Mạc Ngôn quan niệm cuộc sống luôn chứa đựng trong nó sự vô thường và bất định, thời gian không bao giờ đứng yên một chỗ. Vì thế trong tác phẩm
Sống đọa thác đày, nhân vật của ông luôn làm chủ không gian, chiếm lĩnh
không gian và không gian trong tác phẩm luôn mang tính động, luôn hướng tới không gian mở. Trong tác phẩm, cuộc đời Tây Môn Náo là một chuỗi ngày dài không có điểm kết , dù chết nhưng vẫn hóa kiếp bởi vì cuộc đời hắn luôn là sự tìm kiếm. Chính trên con đường tìm kiếm cuộc đời và số phận của mình không gian sống của Tây Môn Náo không chỉ bị bó hẹp trên mảnh đất Cao Mật, đó là không gian của xã hội Trung Quốc, không gian hiện thực, không gian đời đạo của kiếp người – Tây Môn Náo.
Không gian bao trùm lên tác phẩm là không gian huyền ảo, đó là không gian bất định, luôn có sự biến đổi và dịch chuyển. Mạc Ngôn đã đưa người đọc khám phá cuộc đời thật của Tây Môn Náo, và số phận của người dân trong xã hội Trung Quốc. Câu chuyện được mở đầu với không gian ở chốn địa ngục, cảnh hành hình Tây Môn Náo và sự kêu oan của y trước điện Diêm Vương. Từ không gian ấy đã có sự dịch chuyện lần theo kiếp đầu thai của Tây
Môn Náo thành Tây Môn Lừa, Tây Môn Trâu, Tây Môn Chó, Tây Môn Khỉ.. ( trên trần gian) khi không chịu uống thuốc quên đi quá khứ, và qua lời kể của nhân vật Lam Ngàn Năm Đầu To, không gian ấy bị đổi liên tục giữa không gian trong quá khứ và không gian ở hiện tại, không gian phi thực và không gian thực. Tiêu biểu cho không gian ấy là: Không gian địa ngục chỉ được Mạc Ngôn sử dụng duy nhất trong Sống đọa thác đày để cụ thể hóa quá trình luân hồi của nhân vật Tây Môn Náo. Địa ngục, trong quan niệm của người xưa ở nhiều quốc gia, được xem và mô tả như một tầng không gian tồn tại song song với cõi trần và thiên đường, cùng cấu thành nên chỉnh thể không gian của thế giới. Đó là nơi tồn sinh của con người sau khi chết – không gian địa ngục, vì thế thường gợi nên cảm giác rùng rợn, kinh hãi và dã man. Người ta đã hư cấu nên tầng không gian này không chỉ thể hiện phần nào sự kính ngưỡng đối với những bí ẩn sau cái chết, mà qua đó, muốn răn đe, cảnh tỉnh và khuyến dụ con người rời xa cái ác, thực hành điều tốt để có thể tránh được những đày ải nơi địa ngục.
Trên con đường tiến đến văn minh, niềm tin vào địa ngục hay thiên đường dần mờ nhạt. Càng về sau, hai miền không gian ấy xuất hiện trong văn học càng mất đi tính chất ban đầu, nó trở thành những hình tượng nghệ thuật có tính tượng trưng, ẩn dụ cao. Các nhà văn xây dựng các kiểu không gian phi thực trong mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết với đời sống hiện thực. Do đó, nói về địa ngục hay thiên giới là nói về trần thế - một trần thế được khúc xạ, được ảo hóa nhưng vẫn giữ bản cốt, vẫn giúp độc giả nhận thức hiện thực một cách rõ nét. Địa ngục trong Sống đọa thác đày là sự tiếp nối khuynh hướng đó. Câu chuyện dài hơn năm trăm trang đã được mở ra với không gian âm ty địa phủ - nơi Tây Môn Náo kêu oan, làm loạn vì cái chết phi lý của mình. Suốt tác phẩm, nhân vật này luôn “đi về” giữa hai miền không gian: Địa ngục và trần thế. Ở cõi trần, Tây Môn Náo được làm người ba mươi năm, năm mươi năm làm loài vật. Ở địa ngục, Tây Môn Náo là một oan hồn bất khuất, kiên trì đấu tranh để được hồi sinh. Địa ngục chỉ hiện ra sau mỗi lần chết của Tây Môn Náo và được miêu tả, cảm nhận bằng góc nhìn của nhân vật này. Khung cảnh
