Từ trong phong trào, đã hình thành nên những tổ chức cách mạng đầu tiên tại Hà Nội theo các khuynh hướng chính trị khác nhau

Một phần của tài liệu Phong trào yêu nước của giáo chức và học sinh, sinh viên hà nội từ năm 1888 đến năm 1945 (Trang 145)

đầu tiên tại Hà Nội theo các khuynh hướng chính trị khác nhau

Hà Nội, nơi có cơ quan đầu não của chính quyền thực dân nhưng cũng là nơi phong trào cách mạng của tầng lớp tiểu tư sản trí thức nổ ra đầu tiên. Tại Hà Nội, từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, với số lượng đông đảo, tích cực tham gia đấu tranh, đội ngũ giáo chức và học sinh, sinh viên Hà Nội đã góp phần quan trọng hình thành nên những tổ chức cách mạng theo những khuynh hướng chính trị khác nhau.

Trong những năm 20 của thế kỷ XX, có ba tổ chức cách mạng hình thành theo hai khuynh hướng dân chủ tư sản và vô sản (Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; Việt Nam Quốc dân đảng và Tân Việt Cách mạng đảng) thì Hà Nội là nơi thành lập hai tổ chức cách mạng theo khuynh hướng dân chủ tư sản. Tổ chức đầu tiên là Việt Nam nghĩa đoàn (sau là Hội Phục Việt - tiền thân của Tân Việt Cách

mạng đảng) do 17 sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm lập ra. Hội đã thu hút đông đảo sinh viên Hà Nội tham gia và làm nòng cốt trong 3 sự kiện lớn xảy ra Hà Nội

những năm 20 của thế kỷ XX (đòi nhà cầm quyền Pháp thả Phan Bội Châu; lễ truy điệu Phan Châu Trinh; đám tang thầy Lương Văn Can). Sự kiện thành lập Việt Nam

nghĩa đoàn chính là cơ sở để thành lập Hội Phục Việt ở Trung Kỳ và đến năm 1928,

tại Huế, những trí thức (một số đã từng là sinh viên học tại Hà Nội), thành lập Tân

Việt Cách mạng đảng.

Vào cuối năm 1925, đầu năm 1926, khi khuynh hướng vô sản chưa phát triển mạnh ở Hà Nội thì nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Thương mại Nguyễn Thái Học, Đoàn Trần Nghiệp,...sinh viên Trường Công chính như Phó Đức Chính,...cùng với các nhà giáo Phạm Tuấn Lâm, Phạm Tuấn Tài đã lập ra nhóm Nam Đồng Thư

xã để trên cơ sở đó đến ngày 25 tháng 12 năm 1927 tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng ra đời, đây là tổ chức chính trị đại diện cho tư tưởng dân chủ tư sản ở Việt

Nam. Những người đứng ra thành lập và tích cực tham gia hoạt động, biên soạn tài liệu cho tổ chức này đa số là giáo viên, học sinh, sinh viên.

Phong trào yêu nước của giáo chức và học sinh, sinh viên Hà Nội cũng là cơ sở để hình thành các tổ chức cách mạng theo khuynh hướng vô sản đầu tiên của cả nước và của Hà Nội. Cuối năm 1926, Nguyễn Công Thu được Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ về nước tổ chức gây dựng cơ sở ở Hà Nội. Tháng 3 năm 1927, Kỳ bộ Bắc Kỳ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập gồm 5 người, đặt cơ quan chỉ đạo ngay tại Hà Nội để từ đó đẩy mạnh tuyên truyền, gây dựng phong trào ở Hà Nội

Ngày 28 tháng 7 năm 1929, Đại hội đại biểu công nhân Bắc Kỳ lần thứ nhất ở số nhà 15 Hàng Cót (nay là nhà số 5 Hàng Cót), dưới sự chủ trì của Nguyễn Đức Cảnh, đã thành lập Tổng công hội Bắc Kỳ. Một đại biểu của Hà Nội được tham gia vào Ban chấp hành lâm thời.

Tổng hội sinh viên Đông Dương (AGEI- chữ cái đầu nhóm từ Association

générale des étudiants Indochinois) đã được thành lập tại Hà Nội vào năm 1929. Báo "Người sinh viên" do Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) phụ trách. "Tổng hội sinh viên Đông Dương đã có mối liên lạc chặt chẽ với cán bộ Việt Minh, triển khai các hoạt động tuyên truyền phổ biến kiến thức phổ thông về y học, tổ chức biểu diễn văn nghệ, cắm trại nhằm khơi gợi lòng yêu nước, ý thức dân tộc trong sinh

viên, tham gia hoạt động trong Hội truyền bá chữ Quốc ngữ, vận động hưởng ứng sử dụng tiếng Việt ở bậc đại học" [187, tr.228]. Hà Nội còn là nơi ra đời Chi bộ Cộng sản đầu tiên để tiến tới thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng - những tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong những năm Chiến tranh thế giới thứ hai 1939-1945, các cuộc đấu tranh của trí thức, học sinh sinh viên Hà Nội diễn ra mạnh với mục đích giải phóng dân tộc, Hà Nội lại tiếp tục là nơi hình thành các tổ chức xã hội. Mùa Thu năm 1943, Đảng Cộng sản Đông Dương đã thành lập ở Hà Nội tổ chức Hội văn hóa Cứu quốc, với sự tham gia của một số nhà văn, nhà thơ như Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi,...(trong đó có nhiều người vốn là các nhà giáo dạy các môn văn hóa trong các trường học tại Hà Nội)

Cũng tại Hà Nội, Đảng Dân chủ Việt Nam được thành lập vào tháng 6 năm

1944 và sau đó Đảng Dân chủ đã đứng trong Mặt trận việt Minh. “Trong Đảng Dân chủ có nhiều thành viên nhưng bắt đầu phát triển trong một số công chức, sinh viên, tư sản” [187, tr.568]. Với hình thức này, Mặt trận Việt Minh cũng tranh thủ được tầng lớp trên. Đầu năm 1944, phần lớn các trường cao đẳng tiểu học đều có cơ sở của Đoàn Thanh niên Cứu quốc, kể cả Trường nữ sinh Đồng Khánh.

Trong những ngày tiền khởi nghĩa ở Hà Nội, học sinh, sinh viên Hà Nội tích cực tham gia Đoàn Thanh niên xung phong tuyên truyền thành Hoàng Diệu, tham

gia Đội danh dự Việt Minh,....

Như vậy, mặc dù Hà Nội là trung tâm đầu não của chính quyền thực dân, nhưng vượt qua mọi sự khủng bố, đàn áp, phong trào yêu nước của giáo chức và học sinh, sinh viên Hà Nội vẫn diễn ra cùng với các phong trào yêu nước của nhân dân Hà Nội. Tại Hà Nội, đã xuất hiện các tổ chức chính trị, trong đó có sự góp mặt của các nhà giáo và học sinh, sinh viên ưu tú. Ở mỗi tổ chức chính trị, dù khuynh hướng có khác nhau nhưng giáo chức và học sinh, sinh viên đều góp sức mình để đem lại sự tiến bộ cho xã hội và tiến lên giải phóng dân tộc. Bằng sự nhạy cảm về chính trị, sẵn lòng yêu nước, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đại đa số giáo chức và học sinh, sinh viên Hà Nội đi theo theo tiếng gọi của Đảng, của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc để góp phần mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Một phần của tài liệu Phong trào yêu nước của giáo chức và học sinh, sinh viên hà nội từ năm 1888 đến năm 1945 (Trang 145)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(180 trang)