Vấn đề thời gian nghệ thuật trong văn học

Một phần của tài liệu Phương Thức huyền thoại trong tiểu thuyết Sống Đọa Thác Đày của Mạc Ngôn (Trang 90)

Thời gian nghệ thuật là phạm trù của hình thức nghệ thuật, thể hiện phương thức tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuật. Viện sĩ D.X Likhatrốp trong thi pháp văn học Nga cổ nhận xét: “Thời gian với tư cách là sự kiện nghệ thuật. Chính việc nghiên cứu thời gian nghệ thuật có ý nghĩa lớn để hiểu bản chất thẩm mỹ của nghệ thuật ngôn từ”(1). Theo Bùi Mạnh Nhị, thời gian nghệ thuật “có vai trò to lớn trong việc tái tạo thực tại nghệ thuật, tổ chức nên nội dung và hình thức tác phẩm để khám phá thế giới và con người. Nó vừa khách thể (đối tượng phản ánh), vừa là chủ thể (được cảm nhận một cách chủ quan), vừa là phương tiện phản ánh (mã nghệ thuật). Nó chịu sự chi phối bởi tư tưởng triết học, mỹ học của thời đại, dân tộc, tác giả và nhiệm vụ nghệ thuật của tác phẩm. Điều đó cũng có nghĩa, không phải thời gian nào xuất hiện trong tác phẩm cũng là thời gian nghệ thuật”. Thời gian nghệ thuật trong tác phẩm dường như không giống với thời gian khách quan, ngay cả khi tác phẩm được kể với thời gian một chiều, vì quy trình vận hành của nó không trùng với thời gian tự nhiên.

Đặc điểm của thời gian nghệ thuật là nó luôn mang tính cảm xúc và ý nghĩa nhân sinh, quan niệm nhân văn, do đó nó mang tính chủ quan. Tính chất chủ quan giúp ta phát hiện được thực tại đối với con người. Ở đây, thời gian nghệ thuật là sự phản ánh đời sống, tâm tư, tình cảm, kể cả tư tưởng của con người trong tác phẩm. Thời gian là hình thức tồn tại của hình tượng nghệ thuật. Thời gian nghệ thuật là một phạm trù quan trọng nhất của thi pháp học

và qua đó biết được tài năng, cá tính sáng tạo của người nghệ sỹ. Nhà văn có thể chọn điểm bắt đầu hoặc kết thúc nhanh hay chậm, kể xuôi hay đảo ngược có thể chọn điểm nhìn từ quá khứ, hiện tại và tương lai... “Thời gian thể hiện quan niệm về cuộc sống con người, ý thức sáng tạo nghệ thuật của nhà văn. Thời gian là đối tượng, chủ thể, là công cụ miêu tả, là sự tự ý thức, cảm giác về sự vận động và đổi thay của thế giới trong các hình thức đa dạng của thời gian xuyên suốt toàn bộ tác phẩm văn học”. [42.63].

Thời gian trong tác phẩm văn học là thời gian khách quan được tái tạo lại trong thế giới nghệ thuật, là thứ thời gian đã được nghệ thuật hóa, mang tính ước lệ và quan niệm. Thi pháp học gọi đó là thời gian nghệ thuật. Khác với thời gian khách quan được đo bằng đồng hồ và lịch, thời gian nghệ thuật có thể đảo ngược, quay về quá khứ, có thể bay đến tương lai xa xôi, có thể dồn nén trong một khoảng thời gian dài trong chốc lát kéo dài vô tận. “Thời gian nghệ thuật phản ánh sự cảm thụ thời gian của con người trong từng thời kỳ lịch sử, từng giai đoạn phát triển. Nó cũng thể hiện sự cảm thụ độc đáo của tác giả về phương thức tồn tại của con người trong thế giới.”[29,273].

Huyền thoại hóa thời gian trong tiểu thuyết là cách thức làm cho một câu chuyện hiện thực bị tách ra khỏi bối cảnh lịch sử, bối cảnh xã hội của nó, câu chuyện hiện thực trở nên phi thời gian, cuộc sống diễn ra trong đó có thể đã, đang và sẽ diễn ra vào bất kỳ thời điểm nào mà không mất đi ý nghĩa hiện thực chân thật của nó. Mốc thời gian lịch sử, thời gian xã hội trở nên không quan trọng để diễn đạt một hiện thực vĩnh cửu nào đó thuộc về con người. Thời gian huyền thoại thường trải màu sắc bàng bạc của nó qua sự tái diễn thời gian (xét trong trật tự niên biểu) và những câu chuyện xảy lặp từ quá khứ đến hiện tại (của một nhân vật hay của một số nhân vật), những đoạn ngưng của hồi ức, của trữ tình ngoại đề khiến người đọc khó nắm bắt được thời gian, và sự mờ hoá thời gian… Chúng ta sẽ thấy rõ điều này qua phân tích thời gian trong Sống đọa thác đày của Mạc Ngôn.

Một phần của tài liệu Phương Thức huyền thoại trong tiểu thuyết Sống Đọa Thác Đày của Mạc Ngôn (Trang 90)