Nguyên tắc bám sát chương trình, sách giáo khoa

Một phần của tài liệu Vận dụng phương pháp rèn luyện theo mẫu trong dạy học tiếng việt ở các trường trung học cơ sở thuộc quận 6 thành phố hồ chí minh (Trang 40)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.1. Nguyên tắc bám sát chương trình, sách giáo khoa

Chương trình và sách giáo khoa là những thành tố căn bản trong quá trình giáo dục, đào tạo. Vì thế việc giảng dạy bất cứ môn học nào cũng phải thực hiện nguyên tắc bám sát chương trình, sách giáo khoa. Có lúc, người ta xem chương trình, sách giáo khoa là pháp lệnh.

Chương trình quy định mục tiêu, kế hoạch, định hướng về phương pháp tổ chức giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục đồng thời còn đề cập đến những yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng và thái độ trên các lĩnh vực học tập mà học sinh cần và có thể đạt được đối với từng cấp học, môn học. Từ việc xác định chương trình, SGK được biên soạn nhằm đảm bảo tính thống nhất, tính khả thi của chương trình giáo dục, bảo đảm chất lượng và hiệu quả của quá trình giáo dục. SGK là tài liệu thể hiện một cách cụ thể nhất nội dung và phương pháp dạy học của một môn học. Đó là công trình sư phạm thể hiện mục tiêu giáo dục quy định trong luật giáo dục. Mỗi bộ SGK chứa đựng những kiến thức cơ bản, phù hợp với nhận thức của học sinh. SGK vừa là định hướng vừa là công cụ trực tiếp tham gia vào quá trình dạy học, giữ vai trò quan trọng đối với chất lượng dạy học, là tài liệu dạy học không thể thiếu đối với cả GV và HS.

Để thống nhất trong công tác chỉ đạo, định hướng hoạt động giảng dạy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng chương trình và biên soạn SGK theo mục tiêu, đặc trưng riêng của từng môn học. Với môn Ngữ văn THCS, chương trình đã nêu mục tiêu tổng quát của môn học là: “Môn Ngữ văn có vị trí đặc biệt trong việc thực hiện mục tiêu chung của trường THCS: góp phần hình thành những con người có trình độ học vấn phổ thông cơ sở, chuẩn bị cho họ hoặc ra đời, hoặc tiếp tục học lên ở bậc cao hơn […]. Đó là những con người biết rèn luyện để có tính tự lập, có tư duy sáng tạo, bước đầu có năng lực cảm thụ các giá trị chân, thiện, mĩ trong nghệ thuật, trước hết là trong văn

học, có năng lực thực hành và năng lực sử dụng tiếng Việt như một công cụ để tư duy và giao tiếp. Đó cũng là những người có ham muốn đem tài trí của mình công hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [32, tr. 3-4]. Mục tiêu tổng quát trên đã được cụ thể hóa thành ba phương diện: kiến thức, kỹ năng, thái độ trong yêu cầu xây dựng chương trình. Về cấu trúc, chương trình khẳng định lấy sáu kiểu văn bản làm trục đồng quy: tự sự, miêu tả, biểu cảm,

lập luận (nghị luận), thuyết minh và điều hành (hành chính - công vụ).

Chương trình phải làm thế nào cho HS thành thạo bốn kỹ năng nghe, nói, đọc,

viết; năng lực tiếp nhận và tạo lập sáu kiểu văn bản nói trên.

Với môn Ngữ văn THCS, sách giáo khoa vừa là nguồn cung cấp kiến thức, vừa là công cụ rèn luyện kỹ năng, hình thành phương pháp học tập, cũng như giáo dục văn hóa cho học sinh. Từ năm 2000, chúng ta đã cải cách chương trình và sách giáo khoa. Bắt đầu từ tháng 9 năm 2002, chương trình Ngữ văn THCS được sử dụng đại trà. Việc biên soạn sách được xây dựng theo quan điểm tích hợp. Quan điểm tích hợp được xem là nguyên tắc chỉ đạo để tổ chức nội dung chương trình, biên soạn SGK và lựa chọn các phương pháp giảng dạy. Việc tích hợp trong biên soạn SGK Ngữ văn được thực hiện ngay từ tên gọi môn học. Môn học này trước đây trong chương trình SGK chỉnh lí hợp nhất có tên gọi là Văn học, Tiếng Việt, Làm văn, tương ứng với tên gọi trên là ba bộ sách: Văn học, Tiếng Việt và Làm văn được biên soạn

một cách độc lập. Nay theo quan điểm tích hợp, môn học này có tên gọi là

Ngữ văn và SGK chỉ có một cuốn chung cho cả ba phân môn. Đồng thời,

nguyên tắc tích hợp còn thể hiện ở sự gắn kết, phối hợp các lĩnh vực tri thức gần nhau của các phân môn. Theo tinh thần này, mỗi phân môn Văn học, Tiếng Việt, Làm văn chỉ là một hợp phần trong môn học Ngữ văn, nhưng giữa chúng có mối liên hệ chặt chẽ, hỗ trợ cho nhau. Mối quan hệ này thể hiện rất rõ, từ chương trình, SGK cho đến các tiết học cụ thể, các bài kiểm tra,

các bài thi. Ở SGK, văn bản văn học vừa là đối tượng học tập vừa là ngữ liệu, phương tiện để phục vụ học tập các phân môn Tiếng Việt, Làm văn. Ngược lại, khi học đọc hiểu văn bản văn học lại dùng những tri thức khoa học của phân môn Tiếng Việt và Làm văn để khai thác.

Trong chương trình Ngữ văn THCS hiện nay, phân môn Tiếng Việt chủ yếu tập trung dạy về từ vựng, ngữ pháp, tu từ, đoạn văn, văn bản theo tinh thần tập trung vào thực hành, vận dụng những hiểu biết về Tiếng Việt vào việc đọc - hiểu văn bản và tạo lập văn bản. Thông qua cách vận dụng này mà củng cố, khắc sâu và nâng cao khả năng sử dụng tiếng Việt cho học sinh. Phần Tiếng Việt được bố trí đan xen với phần Đọc hiểu và Làm văn theo nguyên tắc 3 trong 1 của sách giáo khoa tích hợp. Tuy nhiên, cách xây dựng chương trình và cách cấu trúc sách giáo khoa không làm mất đi đặc trưng của từng phân môn. Điều này đòi hỏi trong dạy học, giáo viên cần đầu tư thích đáng cho vấn đề phương pháp.

Từ góc nhìn về chương trình và SGK Ngữ văn THCS, ta có thể thấy được vai trò, tầm quan trọng của việc bám sát chương trình, SGK là một nguyên tắc giáo dục quan trọng. Đây là nguyên tắc mang tính chỉ đạo, định hướng trong quá trình dạy học. Từ định hướng đó, giáo viên biết cách bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng để giảng dạy đạt hiệu quả. Việc tuân thủ nguyên tắc này là điều kiện tiên quyết để tiến hành dạy học tiếng Việt với các phương pháp được lựa chọn.

Một phần của tài liệu Vận dụng phương pháp rèn luyện theo mẫu trong dạy học tiếng việt ở các trường trung học cơ sở thuộc quận 6 thành phố hồ chí minh (Trang 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)