sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đến năm 1930
2.2.3.1. Hoàn cảnh mới tác động đến phong trào yêu nước của nhân dân Hà Nội sau Chiến tranh thế giới thứ nhất
Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, do hậu quả của chiến tranh và những ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga khiến cho phong trào cách mạng trên thế giới phát triển mạnh mẽ. Ở khu vực châu Á, bên cạnh khuynh hướng cứu nước theo tư tưởng dân chủ tư sản, thì một khuynh hướng cứu nước mới - khuynh hướng vô sản đã bắt đầu xuất hiện. Sớm nhất là Inđônêxia, tháng 5 -1920, Đảng
Cộng sản Inđônêxia được thành lập với số lượng đảng viên đông đảo. Đảng Cộng sản Inđônêxia đã lãnh đạo phong trào cách mạng ở Inđônêxia trong suốt thập niên 20 của thế kỷ XX, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân tham gia đấu tranh. Tuy nhiên do hoàn cảnh và điều kiện lịch sử của Inđônêxia nên sang thập niên 30 của thế kỷ XX, vai trò lãnh đạo cách mạng chuyển sang tay giai cấp tư sản dân tộc.
Ở Trung Quốc, một quốc gia đông dân nhất châu Á, và có ảnh hưởng nhất định đến cách mạng Việt Nam. Ngay sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, phong trào chống đế quốc phát triển mạnh mà điển hình là Phong trào Ngũ Tứ. Ngày 4-5-
1919, hơn 5000 học sinh Bắc Kinh đã tập hợp trước Thiên An Môn, biểu tình thị uy trên khắp các đường phố Bắc Kinh. Họ mang theo biểu ngữ với khẩu hiệu "Ngoại tranh quốc quyền, nội trừng quốc tặc" (Ngoài: giành độc lập chủ quyền cho đất nước, trong: trừng trị bọn bán nước [1, tr.203-206]. Phong trào Ngũ Tứ
không chỉ dừng lại chỉ có học sinh Bắc Kinh tham gia đấu tranh chống đế quốc và tay sai bán nước, nó đã nhanh chóng lan rộng ra khắp 20 tỉnh và 100 thành phố, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân đấu tranh mà lực lượng nòng cốt là công nhân. Đây chính là cơ sở thuận lợi để phong trào công nhân Trung Quốc tiếp thu chủ nghĩa Mác -Lênin và chuẩn bị tiến tới thành lập một chính đảng vô sản ở Trung Quốc. Sự kiện học sinh Bắc Kinh - Trung Quốc đấu tranh, "châm ngòi" cho phong trào đấu tranh của nhân dân Trung Quốc sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Qua sách báo và qua một số con em Hoa kiều đang học tại Hà Nội, sự kiện này phần nào cũng đã ảnh hưởng đến học sinh Hà Nội.
Tháng 7-1921, Đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập, trải qua những giai đoạn khó khăn để khẳng định quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản. Sự kiện Công xã Quảng Châu năm 1927, sự phản bội của tập đoàn Tưởng Giới Thạch trong cuộc Chiến tranh Bắc Phạt đã ít nhiều giúp cho những nhà yêu nước Việt Nam nhận thấy bản chất của giai cấp tư sản và càng quyết tâm hướng theo con đường cách mạng vô sản.
2.2.3.2. Phong trào đấu tranh của giáo chức và học sinh, sinh viên Hà Nội trong những năm 1919 -1930 mang màu sắc dân chủ tư sản
Vào nửa đầu những năm 20 của thế kỷ XX, tại Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, các phong trào yêu nước chủ yếu vẫn chịu ảnh hưởng của khuynh hướng dân chủ tư sản vốn đã xuất hiện ở nước ta từ đầu thế kỷ XX. Phong trào đấu tranh
của giáo chức và học sinh, sinh viên Hà Nội với mục tiêu đòi được quyền học tập, tự do xuất dương, đòi các quyền tự do, dân chủ,...
