Bên cạnh tạo nên một không gian huyền thoại, Mạc Ngôn cũng rất chú trọng tới việc xây dựng một thời gian nghệ thuật độc đáo và mang tính huyền thoại. Thể hiện đầu tiên đó là sự nhòe mờ các lớp thời gian trong tác phẩm. Thời gian trong Sống đọa thác đày hoàn toàn không nhất quán, không theo một trình tự từ đầu đến cuối mà toàn bộ câu chuyện diễn ra trong sự xáo trộn của các lớp thời gian. Đó vẫn là những mảnh vụn thời gian giữa quá khứ và hiện tại, hư và thực và sự phân chia thời gian trong tác phẩm không có một ranh giới rõ ràng. Ví dụ trong tác phẩm, người đọc đang theo dõi cuộc sống, thời gian ở địa ngục thì bỗng đột ngột trở về quá khứ với thời gian của cuộc hành hình: “Trên con đường đi từ chiếc cầu nhỏ về nhà, trong óc tôi hiện ta rõ mồn một tình cảnh lúc tôi bị bắn: Tôi bị trói quặt hai tay, cổ đeo lủng lẳng cái thẻ “tử hình”. Đó là ngày hai mươi ba tháng chạp, trước Tết chỉ có bảy ngày. Gió thổi lạnh buốt, mây đen dày đặc, những hạt tuyết trắng muốt như những hạt gạo bám vào cổ tôi.”[1.19]. (…), Sau cái chết của Tây Môn Lừa nhân vật người kể chuyện quay ngược thời gian quá khứ về thời gian hiện tại Lam Ngàn Năm (đầu thai chuyển kiếp của Tây Môn Náo) bàn luận chuyện cũ với Lam Giải Phóng, đôi khi trong dòng ký ức của Tây Môn Náo xuất hiện hình ảnhLam Ngàn Năm, Giải Phóng và Mạc Ngôn (một nhân vật cùng tên với tác giả) ở hiện tại. Cứ như thế thời gian hiện tại và thời gian của quá khứ xen lẫn nhau. Tác phẩm xuất hiện hàng loạt sự kiện và biến cố xen lẫn nhau, nếu theo tiểu thuyết truyền thống, các sự kiện diễn ra theo một trình tự thời gian nhất định, thì tới tiểu thuyết Mạc Ngôn các sự kiện ấy được hiện lên trong lớp thời gian nhòe mờ, tránh gây cảm giác nhàm chán cho người đọc. Tuy nhiên, những mảnh vụn về thời gian sẽ làm người đọc khó xác định được thời gian nào trong tác phẩm song lại tạo nên sự hấp dẫn và tránh việc lặp đi lặp lại một khoảng thời gian cụ thể.
Khác với tiểu thuyết truyền thống thường tổ chức, sắp xếp câu chuyện theo thời gian tuyến tính. Mọi diễn biến của cuộc đời nhân vật phản ánh trong tác phẩm đều được đặt trên một trục thời gian theo trật tự từ trước đến sau, từ quá khứ đến hiện tại. Trong tiểu thuyết hiện đại như Sống đoạ thác đày, trật
tự nhất quán này đôi khi bị đảo lộn hoàn toàn, có khi bị nhòe mờ đi. Nhà văn có thể từ hiện tại quay ngược về quá khứ để hiện tại và quá khứ đan xen, trộn lẫn vào nhau. Những dòng đầu tiên của Sống đọa thác đày, là mở đầu của hồi ức nhân vật Lam Thiên Tuế - cậu bé đầu to với những đặc điểm dị thường: “Ngày sinh nhật thứ năm, Lam Thiên Tuế gọi bạn tôi, Lam Giải Phóng đến trước mặt của mình, với tư thế của người sắp kể một câu chuyện dài, bắt đầu bằng câu:
- Câu chuyện của tôi bắt đầu ngày một tháng một năm một nghìn chín trăm năm mươi.”[1.11].
Từ dòng hồi ức ấy, hàng loạt biến cố diễn ra với nhân vật. Câu chuyện là những hồi ức miên man của hai nhân vật kể chuyện chính Giải Phóng và Thiên Tuế. Khoảng thời gian năm mươi năm của lịch sử xã hội Trung Quốc như những mảng màu lần lượt hiện ra. Điều độc đáo ở đây là cho đến cuối những trang tiểu thuyết độc giả mới nhận thấy thời điểm hiện tại khi Giải Phóng và Lam Thiên Tuế đối thoại. Thời gian mở đầu cũng là thời gian kết thúc của tiểu thuyết, nhưng với các nhân vật và sự kiện thì đây mới là thời gian mở đầu cho mọi hành động sau này. Thời gian khép lại như một vòng tròn, luân hồi từ hiện tại nhìn về quá khứ; Quá khứ ngược trở về hiện tại.
