoàn toàn xứng đáng. Đúng như nhận xét của nhà văn Đài Loan ngụ cư tại Mỹ Tùng Tô tại lễ trao giải Nobel “Tác phẩm của Mạc Ngôn được giải Nobel văn học là hàng thật giá thật!”.

KẾT LUẬN

1. Chân lý là mục đích cuối cùng mà khoa học tìm đến. Nhưng trên bước đường tìm đến chân lý, con người phải trải qua nhiều chặng đường vất vả, gian nan. Trong đó, có thể có những điều nhận thúc đúng, có thể có những ước mơ, những ảo tưởng… Tồn tại những cái đó, rõ ràng “tư duy huyền thoại” vẫn còn. Vì thế, trong văn học, đặc biệt dòng văn học thế kỷ XX, xuất hiện nhiều khuynh hướng nghệ thuật, trong đó khuynh hướng sáng tác huyền thoại. Với phương thức huyền thoại hóa, các nhà văn tiếp cận, lý giải được những hiện tượng phức tạp về ý thức, cả trong vô thức, tiềm thức của con người. Phương thức huyền thoại là một trong những biện pháp nghệ thuật được các nhà văn sử dụng và hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi khác nhau. Nghệ thuật của nó nhờ đó có thể vượt lên cái vô thường, bất định và tính chất trường tồn, hữu hạn của thời gian, lý giải những điều bình thường không lý giải nổi, trong đó việc lý giải nội tâm của con người.

2. Tiểu thuyết Sống đọa thác đày thành công trên nhiều phương diện. Tác phẩm hấp dẫn người đọc bởi lối viết lạ, là sự kết tinh hài hòa giữa truyền thống và hiện đại trong kết cấu, về lối kể chuyện đặc sắc, như lời nhận xét của Triệu Tuấn Mại – một nhà văn Trung Quốc: “Tác phẩm của Mạc Ngôn vô cùng truyền thống, văn tự vô cùng quê mùa, song tình cảm và kết cấu xã hội biểu hiện ra đã hấp dẫn con mắt của Hội đồng bình xét. Vẻ đẹp của văn tự ở chỗ phải thể hiện ra chân thiện mỹ, thể hiện ra một trái tim. Trong sự phát triển nhanh của kinh tế Trung Quốc, chiều cao mà chúng ta theo đuổi là đạo đức, đây cũng là chỗ đứng của văn hoá Trung Quốc”. Và cũng như các tiểu thuyết nổi tiếng khác của mình, trong Sống đọa thác đày, Mạc Ngôn để lại những bài học lịch sử qua những mảnh đời rất nhỏ. Tây Môn Lừa đã gõ móng qua những năm cải cách ruộng đất rồi kháng Mỹ viện Triều và nhà nhà luyện thép, Tây Môn Chó thì sủa vang trong khung cảnh phố huyện thời mở cửa đầu tư rồi xử tử hình quan chức tham nhũng… Trong tiểu thuyết của Mạc Ngôn,

chẳng có một cá nhân nào thoát khỏi những rung động phát ra từ vòng quay của bánh xe lịch sử. Họ chỉ có thể sống bám vào bánh xe ấy, rồi khi mỏi mệt thì sẽ tự động buông thân xác già nua xuống chiếc huyệt đã đào sẵn, như Mặt Xanh và Tây Môn Chó đã làm. Cũng viết về con người và vùng đất Cao Mật, nhưng không giống với các tác phẩm khác, lần này chỉ trong 43 ngày miệt mài, nhà văn Mạc Ngôn đã hoàn thành tác phẩm Sống đọa thác đày bằng một thi pháp mới lạ. Kết cấu truyện theo kiểu “sáu đạo luân hồi” của Phật giáo cùng phong cách hành văn bi hài, sự chuyển tải ý tưởng nhòe quyện giữa người và vật, vật và người, truyện trong truyện, huyền ảo trong hiện thực và hiện thực trong siêu thực, Sống đọa thác đày như một tấm thảm ngôn ngữ rực rỡ đan dệt những câu chuyện hấp dẫn và bất ngờ được dịch giả, tiến sĩ văn học Trần Trung Hỷ chuyển dịch rất thành công khi giới thiệu với độc giả Việt Nam.

3. Là một biện pháp kỹ thuật trong nghệ thuật tự sự, phương thức huyền thoại đã đem đến một lối kể chuyện mới mẻ của Mạc Ngôn trong Sống

đọa thác đày. Câu chuyện được kể giữa hai bờ quá khứ và hiện tại, hôm qua

và hôm nay, trong một không gian huyền ảo, đan xen giữa thực và hư. Điều này tạo cho tác phẩm một khả năng to lớn trong việc nhận thức hiện thực cuộc sống và con người. Trong tác phẩm vừa có những vấn đề của đời sống thực tại, vừa có những trầm tích văn hóa lắng đọng trong những huyền thoại, những truyền thuyết và cả đời sống tâm linh của con người.

4. Mạc Ngôn luôn ý thức trách nhiệm với ngòi bút của mình trong sáng tác văn học nói chung, tiểu thuyết nói riêng. Nhà văn từng mong muốn viết ra những thứ thuộc về ông, nó khác với những người khác, và cũng khác với các nhà văn Phương Tây, các nhà văn Trung Quốc. Niềm khát khao và động lực ấy giúp nhà văn không ngừng đổi mới, không ngừng sáng tạo trong văn chương – sự sáng tạo theo ông thực sự không phải là sự chen nhau chạy theo mốt mà là cách viết về những gì quen thuộc, dùng ngòi bút tả thực, đồng thời dựa vào sức tưởng tượng để tạo ra những “mùi vị” không tồn tại và những sự thực, không có thực, làm cho tiểu thuyết có cảm giác của sự sống. Một nhà văn trung Quốc đã phát biểu rằng: “Mạc Ngôn là một nhà văn bản địa Trung

Quốc nghiêm túc, không giống rất nhiều nhà văn thông tục, không sáng tác vì bán chạy sách, mà sáng tác vì sáng tác. Văn tự của Mạc Ngôn chất phác chân thực không hoa hoè hoa sói, song sức mạnh như thiên quân vạn mã, người nông dân trong tác phẩm tiêu biểu giai đoạn đầu “Cao lương đỏ” có thể đấu tranh với trời đất, chiếu đấu với kẻ thù, vẫn có thể đứng thẳng lưng làm người, ngay trong nghịch cảnh gian nan nghèo khó khốn quẫn nhất, kỳ thực là cột sống kiên cường của dân tộc Trung Hoa”. Bằng quan niệm ấy Mạc Ngôn đã làm thay đổi diện mạo nền văn học đương đại Trung Quốc và mang lại cho tiểu thuyết Trung Quốc một làn gió mới.

Một phần của tài liệu Phương Thức huyền thoại trong tiểu thuyết Sống Đọa Thác Đày của Mạc Ngôn (Trang 102)