Phong trào đã thu hút đông đảo giáo chức và học sinh,sinh viên tham gia

Một phần của tài liệu Phong trào yêu nước của giáo chức và học sinh, sinh viên hà nội từ năm 1888 đến năm 1945 (Trang 130)

Ngay từ khi tiếng súng xâm lược của Pháp ở Nam Bộ, bộ phận giáo viên và học sinh Hà Nội đã có những phản ứng chống Pháp và tỏ thái độ bất bình trước sự đầu hàng từng bước của nhà Nguyễn. Từ năm 1888 trở đi, Hà Nội trở thành nhượng địa của Pháp, là thủ phủ của Liên bang Đông Dương và cũng là trung tâm giáo dục lớn nhất của cả xứ Đông Dương, vì vậy số lượng trường lớp, giáo viên và học sinh, sinh viên ở Hà Nội chiếm số lượng lớn so với các thành phố khác trong cả nước. Theo học tại Hà Nội còn có cả sinh viên xứ Ai Lao, Cao Miên và còn có cả trường dành cho con em người Hoa. "Năm 1937, thời điểm giáo dục phổ thông Pháp - bản xứ phát triển nhất thì số học sinh và sinh viên từ hệ cao đẳng tiểu học, trung học đến cao đẳng, đại học của Hà Nội chiếm gần 50% số học sinh của Bắc Kỳ [191, tr.168].

Học sinh Hà Nội chủ yếu là người Việt (trừ Trường Anbe Xarô dành cho con em người Pháp và con em người Việt giới thượng lưu). Hà Nội chỉ có 1 trường Trung học Bảo hộ - Trường Bưởi, thu hút học sinh từ các xứ Đông Dương đến học, nhưng chủ yếu vẫn là học sinh người Việt. Ngoài ra, còn có Trường cao đẳng tiểu học dành cho nam sinh, chỉ dạy hết đệ tứ niên để thi cao đẳng tiểu học. Muốn thi tú tài thì phải học Trường Bưởi. Hà Nội cũng có trường cao đẳng tiểu học dành cho nữ giới là Trường nữ sinh Đồng Khánh, Ngoài ra còn có Trường Phêlích Phô. Đây là 4 trường thuộc bậc trung học, số lượng học sinh chiếm 1/2 số học sinh trung học ở Bắc Kỳ, đông hơn so với ở Nam Định (Nam Định chỉ có trường Thành chung Nam Định). Do hệ thống trường công không đáp ứng hết nhu cầu của học sinh và phụ huynh có nhu cầu học nên hình thức trường trung học tư thục được mở nhiều ở Hà Nội. Những trường lớn như Hồng Bàng, Gia Long, Văn Lang,...Trường Hoài Đức (trường dành cho nữ sinh). Đặc biệt có Trường tư thục Thăng Long ở Ngõ Trạm, là trường có nhiều giáo viên tham gia hoạt động cách mạng thời kỳ Mặt trận Bình dân

Pháp (1936 -1939). Từ năm 1907, chính quyền Pháp mới mở Viện Đại học Đông Dương, nhằm thu hút sinh viên theo học, tuy nhiên số sinh viên Hà Nội đầu thế kỷ XX còn rất ít. Trên thực tế, Hà Nội vẫn là nơi duy nhất ở Đông Dương có một số trường đại học, cao đẳng được thành lập sớm. Vì vậy, sự phát triển của phong trào yêu nước ở Hà Nội đã thu hút được đông đảo học sinh, sinh viên tham gia.

Về giáo viên, Hà Nội là “cái máy cái” đào tạo giáo viên cho cả Bắc Kỳ và

Bắc Trung Kỳ. Chỉ ở Hà Nội, từ bậc thành chung trở lên mới có Ban Sư phạm và Hà Nội cũng là nơi duy nhất ở Đông Dương có trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương được mở từ năm 1917.“Giáo viên người Việt bậc phổ thông ở Hà Nội chiếm

75% số giáo viên của cả nước” [209]. Giáo viên người Việt ở bậc đại học còn rất ít so

với giáo viên người Pháp, nhưng Hà Nội cũng là nơi đầu tiên và duy nhất ở Đông Dương có giáo viên người Việt tham gia giảng dạy ở bậc đại học. Đến năm 1942 - 1943, mới có giáo sư người Việt dạy ở Cao đẳng Khoa học và Đại học Y khoa. Khi phong trào yêu nước bùng nổ ở Hà Nội từ cuối thế kỷ XIX, nhất là từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945, đã lôi kéo đông đảo giáo chức Hà Nội tham gia. Tùy theo từng giai đoạn lịch sử, tùy vào điều kiện lịch sử cụ thể của mình, họ đứng ở vị trí cố vấn hoặc trực tiếp gây dựng các tổ chức cách mạng trong trường học, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động yêu nước của học sinh, sinh viên.