Đồng hiện thời gian cũng là một kỹ thuật được Mạc Ngôn sử dụng khá nhiều trong Sống đoạ thác đày đó là một thủ pháp bắt nguồn từ kỹ thuật điện ảnh đặt quá khứ và hiện tại song song bên cạnh nhau, khiến cho cùng một sự kiện trong tiểu thuyết lại được soi chiếu từ hai thời điểm khác nhau, làm cho dòng hồi tưởng trộn lẫn, đan xen nhau mà không hề có sự phân tách hoặc chuyển tiếp nào. Kiểu đồng hiện thường gặp ở các tác phẩm khác là từ hiện tại nhớ về quá khứ và tưởng tượng đến tương lai. Nhưng ở Sống đoạ thác đày
lại đồng hiện theo kiểu từ quá khứ gần đến quá khứ xa và ngược lại từ quá khứ nhớ đến hiện tại. Mở đầu tác phẩm là mốc thời gian của “ngày 1/1/1950” tiếp đó là thời gian “trước cái ngày ấy hai năm…” Nhằm giải thích sự chuyển kiếp của Tây Môn Náo dưới âm phủ, rồi “Ngày 23 tháng Chạp” Tây Môn Náo bị xử bắn. Tây Môn Náo trở thành con lừa nhà Mặt Xanh, lại một lần nữa
bánh lăn thời gian quay về quá khứ lúc Tây Môn Náo cứu Mặt Xanh và anh ta trở thành người làm công cho nhà Tây Môn, rồi hình ảnh quá khứ của Nghinh Xuân, Thu Hương - những người vợ bé của Tây Môn giờ trở thành vợ Mặt Xanh, vợ Hoàng Đồng… Vào thời điểm nhân vật Xuân Miêu 6 tuổi, nhân vật người kể chuyện lại “đón trước” khi Xuân Miêu 20 tuổi say đắm trong mối tình với Giải Phóng…Hiện tại của nhân vật Mặt Xanh, Giải Phóng, Kim Long, Bảo Phượng… lại là quá khứ, thuộc về quá khứ so với hiện tại của nhân vật Lam Ngàn Năm. Vì vậy có hai hiện tại đồng hiện trong tác phẩm. Hiện tại của “tôi” Lam Ngàn Năm, Giải Phóng - thời gian mà “tôi” đang sống và kể chuyện, hiện tại của những nhân vật Mặt Xanh, Kim Long, Nghinh Xuân - thời gian mà họ đã sống và chết - cùng hoà lẫn vào nhau. Hiện tại được đan dệt với nhiều chiều ngược xuôi của quá khứ sâu thẳm và hiện tại xa vời ấy hội tụ tất cả những gì mà Mặt Xanh, Giải Phóng, Kim Long…Từng nếm trải, tất cả những gì mà “tôi” (nhân vật người kể chuỵện Tây Môn Náo) thấu suốt, chiêm nghiệm.
Dòng hồi ức của nhân vật, quá khứ, hiện tại xuất hiện một lúc, không bị ngăn cách, liên tục như dòng chảy. Dòng kí ức cứ chảy luân phiên và chuyển tiếp giữa hai bờ quá khứ - hiện tại và gắn với đó là sự chuyển ngôi người kể chuyện. Ở đây có đến bốn lần diễn ra sự chuyển ngôi đồng thời diễn ra sự thay đổi về mặt thời gian. Hiện tại gắn với nhân vật Lam Ngàn Năm Đầu To, quá khứ lại gắn với lời kể của nhân vật “tôi”, nhân vật Tây Môn Náo. Sự chuyển tiếp, đồng hiện ấy không hề qua một bước trung gian nào, chồng chất lên nhau trong dòng kí ức của những nhân vật. Việc kéo dài và làm đồng hiện thời gian tâm lý nhân vật ở những phiến đoạn nói trên làm cho cốt truyện có độ căng về mặt thời gian. Mặt khác, dù kí ức chiếm phần lớn tác phẩm nhưng với dòng ý thức của nhân vật, người đọc vẫn cảm nhận được sự hiện diện của cảm giác thời gian hiện tại. Mặc dù những sự kiện được tái hiện thuộc về quá khứ nhưng cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật thì vẫn là “cảm giác của thời gian hiện tại”.
