kỳ thuộc địa
Về giáo chức: Trước khi thực dân Pháp xâm lược, dưới chế độ phong kiến, Hà
Nội đã từng là cái nôi của khoa cử, một số ông thầy và học trò Hà Nội đã làm rạng danh trang sử Hà Nội và của dân tộc. Sau khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược và đánh chiếm Hà Nội, chính quyền Pháp là nhanh chóng mở các trường học, nhằm đào tạo cấp tốc lực lượng giúp việc cho chính quyền thực dân. Vì vậy dù rất "nhỏ giọt" số lượng giáo viên và học sinh, sinh viên Hà Nội vẫn chiếm số lượng đông so với các địa phương khác.
Đầu thế kỷ XX, do số trường lớp còn ít nên số giáo viên người Việt trong các trường công lập cũng rất ít, chủ yếu làm công tác phụ giảng. Tuy nhiên, ở các trường tư thục thì số giáo viên đông hơn. Giáo viên Hà Nội đầu thế kỷ XX, hầu hết là các văn thân, sĩ phu thuộc tầng lớp trí thức Nho học được đào tạo dưới chế độ phong kiến. Đa số họ thuộc nhóm sĩ phu bất mãn với thời cuộc, chán ghét quan trường, từ bỏ chức tước, bổng lộc về làm nghề dạy học như Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Nghiêm Xuân Quảng,...
Từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đến năm 1945, lực lượng giáo viên Hà Nội hầu hết đều đã qua đào tạo tại các trường Sư phạm (thuộc lớp trí thức Tây học). Ở bậc tiểu học, giáo viên người Việt chiếm số đông, ngay tại Trường Bưởi giáo viên người Việt đã chiếm 75% số lượng giáo viên cao đẳng tiểu học của Hà Nội, "đây là đội ngũ giáo viên tiêu biểu của Hà Nội được hình thành dần từng bước" [191, tr.217]. Ở các lớp thành chung, từ năm 1920 mới có giáo viên người Việt, vốn là những người tốt nghiệp khóa đầu Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, còn các lớp trung học (ban Tú tài bản xứ), phải đến giữa những năm 30 mới có giáo viên người Việt. Cũng từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, một số sinh viên người Việt du học ở Pháp đã về nước, đại đa số họ tham gia vào dạy học tại các trường trung
học hoặc giảng dạy ở bậc đại học. Riêng ở bậc đại học, giáo viên người Việt rất ít, hầu hết vẫn là người Pháp. Đến năm 1942 -1943 mới có giáo sư Hoàng Xuân Hãn và Hoàng Thị Nga dạy tại Trường Cao đẳng Khoa học, giáo sư Hồ Đắc Di dạy tại Trường Đại học Y khoa. Đa số giáo viên là nam giới, giáo viên nữ có tham gia dạy học nhưng số lượng không đáng kể, nhất là ở bậc đại học. Thời kỳ giáo dục phát triển cũng chỉ "có khoảng 300 người (kể cả giáo viên tư thục) chủ yếu là nam giới, trong đó giáo viên tiểu học chiếm 3/4" [191, tr.217].
Nhìn chung, giáo viên người Việt dạy ở các cấp học khác nhau luôn có ý thức nghề nghiệp, có tinh thần dân tộc, lòng trọng cao, phong cách tự do, bình đẳng trong mối quan hệ với đồng nghiệp và đông đảo học sinh. Họ được xã hội tôn trọng nên có ảnh hưởng lớn trong các tầng lớp nhân dân. Nhiều người có tinh thần dân tộc, nhưng luôn kín đáo, thận trọng, khôn khéo để vượt qua sự kiểm soát của mật thám và chính quyền thực dân. Một bộ phận giáo viên dù cảm nhận được nỗi nhục của người dân mất nước và tính chất chính nghĩa của sự nghiệp giải phóng dân tộc nhưng do những hạn chế về nhận thức chính trị, họ an phận, lo tròn nhiệm vụ giảng dạy và giữ gìn nhân cách.
Về đời sống vật chất: Dưới ách thống trị của chế độ thực dân, sự bạc đãi bất công ngay trong môi trường giáo dục, khiến đời sống của giáo viên hết sức khó khăn, lương giáo viên người Việt ít hơn lương của giáo viên người Pháp cùng một môi trường làm việc. Giáo viên trung học có đời sống đỡ khó khăn hơn so với giáo viên tiểu học. Giáo viên trường công giảng dạy trong điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học khá hơn so với trường tư.
Bên cạnh đội ngũ giáo viên công lập, số lượng giáo viên trong hệ thống trường tư thục ở Hà Nội chiếm số đông. Đội ngũ giáo viên ở các trường tư thục đông nhưng không hình thành đội ngũ những người hành nghề giáo dục ổn định. Một số coi việc dạy ở trường tư như một nghề phụ tạm thời trong khi chưa hoặc không tìm được việc làm. Đa số giáo viên dạy ở các trường tư thục rất yêu nghề, mến trẻ hoặc kết hợp hoạt động giảng dạy với các hoạt động nghiên cứu nghệ thuật, báo chí, văn nghệ hoặc tham gia các hoạt động xã hội,...Trong số những giáo viên dạy các trường tư thục có nhiều người hướng đến một nền giáo dục dân tộc tiến bộ, quan tâm đến thanh niên học sinh, bồi dưỡng cho họ lòng yêu nước và tự hào dân tộc, ý thức gách vách nhiệm vụ giải phóng Tổ quốc. Tiêu biểu là
đội ngũ trí thức giảng dạy tại Trường Đông Kinh nghĩa thục đầu thế kỷ XX; nhóm giáo viên tích cực, năng động của "Hội mở mang nền giáo dục tư thục" những năm 30 của thế kỷ XX trong trường Trung học Thăng Long như: Phan Thanh, Đặng Thai Mai, Bùi Kỷ, Võ Nguyên Giáp,... đội ngũ giáo viên và học sinh trong "Hội truyền bá Quốc ngữ" v.v...
Về học sinh, sinh viên Hà Nội (trừ học sinh tiểu học), gồm phần lớn từ các tỉnh
Bắc Kỳ, Trung Kỳ về Hà Nội theo học. Sinh viên các trường cao đẳng, đại học là những người đến từ 5 xứ của Đông Dương nhưng chủ yếu vẫn là sinh viên người Việt. Sinh viên và học sinh Hà Nội đã tiếp nối được truyền thống hiếu học của dân tộc, nhạy cảm với thời cuộc và có tinh thần yêu nước, hăng hái tham gia đấu tranh chống áp bức, chống xâm lược.
Sinh viên đại học và học sinh trung học, trừ một số ít đạt loại giỏi được cấp học bổng hoặc con giáo viên trường công được miễn học phí. Số đông còn lại tuy điều kiện kinh tế thiếu thốn nhưng rất hiếu học, vừa học vừa làm để đủ tiền đóng học phí. Mặc dù học chương trình giáo dục của chính quyền thực dân nhưng học sinh, sinh viên Hà Nội vốn có truyền thống yêu nước nên họ sớm nhận ra bản chất của chủ nghĩa đế quốc, sớm cảm nhận được nỗi nhục mất nước và tích cực tham gia vào các tổ chức cách mạng ở Hà Nội như Hội ái hữu học sinh Trường Bưởi (năm 1916), Hội Phục Việt của sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương (năm
1925), Đoàn Thanh niên dân chủ, Hội truyền bá Quốc ngữ, Tổng hội sinh viên Đông
Dương,...và tích cực tham gia vào Hội cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh góp phần
làm nên thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Hà Nội và cả nước.