Trong những năm đầu thế kỷ XX, tham gia vào Đông Kinh nghĩa thục có nhiều trí thức nổi tiếng khắp Bắc - Trung Kỳ. Nhân dân Hà Nội xin cho con em mình vào học Đông Kinh nghĩa thục đông đến hàng ngàn người, hơn hẳn số học sinh học tại các trường công lập do Pháp mở ở Hà Nội. Số giáo viên của Đông Kinh nghĩa thục cũng đông, chủ yếu là những trí thức yêu nước khắp Bắc Kỳ và Trung Kỳ về tham gia giảng dạy.

Trong những năm 20 của thế kỷ XX, số lượng học sinh, sinh viên ở Hà Nội tăng nhanh. Dù so với dân số của Hà Nội, số người được đi học mới chiếm 4%, nhưng so với số học sinh của cả Bắc Kỳ thì chiếm hơn 50%, riêng Ban tú tài bản xứ thì chỉ ở Hà Nội mới có học sinh, chiếm 100% [201].

Năm 1925, cuộc đấu tranh đòi thực dân Pháp thả nhà yêu nước Phan Bội Châu đã thu hút đông đảo giáo chức và học sinh, sinh viên tham gia. Theo thống kê của Sở mật thám Pháp, số lượng học sinh, sinh viên Hà Nội tham gia bãi khóa đòi

thả Phan Bội Châu có đến “hàng ngàn học sinh, sinh viên tham gia, tất cả các

trường học đều bãi khóa tham gia biểu tình” [187, tr.542]. Cùng với học sinh, sinh

viên cả nước, “...Làn sóng yêu nước chống thực dân cuồn cuộn dâng cao ở Hà Nội trong đó học sinh, sinh viên tới tấp gửi điện văn kháng nghị gửi lên Phủ Toàn quyền đang đóng tại Hà Nội và gửi sang cả Tổng thống Pháp” [187, tr.541].

Năm 1926, trong lễ truy điệu nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh tại Đền Đồng Nhân (thờ Hai Bà Trưng), lực lượng chủ yếu là học sinh, sinh viên và thanh niên Hà Nội, họ đã bất chấp sự ngăn cấm của kẻ thù đến dự lễ truy điệu. Một năm sau, đám tang thầy giáo Lương Văn Can vào tháng 6 năm 1927 cũng do học sinh, sinh viên tổ chức. Mặc dù mật thám, cảnh sát tìm cách ngăn cản nhưng đông đảo học sinh, sinh viên và nhân dân Hà Nội vẫn đến viếng, thể hiện lòng mến mộ, kính trọng người thầy giáo đất Thăng Long. Đồng thời, qua đây giáo chức và học sinh, sinh viên Hà Nội còn biểu dương lực lượng, gây áp lực với chính quyền thực dân.

Cùng với sự phát triển của phong trào cách mạng cả nước từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, phong trào đấu tranh của giáo chức và học sinh, sinh viên ngày càng sôi nổi, thu hút hầu hết lực lượng giáo viên và học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Nội tham gia ở những mức độ và hình thức khác nhau. Những hoạt động của các nhà giáo trong các trường công lập thời kỳ này thường diễn ra bí mật, do sự nhòm ngó và đàn áp của chính quyền thuộc địa. Hành động chủ yếu của các thầy là, cố vấn, khích lệ lòng yêu nước của học sinh, sinh viên, khơi dậy ý thức dân tộc trong họ. Một số sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm đã thành lập tổ chức Việt Nam Nghĩa đoàn. Một số thầy giáo đã tham gia thành lập Nam Đồng

thư xã với mục đích thu hút học sinh, sinh viên tham gia đấu tranh bằng những

hình thức khác nhau.

Thời kỳ 1936 -1939, hầu hết giáo chức và học sinh, sinh viên Hà Nội tích cực tham gia hoạt động trong Hội truyền bá Quốc ngữ, "có đến 90% là giáo viên và học

sinh, sinh viên” [191, tr.216]. Trong các cuộc mít tinh, biểu tình, đông đảo giáo

chức và học sinh, sinh viên Hà Nội đều tham gia tích cực đòi các quyền dân sinh, dân chủ,...Để thuận lợi cho việc hoạt động cách mạng, nhiều giáo viên đã tham gia Đảng Xã hội Pháp, chi nhánh tại Hà Nội.