Và những hình ảnh của một địa chủ Tây Môn Náo ở quá khứ, rồi bất chợt quay về hiện tại. Cứ như thế khi ở quá khứ, khi ở hiện tại, khi thì người kể nhập thân vào kiếp trước của mình để trở về quá khứ khi thì câu chuyện hiện tại của nhân vật kể chuyện khác. Không chỉ trong tác phẩm Sống đọa
thác đày mà ở một số tác phẩm khác Mạc Ngôn cũng sử dụng các lớp thời
gian nhòe mờ, một cách điêu luyện như trong tác phẩm Cao lương đỏ hay
Đàn hương hình. Chẳng hạn, trong Cao lương đỏ tác phẩm đã tái hiện về
chuyện tình sử của “ông tôi” và “bà tôi”, về lịch sử chống Nhật của người dân Cao Mật thuộc thế hệ ông bà. Dòng thời gian cũng từ hiện tại nhớ về quá khứ và ngược lại theo dòng hồi ức của nhân vật kể chuyện. Không chỉ là thời gian trôi từ hiện tại về quá khứ mà còn bị bẻ gãy, nhòe mờ bởi kí ức của người kể chuyện và nhân vật, quá khứ xa, quá khứ gần, hiện tại, tương lai cứ đan xen, thêu dệt vào nhau, khiến dòng thời gian trong tác phẩm không đơn thuần dòng thời gian nữa mà trở thành mạng thời gian. Trang 9, mốc thời gian năm 1939, lúc Đậu Quan 14 tuổi theo tư lệnh Từ đi phục kích quân Nhật; Trang 16, lúc Đậu Quan 5 tuổi đi bắt cua cùng La Hán; đầu trang 19, năm ngoái (1938) ông La Hán bị quân Nhật hành hình; cuối trang 19 bảy tám năm trước, bà say rượu ôm ông La Hán trong sân; trang 20 nối tiếp trận phục kích của trang 19; trang 26 mấy chục năm sau, tác giả về quê tìm hiểu cuộc chiến nổi tiếng ấy của ông bà nội mình; trang 30, Nhật đến bắt ông La Hán; trang 48 quay lại đêm phục kích 9/8/1939; trang 50 trước đó mấy ngày, bàn kế hoạch đánh Nhật… Cứ như thế theo dòng hồi ức của người kể chuyện và cảm xúc của từng nhân vật, các dòng thời gian mặc sức tung hoành. Ba dòng hồi ức trong tác phẩm “ông tôi”, “bà tôi” và “tôi”vừa phân rã các sự kiện nhưng lại vừa kết nối các sự kiện tạo nên ba dòng thời gian riêng, dòng thời gian nào cũng quanh co, độc lập song khi đổ vào dòng thời gian chung của tác phẩm lại tạo nên sự lệch pha so với thời gian cốt truyện.
Tất cả những lớp thời gian ấy làm cho người đọc nhập nhoàng, lờ mờ giữa quá khứ và hiện tại, mạch truyện bị nhòe mờ theo lớp thời gian. Tuy nhiên, điều đó không làm mất đi trật tự của câu chuyện mà người đọc vẫn dễ
dàng nắm bắt câu chuyện từ đầu tới cuối, không bị lẫn chi tiết nào. Vì thời gian quá khứ và hiện tại lồng ghép vào nhau, lí giải, gắn kết các tình tiết nội dung câu truyện. Đây là sự tài tình, sự hấp dẫn trong tác phẩm của nhà văn Nobel - Mạc Ngôn. Chính việc tạo sự nhòe mờ của các lớp thời gian giúp cho nhà văn dễ dàng đề cập đến những chuyện xảy ra ở hiện tại một cách tự nhiên và gần gũi nhất cho tác phẩm. Tác giả đã tạo ra mạch vận động của thời gian từ hiện tại về quá khứ, thời gian thực tại và thời gian hoài niệm qua những câu chuyện được kể. Đây chính là điểm nổi bật và thành công của tác phẩm có sự chuyển hóa linh hoạt với tốc độ nhanh giữa các dạng thức thời gian trong cuộc đời nhân vật.