Trong huyền thoại dân gian, nhân vật thường mang dáng dấp của lực lượng thần kỳ, có khả năng siêu phàm, phần lớn đó là những nhân vật chức năng (thường được gọi là các vị thần, thánh như “Sơn thần, Thủy thần, Thánh Gióng…). Đến văn học hiện đại, Kafka quan niệm: Bản chất của thế giới và con người như là một cái gì “phi lý, quái dị, không nhận thức được”. Tiếp thu tinh thần đó, Mạc Ngôn đã xây dựng nhân vật Tây Môn Náo có thật với những chất liệu đậm đặc tính huyền thoại.
Trong Sống đọa thác đày, Tây Môn Náo hiện lên như một nhân chứng lịch sử. Đó là Tây Môn Náo tên địa chủ bị lôi ra hành hình và hàng loạt những hóa thân của hắn. Điều đặc biệt, hầu hết cuộc đời của hắn lại được tái hiện, nhìn nhận và phán xét với chính con mắt của hắn. Lịch sử cá nhân, lịch sử xã hội và con người hòa trộn trong số phận chìm nổi của nhân vật. Hình ảnh đầu tiên người đọc bắt gặp trong tác phẩm Tây Môn Náo bị đưa đi hành
quyết. Công cuộc cải cách ruộng đất của Trung Quốc đã chứng kiến nhiều cái chết tức tưởi, bất công và oan trái. Tây Môn Náo là một thành phần như thế.
Trước hết, nhân vật Tây Môn Náo là người đại diện cho số phận, phẩm chất của hàng vạn người nông dân Trung Quốc trong một thời gian 50 năm lịch sử. Tuy là một địa chủ, không cùng với hàng ngũ giai cấp cách mạng nhưng xét cho cùng hắn là một người nông dân yêu lao động thực sự. Sự giàu có của hắn giành được phải đánh đổi bằng mồ hôi, sức lực và tình yêu lao động của chính hắn mà nên: “Trong kho nhà của Tây Môn Náo mỗi hạt lúa đều thấm mồ hôi của y. Nhờ vào lao động và trí lực mà hắn trở nên giàu có. Hắn tự tin nói rằng bình sinh tôi chưa làm chuyện gì ác (...) Hắn thường tự hỏi: Nhưng một người lương thiện như tôi, một người chính trực như tôi, một người tốt như tôi lại bị bọn họ làm cho sống đi chết lại như thế này sao ? ”. [1.13]. Mặc dù là một phú ông nhưng hắn vẫn giữ thói quen lao động và như bao người nông dân khác ở thôn Cao Mật, hắn vẫn mang trong mình bản chất cần cù, chăm chỉ và lương thiện, quanh năm, bốn mùa vẫn bám lấy đồng ruộng của mình: “Tháng ba cày ruộng, tháng tư gieo hạt, tháng năm gặt lúa mạch, tháng sáu hái dưa, tháng bảy tỉa đậu, tháng tám thu đay, tháng chín thu hoạch ngũ cốc, tháng mười cày trở, tháng chạp lạnh lẽo tôi cũng chẳng quan tâm cái lò sưởi ấm áp trong nhà gà vừa cất tiếng gáy là tôi đã quảy gánh đi nhặt phân chó. Mọi người trong làng kháo vui với nhau rằng có một lần vì trời quá tối nên tôi lượm rất nhiều đá mà cứ tưởng là phân chó mà cứ thế mang về (...) Ở Đông Bắc Cao Mật quê tôi một địa chủ mà không phân biệt được mùi phân chó thì không phải một địa chủ tốt”. [2.24]. Khi đọc lên khó ai có thể tin rằng, hắn là một địa chủ.
