Những năm 60 của thế kỉ XX, trào lưu chủ nghĩa hiện thực huyền ảo phát triển mạnh ở các nước Mỹ Latinh. Theo từ điển thuật ngữ văn học: “Các nhà văn của trào lưu này thường mượn các truyền thuyết trong dân gian xưa để tạo ra các huyền thoại mới. Các tác phẩm thường có những cảnh tượng ly kỳ, hư ảo, vừa có những chi tiết và hoàn cảnh hiện thực gây cho người đọc cảm giác về những hiện tượng nghịch lí.”[38.53].
Cốt truyện lồng ghép hư và thực được sử dụng rộng rãi trong văn học hậu hiện đại. Theo R. Bather từng đề cập cốt truyện này vừa mang đặc điểm của “sự kiện hạt nhân” và quan trọng hơn cả là sự thể hiện đặc trưng “tam hiếu” – một minh chứng của tiểu thuyết Trung Hoa. Nghĩa là gồm ba yếu tố thích, cần có trong tiểu thuyết đó là hiếu sử( thích lịch sử), hiếu sự (thích sự kiện) và hiếu kì (sự kì ảo). Mỗi tác phẩm dù lớn hay nhỏ cũng phải có hoặc là kì sự hoặc kì sử, có khi cả hai. Mạc Ngôn đã tuân thủ nguyên tắc ấy bằng việc lồng ghép những câu chuyện truyền kì lịch sử và truyền kì dân gian vào cốt truyện của mình. Tác phẩm đưa người đọc vào cuộc phiêu lưu du ngược về xã hội, lịch sử Trung Quốc hơn năm mươi năm: Giai đoạn mở đầu cải cách ruộng đất, cách mạng văn hóa, thời kì hợp tác xã và cuối cùng là giai đoạn đổi mới, mở cửa. Nhưng qua các nhân vật của mình Mạc Ngôn vừa khắc họa cho người đọc thấy một thời kì lịch sử đầy nước mắt và biến động, đồng thời cũng cho chúng ta thấy những bi kịch tình yêu và hận thù, bản năng và trí tuệ... Tất cả tồn tại trong một xã hội nhiều đối nghịch bằng bút pháp huyền ảo. Mạc Ngôn
chịu ảnh hưởng nhiều của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh cho nên trong các tác phẩm của mình ông không ngần ngại sử dụng thi pháp của chủ nghĩa hiện thực ấy “biến hiện thực thành hoang đường mà không mất đi tính chân thực”. Phản ánh hiện thực bằng chính lăng kính của sự sáng tạo, tưởng tượng giống như việc nhà văn đang đi trên một cái dây: Phía bên này là hiện thực cuộc đời mà người đọc có thể cảm nhận nhưng phía bên kia là, một đối cực của lối viết phóng túng, cực đoan bỏ qua những logic của cuộc sống. Mạc Ngôn đã làm được điều đó qua Sống đọa thác đày ông đã khắc họa nhân vật và câu chuyện hoàn toàn siêu thực nhưng ấn tượng chủ quan chuyện kể mang lại là chân thực, giàu ý nghĩa. Trong Sống đọa thác đày bên cạnh nhân vật Tây Môn Náo - một nhân vật có thật trong lịch sử, nhà văn xây dựng nên nhân vật Diêm Vương, Lam Ngàn Năm Đầu To và các kiếp nghiệt súc đầu thai của y chỉ có trong câu chuyện dân gian, đó là những nhân vật đậm chất hư ảo, là một sáng tạo độc đáo của nhà văn. Nhân vật Tây Môn Náo được tác giả tái sinh bằng huyền thoại. Tác giả dựa trên cốt lõi của sự thật lịch sử, khoác lên nhân vật những yếu tố huyền ảo làm cho nhân vật đẹp hơn, lạ hơn và hấp dẫn hơn.