Sự kiện xảy ra ở ngoài nước, Phạm Hồng Thái - một thanh niên Việt Nam yêu nước hoạt động trong tổ chức Tâm tâm xã, mưu sát toàn quyền Đông Dương Méclanh ở Sa Diện - Quảng Châu - Trung Quốc (19 tháng 6 năm 1924), việc tuy không thành nhưng đã "như chim én nhỏ, báo hiệu mùa xuân". Từ đây, các cuộc đấu tranh trong nước của thanh niên trí thức chủ yếu là học sinh, sinh viên có dấu hiệu phát triển mạnh. Họ tập hợp trong các tổ chức chính trị. Tháng 1 năm 1925, tại Hà Nội, 17 sinh viên tích cực nhất của trường Cao đẳng Sư phạm, tiêu biểu là Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai, Phạm Thiều,...đã họp ở nhà số 4 ngõ Hạ Hồi (lúc đó gọi là cité Jauréguiberry) lập ra tổ chức Việt Nam Nghĩa đoàn, với quyết tâm:
"Không sợ chết, không tiếc tiền, phục tùng mệnh lệnh, giữ bí mật, giữ tư cách, giúp đỡ những người bị nạn vì cách mạng" [187, tr.545]. Sau đó ít lâu, Việt Nam Nghĩa
đoàn liên lạc với nhóm tù chính trị cũ ở Trung Kỳ (Lê Văn Huân, Nguyễn Đình
Kiên, Trần Mộng Bạch...) để lập ra Hội Phục Việt vào ngày 14 tháng 7 năm 1925 tại Núi Quyết (Vinh - Nghệ An). Tại Hà Nội, Chi hội Phục Việt ở Bắc Kỳ tích cực hoạt động do Tôn Quang Phiệt làm Chi hội trưởng. Hội Phục Việt đã chú trọng xây dựng cơ sở trong học sinh, sinh viên và giới trí thức trẻ.
Tháng 6-1925, khi nhà yêu nước Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt, bí mật đưa cụ về Hà Nội, chuẩn bị kết án tử với một cái một tên khác là Trần Văn Đức. Tuy nhiên, chính quyền thực dân đã không che mắt được nhân dân Hà Nội. Nghe tin Phan Bội Châu sắp bị tử hình, nhiều thanh niên - hội viên của Hội Phục Việt đã rải truyền đơn, kêu gọi nhân dân xuống đường đấu tranh đòi chính quyền thực dân Pháp phải thả Phan Bội Châu. Học sinh các trường trên địa bàn Hà Nội như Trường Bưởi, Nam Sư phạm, Gia Long, Hồng Bàng, Thăng Long,...đã liên tiếp bãi khóa, mang bầu nhiệt huyết của thế hệ trẻ hăng hái xuống đường đấu tranh. Học sinh Trường Thăng Long và sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội còn họp nhau lại, bàn cách đánh điện cho Toàn quyền Varenne yêu cầu can thiệp để trả tự do cho Phan Bội Châu. Cùng với đó, họ còn gửi nhiều đơn kháng nghị lên Nghị viện Pháp, Tổng thống Pháp, Đại sứ các nước tại Pháp và cả Tòa án quốc tế Lahay. Học sinh Trường Bưởi bãi khóa, căng biểu ngữ "Hãy thả Phan Bội Châu", kéo đến Phủ Toàn quyền biểu tình (trong các hồi ký của học sinh Trường Bưởi đều nhắc đến sự kiện này).
Về phía các thầy giáo, do tính chất công việc đang làm ở các trường công không thể công khai ủng hộ học sinh, nhưng qua những bài dạy trên lớp và những cử chỉ động viên kích lệ, họ đã thôi thúc các học trò của mình hăng hái đi biểu tình. Trong hồi ức của mình, Nguyễn Xiển - cựu học sinh của Trường Bưởi khóa 1925 -1926 và sau này là giáo viên của trường trong những năm 1935 -1937, đã kể lại: "khi các giáo sư người Việt lên lớp thấy vẫn còn có một số học sinh đi học, các thầy đã hỏi rất khéo: các cậu
còn ngồi đây sao?" [195, tr.101].
Khi Toàn quyền Varenne sang Hà Nội, nhiều học sinh, sinh viên cùng với các tầng lớp nhân dân xuống đường biểu tình, đưa đơn đòi ân xá cho Phan Bội Châu. Báo Argus (Minh Tri) của Pháp ra ngày 12 tháng 12 năm 1925 đã ghi lại một hình ảnh: "Khi quan Toàn quyền Varenne đi tới cuối phố Hàng Đường thì có một đám người 100 bà già quỳ ngay giữa đường để trình lên một bức thư xin tha tội cho ông Phan, đứng đầu là một bà lão đáng 70 tuổi, đầu tóc bạc phơ. Thư này lời lẽ gọn gàng và cảm động lắm" [90, tr.150]. Trước tinh thần đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân Hà Nội cũng như cả nước, đặc biệt là trước những lời lẽ, lý luận sắc bén qua những lá thư của học sinh, sinh viên gửi Toàn quyền và cả Tổng thống Pháp đã khiến thực dân Pháp phải nhượng bộ. Toàn quyền Varenne phải điện về Pháp xin ân xá cho cụ Phan và cuối cùng thực dân Pháp đã phải tuyên bố Phan Bội Châu trắng án và đưa cụ về an trí ở Huế.
Cuộc đấu tranh đòi nhà cầm quyền Pháp trả tự do cho nhà yêu nước Phan Bội Châu đã thắng lợi, đây là sự kiện mở đầu cho hàng loạt các hoạt động yêu nước của giáo chức, học sinh, sinh viên tham gia trong phong trào dân tộc dân chủ trong những năm 20 của thế kỷ XX và "cũng từ đó các tổ chức tuyên truyền vận động chống Pháp bắt đầu nhen nhóm mạnh trong học sinh, sinh viên" [195, tr.102].