địa ngục huyễn hoặc, kì ảo trong quan sát của Tây Môn Náo “tôi” (Tây Môn Náo) đi qua một con đường hầm âm u dài. Hai bên vách đường hầm, cứ khoảng mười mấy thước lại có một cặp giá đèn giống như san hô, hình thù quái dị, ở trên giá treo một ngọn đèn hình chiếc dĩa. Dầu đèn cháy bốc lên mùi nồng nồng làm cho đầu óc tôi mê mê tỉnh tỉnh. Trong ánh sáng mờ mờ của những ngọn đèn, tôi nhìn thấy trên vòm cong của đường hầm, nhiều con dơi to tướng đang treo lủng lẳng, đôi mắt lấp lánh trong bóng tối nhờ nhờ, những bãi phân dơi hôi thối thỉnh thoảng lại rơi lộp bộp xuống đầu tôi” [1.16]. Nhưng điều đáng chú ý ở địa ngục không nằm ở cảnh trí hư ảo. Thu hút sự tập trung và mối quan tâm của Tây Môn Náo lẫn người đọc hơn cả là cung cách sinh hoạt, lề lối làm việc của bộ máy quan lại và tay sai ở địa ngục. Hình thức tổ chức của bộ máy không khác một triều đình phong kiến với người đứng đầu là Diêm Vương, xung quanh là bọn phán quan, dưới là bọn tiểu quỷ đầu trâu mặt ngựa, những kẻ chuyên trách (như bà Mạnh ở đài Vọng Hương có nhiệm vụ cho oan hồn uống thuốc lú trước khi đầu thai). Qua con mắt của Tây Môn Náo, loạt nhân vật này hiện lên thật sinh động, hài hước. Đứng trước oan khuất của Tây Môn Náo, Diêm Vương không minh xét, lại dùng cực hình để buộc Tây Môn Náo nhận tội. Kế hoạch bất thành, tiếng kêu “oan uổng quá” của Tây Môn Náo tiếp tục làm cả địa ngục “khó xử”. “Trong khi ngắc ngứ với tiếng kêu của mình, tôi nhìn thấy khuôn mặt của Diêm Vương liên tục biến đổi, bọn phán quan đứng chầu chực bên Diêm Vương, đứa nào cũng lấm la lấm lét không dám nhìn thẳng vào mặt tôi. Tôi biết, tất cả bọn họ đều hiểu sự oan ức của tôi, ngay từ lúc mới biết tôi về đã biết tôi oan ức, nhưng không biết do đâu mà họ lại câm hơi lặng tiếng” [1.13]. Mãi đến khi Diêm Vương phán quyết, nhân vật và người đọc mới ngộ ra nguyên nhân của sự im lặng đầy mâu thuẫn đó. Diêm Vương nói: “Tây Môn Náo! Ta biết ngươi oan uổng. Trên thế gian có bao nhiêu kẻ đáng chết lại không chết, cũng nhiều người không đáng chết lại phải chết. Đó là một thực tế mà bản vương đây cũng đành phải bó tay” [1.14]. Cai trị và quản lý cả một tầng không gian của thế giới, Diêm Vương trong niềm tin và tín ngưỡng của người phương
Đông là hình ảnh một minh quân tôn nghiêm, đầy quyền uy. Song tiếc thay, ở
Sống đọa thác đày, Tây Môn Náo đã không có diễm phúc gặp được một Diêm
Vương như thế. Trước những bất công và oan ức của Tây Môn Náo, Diêm Vương phải thừa nhận sự bất lực của mình trong việc hóa giải, lấy lại công bằng cho Tây Môn Náo. Hình ảnh của Diêm Vương và các nhân vật khác ở không gian địa ngục đã vẽ nên một bức tranh địa ngục đậm chất biếm họa. Không gian đó là không gian huyền thoại, một mặt, là phản quang, là bóng hình của không gian trần thế với đầy rẫy bất công và gian dối (như đã phân tích ở nhân vật siêu nhiên). Mặt khác, qua cách xây dựng không gian địa ngục, người ta thấy được cái nhìn bi – hài của Mạc Ngôn về cuộc sống: con người bơ vơ, đơn độc trước sự trái khoáy, phi lý của số phận. Trong hiện thực, họ đấu tranh nhưng vô hiệu. Trong tâm linh, họ bấu víu vào thế lực siêu nhiên phi phàm nhưng chỉ là ảo vọng. Phảng phất đâu đây dấu ấn của cái cảm quan đậm chất Carnaval trong lối xây dựng không gian thần bí, linh thiêng này của Mạc Ngôn khi ông viết về nó với thái độ bất tín, bất kính rất quyết liệt; đồng thời thể hiện sự giễu nhại, cười cợt thế lực siêu nhiên và những khả năng của nó qua giọng văn, qua cách miêu tả mang tính suồng sã, báng bổ trong thiên tiểu thuyết này.