Tây Môn Náo hiện lên như một nhân chứng lịch sử trong toàn bộ câu chuyện khi kể về cuộc đời của mình và những con người trên vùng đất Cao Mật. Tây Môn Náo là một huyền thoại không dứt, mênh mông và huyền ảo trong tác phẩm Sống đọa thác đày, Tây Môn Náo vừa có thực, vừa như không có thực. Nỗi oan khuất chính là nguyên nhân cơ bản khiến linh hồn Tây Môn Náo không chịu uống thứ thuốc nước tẩy trần để xóa đi toàn bộ kí ức của kiếp
trước. Vòng luân hồi nghiệp báo vẫn còn dẫn hắn phải trải qua bao nhiêu phen sóng gió trần ải, tồn tại bên cạnh gia đình và người thân: Vẫn sống bên cạnh Mặt Xanh, Nghinh Xuân, bà Bạch, Kim Long, Bảo Phượng… Chứng kiến hàng loạt những đổi thay, phát triển, ngưng trệ, tan rã của con người và vùng đất Cao Mật: “Đó là nơi nơi đẹp đẽ nhất, xấu xa nhất, siêu thoát nhất, thế tục nhất”; và nơi sinh ra những con người “trong trắng nhất, nhơ bẩn nhất, anh hùng hảo hán nhất, đểu giả mất dạy nhất, giỏi uống rượu nhất, biết yêu đương nhiều nhất ở trên trái đất này”. Tây Môn Náo được chứng kiến tất cả nỗi đau của con người, và chính hắn cũng thấy được bi kịch của mình và những người thân của hắn : Đó là cuộc tình vụng trộm của Bàng Khang Mỹ và Kim Long sinh ra Bàng Phượng Hoàng, chính là nguyên nhân cho một kết cục đau đớn như một bi kịch không xóa nổi của Lam Khai Phóng nói riêng và gia đình Tây Môn nói chung. Một mối tình đẹp của Lam Khai Phóng kết thúc bằng cái tin “cả hai cùng có chung bà nội Nghinh Xuân”, đã biến cuộc tình loạn luân, trái với đạo lý. Cái chết của Lam Khai Phóng trong hoang mang tột độ như sự trả giá cho những sai lầm không thể tha thứ và gột sạch. Để rồi quá khứ dai dẳng ấy cứ hành hạ chính Tây Môn Náo và mỗi lần trở về cõi âm hắn vẫn một mực kêu oan trước điện Diêm Vương nhưng xem ra tất cả dường như vô nghĩa, đúng như lời Diêm Vương nói: “ Được rồi, Tây Môn Náo! Ta biết ngươi oan uổng. Trên thế gian này có bao nhiêu kẻ đáng chết lại không chết, cũng có nhiều người không đáng chết lại phải chết. Đó là một thực tế mà bản vương đây cũng phải bó tay”[1.14]. vì thế “... Ta không đủ quyền để cho Tây Môn Náo hồi sinh. Ngươi đã luân hồi mấy kiếp rồi, phải biết rằng thời đại của Tây Môn Náo đã kết thúc, con cái của Tây Môn Náo đã trưởng thành, thi thể của Tây Môn Náo đã thành bùn. Những gì của Tây Môn Náo đều đã hóa thành tro bụi…”[21.318]. Và cho tới khi làm người thì mọi thù hận trong hắn đã gột sạch :
“ - Tây Môn Náo! Tất cả những gì xảy ra với ngươi ta đều biết cả. Bây giờ ngươi còn có hận thù gì nữa không?
- Trên cái thế giới ấy, người ta ôm ấp thù hận quá nhiều. Giọng Diêm Vương rất thống thiết: Do vậy chúng ta không thể để những linh hồn còn đang mang thù hận tái sinh thù hận được.”[53.778]. Cái chết của Tây Môn Náo thể hiện sự bế tắc của con người trước cuộc sống, hắn thật sự không biết mình đang sống vì điều gì? Tại sao mình sống đàng hoàng, cho tấm lòng ngay thẳng nhưng lại bị đả kích trong đời sống cá nhân và xã hội đến như vậy. Họ không biết mình đúng hay sai? Tất cả đều bế tắc. Sự bế tắc và thiếu niềm tin được Mạc Ngôn nói tới nhiều, ví như, Tôn Bính khi giết tên kỹ sư người Đức trong tiểu thuyết Đàn hương hình “Dù rằng cảm thấy tình lý trong tay, nhưng hai chân ông vẫn nhũn ra, miệng vừa khô vừa đắng, cái cảm giác đại họa sắp tới choán hết đầu ông, đuổi không đi, khiến ông không còn khả năng tư duy phức tạp. Người xem rất đông, lặng lẽ bỏ đi hết.”[5.265]. Niềm tin bị lung lay khiến Tôn Bính không thể phán đoán được đâu là kẻ xấu đâu là người tốt và cảm giác run sợ. Niềm tin đổ vỡ, hiện thực cuộc sống nhân sinh không như mong muốn, nhân vật Mạc Ngôn muốn chạy trốn nhưng càng chạy trốn càng chán nản, mệt mỏi, cô đơn và cuối cùng chấp nhận một bến đỗ không như ước mơ. Mạc Ngôn đã không ngại mổ xẻ hiện thực cuộc sống, ông muốn lên án những bất công và giá trị đời sống bị đảo lộn để từ đó kêu gọi cảnh tỉnh về thực tại ngổn ngang, phức tạp và bộn bề của cuộc sống mới.
