Rèn luyện cách tạo câu theo các yêu cầu biểu đạt

Một phần của tài liệu Vận dụng phương pháp rèn luyện theo mẫu trong dạy học tiếng việt ở các trường trung học cơ sở thuộc quận 6 thành phố hồ chí minh (Trang 57)

6. Cấu trúc luận văn

2.2.2. Rèn luyện cách tạo câu theo các yêu cầu biểu đạt

Trong hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ, câu có vai trò rất quan trọng. Câu là đơn vị dùng để giao tiếp giữa người với người trong xã hội. Vì vậy, khi nói (hoặc viết), người nói (hoặc người viết) không thể tự do tùy tiện muốn tạo

câu thế nào cũng được. Muốn diễn đạt đúng ý và muốn người khác hiểu đúng ý của mình, người nói (người viết) phải biết lựa chọn, biết tạo câu sao cho đúng những quy tắc mà mọi người trong cùng một cộng đồng ngôn ngữ chấp nhận và sử dụng. Có đặt được câu đúng, câu hay hoạt động giao tiếp mới đạt được hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi tạo câu, người nói, người viết thường hay mắc lỗi. Việc đặt câu sai dễ gây ra sự hiểu lầm làm cản trở đến việc bày tỏ tình cảm, thái độ, nhận định, đánh giá… của mọi người với nhau. Vì vậy, vấn đề này nếu không được tìm hiểu, nghiên cứu để tìm ra biện pháp khắc phục thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả giao tiếp, tư duy nói chung, ảnh hưởng đến kết quả dạy và học môn tiếng Việt ở nhà trường phổ thông nói riêng.

Chính vì lẽ đó, từ nhiều năm nay, khi dạy học môn tiếng Việt ở trường phổ thông người ta đã rất chú trọng dạy phần Ngữ pháp - câu cho học sinh. Ngay từ bậc tiểu học, học sinh đã được làm quen và học về câu tiếng Việt. Lên THCS, học sinh tiếp tục được học về câu. Chương trình tiếng Việt ở THCS dành thời gian để dạy phần Ngữ pháp - câu cho học sinh tương đối nhiều, điều đó nói lên sự cần thiết và tầm quan trọng của dạy - học câu trong nhà trường phổ thông.

Vận dụng phương pháp rèn luyện theo mẫu trong dạy học phần câu tiếng Việt, giáo viên cần chú trọng rèn luyện cho học sinh tạo câu theo các yêu cầu biểu đạt. Đó chính là quan tâm đến vấn đề quy tắc cấu tạo câu và phân loại câu theo mục đích nói.

2.2.2.1.Về quy tắc cấu tạo câu, chú ý phương thức trật tự từ

Yêu cầu đầu tiên với việc đặt câu là đặt câu phải đúng với quy tắc tiếng Việt. Phần lớn các câu trong tiếng Việt đòi hỏi phải có đầy đủ hai thành phần nòng cốt là chủ ngữ và vị ngữ. Câu có một kết cấu chủ - vị (C-V) được gọi là câu đơn, câu có hơn một kết cấu C-V trong đó không có kết cấu C-V nào bao

hàm kết cấu C-V nào được gọi là câu ghép, câu có hơn một kết cấu C-V nhưng chỉ có một kết cấu C-V làm nòng cốt, kết cấu C-V còn lại làm thành phần câu được gọi là câu phức thành phần. Tuy nhiên, các quy tắc ngữ pháp tiếng Việt, trong quá trình sử dụng vẫn có sự linh hoạt uyển chuyển.

Yêu cầu đầy đủ về thành phần câu có thể coi là yêu cầu chung không chỉ đối với tiếng Việt mà đối với tất cả các ngôn ngữ trên thế giới. Tiếng Việt là ngôn ngữ thuộc loại hình đơn lập có đặc điểm quan trọng là từ không biến đổi hình thái. Do đó, điều quan trọng cần chú ý khi đặt câu tiếng Việt là trật tự từ trong câu. Trật tự từ là sự sắp xếp các từ ngữ trong một câu hoặc một đoạn văn sao cho chúng có nghĩa. Nhìn chung, các thành phần trong câu tiếng Việt được sắp xếp theo một trật tự nhất định. Trong tiếng Việt, việc sắp xếp các từ theo một trật tự nhất định là cách chủ yếu để biểu thị các quan hệ cú pháp. Nhờ trật tự từ mà bản chất ngữ pháp của “tốt bụng” khác với “bụng tốt”, “chân bàn”