Khi ở dưới địa ngục đầu thai thành Tây Môn Lừa, không gian trong cả chương ấy bị thay đổi đột ngột, đang là không gian hiện tại: “ Lúc sắp đến chiếc cầu nhỏ bằng đá đầu làng, tôi tự nhiên cảm thấy trong lòng bất an. Ngay lập tức tôi nhìn thấy những viên đá hình quả trứng trước đây thấm đầy máu và óc tôi nay đã đổi màu. Trên các viên đá vẫn còn dính mấy sợi tóc bẩn thỉu, mùi tanh tưởi vẫn còn vương vất. Dưới gầm cầu, mấy con chó hoang đang thơ thẩn, hai con nằm, một con đứng, hai con màu đen, một màu vàng”. [1.19.]. Quá khứ hiện về trong suy nghĩ của Tây Môn Náo khiến tất cả cứ diễn ra trước mắt: “ Tôi cảm thấy cái đầu của tôi bay đi đâu mất, chỉ có ánh lửa sáng rực, tiếng ầm ầm từ nơi xa xôi văng vẳng vọng lại. Trôi trong bồng bềnh, tôi ngửi thấy mùi thuốc súng nồng nồng lan tỏa khắp không gian…” [1.20.]. Thế nhưng, không gian ấy lại có sự chuyển dịch về hiện tại :“ Mắt tôi tối sầm
giống như đang dần chìm trong nước, bên tai nghe văng vẳng tiếng kêu hoan hỷ của một người nào đó:
- Đẻ rồi, đẻ rồi !
Tôi cố mở mắt để nhìn. Toàn thân tôi dấp dấp một thứ chất dịch như keo và đang nằm sau mông của một con lừa cái.” [1.20.]. Hình ảnh không gian của quá khứ và không gian thực tại đan nhau, lộn xộn và cứ kéo dài triền miên khiến cho người đọc và ngay chính bản thân nhân vật không xác định được nhân vật, không gian rõ ràng: “Tôi sống chập chờn giữa hai trạng thái lừa và người, ý thức của lừa và ký ức của người lộn xộn. Có lúc tôi muốn tách bạch hẳn ra, nhưng càng muốn tách bạch thì càng hỗn độn”. [3.35.].
Song hành cùng sự dịch chuyển không gian hiện tại là sự dịch chuyển không gian quá khứ. Bắt đầu là cái chết của Tây Môn Náo hồi tưởng về cuộc đời hắn, đến không gian của những chuyến đi, rượt đuổi minh oan cho bản thân bằng các kiếp luân hồi. Đó là sự đồng hiện của không gian hiện tại và không gian quá khứ, tất cả đều chảy trôi, đều thay đổi không ngừng trong tác phẩm. Không có một không gian cố định. Không gian bất định, trôi chảy theo bước chân của người đi và người kể chuyện. Đây là thành công của Mạc Ngôn, Không gian trong tiểu thuyết bị đảo lộn, đang là không gian với những con người và nhịp sống hiện đại, thế nhưng phút chốc tất cả đều tồn tại một không gian của năm mươi năm trước, một không gian của xã hội Trung Quốc nửa đầu thế kỉ XX. Việc tạo ra không gian bất định, có sự chuyển dịch giữa không gian quá khứ và không gian hiện tại không tạo ra cho tác phẩm khoảng cách mà tạo nên sự thống nhất một khối và hoàn chỉnh hơn.
Không gian bất định không chỉ tồn tại trong tiểu thuyết này mà còn được nhà văn sử dụng nhuần nhuyễn và thành công ở các tiểu thuyết khác, chẳng hạn như trong tiểu thuyết Đàn hương hình, đó là bằng cách thay đổi không gian pháp trường trong hoàn cảnh khác nhau, “Trong khám đốt ba cây nến đại, ngoài của treo ngọn đèn lồng. Tri huyện cho bê một chiếc ghế đến, ngồi canh bên cửa, qua lỗ cửa sổ bằng miệng hát, tui thấy sau lưng ông ta có đến bảy tám sai nha, phía sau sai nha là một đám lính dõng. Nhà bếp đã bước
dập lửa, nhưng mùi khét vẫn còn nồng nặc”. Bằng không gian ấy nhà văn muốn chỉ ra sự thay đối trong tư tưởng của nhân dân Trung Quốc. Có thể nói việc sử dụng không gian bất định trong tác phẩm đã tạo nên sự hấp dẫn và kích thích trí tò mò của độc giả, đồng thời làm cho tác phẩm giàu ý nghĩa và đa dạng hơn, tránh sự nhàm chán cho độc giả, thể hiện tài năng của Mạc Ngôn.