Xây dựng kế hoạch, chương trình bồi dưỡng

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động bồi dưỡng giáo viên ở các trường trung học cơ sở huyện yên lạc, tỉnh vĩnh phúc luận văn ths giáo dục học (Trang 29)

1.4.1.1. Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng.

Kế hoạch là một công cụ quản lý quan trọng, không thể thiếu đối với nhà quản lý. Kế hoạch hoá là giai đoạn đầu quan trọng nhất, là quá trình chuẩn bị ứng phó với sự thay đổi, tính không chắc chắn của môi trường và tổ chức bằng việc ấn định những phương án hành động trong tương lai của tổ chức. Có kế hoạch tốt sẽ quyết định tốt đến hiệu quả và chất lượng bồi dưỡng, vì thế cán bộ quản lý phải nhận thức được tầm quan trọng và nắm bắt được thông tin làm căn cứ để xây dựng kế hoạch, xây dựng các điều kiện nội và ngoại lực, tìm phương pháp và biện pháp thực hiện, lựa chọn phương án tối ưu. Nếu không có các kế hoạch, nhà quản lý có thể không biết tổ chức và khai thác nhân lực và các nguồn lực khác một cách có hiệu

quả, thậm chí còn không biết rõ phải tổ chức và khai thác cái gì nữa. Không có kế hoạch nhà quản lý và nhân viên của họ có rất ít cơ hội để đạt được mục tiêu của mình cũng như không biết khi nào đạt được mục tiêu. Vì vậy việc kiểm tra cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Muốn làm tốt công tác kế hoạch hoá bồi dưỡng giáo viên THCS việc đầu tiên phải làm là cán bộ quản lý phải nắm chắc tình hình đội ngũ giáo viên, các điều kiện nội và ngoại lực từ đó đề ra được phương án bồi dưỡng cho giáo viên phù hợp với thực tiễn nhà trường.

Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng GV phải dựa trên cơ sở các văn bản quy định của Bộ GD& ĐT, của Sở GD& ĐT và các điều kiện của từng đơn vị để xây dựng kế hoạch ngắn hạn cũng như dài hạn. Khi xây dựng kế hoạch cần tiến hành các bước sau:

- Thống kê, kiểm tra đánh giá năng lực sư phạm của đội ngũ GV; phân loại GV. Việc làm này nhằm giúp Hiệu trưởng nắm rõ năng lực của từng GV để xây dựng kế hoạch sát thực tế và phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của nhà trường.

- Căn cứ vào các văn bản quy định của ngành, kết quả thống kê, kiểm tra đánh giá năng lực sư phạm của đội ngũ GV, phân loại GV, Hiệu trưởng xây dựng kế hoạch BDGV.

Trong kế hoạch BDGV cần làm rõ: + Mục tiêu bồi dưỡng.

+ Nội dung bồi dưỡng.

+ Hình thức, phương pháp bồi dưỡng. + Thời gian, lực lượng bồi dưỡng.

+ Dự trù kinh phí cho các hoạt động bồi dưỡng.

- Sau khi xây dựng xong kế hoạch, Hiệu trưởng cần tiến hành họp Hội đồng sư phạm để thống nhất kế hoạch bồi dưỡng GV, tạo sự đồng thuận trong tập thể. Khi họp cần thảo luận kĩ tính cần thiết, khả thi, hiệu

quả về chất lượng bồi dưỡng và kinh tế. Ngoài ra cần chú ý đến thời điểm phù hợp để thực hiện kế hoạch.

1.4.1.2. Chương trình bồi dưỡng.

Sau khi đánh giá các điều kiện nguồn lực và nhu cầu bồi dưỡng từ đó xây dựng chương trình bồi dưỡng gồm: Bồi dưỡng chuẩn hoá, bồi dưỡng trên chuẩn, bồi dưỡng GV dạy theo tài liệu hướng dẫn đổi mới, bồi dưỡng cập nhật những kiến thức mới, bồi dưỡng thường xuyên theo chu kì, bồi dưỡng chuyên đề,...

Thông tư số 31/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên trung học cơ sở (120 tiết/GV/năm học) gồm:

+ Nội dung bồi dưỡng 1 (khoảng 30 tiết/năm học):

Nội dung bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ năm học cấp trung học cơ sở áp dụng trong cả nước. Bộ GD&ĐT quy định cụ thể theo từng năm học các nội dung bồi dưỡng về đường lối, chính sách phát triển giáo dục trung học cơ sở, chương trình, sách giáo khoa, kiến thức các môn học, hoạt động giáo dục thuộc chương trình giáo dục trung học cơ sở.

+ Nội dung bồi dưỡng 2 (khoảng 30 tiết/năm học):

Nội dung bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục trung học cơ sở theo từng thời kì của mỗi địa phương. Sở GD&ĐT quy định cụ thể theo từng năm học các nội dung bồi dưỡng về phát triển giáo dục trung học cơ sở của địa phương, thực hiện chương trình, sách giáo khoa, kiến thức giáo dục địa phương; phối hợp với các dự án (nếu có) quy định nội dung bồi dưỡng theo kế hoạch của các dự án.

+ Nội dung bồi dưỡng 3 (khoảng 60 tiết/năm học):

Khối kiến thức tự chọn bao gồm các mô đun bồi dưỡng nhằm phát triển năng lực nghề nghiệp của giáo viên trung học cơ sở như sau: Nâng cao năng lực hiểu biết về đối tượng giáo dục; nâng cao năng lực hiểu biết

về môi trường giáo dục và xây dựng môi trường học tập; nâng cao năng lực hướng dẫn, tư vấn của giáo viên; nâng cao năng lực chăm sóc, hỗ trợ tâm lý cho học sinh trong quá trình giáo dục; nâng cao năng lực lập kế hoạch dạy học; tăng cường năng lực dạy học; tăng cường năng lực sử dụng thiết bị dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; tăng cường năng lực kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh; tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học; tăng cường năng lực giáo dục; tăng cường năng lực làm công tác giáo viên chủ nhiệm lớp; phát triển năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục; phát triển năng lực hoạt động chính trị - xã hội.

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động bồi dưỡng giáo viên ở các trường trung học cơ sở huyện yên lạc, tỉnh vĩnh phúc luận văn ths giáo dục học (Trang 29)