khác với “bàn chân”...; tổ hợp “Nam đang cười” khác với “đang cười Nam”. Khi các từ cùng loại kết hợp với nhau theo quan hệ chính phụ thì từ đứng trước giữ vai trò chính, từ đứng sau giữ vai trò phụ. Ở phạm vi câu, trật tự thuận: chủ ngữ đứng trước, vị ngữ đứng sau là trật tự phổ biến của kết cấu chủ vị trong câu tiếng Việt. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng cụ thể, trật tự đó có thể thay đổi nhằm phục vụ cho những mục đích nhất định: thể hiện được sắc thái biểu cảm hoặc tạo giá trị hình tượng; làm nổi nật được đối tượng, điều cần thông báo; tạo sự liên kết chặt chẽ với các câu khác trong văn bản.

Vị trí của từ trong câu tiếng Việt quy định chức năng của từ đó trong câu, do đó khi thay đổi vị trí thì đồng thời cũng thay đổi chức năng ngữ nghĩa của từ và từ đó làm thay đổi nghĩa của câu. Với một số câu, ta không được phép thay đổi trật tự. Ví dụ: "Tôi đang ăn cơm" chúng ta không thể nào thay

đổi trật tự thành "Ăn cơm đang tôi" vì đây là một tổ hợp vô nghĩa. Cho nên

ngữ nghĩa. Chính phương thức trật tự từ đã cho phép tiếng Việt tạo ra nhiều câu cùng có nội dung thông báo cơ bản như nhau nhưng khác nhau về sắc thái ý nghĩa. Có thể nói, trật tự nào thì ý nghĩa ấy. Hễ thay đổi về trật tự, lập tức thay đổi về ý (phụ thuộc vào ý đồ, mục đích của người nói, người viết).

Như vậy, thay đổi trật tự từ có khi làm thay đổi nghĩa của câu, làm một câu đơn giản thành rắc rối, câu đúng thành câu sai hoặc ngược lại… Do đó, khi nói hoặc viết, người ta không thể tự do, tùy tiện sắp đặt từ ngữ trong câu. Việc lựa chọn và sắp xếp từ ngữ trong câu phụ thuộc vào điều kiện trong ngữ cảnh và mục đích giao tiếp nhất định. Vì vậy, khi sử dụng phương pháp rèn luyện theo mẫu trong dạy tiếng Việt, giáo viên cần hướng dẫn học sinh nắm vững vàng phương thức trật tự từ để có sự vận dụng nhuần nhuyễn khi rèn luyện tạo câu theo yêu cầu biểu đạt.

2.2.2.2.Rèn luyện câu theo mục đích nói

Để rèn luyện cho học sinh biết cách tạo câu theo yêu cầu biểu đạt, ngoài việc rèn luyện cho học sinh nắm vững phương thức trật từ tự trong câu, chúng ta còn quan tâm đến việc rèn luyện cho học sinh biết nhận diện và tạo lập được các loại câu theo mục đích nói. Căn cứ vào mục đích nói, ngôn ngữ học truyền thống đã phân thành 4 kiểu câu: câu nghi vấn, câu cầu khiến, câu cảm thán, câu trần thuật. Sự phân loại này phải cùng một lúc sử dụng hai loại tiêu chuẩn: tiêu chuẩn về mục đích sử dụng và tiêu chuẩn về hình thức. Tất cả các kiểu câu này đã được đưa vào chương trình giảng dạy trong học phần tiếng Việt THCS. Mục tiêu của việc dạy học các kiểu câu này khác với việc dạy học về cấu tạo là không những hình thành ở học sinh tạo lập được các câu đúng về mặt ngữ pháp mà quan trọng hơn là các em phải sử dụng câu hay, phù hợp với từng hoàn cảnh giao tiếp, phù hợp với từng tình huống, lời nói sinh động, phù hợp với văn hóa giao tiếp của người Việt. Những kỹ năng này phải được hình thành trên cơ sở tri thức về đặc điểm cấu tạo hình thức, mục

đích nói và công dụng của các kiểu câu, nhất là quy tắc sử dụng câu trong giao tiếp. Vận dụng phương pháp rèn luyện theo mẫu trong tạo câu theo phân loại mục đích nói, giáo viên chú ý rèn luyện cho học sinh tạo câu theo các kiểu sau:

+ Câu nghi vấn: Với mục đích muốn nêu điều người nói chưa biết hoặc còn hoài nghi và mong muốn được người nghe trả lời, cung cấp thông tin vào điểm còn chưa biết, chưa rõ thì ta dùng kiểu câu nghi vấn. Về phương diện hình thức, câu nghi vấn dùng những từ nghi vấn (ai, gì, nào, tại sao, đâu, bao

giờ, bao nhiêu, à, ư, hả, chứ, (có)…không, (đã)… chưa) hoặc có từ hay (nối

các vế có quan hệ lựa chọn). Khi nói, câu nghi vấn được nâng cao giọng ở cuối câu và nhấn giọng ở điều cần hỏi. Khi viết, cuối câu có dấu chấm hỏi (?). Ví dụ:

Văn là gì? Văn là vẻ đẹp. Chương là gì? Chương là vẻ sáng. Nhời (lời) của người ta rực rỡ bóng bẩy, tựa như có vẻ đẹp vẻ sáng, cho nên gọi là văn chương.

(Theo Phan Kế Bính, Việt Hán văn khảo) Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, câu nghi vấn không dùng để hỏi mà dùng để cầu khiến, khẳng định, phủ định, đe dọa, bộc lộ tình cảm, cảm xúc… và không yêu cầu người đối thoại trả lời. Nếu không dùng để hỏi thì trong một số trường hợp, câu nghi vấn có thể kết thúc bằng dấu chấm, dấu chấm than hoặc dấu chấm lửng.

Ví dụ: câu nghi vấn bộc lộ cảm xúc ngạc nhiên:

“Đến lượt bố tôi ngây người ra như không tin vào mắt mình.

- Con gái tôi vẽ đấy ư?Chả lẽ lại đúng là nó, cái con Mèo hay lục lọi ấy!

(Tạ Duy Anh, Bức tranh của em gái tôi)

Câu cầu khiến: Với mục đích muốn nêu mệnh lệnh, yêu cầu hay thúc giục, khuyên bảo…để người nghe thực hiện (hay đừng thực hiện) một hành

động hay một trạng thái nào đó thì ta sẽ dùng kiểu câu cầu khiến. Về phương diện hình thức, câu cầu khiến thường có những từ chuyên dùng để tỏ ý mời mọc, đề nghị, khuyên bảo, bắt buộc, ngăn cấm như: mời, đề nghị, yêu cầu, nên, hãy, phải, cần, đừng, chớ, đi, thôi, nào,… Khi nói, câu cầu khiến được nhấn giọng mạnh hay nhẹ tùy theo nội dung mời mọc, đề nghị, khuyên bảo hay ngăn cấm. Khi viết, cuối câu cầu khiến thường có dấu chấm than (!), nhưng khi ý cầu khiến không được nhấn mạnh thì có thể kết thúc bằng dấu chấm (.)Ví dụ:

a) Thôi, im cái điệu hát mưa dầm sụt sùi ấy đi. Đào tổ nong thì cho chết!

(Tô Hoài, Dế Mèn phiêu lưu kí)

b) Hãy lấy gạo làm bánh mà lễ Tiên vương.

(Bánh chưng, bánh giầy) + Câu cảm thán: Khi mục đích của người nói là bộc lộ trực tiếp, tường minh cảm xúc, tình cảm thái độ trước một sự tình nào đó, người ta sẽ dùng kiểu câu cảm thán. Về phương diện hình thức, câu cảm thán thường dùng các thán từ, từ tình thái: ôi, than ôi, hỡi ôi, chao ôi, trời ơi, ồ, ô hay, ái chà, úi chà…các từ ngữ chỉ mức độ cao như: biết bao, xiết bao, vô cùng, cực kỳ, biết chừng nào,

thay…Khi nói, câu cảm thán có giọng thay đổi phù hợp với tình cảnh và cảm

xúc diễn tả trong câu. Khi viết, cuối câu có dấu chấm than (!). Ví dụ:

Than ôi! Sức người khó lòng địch nổi với sức trời! Thế đê không sao cự lại được với thế nước! Lo thay! Nguy thay! Khúc đê này hỏng mất.

