Mờ ảo hoá không gian

Một phần của tài liệu Phương Thức huyền thoại trong tiểu thuyết Sống Đọa Thác Đày của Mạc Ngôn (Trang 88)

Mờ ảo hóa không gian, là một trong những thủ pháp thường được Mạc Ngôn sử dụng để tạo cho tác phẩm của mình sự lung linh, huyền thoại. Mờ ảo hóa không gian được hiểu là chỉ trạng thái không rõ ràng của không gian. Trong tác phẩm Sống đọa thác đày xuất hiện không gian này khá dày đặc, tiêu biểu cho kiểu không gian này là những chi tiết nhân vật Tây Môn Náo hóa kiếp, mỗi lần hóa kiếp nhìn về những vật sở hữu của mình ở kiếp trước và cũng là lúc Tây Môn Náo hoài niệm về quá khứ, khi biến thành một Tây Môn Lừa nhưng kí ức dội về trong đầu nó vẫn là tiềm thức của một con người : “Đi trên con đường lớn rải đá trong thôn, đôi chân mới lắp móng của tôi dẫm lên đá kêu lạo xạo. Cho dù lòng tôi còn vấn vương mùi vị đặc biệt của con lừa cái, vẫn tơ tưởng cái vẻ yêu kiều đầy dục tính của nó đến phát cuồng, nhưng kiếp sau hy vọng lại trở lại người đã khiến tôi không giống những con lừa phàm tục khác.

Rất đông người vội vội vàng vàng chạy vụt qua mặt tôi, nghe những lời bàn tán của họ, tôi mới biết trong vườn nhà Tây Môn Náo, cũng là trụ sở ủy ban thôn, cũng là trụ sở của ủy ban hợp tác xã, cũng là nhà Mặt Xanh và Hoàng Đồng đang tổ chức triển lãm một cái chum gốm sứ, trong chum toàn là vàng bạc châu báu. (…) Ký ức của Tây Môn Náo ùa về, xua đi sự hoài nhớ của Tây Môn Lừa đối với ả lừa cái. Tôi quên mất nơi tôi đã từng chôn bao nhiêu là đồ tế nhuyễn, vàng bạc”.[5.63].

Sự mờ ảo hóa không gian nghệ thuật trong tác phẩm đó là sự đan cài giữa không gian của thực tại và không gian của quá khứ , đó là, không gian của đời sống thực và không gian của huyền thoại. Tất cả được hòa trộn trong tác phẩm của Mạc Ngôn, tạo nên sự thú vị và hấp dẫn cho người đọc. Không

gian thực bị ảo hóa là loại không gian nằm trên đường biên giới giữa hai lãnh địa: Không gian phi thực và không gian thực. Vì bản thân nó là sự hợp thành giữa những yếu tố thực: Từ thiên nhiên đến con người và những hoạt động của nó; Với một vài yếu tố kỳ ảo đan xen. Sự xuất hiện của những yếu tố kì ảo đã phần nào làm thay đổi diện mạo của không gian thực, đẩy nó dịch chuyển gần hơn về phía không gian phi thực. Tuy nhiên, trong kiểu không gian này, yếu tố kì ảo không xâm thực toàn phần không gian thực mà nó chỉ là sự điểm xuyết làm cho không thực nhuốm màu huyền bí, kỳ lạ, đưa người đọc vào trạng thái tiếp nhận đầy hoài nghi, phân vân tính thực - ảo của loại không gian bị ảo hóa. Không gian thực trong tiểu thuyết Mạc Ngôn được ảo hóa bằng nhiều con đường khác nhau. Có khi, không gian thực - ảo là kết quả của sự phối hợp giữa thiên nhiên và tính điềm báo của nó; Khi khác, nó là một khung cảnh chứa sự linh ứng màu nhiệm; Và cũng có khi, trạng thái tâm lý của chủ thể cảm nhận đã làm mờ đi chất hiện thực của thiên nhiên xung quanh,… Nhưng nhìn chung, không gian thực trở thành không gian bị ảo hóa chủ yếu do cái nhìn chủ quan của con người. Mỗi cách nhìn, mỗi cách cảm nhận đã cung cấp cho không gian thực một dáng vẻ, một đời sống riêng, làm cho không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Mạc Ngôn nói chung, “kỳ cảnh” trong tiểu thuyết Mạc Ngôn nói riêng thêm đa dạng và phong phú.

Đó là sự mờ ảo, nhòe mờ giữa hai cuộc đời của Tây Môn Náo, một bên là địa chủ - kiếp làm người, có địa vị trong xã hội, một bên kiếp súc vật đang mang trên mình. Một Tây Môn Náo trong quá khứ siêng năng, lương thiện và ý thức được số phận của mình, mặc dù đội lốt trong các con vật lừa, ngựa, trâu, khỉ, chó… Tiếp xúc với nhiều hạng người trong xã hội nhưng tất cả đều không làm thay đổi được bản tính của một con người trong Tây Môn Náo. Tất cả là sự đối nghịch giữa quá khứ và hiện tại, với cách thể hiện không gian nhòe mờ đã ảnh hưởng tới tính cách nhân vật trong tác phẩm.

Không gian nhòe mờ còn thể hiện trong cái nhìn của Tây Môn Náo ở thực tại, dù nhìn thấy thực tại xã hội nhưng Tây Môn Náo vẫn không thể thoát khỏi ra hoàn cảnh ấy mà vẫn bị hoàn cảnh chi phối. Cùng với cốt truyện phân

mảnh, không gian trong tiểu thuyết Sống đọa thác đày được Mạc Ngôn xé ra thành những mảng, vụn vỡ và không rõ ràng, giữa không gian ấy không hề có ranh giới. Đọc tác phẩm, cảm nhận của mỗi độc giả đó là một cái gì đó không hòa kết, không thống nhất, chỉ là những mảnh vụn ở quá khứ và hiện tại, của hư và thực, không có cái gì cụ thể và rõ nét. Đó là ẩn ý và thành công của Mạc Ngôn, tạo ra không gian nhòe mờ làm cho tác phẩm mang tính huyền thoại hơn, gây hứng thú hơn.

Một phần của tài liệu Phương Thức huyền thoại trong tiểu thuyết Sống Đọa Thác Đày của Mạc Ngôn (Trang 88)