Trong tác phẩm Ếch, Mạc Ngôn có nói: “Khi viết về số phận cá nhân thì phải động đến nỗi đau lớn nhất của tâm hồn người ấy; Viết về nhân sinh thì phải lục lọi những điều không dám ngoái đầu nhìn lại trong ký ức của mình”. Đó là tôn chỉ sáng tác, là tuyên ngôn nghệ thuật mang đậm bản lĩnh “thẳng thừng và dấn thân” đã chi phối tất cả, làm nên phong cách nghệ thuật của Mạc Ngôn. Quả như thế, trong tác phẩm Sống đọa thác đày, ông đã để cho chính Tây Môn Náo kể về chính cuộc đời của hắn, điều này làm cho độ tin cậy ở độc giả về tác phẩm càng cao hơn. Đồng thời nhà văn đã để cho Tây Môn Náo tự đi tìm quá khứ oan khuất và đau đớn của mình. Đây chính là phần thực trong tác phẩm, yếu tố thực về con người Tây Môn Náo. Tây Môn Náo quật cường và trung thành đến cố chấp, hăng say lao động và
thông minh hiểu đời, thì ở kiếp sống nào nhân vật này cũng mang nét tính cách ấy. Khi làm Lừa nó dám một mình chiến đấu với bầy sói, suy nghĩ chiến lược tấn công… Khi làm trâu nó lại là một con trâu oai vệ, sức khỏe phi thường, gan lì đến khó tưởng. Khi làm lợn nó trở thành vua lợn, khát khao tự do, thông minh, quả cảm. Lúc làm chó, nó cũng trở thành thủ lĩnh ở phố huyện đó, biết bảo vệ cậu chủ, biết chia sẻ, giúp đỡ mọi người. Dù ở bất kỳ kiếp sống nào, dù chịu đọa đầy ra sao nó vẫn sống một cuộc đời hiên ngang, oai phong. Đặc biệt, hắn luôn thể hiện một tâm hồn biết yêu thương, dễ rung động và có phần “mềm yếu”. Là người, Tây Môn Náo sẵn sàng giúp đỡ người khác, làm súc vật Tây Môn Náo lại yêu thương người chủ, biết giúp đỡ đồng loại làm nhiều việc tốt.
Bên cạnh yếu tố thực, nhân vật Tây Môn Náo là nhân vật được nhà văn xây dựng mang yếu tố huyền ảo. Đây là sự tài tình của Mạc Ngôn vừa thể hiện quan niệm sáng tác trở về với dân gian, đứng trên lập trường dân gian để bình xét lịch sử và nhân sinh như sử gia Tư Mã Thiên thời cổ đại, vừa xác lập nên một dạng thức của trần thuật gắn với tên tuổi Mạc Ngôn. Nhân vật Tây Môn Náo là nhân vật “tập trung lý giải mối quan hệ giữa nông dân và đất đai, trong khi đó người dẫn truyện lại nằm trong “lục đạo luân hồi”. Đó là sự hòa trộn yếu tố thực và ảo, thật và giả cứ lẫn lộn, có khi Tây Môn Náo tồn tại như một con người thực, có khi lại như một nhân vật huyền tích trong tác phẩm: Đó là một Tây Môn Trâu quật cường với cái chết oanh liệt; một Tây Môn Lợn mang trong mình quá khứ oai hùng và có một trí tuệ thông minh, hay câu chuyện kể của Tây Môn Chó và Lam Giải Phóng về cái chết của mẹ Lam Giải Phóng. Chó kể chuyện thật, người kể về chuyện giả, cứ thế hòa trộn vào nhau, tạo nên trong tâm trí người đọc một bức tranh tương phản: Một thế giới con người bạc ác, nanh nọc, đầy âm mưu, thủ đoạn, ngang trái và bất công thì bên kia loài vật cũng đầy những lo toan, trăn trở nhưng vẫn thấm đẫm tình người, vẫn còn “thiên lương”… Tất cả được đặt dưới cái nhìn của Tây Môn Náo, vừa có cái nhìn chân thực về cuộc đời, vừa hiện lên với con người thật nhưng cũng vừa hiện lên như trong các câu chuyện cổ tích với phép biến hóa của
mình. Những điều ấy đều hội tụ trong con người của hắn để nhìn thấu cõi đời, thấu hiện thực xã hội: Đối lập với lối sống gấp gáp, hối hả của con người ngày càng chạy theo lối sống vật chất, những đam mê ái dục là thế giới của loài vật thật trong trẻo, bình yên như chính cuộc sống trước kia vốn có.