Trong cuộc vận động giải phóng dân tộc 1939 -1945, nhất là từ khi thành lập Mặt trận Việt Minh (năm 1941), giáo chức và học sinh, sinh viên Hà Nội đã tích cực tham gia vào các tổ chức Cứu quốc. Đoàn Thanh niên xung phong tuyên

truyền thành Hoàng Diệu được thành lập, đã có nhiều học sinh, sinh viên các trường tham gia. Đội Danh dự Việt Minh thành lập tháng 4 năm 1945, cũng có sự tham gia của học sinh trường Bưởi. Hoạt động của Đội đã gây được tiếng vang lớn trong nhân dân, tạo niềm tin cho nhân dân khi tham gia vào Mặt trận.

Nét nổi bật trong phong trào yêu nước của giáo chức và học sinh, sinh viên Hà Nội là những hoạt động khéo léo, có hiệu quả của các nữ sinh, giáo viên nữ và cả học sinh, sinh viên ngoại kiều.

Vượt qua khuôn khổ của lễ giáo phong kiến quan niệm về nữ giới, từ đầu thế kỷ XX, do ảnh hưởng bởi trào lưu tư tưởng dân chủ tư sản nên quan niệm về người phụ nữ trong xã hội đã khác trước. Ở Hà Nội đã có một số trường học dành cho con gái, ngoài những trường dành cho con em người Pháp và quan lại người Việt thì các trường tư thục đã thu hút cả học sinh nữ theo học. Trường Đông Kinh nghĩa thục đầu thế kỷ XX đã có cả lớp học dành cho con trai, lớp học dành cho con gái. Tuy nhiên, phải đến sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, khi số trường học ở Hà Nội tăng lên thì số nữ sinh theo học ở bậc phổ thông và cao đẳng, đại học cũng mới tăng. Trường Đồng Khánh và một số trường tư thục khác có nhiều nữ sinh theo học. Mặc dù chưa nhiều nhưng Hà Nội cũng là nơi có tỉ lệ giáo viên nữ và học sinh nữ sinh đông so với cả nước. Ngay từ đầu thế kỷ XX, trong phong trào yêu nước của giáo chức và học sinh, sinh viên Hà Nội đã có sự đóng góp của họ.

Trong những năm 20 của thế kỷ XX, nữ học sinh, sinh viên và giáo viên được giác ngộ cách mạng cũng tỏ ra dũng cảm không kém nam giới. “Trong thời kỳ bí mật, nữ sinh các trường cùng chị em đường phố hoạt động rất sôi nổi. Các chị phát triển tổ chức bằng cách 3 người một tiểu tổ, ba tiểu tổ thành một liên chi, được gọi là phát triển theo cách chùm nho” [126, tr.96]. Nữ sinh có nhiều cách hoạt động khác nhau, khi thì tổ chức sinh hoạt “salon”, đọc báo Cứu quốc, Cờ Giải phóng, tuyên truyền hoạt động của Việt Minh với chị em cảm tình; khi thì tuyên truyền bà con mua tín phiếu ủng hộ cách mạng với hình thức “Đồng tiền cứu nước”. Nữ sinh còn rủ nhau đi cắm trại để dễ hoạt động, dễ hội họp chị em và đưa ra các kế sách

đấu tranh với địch. Đóng góp tích cực cho phong trào yêu nước của giáo chức và học sinh, sinh viên Hà Nội là nhóm nữ sinh Trường Đồng Khánh, họ đã cùng với các nữ sinh, sinh viên Hà Nội tham gia Hội truyền bá Quốc ngữ, tham gia bán sách báo tại Hiệu sách Đồng Xuân. Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ 1936 -1939, các nữ sinh tham gia hội diễn văn nghệ, diễn kịch, ca ngợi lòng yêu nước và tinh thần chống ngoại xâm của cha ông. Trong cuộc mít tinh nhân ngày Quốc tế lao động 1 tháng 5 năm 1938 tại Nhà Đấu Xảo, có sự tham gia đông đảo của nữ sinh Hà Nội. Một số nữ giáo viên vừa tham gia giảng dạy vừa tìm mọi cách khơi dậy lòng yêu nước cho học sinh qua ý tưởng của bài học, điển hình như giáo sư dạy bậc đại học Hoàng Thị Nga, cô giáo Lê Thị Lựu dạy môn họa ở Trường Bưởi,...

