6. Cấu trúc luận văn
2.3.4. Đánh giá sản phẩm ngôn ngữ của học sinh
Trong dạy học nói chung và dạy học tiếng Việt nói riêng, chúng ta không thể bỏ qua khâu đánh giá. Đánh giá được hiểu là quá trình hình thành
những nhận định, phán đoán về kết quả của công việc, dựa vào sự phân tích những thông tin thu được, đối chiếu với mục tiêu và tiêu chuẩn đề ra nhằm đề xuất những quyết định thích hợp để cải thiện thực trạng, điều chỉnh và nâng cao chất lượng và hiệu quả của công việc.
Trong dạy học tiếng Việt, mục tiêu cuối cùng là giúp học sinh có kĩ năng tạo lập văn bản theo yêu cầu, biết sử dụng thành thạo ngôn ngữ trong giao tiếp hàng ngày. Để đảm bảo được mục tiêu này, giáo viên có thể sử dụng nhiều phương pháp, trong đó đặc biệt chú ý đến phương pháp rèn luyện theo mẫu. Với phương pháp rèn luyện theo mẫu, giáo viên lại cần phải lưu ý phần đánh giá, nhận xét những sản phẩm ngôn ngữ của các em, bởi đó là những sản phẩm được tạo ra theo mẫu mang tính chuẩn mực rất cao. Qua các sản phẩm ngôn ngữ mà học sinh đã tạo ra theo mẫu, giáo viên có thể nắm được cụ thể, khá chính xác về năng lực và trình độ của mỗi học sinh, từ đó có hướng điều chỉnh, hoàn thiện hoạt động dạy học tiếng Việt tốt hơn. Quá trình này cũng giúp cho học sinh thấy được mình đã lĩnh hội những điều vừa học đến mức độ nào, những điểm cần phải bổ khuyết trước khi bước vào nội dung kiến thức tiếng Việt mới. Đồng thời, khâu đánh giá cũng giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức tự giác trong học tập, nâng cao lòng tự tin ở học sinh.
Khi tiến hành đánh giá sản phẩm ngôn ngữ của học sinh, chúng ta cần đảm bảo các bước sau:
- Sau khi học sinh tạo lập sản phẩm ngôn ngữ theo mẫu, giáo viên kiểm tra sản phẩm học sinh tạo lập, đối chiếu với yêu cầu của bài luyện tập, mẫu (nếu có): Nếu có sai sót thì cần tiến hành điều chỉnh, sửa chữa (chú ý tính trong sáng, chuẩn mực của lời nói).
- Nhận xét và rút kinh nghiệm: Giáo viên cần đảm bảo sự khách quan, công bằng khi đánh giá. Nên khuyến khích sự sáng tạo của học sinh bằng những lời khen nếu các em làm tốt. Nếu các em làm chưa tốt thì giáo viên nên động viên, hướng dẫn để các em tiếp tục sáng tạo.