Tháng 6-1925, nhà yêu nước Phan Châu Trinh từ Pháp về nước, đúng lúc phong trào học sinh, sinh viên đang phát triển mạnh. Tuy nhiên, chưa được bao lâu, đến tháng 3-1926 do tuổi cao, bệnh nặng Phan Châu Trinh đã qua đời. Để tỏ lòng mến mộ cụ và biểu dương lực lượng của mình, cùng với 14 vạn nhân dân Sài Gòn, khắp nơi trong cả nước đều tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Tại Hà Nội, việc tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh được giao cho nhóm học sinh, sinh viên của Hội Phục Việt chủ trì (lúc này đã đổi tên thành Hội Hưng Nam). Hội
các nhà giáo từng tham gia dạy ở Đông Kinh nghĩa thục trước đó, như Lương Văn Can, Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí và cả những người hoạt động trong phong trào Duy tân như Ngô Đức Kế và nhiều người khác. Những người tham gia cuộc họp đã quyết định tổ chức một lễ truy điệu trọng thể tại đền Đồng Nhân - nơi thờ Hai Bà Trưng, tiến tới phát động một phong trào rầm rộ gây tiếng vang lớn.
Sáng ngày 4 tháng 4 năm 1926, mặc dù trời mưa rất to nhưng nhân dân Hà Nội, trong đó có đông đảo học sinh, sinh viên ùn ùn kéo về đền Đồng Nhân tiến hành lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh, bất chấp đám mật thám cảnh sát dày đặc luôn rình rập, theo dõi và sẵn sàng lấy cớ để ra tay đàn áp [172]. Tại Trường Bưởi, buổi sáng hôm ấy trong lúc ở đền Đồng Nhân chuẩn bị làm lễ truy điệu thì "Giám đốc Học chính Bắc Kỳ Lapherăng đơri (Lafferanderie) đến trường, tập hợp học sinh lại, hăm dọa học sinh, giật tấm băng tang trước ngực của một học sinh, vất xuống đất và dẫm lên. Lúc đó nhiều học sinh đã đứng lên hô vang khẩu hiệu của Đăng -tông (Dantons) thời Cách mạng Pháp "Táo bạo, táo bạo nữa, táo bạo mãi" và các tiếng hô tiếp theo "bãi khóa, bãi khóa", rồi học sinh cả trường phá cổng ùn ùn kéo nhau đến Đền Đồng Nhân, dự lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh" [195, tr.98].
Sau lễ truy điệu, học sinh và sinh viên Hà Nội lại tiếp tục bãi khóa, "ở đâu có trường học, học trò là ở đó có những cuộc bãi khóa truy điệu chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh" [40]. Thực dân Pháp đã sử dụng những biện pháp có tính bạo lực để đàn áp các cuộc bãi khóa, đuổi học một số học sinh, trong đó có Phạm Văn Đồng, Hà Huy Giáp,..Sự đàn áp của Pháp đã "đẩy những chàng trai bãi khóa" nhanh chóng đến với các đảng phái chính trị cách mạng xuất hiện trong những năm 20 của thế kỷ XX như
Hội Hưng Nam, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Việt Nam Quốc dân đảng,...
