Không – thời gian trong tiểu thuyết

Một phần của tài liệu Phương Thức huyền thoại trong tiểu thuyết Sống Đọa Thác Đày của Mạc Ngôn (Trang 99)

Không – thời gian có nghĩa là không gian và thời gian trong tiểu thuyết được tổ chức một cách đặc biệt. Từ sự nghiên cứu cách tổ chức không – thời

gian này, Bakhtine phân định những thể loại tiểu thuyết khác nhau, xuyên qua các thời đại: tiểu thuyết Hy Lạp, tiểu thuyết kiếm hiệp, tiểu thuyết huê tình, tiểu thuyết tự thuật v.v...

Trong loại hình tiểu thuyết đầu tiên, tổ chức không – thời gian đặt trọng tâm ở “sự gặp gỡ trên đường”. “Con đường” là thành tố đặc biệt, đưa đến những cuộc gặp gỡ, bất ngờ, kỳ thú, rường mối của những éo le, tình tiết. “Con đường” là một tổ chức không – thời gian, giữ địa vị chủ yếu kéo dài suốt từ thời thượng cổ Hy Lạp đến thời trung cổ, trong những tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm tây phương. Cuối thế kỷ XVIII, ở Anh xuất hiện loại tiểu thuyết gô-tích hay tiểu thuyết "đen", với một tổ chức không – thời gian mới thành hình với các “lâu đài”. “Lâu đài” lần đầu tiên xuất hiện trong truyện Lechâteau d'Otrante (Lâu đài Otrante) của Horace Walpole. “Lâu đài” hoàn toàn bị thời gian xâm nhập, thời gian ở đây là thời gian lịch sử, tức là quá khứ lịch sử. “Lâu đài” là nơi các lãnh chúa ngự trị thời phong kiến, là nơi bảo tồn những khuôn mặt lịch sử, nhiều thế kỷ và nhiều thế hệ đã đặt dấu ấn trên đó, trên những bộ phận khác nhau của lâu đài, trong cách bài trí đồ đạc, khí giới, trên các bức chân dung, trong kho tư liệu gia đình... Tóm lại, bất cứ góc cạnh nào của “lâu đài” cũng mang dấu vết quá khứ.

Dễ bắt gặp điều này ở tiểu thuyết của Stendhal và Balzac, xuất hiện một không – thời gian khác: các xa-lông, (hiểu theo nghiã rộng). Tất cả mọi chuyện đều có thể xẩy ra ở xa-lông: gặp gỡ, toan tính, phản bội... Những doanh thương, chính trị gia, tất cả mọi hạng người trong xã hội trưởng giả đều gặp gỡ nhau ở xa-lông, lấy mọi quyết định ở xa-lông. Thêm một yếu tố chủ chốt nữa: “tiền”. Tiền trở thành ông chủ mới của đời sống. Dĩ nhiên là những bậc thầy hiện thực như Stendhal hay Balzac, không chỉ dùng xa-lông như một tổ chức thời không gian duy nhất để dựng truyện. Balzac có khả năng phi thường để "thấy" thời gian trong không gian, trong cách ông trình bày những ngôi nhà như những hiện thân của Lịch sử, những hình ảnh phố phường, thành thị, cảnh đồng quê, trên bình diện lịch sử và thời gian…

Trong tiểu thuyết, điểm quan trọng là mối quan hệ đặc biệt giữa thời gian và không gian: sự gắn bó hữu cơ kết nối chặt chẽ một số phận và những biến cố xẩy ra với một nơi chốn -thường là nơi chôn rau cắt rốn- trong tất cả các ngõ ngách, núi đồi, thung lũng, ruộng đồng, sông nước, căn nhà của tổ tiên... tạo nên không – thời gian của tiểu thuyết huê tình.Trong những tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa như Thủy hử, Tây du ký hoặc truyện kiếm hiệp của Kim Dung sau này, hai yếu tố xác định không – thời gian là con đường và quán trọ. Trong Truyện Genji, tiểu thuyết Nhật bản, do nữ sĩ Murasaki viết đầu thế kỷ XI- hiện được coi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của nhân loại, không – thời gian ở đây là triều đình Nhật Bản thời đại Thái bình (Heian) 794-1185. Tác phẩm là bức bích họa sống động và tỷ mỷ về cuộc sống vương triều, trong gần 100 năm kỷ nguyên Thái Bình, thời kỳ phát triển và phồn thịnh nhất của nền văn hoá Nhật Bản. Ở Việt Nam, tiểu thuyết quốc ngữ chỉ được phát triển đầu thế kỷ XX. Hồ Biểu Chánh đặt cơ sở tiểu thuyết xây dựng trên không – thời giancủa xã hội Nam kỳ thời Pháp thuộc. Tiểu thuyết của ông đi từ đồng ruộng đến thị thành, thể hiện con người muôn mặt, trong xã hội Việt Nam. Đó mới chỉ là lược qua những thời không gian lớn, cơ bản, bao gồm tất cả. Nhưng trong mỗi thời không gian lớn như thế còn gói ghém bao nhiêu thời không gian nhỏ, và mỗi chủ đề, lại có một thời không gian riêng của nó, tất cả những thời không gian ấy đan cài, chồng chất lên nhau, hỗ tương nhau hoặc chống lại nhau, trong tác phẩm. Sự tương tác hay đối tác bên trong của các yếu tố thời không gian ấy, hiện ra như một hình thức đối thoại, nằm ngoài hình ảnh, nó đi vào thế giới của tác giả, người thực thi, và thế giới người đọc hay người nghe, và cả hai đều là thế giới không – thời gian.

Vậy không – thời gian có giá trị gì? Theo Bakhtine: nó có giá trị hiển nhiên đối với chủ đề. Nó là những trung tâm tổ chức những biến cố chính chứa đựng trong tác phẩm. Những nút thắt, mở trong tiểu thuyết, đều nằm trong không – thời gian, cho nên nó là đầu não của chủ đề, là nơi xẩy ra những màn chính, nó là sự vật chất hoá thời gian trong không gian, nó hiện ra như một trung tâm cụ thể hoá hình ảnh, nó là hiện thân của toàn thể cuốn tiểu

thuyết. Tất cả những yếu tố khác như triết lý, tâm lý, xã hội, tư tưởng, phân tích nhân quả, cứ thế mà hướng về không – thời gian, quay quanh nó, nhờ sự trung gian của nó, để xây dựng máu thịt, để nhập vào ngữ tự màu sắc của nghệ thuật văn chương. Đó là ý nghiã tượng hình của không – thời gian trong tiểu thuyết.

Tóm lại, điều quan trọng đối với chúng ta là bất cứ ý nghĩa nào trong truyện, cũng mang trong nó một biểu hiệu không – thời gian nào đó, nói khác đi, mỗi ý nghiã, tất yếu phải thông qua một hình thức ký hiệu, để chúng ta nghe thấy, nhìn thấy được, và muốn như vậy, nó phải thông qua ngưỡng cửa không – thời gian.

Một phần của tài liệu Phương Thức huyền thoại trong tiểu thuyết Sống Đọa Thác Đày của Mạc Ngôn (Trang 99)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(113 trang)
w