Nguyên tắc hướng vào hoạt động giao tiếp

Một phần của tài liệu Vận dụng phương pháp rèn luyện theo mẫu trong dạy học tiếng việt ở các trường trung học cơ sở thuộc quận 6 thành phố hồ chí minh (Trang 42)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.2.Nguyên tắc hướng vào hoạt động giao tiếp

Hoạt động giao tiếp là hoạt động đặc trưng của con người, có quan hệ trực tiếp đến việc hình thành và phát triển năng lực ngôn ngữ nói chung, năng lực từ ngữ nói riêng. Trong cuộc sống thường ngày, ai cũng có nhu cầu giao tiếp với nhau. Người ta có thể giao tiếp với nhau bằng nhiều phương tiện, song ngôn ngữ là phương tiện quan trọng nhất. Hoạt động giao tiếp bằng ngôn

ngữ là trực quan sinh động của hoạt động dạy và học ngôn ngữ. Việc rèn luyện năng lực ngôn ngữ cá nhân lấy đó làm phương tiện, làm môi trường rèn luyện của mình. Mục tiêu cuối cùng của việc dạy học nói chung là hướng học sinh vào việc áp dụng tri thức đã học vào thực tế cuộc sống. Trong dạy học tiếng Việt, mục tiêu này chính là giúp học sinh sử dụng thành thạo ngôn ngữ trong giao tiếp hàng ngày.

Ngôn ngữ là hệ thống hoạt động chức năng, tách khỏi hoạt động chức năng nó sẽ không còn sức sống. Môi trường hành chức của ngôn ngữ, của tiếng Việt chính là giao tiếp. Cho nên, mọi quy luật cấu trúc và mọi quy tắc hoạt động của hệ thống ngôn ngữ, hệ thống tiếng Việt chỉ được thể hiện trong lời nói sinh động và rút ra từ lời nói sinh động. Muốn hình thành kĩ năng kĩ xảo tiếng Việt cho học sinh thì trước hết, phải tạo được môi trường giao tiếp cho học sinh trực tiếp tham gia lĩnh hội hoặc sáng tạo lời nói. Để có thể thực hiện tốt nguyên tắc dạy tiếng hướng hoạt động vào giao tiếp, chúng ta cần thực các yêu cầu sau: thứ nhất, “Phải đặt các đơn vị ngôn ngữ cần nghiên cứu vào hệ thống hành chức của nó” [3, tr. 57] (đặt từ trong câu, đặt câu trong đoạn, đoạn trong văn bản); thứ hai, “Phương hướng tốt nhất để dạy các đơn vị ngôn ngữ trong hoạt động hành chức là phải tìm hướng học sinh vào hoạt động nói năng. Học tiếng Việt, học sinh không phải chỉ nghiên cứu về nó mà phải biết cách sử dụng thành thạo phương tiện này vào tư duy và giao tiếp. Thầy giáo phải tìm mọi cách để hướng các em học sinh vào hoạt động nói năng. Muốn đạt được điều đó, cần phải tạo được các hoàn cảnh giao tiếp, tình huống giao tiếp khác nhau để kích thích động cơ giao tiếp cho các em có nhu cầu giao tiếp” [3, tr. 57].

Nguyên tắc hướng vào hoạt động giao tiếp chi phối toàn bộ quy trình tổ chức dạy - học tiếng Việt, từ khâu xây dựng chương trình, biên soạn giáo khoa đến khâu thiết kế thi công bài học của giáo viên. Chương trình và sách

giáo khoa được xác lập, được biên soạn theo nguyên tắc hướng vào hoạt động giao tiếp trước hết phải quán triệt tư tưởng giao tiếp vừa là điểm xuất phát lại vừa là đích hướng tới, vừa là nội dung lại vừa là định hướng phương pháp và môi trường tổ chức dạy học của tất cả các đơn vị kiến thức. Giáo viên phải biết cách lựa chọn ngữ liệu phù hợp, đảm bảo tính tính sinh động, tính thực tế của giá trị, câu hỏi tìm hiểu các bài tập thực hành phải gợi mở được thao tác thực hiện, gắn liền với các kỹ năng lĩnh hội, sản sinh lời nói cần rèn luyện. Chú ý các dạng bài tập ứng dụng vào hoạt động giao tiếp nhằm đánh giá khả năng của học sinh trong việc tạo lập lời nói của chính mình và tiếp nhận lời nói của người khác. Có thể sử dụng các bài tập như sau: bài tập đánh giá, tiếp nhận; bài tập tạo ra lời nói, trong đó có: tạo lập theo mẫu, tạo lập theo gợi ý và tạo lập chỉ dựa trên những yêu cầu, sửa chữa các sản phẩm ngôn ngữ. Bên cạnh đó, cần coi phát vấn đàm thoại và thực hành vận dụng là hình thức chủ đạo trong dạy - học tiếng. Việc dạy môn tiếng Việt là phải tạo ra được tình huống có vấn đề, nghĩa là làm sao để lý thuyết mới về ngôn ngữ học, về tiếng Việt, về ngữ pháp văn bản không phải là kiến thức thuần túy lý thuyết hiện đại mà thực sự được ứng dụng vào hoạt động dạy học của giáo viên và học sinh trong từng tiết tiếng Việt.

Ví dụ, khi dạy bài Hành động nói, giáo viên gắn nguyên tắc hướng hoạt động vào giao tiếp bằng cách đưa ra một tình huống như sau: “Bà ngoại em đang ở quê, lâu quá gia đình em chưa về thăm, em sẽ nói với ba mẹ như thế nào để được cùng ba mẹ về thăm bà vào ngày chủ nhật ?” Với tình huống đó, giáo viên yêu cầu học sinh trao đổi, thảo luận và đưa ra các phương án trả lời bằng các lời nói cụ thể, chẳng hạn:

- HS1: Chủ nhật này, ba mẹ đưa con về thăm bà ngoại nhé.

- HS2: Chủ nhật này ba mẹ có bận việc gì không, lâu quá con chưa về thăm bà ngoại ?

- HS3: Con nhớ bà ngoại quá, con ước gì chủ nhật này được về thăm bà ngoại!

Thông qua các cách giải quyết tình huống của học sinh, giáo viên yêu cầu các học sinh khác phân tích, nhận xét, đánh giá từng cách giải quyết. Với cách tạo ra các tình huống giao tiếp như vậy, học sinh sẽ phải “nhập vai” vào các nhân vật giao tiếp và do đó sẽ kích thích các em chủ động tham gia vào quá trình học tập. Sau khi giải quyết tình huống này, giáo viên hướng dẫn học sinh phân tích ví dụ trong SGK Ngữ văn 8, tập 2 (đoạn văn trích từ văn bản Thạch Sanh).

Giao tiếp là chức năng trọng yếu của hoạt động ngôn ngữ. Dạy học tiếng cho học sinh cũng là nhằm giúp các em có năng lực tham gia vào hoạt động giao tiếp. Chỉ có dạy học trong môi trường giao tiếp, học sinh mới dễ dàng tiếp cận mối quan hệ giữa lí thuyết và thực hành, giữa cụ thể và khái quát, giữa kiến thức cục bộ và tổng quan về hệ thống ngôn ngữ, giữa hệ thống ngôn ngữ và hoạt động lời nói. Từ đó, việc rèn luyện các kỹ năng ngôn ngữ mới thực sự có hiệu quả.

Một phần của tài liệu Vận dụng phương pháp rèn luyện theo mẫu trong dạy học tiếng việt ở các trường trung học cơ sở thuộc quận 6 thành phố hồ chí minh (Trang 42)