Nửa sau những năm 20 của thế kỷ XX, ở Hà Nội các xu hướng chính trị hoạt động mạnh, tiếp tục ảnh hưởng bởi trào lưu dân chủ tư sản ngoài Hội Phục Việt - nơi tập trung đông đảo học sinh, sinh viên, còn có tổ chức khác đã thu hút nhiều học sinh, sinh viên quan tâm, trong đó phải kể đến Nam Đồng thư xã - một nhà in
tiến bộ, chính thức được thành lập vào cuối năm 1926 với các sáng lập viên đầu tiên là hai anh em nhà giáo trẻ Phạm Tuấn Tài (tức Mộng Tiên), Phạm Tuấn Lâm (tức Dật Công). Trụ sở của Nam Đồng thư xã đặt tại căn nhà số 6, đường 96 (bờ Hồ
Trúc Bạch, đối diện chùa Châu Long, nay là số 129 phố Trúc Bạch). Dưới sự chỉ đạo của Phạm Tuấn Tài, Nam Đồng thư xã đã liên kết với tòa soạn Thực nghiệp dân
báo và một số sinh viên yêu nước như Nguyễn Thái Học (sinh viên Trường Cao đẳng Thương mại), Phó Đức Chính, Hồ Văn Mịch (sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm),...vừa biên soạn, sáng tác, dịch thuật nhiều sách báo tiến bộ thể hiện tinh thần yêu nước, đề cao tính dân chủ, tiến bộ. Đặc biệt có cuốn xuất bản lần đầu bán hết ngay như Tiểu sử và học thuyết của Tôn Dật Tiên của Dật Công (Phạm Tuấn Lâm) và Nhượng Tống (Phạm Hoàng Trân), xuất bản năm 1926. Đến năm 1927 cuốn sách này tiếp tục tái bản nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu tìm đọc của học sinh, sinh viên và nhân dân Hà Nội lúc bấy giờ. Cuốn sách ca ngợi tư tưởng "Tam dân" của Tôn Trung Sơn, sau này tư tưởng "Tam dân" có ảnh hưởng đến tôn chỉ hành động của tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng. Nam Đồng thư xã còn xuất bản nhiều cuốn sách có nội dung tiến bộ khác như: Gương thiếu niên, Gương phục quốc, Trưng Nữ vương,...Sách của Nam Đồng thư xã có mặt không chỉ ở Hà Nội mà còn
có mặt khắp Bắc Kỳ. Với nội dung tiến bộ, sách của Nam Đồng thư xã đã đáp ứng phần nào cái khát khao tự do, dân chủ của nhân dân, nhất là lớp trẻ đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Từ một nhà xuất bản, Nam Đồng thư xã dần dà trở thành một câu lạc bộ, nơi thu hút đông đảo thanh niên trí thức yêu nước của Hà Nội. "Nam
Đồng thư xã đã chuẩn bị sẵn về lý luận và đội ngũ cán bộ cho sự ra đời của Việt
Nam Quốc dân đảng sau đó" [90, tr.150 -152].
Ngày 25 tháng 12 năm 1927, Việt Nam Quốc dân đảng ra đời ngay tại Hà Nội, Đảng trưởng là Nguyễn Thái Học. "Trong thành phần của đảng, bộ phận trí thức
tiểu tư sản, sinh viên, viên chức vừa là lực lượng nòng cốt vừa đóng vai trò lãnh đạo" [90, tr.157]. Địa bàn hoạt động chủ yếu là Bắc Kỳ mà Hà Nội là nơi có trụ sở.
Việt Nam Quốc dân đảng xuất bản tờ "Hồn cách mạng" làm cơ quan ngôn luận. Tờ báo này do Nguyễn Thái Học làm chủ bút, Đoàn Trần Nghiệp (tức Ký Con) cùng 5 người trong nhóm Học sinh đoàn Hà Nội trông coi việc in ấn. Tuy nhiên đến tháng 2 năm 1929, tờ báo mới ra được một số, còn thô sơ cả về nội dung và hình thức, sau đó phải đóng cửa vì bị lộ. Về phương pháp cách mạng, Việt Nam Quốc dân đảng chủ trương dùng sắt và máu. Phương pháp này được thể hiện rõ qua quan điểm của người Đảng trưởng Nguyễn Thái Học: "Thực dân đem sắt và máu đô hộ Việt Nam, chúng ta không thể nào dùng lối khoanh tay đối phó với súng đạn được. Xem các gương Đông Kinh nghĩa thục ngày trước thì biết. Một nhóm các nhà Nho tay không có một tấc sắt, vì thế mà có vô số những người bị chết chém, bị đày ra Côn Đảo.
Ngày nay, còn chủ trương hòa bình cách mạng là đi vào vết xe cũ, rất uổng công vô ích mà thôi" [23, tr.21].
Như vậy, từ nửa sau những năm 20 của thế kỷ XX, một số sinh viên Hà Nội đã có bước trưởng thành về ý thức chính trị. Khi tham gia sáng lập Việt Nam Quốc dân
đảng, dù vẫn đứng trên lập trường yêu nước của giai cấp tư sản dân tộc, nhưng đã
có sự chuyển biến, từ tư tưởng cải lương sang tư tưởng cách mạng.
Sau vụ ám sát tên trùm mộ phu Badanh vào ngày 9 tháng 2 năm 1929 của các đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng tại Hà Nội, thực dân Pháp lấy cớ này để đàn áp dã man các tổ chức cách mạng, nhiều đảng viên của Việt Nam Quốc dân đảng bị bắt trong đó có nhiều giáo viên và học sinh, sinh viên Hà Nội. "Đến tháng 7 năm 1929, số đảng viên của Việt Nam Quốc dân đảng bị bắt đến 255 người, trong đó có 36 thầy giáo, 6 sinh viên, 4 nhà viết báo, 4 giáo sư trường tư, 2 thầy đồ Nho" "[30, tr.158]. Trước tổn thất lớn của Việt Nam Quốc dân đảng, những yếu nhân của Đảng như Nguyễn Thái học, Phó Đức Chính, Nguyễn Khắc Nhu,...đã quyết định tiến hành khởi nghĩa với phương châm "không thành công thì cũng thành nhân". Cuộc