Thực trạng sử dụng tiếng Việt của học sinh THCS

Một phần của tài liệu Vận dụng phương pháp rèn luyện theo mẫu trong dạy học tiếng việt ở các trường trung học cơ sở thuộc quận 6 thành phố hồ chí minh (Trang 28)

6. Cấu trúc luận văn

1.2.3. Thực trạng sử dụng tiếng Việt của học sinh THCS

Những năm gần đây, chúng ta nhận thấy một thực trạng đáng buồn về chất lượng dạy học Ngữ văn nói chung, trong đó đáng báo động về tình trạng sử dụng tiếng Việt của học sinh. Lỗi sử dụng ngôn ngữ của học sinh phổ thông đã và đang là vấn đề được cả nhà trường và xã hội quan tâm.

Để nắm được cụ thể thực trạng sử dụng tiếng Việt của học sinh THCS, chúng tôi đã tiến hành khảo sát 152 bài viết của HS bậc THCS trên địa bàn quận 6 Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả khảo sát ban đầu, chúng tôi tập hợp được 332 lỗi. Tập trung nhiều nhất ở lỗi về chính tả, dùng từ, đặt câu, dựng đoạn văn...

Thực tế hiện nay, việc sử dụng từ của các em rất tùy tiện, nhiều từ sai nghĩa, không rõ nghĩa, lặp từ, thừa từ, dùng từ sai phong cách… Bên cạnh lỗi dùng từ, lỗi chính tả cũng chiếm khá nhiều, kể cả những từ đơn giản các em viết vẫn không đúng… Ngoài ra, các em cũng mắc rất nhiều lỗi về câu. Đây là loại lỗi chiếm phần lớn trong bài viết của học sinh. Các loại lỗi về câu của các em mắc phải cũng rất đa dạng, phức tạp, đòi hỏi giáo viên phải nhận diện, phân loại để có phương án phù hợp giúp cho học sinh sửa chữa. Các lỗi về câu mà học sinh THCS thường mắc phải là viết câu sai về cấu tạo ngữ pháp (thiếu thành phần nòng cốt, không phân định được thành phần câu), câu sai nội dung logic - ngữ nghĩa (phản ánh sai hiện thực khách quan, thể hiện sai quan hệ ngữ nghĩa giữa các bộ phận trong câu), lỗi về dấu câu (lỗi dùng dấu chấm, lỗi do vi phạm quy tắc ngắt các bộ phận trong câu, lẫn lộn chức năng của các dấu câu), lỗi về liên kết câu (liên kết về nội dung và hình thức).

Sau đây là một số ví dụ về lỗi được trích trong bài làm văn của học sinh:

- Lỗi về chính tả, lặp từ, thừa từ, dùng từ chưa phù hợp, lỗi về liên kết nội dung: diễn đạt lủng củng, dài dòng, lập luận chưa chặt chẽ, chưa chú ý dấu câu.

Ví dụ 1: “Đặc biệt mỗi khi đất nước có hạn ngoại xâm mỗi tầng lớp nhân dân ta ở mọi miền đều xông lên tận tâm, tận lực góp cả sức người sức của để giữ gìn ngọn rau tất đất của cha ông tình đất nước, tình đồng bào khi nước nhà gặp cơn nguy biến, được phát huy thấm đượm hơn lúc nào hết”.

Ví dụ 2: “Chúng ta có được như ngày hôm nay cũng là nhờ công ơn dạy dỗ của người thầy. Người thầy dạy cho ta biết điều gì đúng điều gì sai. Tóm lại, trong cuộc sống này nếu người không có người thầy dạy dỗ thì chúng ta không thể thành người, con người sẽ trở nên ngu dốt. Vì vậy con người chúng ta phải ngoan ngoãn nghe lời làm theo những lời thầy cô giáo dạy để cuộc sống này trở nên có ý nghĩa”.

Ví dụ 3: Câu ca dao ý muốn nói người trong một nhà một làng một huyện một tỉnh một đất nước phải thương nhau, phải đoàn kết. Câu “Nhiễu điều phủ lấy giá gương” ý muốn nói chiếc gương nếu không có thứ gì tre lại thì sẽ bị trầy sước và nếu không có chiếc giá để nâng đỡ chiếc gương thì nó cũng sẽ bị vỡ. Ý muốn nói chiếc gương là một người dân nếu người dân đó không được người khác thương yêu giúp đỡ sẽ bị tổn thương, bị người khác bắt nạt. Vì thế chúng ta phải thương yêu nhau đoàn kết để không bị ai bắt nạt.

- Lỗi sai về phong cách ngôn ngữ, nội dung - logic, lặp từ, lặp ý, dùng sai phương tiện liên kết

Ví dụ 4: “Em đã được học rất nhiều bài thơ nhưng có một bài thơ mà có lẽ sẽ khiến em không bao giờ quên được. Đó là bài sang thu. Em cũng không biết là phải phân tích này từ đâu, từ chỗ nào nên em quyết sẽ phân tích lại khổ đầu cho mọi người, một khổ thơ chứa rất nhiều cảm xúc”.