Khi Mặt trận Việt Minh được thành lập, nữ giáo viên các Trường tư thục Thăng Long, Trường Bưởi đã cùng với nữ học sinh, sinh viên các trường khác trên địa bàn thành phố đã tham gia tổ chức diễn thuyết tại những nơi đông người, rải truyền đơn, dán áp phích ở các trường học, khu phố, rạp hát,...Nữ sinh còn lôi kéo được chị em phụ nữ thuộc tầng lớp trên đi nghe diễn thuyết, nói chuyện về Việt Minh ở Mễ Trì, Chợ Canh, Ngã Tư Sở, Láng, Bưởi, Mọc, Bách Thảo,...[122]. Nhiều nữ sinh còn đi bán hoa ở nhà Đấu Xảo trong các dịp hội diễn văn nghệ để lấy tiền mua súng. Trong buổi biểu diễn vở “Tiêu sơn tráng sĩ” của học sinh Trường Bưởi tại Nhà hát Lớn, nhằm lấy tiền cứu đói, chị em nữ sinh đã giấu truyền đơn trong các lẵng hoa, hộp kẹo đi vận động khán giả mua hàng rồi khéo léo rải truyền đơn. Nhiều nữ sinh trong các trường học, tham gia vào Đội thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu và tham gia Đội Danh dự Việt Minh của Hà Nội. Công tác vận động, tuyên truyền của nữ sinh khi tham gia Mặt trận Việt Minh đã rất có hiệu quả. Chiều ngày 17 tháng 8 năm 1945, các lực lượng cách mạng đã biến cuộc mít tinh của Tổng hội công chức thân Nhật thành cuộc mít tinh ủng hộ Mặt trận Việt Minh, kêu gọi nhân dân chuẩn bị nổi dậy giành chính quyền. “Tại buổi mít tinh, chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng đã can đảm đứng lên diễn thuyết kêu gọi đồng bào Hà Nội ủng hộ Việt Minh” [126, tr.99]. Suốt mấy ngày từ 17 đến ngày 19 tháng Tám, các chị em nữ sinh cùng với các bà, các mẹ Hà Nội thức suốt đêm để may cờ, học hát,...chuẩn bị cho ngày Tổng khởi nghĩa. Trong ngày 19 tháng 8 năm 1945, nhiều nữ sinh Hà Nội đã hăng hái cùng nhân dân tham gia Tổng khởi nghĩa, cướp chính quyền, tham gia tuyên truyền, giải

thích cho binh lính trong trại Bảo an binh, đấu lý với Nhật,... Sự tham gia của nữ sinh trở thành nét nổi bật của phong trào yêu nước và cách mạng ở Thủ đô.

Dù chiếm số lượng không nhiều trong các trường đại học, cao đẳng và trung học trên địa bàn Hà Nội, nhưng học sinh, sinh viên Lào, Miên (tên gọi của Campuchia lúc đó) cùng với sinh viên người Hoa đã cùng sát cánh cùng với học sinh, sinh viên Việt Nam đứng dậy chống áp bức bất công. Một số cuộc đấu tranh của học sinh, sinh viên Việt Nam có sự tham gia của học sinh, sinh viên Lào và Miên. Tiêu biểu là nhóm học sinh người Lào ở trường Trung học bảo hộ, trong đó có Cay xỏn Phômvihẳn đã cùng với học sinh Việt Nam đấu tranh chống lại sự đàn áp của thực dân Pháp đối với các phong trào đấu tranh của nhân dân Đông Dương.

Nhóm học sinh người Hoa trong các trường dành cho con em người Trung Quốc ở Hà Nội, cũng đã từng nhóm họp với học sinh, sinh viên Việt Nam bàn cách chống lại ách thống trị của Nhật giai đoạn 1940 -1945. Tổng hội sinh viên Đông Dương đã tổ chức các Hội chợ phiên để bày tỏ tình cảm với nhân dân Trung Quốc bị phát xít Nhật đàn áp.

Như vây, với vị thế là trung tâm giáo dục lớn nhất cả nước, Hà Nội là nơi tập trung số lượng lớn giáo chức và học sinh, sinh viên so với cả nước. Sự phát triển của phong trào yêu nước của giáo chức và học sinh, sinh viên đã thu hút được đông đảo giáo viên và học sinh, sinh viên từ mọi miền, tạo ra một lực lượng đông đảo trí thức yêu nước, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Một phần của tài liệu Phong trào yêu nước của giáo chức và học sinh, sinh viên hà nội từ năm 1888 đến năm 1945 (Trang 130)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(180 trang)