Đọc từng chương của tác phẩm người đọc theo dòng thời gian trở về thời thơ ấu ngày nào, những gì Mạc Ngôn kể như những câu chuyện cổ tích, đưa ta về tuổi thơ và cả những nhân vật vừa như trong màn sương mờ ảo lại vừa như mới bắt gặp đâu đây trong cuộc đời bình dị này. Sự mâu thuẫn giữa tiềm thức và ý thức về thân phận của mình khiến cho những hóa kiếp của Tây Môn Náo vừa chân thực, vừa huyền ảo. Chẳng hạn, đoạn miêu tả về tình yêu giữa Náo Náo và Hoa Hoa: “Chúng tôi thân mật gọi là Náo Náo và Hoa Hoa. Náo Náo và Hoa Hoa sẽ vĩnh viễn ở bên cạnh nhau, trời đất cha mẹ cũng không thể phân ly chúng tôi. Chúng tôi sẽ thành lừa hoang chạy nhảy mười cồn cát này, giữa những lùm liễu um tùm này, bên cạnh con sông có nước trong vắt, có lau lách và cỏ non ngọt lịm ... Hoa Hoa cắn yêu tôi nói.[7. 86]. Trong thế giới loài vật ấy, loài vật cũng giống con người: Yêu nhau say đắm, tình yêu ấy cũng không thoát khỏi toan tính so đo bởi những giá trị vật chất sẽ quyết định như sự tồn tại của chúng “Sợ khổ Hoa Hoa quên thề ước” chính là
một chương truyện dù của vật nhưng cũng chứa đựng và phản ánh tương đối nhiều tâm sự của con người.
Tiếp cận tiểu thuyết Sống đọa thác đày, người đọc tiếp xúc với một thế giới hầu như được xây dựng trên nền tưởng tượng của nhà văn. Mạc Ngôn đã xây dựng những “huyền ảo” bao phủ hầu như cả thiên truyện: Một Tây Môn Trâu quật cường, cày những khoảnh đất nhẹ nhàng lật xới như những cánh hoa khi chết đã để lại không ít dư cảm nơi quần chúng. Trâu thà cam chịu những đòn roi, cực hình, những trận đánh như trời giáng của Kim Long tra tấn con trâu càng làm rạng rỡ khí phách quật cường của Trâu dũng cảm và “có nghĩa”, gồng mình, lặng lẽ chịu đựng cái chết “Kim Long lôi con trâu nái Mông Cổ trước mặt cậu, rồi buộc dây thừng nối từ cái vòng xâu lỗ mũi của cậu vào cổ nó. Trời ơi! Anh ta muốn dùng sức của con trâu nái để lôi mũi Tây Môn Trâu! Ai cũng biết mũi là nơi nhạy cảm nhất của trâu, trâu bị người sai khiến dễ dàng là do người biết móc vào đó một cái dây đồng (...) nhưng cậu vẫn không đứng dậy, và tôi biết cậu chẳng bao giờ đứng dậy nữa bởi cậu là Tây Môn Trâu!” [20.310] không một thái độ phản kháng thái độ ấy sẽ mãi để lại ấn tượng trong lòng người đọc. Thế giới loài vật như một bức tranh tương phản với loài người. Con người tìm mọi cách để đạp đầu nhau tồn tại, dùng mọi thủ đoạn hạ bệ nhau trong những “cao trào cách mạng” thì hình ảnh một con trâu cam chịu, một cái chết oanh liệt, trước hàng loạt những hành động thú tính của Kim Long sẽ mãi là một câu chuyện truyền kì. Hay một Hoàng Hỗ Trợ có mái tóc thần không thể cắt, có khả năng chữa lành vết thương, chữa bệnh máu không đông cho Lam Ngàn Năm Đầu To chúng ta dễ nhận thấy những điều này qua các tiểu thuyết khác của Mạc Ngôn như một Lai Đệ một ngày bỗng trở thành nửa người - nửa chim có năng lực tiên đoán, chữa bệnh Báu vật của đời, Đàn Hương Hình, Củ cà rốt trong suốt hay Ếch.. Tất cả được nhuốm màu sắc hư ảo tạo nên một cốt truyện đầy chất huyền thoại, lôi cuốn, hấp dẫn độc giả.
Xây dựng cốt truyện có sự lồng ghép đan cài những yếu tố thực và ảo với những tình tiết li kì, hấp dẫn với điểm nhìn của nhân vật Lam Ngàn Năm
Đầu To và điểm nhìn súc vật Mạc Ngôn rất khéo léo để giải thích những khúc mắc, và khuất tất của nhân tình thế thái và lịch sử. Đây cũng là điều mà Mạc Ngôn cảnh báo về sự tha hóa của con người trong xã hội Trung Quốc hiện đại. Cốt truyện thực và ảo ấy tưởng như chẳng lôgic nhưng kì thực rất chặt chẽ, điểm nhìn hư ảo giao thoa với đời thực tại tạo nên những ấn tượng vừa chủ quan vừa khách quan hấp dẫn độc giả. Với kiểu cốt truyện đan xen giữa hư và thực như vậy giúp nhà văn mở rộng biên độ, phạm vi chiếm lĩnh hiện thực một cách hiệu quả nhất. Qua đó, giúp nhà văn có thể đi sâu vào mọi ngóc ngách của đời sống tâm linh, tinh thần, bóc trần mặt xấu ẩn sâu bên trong mỗi người.