Ví dụ 5: “Truyện "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê đã rất

thành công về nghệ thuật và nội dung đặc sắc. Truyện đã nói lên các cô gái của Việt Nam rất anh dũng và cao đẹp. Truyện " Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê đã gửi đến người đọc một câu chuyện cảm động và sự dũng cảm của các cô gái thanh niên sung phong anh dũng của Việt Nam”.

Ví dụ 6: “Phương Định không chỉ dễ thương, ngoan hiền. Ngoài ra, cô còn là một cô gái vô cùng dũng cảm, gan dạ, ung dung, liều mình vào trước những tình huống vô cùng khó khăn. Hằng ngày, cô và đồng đội bắn hạ máy bay địch”.

- Lỗi về chấm câu tùy tiện, thiếu thành phần nòng cốt câu, nhầm lẫn giữa thành phần trạng ngữ và chủ ngữ, diễn đạt vụng về

Ví dụ 7: “Nhân vật Phương Định là một biểu tượng của hình tượng thanh niên xung phong trong thời kỳ chống Mĩ cứu nước. Đã để lại cho người đọc nhiều suy ngẫm và phải học tập. Thể hiện tinh thần đấu tranh đầy bất khuất của công dân Việt Nam”.

Ví dụ 8: “Bằng cách sử dụng vai kể là nhân vật chính, cách kể chuyện tự nhiên, sinh động. Đặc biệt, thành công về nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật. Truyện đã dựng lên một tượng đài khí phách anh hùng của tổ chinh sát mặt đường”.

Ví dụ 9: “Tóm lại, bằng cách diễn tả độc đáo, hình ảnh gợi cảm, từ ngữ trong sáng đã làm rõ nét lên sự tươi đẹp của mùa thu, của thiên nhiên đất trời lúc giao mùa”.

v.v...

Nhìn chung, qua khảo sát bài viết của học sinh THCS, chúng tôi nhận thấy tình trạng học sinh sử dụng tiếng Việt thiếu trong sáng, sai chuẩn mực khá nhiều, khả năng vận dụng từ ngữ và kỹ năng trình bày, diễn đạt của các em còn rất yếu. Các lỗi về sử dụng tiếng Việt mà các em mắc phải rất đa dạng, phức tạp. Có nhiều lỗi chồng chéo lên nhau trong một câu văn, đoạn văn. Các em không biết cách dùng từ, diễn đạt vụng về, đơn diệu, dài dòng, lập luận thiếu chặt chẽ, sử dụng dấu câu tùy tiện, không đúng quy tắc, viết đoạn văn thì câu “què”, câu “cụt”, câu sai cấu trúc ngữ pháp, sai lôgich. Đọc câu văn của các em, nhiều trường hợp, không hiểu các em muốn nói điều gì. Điều đó cho thấy, một bộ phận không nhỏ học sinh rất mơ hồ về kiến thức bộ môn và kỹ năng sử dụng ngôn ngữ.

Tình trạng trên đây có nhiều nguyên nhân. Trước hết, sở dĩ học sinh yếu trong sử dụng từ ngữ và diễn đạt là vì vốn từ vựng tiếng Việt của các em

còn hạn chế. HS không nắm được và không hiểu được nghĩa của từ, và các yêu cầu cơ bản trong sử dụng. Hệ quả tất yếu là, trước những tình huống cụ thể, các em không đủ từ ngữ để biếu đạt nên thường dùng sai.

Ngoài ra, phân môn tiếng Việt trong nhà trường còn có những bất cập. Dường như chúng ta cung cấp cho học sinh nhiều kiến thức ngôn ngữ học, Việt ngữ học mà còn coi nhẹ phần kỹ năng giao tiếp tiếng Việt (nói và viết tiếng Việt, yếu tố thẩm mĩ, văn hóa trong giao tiếp tiếng Việt).

Một nguyên nhân không thể không nói đến là cách dạy cụ thể của giáo viên. Trong dạy học, có việc chấm, chữa bài. Khi chấm bài, một số GV tuy có chỉ ra một số lỗi về sử dụng tiếng Việt của học sinh, nhưng đó thường là những nhận xét chung chung như: diễn đạt dài dòng, vụng về, không biết cách

dùng từ, có ý tưởng nhưng không biết cách trình bày, lập luận thiếu chặt chẽ… chưa đưa ra hướng chữa lỗi cụ thể làm cho học sinh không rút được

kinh nghiệm cho các bài viết sau. Bên cạnh đó, một số GV khi chấm bài chưa dành nhiều thời gian cho việc chữa chữa lỗi câu, thậm chí, chỉ cho điểm mà không có một lời nhận xét, không có một chỉ dẫn nào về lỗi của học sinh trong bài văn.

Kết quả khảo sát từ thực tiễn sử dụng tiếng Việt của học sinh bậc THCS cũng như tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng trên đã giúp chúng tôi có cái nhìn sát thực, từ đó có định hướng đổi mới phương pháp dạy học phân môn tiếng Việt phù hợp, nhất là việc vận dụng phương pháp rèn luyện theo mẫu đạt hiệu quả, góp phần cải thiện được trình độ sử dụng ngôn ngữ của học sinh.

Một phần của tài liệu Vận dụng phương pháp rèn luyện theo mẫu trong dạy học tiếng việt ở các trường trung học cơ sở thuộc quận 6 thành phố hồ chí minh (Trang 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)