Nguyên tắc hướng tới cả dạng nói và dạng viết

Một phần của tài liệu Vận dụng phương pháp rèn luyện theo mẫu trong dạy học tiếng việt ở các trường trung học cơ sở thuộc quận 6 thành phố hồ chí minh (Trang 47)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.4.Nguyên tắc hướng tới cả dạng nói và dạng viết

Nói và viết là hai phương tiện giao tiếp của ngôn ngữ, là hai dạng tồn tại của lời nói, mang những đặc điểm khác nhau. Dạng nói và dạng viết có thể xuất hiện trong tất cả các phong cách chức năng, tuy nhiên tương quan giữa hai dạng này ở mỗi phong cách chức năng có sự khác nhau.

Trong quá trình sử dụng ngôn ngữ, con người thường nói nhiều hơn viết. Qua khảo sát các bài viết của học sinh, chúng ta thấy ngôn ngữ nói có ảnh hưởng rất nhiều đến ngôn ngữ viết, nhiều lỗi hành văn của các em đều xuất phát từ việc chưa chú trọng phân biệt ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, dẫn đến tình trạng “viết như nói”. Cách viết như vậy sẽ trở thành thói quen, gây nên những hạn chế nhất định trong cách sử dụng ngôn ngữ viết của các em.

Ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết là hai dạng tồn tại của ngôn bản. Chúng có những đặc điểm khác nhau và cần thiết phải phân biệt trên cơ sở đối chiếu, so sánh để diễn đạt cho phù hợp. Đặc điểm ngôn ngữ nổi bật của dạng nói là yếu tố dư và hình thức tỉnh lược, hướng vào sự tri giác và sự phản ứng không chậm trễ của người nhận, thường xuyên sử dụng những phương tiện đi kèm ngôn ngữ: nét mặt, cử chỉ, dáng điệu. Trong khi đó, đặc điểm nổi bật của dạng viết là từ ngữ chính xác, kết cấu ngữ pháp - ngữ nghĩa chặt chẽ, hoàn chỉnh,

không hướng vào sự tri giác, không có khả năng sử dụng những phương tiện đi kèm. Tuy có đặc điểm khác nhau nhưng một vài sắc thái riêng của ngôn ngữ nói có thể bổ sung cho hiệu quả diễn đạt của ngôn ngữ viết và ngược lại. Do đó, phát triển hài hoà cả hai loại ngôn bản này vừa phù hợp với yêu cầu giao tiếp xã hội vừa phù hợp với việc tăng cường hiệu quả diễn đạt của chúng.

Hiện nay, mục tiêu của môn Ngữ văn THCS chính là “học sinh có năng lực thực hành và năng lực sử dụng tiếng Việt như một công cụ để tư duy và giao tiếp” và “viết không chỉ viết đẹp, viết đúng chính tả, mà quan trọng hơn là còn phải biết các thao tác để tạo lập các kiểu văn bản”. Vì vậy, việc rèn luyện cho HS thói quen nói đúng, viết đúng tiếng Việt rất cần được quan tâm và càng trở nên vô cùng bức thiết.

Để đảm bảo nguyên tắc hướng tới hai dạng nói và viết, trước hết giáo viên nên thường xuyên giúp học sinh ý thức rõ đặc điểm của ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, cũng như sự ảnh hưởng tích cực và tiêu cực lẫn nhau giữa chúng trong diễn đạt, thấy được và ý thức về những sự khác nhau cơ bản giữa dạng nói và dạng viết, không nên “nói như viết và viết như nói”. Đồng thời, đặt câu hỏi trong các giờ học cho các em phát biểu, tổ chức cho các em thảo luận nhóm, tranh luận về một chủ đề, bài tập thực hành miệng, các tiến trình giao tiếp, xây dựng bài học, trả và hướng dẫn sửa chữa bài tập viết.

Chúng ta đã biết, mỗi lứa tuổi đến trường đều có quá trình tiếp thu, hình thành, phát triển ngôn ngữ ở những mức độ khác nhau. Đối với học sinh tiểu học, việc chiếm lĩnh tiếng Việt đi từ dạng nói đến dạng viết (điều này được thể hiện trong qui trình dạy Tập làm văn ở bậc tiểu học: Tìm hiểu bài - Tập làm văn miệng - Tập làm văn viết). Lên các lớp thuộc cấp trên (học sinh THCS), không nhất thiết dạng nói phải đi trước dạng viết, nhưng không được bỏ qua dạng nói và phải luôn luôn nhận thức đúng về mối quan hệ hữu cơ của việc rèn luyện hai dạng này.

Trong thực tế giảng dạy THCS, ta thấy ở mỗi bài dạy học tiếng, dạng nói được thể hiện ngay ở việc trả lời các câu hỏi, còn dạng viết được thể hiện ở việc làm các bài tập như đặt từ trong câu, đặt câu trong đoạn, đặt đoạn trong bài văn và viết một bài văn hoàn chỉnh. Do đó, giáo viên cần rèn luyện cho học sinh khả năng nói song song với khả năng viết để hai khả năng này luôn hỗ trợ tốt cho nhau và đó cũng chính là đảm bảo được nguyên tắc đặc thù trong dạy học tiếng Việt.

Một phần của tài liệu Vận dụng phương pháp rèn luyện theo mẫu trong dạy học tiếng việt ở các trường trung học cơ sở thuộc quận 6 thành phố hồ chí minh (Trang 47)