(Phạm Duy Tốn, Sống chết mặc bay)

+ Câu trần thuật: Khi muốn kể lại sự việc, hiện tượng, hay miêu tả tính chất, đặc điểm, trạng thái hoặc biểu hiện quan hệ của sự vật, hoặc trình bày nhận định, ý kiến thì chúng ta sử dụng kiểu câu trần thuật. Về phương diện hình thức, câu trần thuật không có những dấu hiệu hình thức riêng ngoài ngữ điệu có chiều hạ thấp ở cuối câu. Khi viết, cuối câu trần thuật

thường có dấu chấm nhưng đôi khi nó có thể kết thúc bằng dấu chấm than hoặc dấu chấm lửng. Đây là kiểu câu cơ bản và được dùng phổ biến nhất trong giao tiếp. Ví dụ:

Thế rồi Dế Choắt tắt thở. Tôi thương lắm. Vừa thương vừa ăn năn tội mình.

(Tô Hoài, Dế Mèn phiêu lưu ký) Tuy nhiên, khi vận dụng phương pháp rèn luyện theo mẫu trong rèn luyện cho học sinh tạo câu theo mục đích nói, giáo viên cũng cần chú ý giảng thêm cho học sinh hiểu về hành vi ở những lời trực tiếp, hành vi ở lời gián tiếp, câu chính danh và câu không chính danh để các em biết cách sử dụng phù hơp với tình huống giao tiếp, tạo nên tính lịch sự, tế nhị.

Dùng câu phân loại theo mục đích nói theo lối trực tiếp (hành vi ở lời trực tiếp) tức là được dùng đúng với chức năng vốn có của chúng. Cụ thể, câu trần thuật được dùng với chức năng trần thuật, câu nghi vấn được dùng với chức năng hỏi, câu cầu khiến được dùng với chức năng điều khiển, câu cảm thán được dùng với chức năng biểu lộ cảm xúc. Còn dùng câu phân loại theo mục đích nói theo lối gián tiếp là dùng câu phân loại theo mục đích nói không đúng với chức năng vốn có của nó. Hay nói cách khác là dùng hành động ngôn ngữ này để đạt đích của hành động ngôn ngữ khác. Đây chính là một cách nhìn mới về câu phân loại theo mục đích nói của ngữ pháp hiện đại. Một câu có hình thức trần thuật cũng có thể có hiệu lực ở lối nói của nó có thể khẳng định, phủ định hoặc nghi vấn, yêu cầu. Một câu hỏi cũng có thể được dùng để chào mời, yêu cầu, đề nghị, nhắc nhở, phê bình, tố giác… Từ cách nói trực tiếp và gián tiếp chúng ta sẽ có loại câu chính danh (lối trực tiếp) và câu không chính danh (lối gián tiếp). Câu không chính danh phụ thuộc vào hoàn cảnh giao tiếp, là nghĩa hàm ngôn. Do đó, câu không chính danh thường đem lại tính lịch sự, tế nhị trong giao tiếp và giúp giao tiếp đạt hiệu quả cao.

Ví dụ 1: Chẳng hạn ta có thể nghe một em bé nói với mẹ: Mẹ bạn Hoa

mới mua cho bạn ấy một cái váy đẹp lắm mẹ ạ.

Đó là câu thuộc kiểu trần thuật và bề ngoài có vẻ như em bé chỉ giản đơn kể lại sự thật nhưng rất có thể em đó có hàm ý muốn xin mẹ mua cho mình một cái váy tương tự. Em đó đã dùng câu trần thuật để thực hiện hành động “điều khiển” (câu cầu khiến)

Ví dụ 2: Phát ngôn có hình thức nghi vấn nhưng mục đích than vãn -

kiểu câu cảm thán (biểu lộ, bộc lộ cảm xúc)

“Bây giờ nghe mẹ giục nó phải đi, nó lại nhếch nhác, mếu khóc:

- U nhất định bán con đấy ư? U không cho con ở nhà nữa ư? Khốn nạn cái thân con thế này! Trời ơi!...Ngày mai con chơi với ai? Con ngủ với ai?”

(Ngô Tất Tố, Tắt đèn) Trong những năm gần đây, khi nghiên cứu các kiểu câu phân loại theo mục đích nói, người ta quan tâm nhiều đến các phương diện đảm bảo tính lịch sự trong giao tiếp, nhất là đối với kiểu câu hỏi và cầu khiến. Do đó, giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh biết cách sử dụng lời trực tiếp, đặc biệt là lời gián tiếp cho phù hợp với hoàn cảnh để nâng cao hiệu quả trong giao tiếp.

Một phần của tài liệu Vận dụng phương pháp rèn luyện theo mẫu trong dạy học tiếng việt ở các trường trung học cơ sở thuộc quận 6 thành phố hồ chí minh (Trang 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)