Vấn đề không gian nghệ thuật trong văn học

Một phần của tài liệu Phương Thức huyền thoại trong tiểu thuyết Sống Đọa Thác Đày của Mạc Ngôn (Trang 80)

Trong cuốn Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê đã cắt nghĩa, lí giải về không gian như sau: “Không gian là khoảng không bao la trùm lên tất cả sự vật hiện tượng xung quanh đời sống con người” [16.633].

Trước khi có định nghĩa hoàn chỉnh về không gian như trên, trong tư tưởng của người phương Đông xưa đã quan niệm cấu trúc không gian chính là

môi trường chúng ta đang sống với sự tồn tại của các sự vật. Không gian chính là hình thức tồn tại của vật chất với những thuộc tính như cùng tồn tại và tách biệt, có chiều kích và kết cấu. Để hiểu được khái niệm không gian nghệ thuật một cách cơ bản và khái quát nhất, theo nhóm tác giả Lê Bá Hán, Nguyễn Khắc Phi, Trần Đình Sử trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học: “Không gian nghệ thuật là hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó” [4.tr.162]. Trần Đình Sử lí giải thêm: “Không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại cùng thế giới nghệ thuật” [21.88]. Và theo ông: “Không có hình tượng nghệ thuật nào không có không gian, không có một nhân vật nào không có một nền cảnh nào đó”, và “không gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và thể hiện một quan niệm nhất định về cuộc sống” [21.88 - 89]. Như vậy, không gian nghệ thuật là phương thức tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuật. Không gian nghệ thuật trở thành phương tiện chiếm lĩnh đời sống, “mang ý nghĩa biểu tượng nghệ thuật”. Và sự miêu tả, trần thuật bên trong tác phẩm văn học bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn, ta xác định được vị trí của chủ thể trong không - thời gian, thể hiện ở phương hướng nhìn, diễn ra trong một trường nhìn nhất định. Căn cứ vào điểm nhìn mà xác định được vị trí của chủ thể trong không - thời gian, thể hiện ở phương hướng nhìn, khoảng cách nhìn, ở đặc điểm của khách thể được nhìn. Điểm nhìn không gian được thể hiện qua các từ chỉ phương vị (phương hướng, vị trí), để tạo thành “viễn cảnh nghệ thuật”. Đó là không gian nghệ thuật “ không gian nghệ thuật gắn với cảm thụ về không gian nên mang tính chất chủ quan, ngoài không gian vật thể có không gian tâm tưởng (Gần nhau đây mà xa biết bao nhiêu/ giữa hai đứa

mênh mông là biển rộng – Tố Hữu)”. Do vậy không gian nghệ thuật có tính

độc lập tương đối, không được quy vào không gian địa lý (…) Không gian nghệ thuật chẳng những cho thấy cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học, các ngôn ngữ tượng trưng, mà còn cho thấy quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ của một tác giả hay một giai đoạn văn học.”[29.135]

Có thể thấy không gian nghệ thuật thống nhất nhưng không đồng nhất với không gian khách thể. Bản thân không gian vật chất tồn tại khách quan, nghĩa là sự tồn tại của nó không phụ thuộc vào ý thức của con người, mà không gian vật chất chỉ trở thành không gian nghệ thuật khi được tác giả cảm nhận về nó và qua đó thể hiện cách cảm cách nghĩ của nhà văn về thế giới, là một quan niệm nhân sinh, một thái độ sống trước cuộc đời. Không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học có một ranh giới phân biệt với không gian vật chất bên ngoài, nhưng không dễ thấy như cái khung của một bức tranh, cái sân khấu của một vở diễn. Mà có lẽ ranh giới ấy chỉ mờ nhạt mong manh như “sợi tóc” (chữ của Thạch Lam), một làn khói mơ hồ, giống như cái sân khấu của chèo sân đình không gian chiếu chèo và thế giới bên ngoài dường như không có khoảng cách mà đôi khi lại hoà làm một. Trong văn học không gian nghệ thuật chia thành những ranh giới giá trị thể hiện quan niệm về trật tự thế giới và sự lựa chọn của con người. Đó là sự tách biệt về ranh giới của không gian, giữa không gian bên trong và không gian bên ngoài, giữa ranh giới bất biến và khả biến.

Không gian nghệ thuật mang ý nghĩa cảm xúc, mang tính ước lệ tượng trưng: Ôlimpơ, Tây Trúc, Thiên đình, thượng giới, làng quê, trong nhà, ngoài vườn, bến sông, tha hương, thành phố, biển khơi… Không gian biểu thị bằng các từ chỉ không gian vốn đã mã hoá sẵn trong đời sống, như: Trên cao, dưới thấp, nghiêng. Về tính chất thì có thể là: rộng - hẹp, dài - ngắn, phóng khoáng…

Ngoài ra, không gian nghệ thuật trong văn học còn mang tính tượng trưng và mang tính quan niệm. Tính quan niệm này xuất phát từ nguyên tắc mô phỏng thiên nhiên trong hội hoạ, đó là luật thấu thị - nhìn sự vật theo tỉ lệ xa gần, sáng tối trong hội hoạ phương Tây. Vì thế trong văn học cổ, con người nhìn không gian theo cách hiểu chứ không theo cái nhìn thấy. Ví dụ như trong tranh đời Đường, nhân vật quan trọng thì vẽ to, nhân vật phụ thì vẽ nhỏ. Nó còn thể hiện tập trung vào cái nhìn, điểm nhìn, điểm quan sát. Điểm nhìn là vị trí của chủ thể trong không thời gian, thể hiện ở phương hướng

nhìn, khoảng cách nhìn, ở đặc điểm của khách thể được nhìn. Nó là sản phẩm sáng tạo của nhà văn nhằm biểu hiện con người và thể hiện một quan niệm nhất định về cuộc sống. Không gian nghệ thuật là mô hình không gian của thế giới nghệ thuật. Sự đối lập và liên hệ giữa các yếu tố không gian các miền, phương vị, các chiều.... Tạo thành ngôn ngữ nghệ thuật để biểu hiện thế giới quan niệm của tác giả.

Tóm lại, không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của hình tượng nghệ thuật. Không gian nghệ thuật không những cho thấy cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học, các ngôn ngữ tượng trưng, mà còn cho thấy những quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ của tác giả hay một giai đoạn văn học. Nó cung cấp cơ sở khách quan để khám phá tính độc đáo cũng như nghiên cứu loại hình của các hình tượng nghệ thuật. Vì vậy không thể tách hình tượng ra khỏi không gian mà nó tồn tại.

Một phần của tài liệu Phương Thức huyền thoại trong tiểu thuyết Sống Đọa Thác Đày của Mạc Ngôn (Trang 80)