Hướng dẫn học sinh tạo lập sản phẩm ngôn ngữ theo mẫu

Một phần của tài liệu Vận dụng phương pháp rèn luyện theo mẫu trong dạy học tiếng việt ở các trường trung học cơ sở thuộc quận 6 thành phố hồ chí minh (Trang 73)

6. Cấu trúc luận văn

2.3.3.Hướng dẫn học sinh tạo lập sản phẩm ngôn ngữ theo mẫu

Mục tiêu cuối cùng của việc dạy học nói chung là hướng học sinh vào việc áp dụng tri thức đã học vào thực tế cuộc sống. Trong dạy học tiếng Việt, mục tiêu này chính là giúp học sinh có kĩ năng tạo lập văn bản theo yêu cầu, biết sử dụng thành thạo ngôn ngữ trong giao tiếp hàng ngày. Do đó, trong phương pháp rèn luyện theo mẫu, chúng ta không thể bỏ qua bước hướng dẫn học sinh tạo lập sản phẩm ngôn ngữ theo mẫu. Đây là khâu rất quan trọng làm cơ sở đánh giá mức độ hiểu bài, chiếm lĩnh kiến thức của học sinh.

Chúng ta biết rằng, mô phỏng, bắt chước theo kinh nghiệm giao tiếp gắn liền với quá trình hình thành và phát triển ngôn ngữ của con người. Phương pháp rèn luyện theo mẫu là cách dạy học có ý thức về thói quen và kinh nghiệm. Đối với học sinh trung học cơ sở, phương pháp này nên ứng dụng cho dạy học tạo lời nói. Giáo viên chọn và giới thiệu các mẫu hoạt động ngôn ngữ rồi hướng dẫn học sinh phân tích để hiểu và nắm vững cơ chế của chúng, sau đó, bắt chước mẫu đó một cách sáng tạo vào lời nói của mình. Với học sinh THCS, việc tạo lập văn bản cần đảm bảo một số yêu cầu sau:

- Văn bản tạo lập phải có nội dung gần gũi, sát thực với cuộc sống mà các em thường tiếp xúc.

- Văn bản tạo lập phải đúng chuẩn mực: chuẩn mực về ngôn ngữ, chuẩn mực về phong cách và chuẩn mực về văn bản.

- Văn bản tạo lập phải thể hiện một tư duy mạch lạc, một trí tuệ sáng suốt, một suy nghĩ trong sáng, phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Để hướng dẫn học sinh có thể tạo lập được sản phẩm ngôn ngữ theo mẫu, giáo viên cần chú ý xây dựng các dạng bài tập phù hợp với trình độ của học sinh, đảm bảo nguyên tắc vừa sức. Khi thực hiện loại bài tập này, cần phân tích để nắm vững và hiểu thấu mẫu đã cho, vận dụng kiến thức lí luận và vật liệu ngôn ngữ để tạo ra sản phẩm theo mẫu. Sau đó cần kiểm tra sản phẩm xem có tương ứng với mẫu không.

Bài tập tạo lập là bài tập yêu cầu học sinh tự mình tạo nên (nói hoặc viết) sản phẩm ngôn ngữ theo một yêu cầu nào đó. Việc thực hiện những bài tập này gần với những hoạt động nói và viết hàng ngày của học sinh nhưng vẫn ở dạng luyện tập theo yêu cầu. Dạng bài tập này rất quan trọng, nên giáo viên cần chú ý nhiều hơn để khuyến khích học sinh phát huy khả năng tư duy và sáng tạo độc lập, kích thích tính tích cực, chủ động của các em. Loại bài tập tạo lập hiện còn ít trong các SGK ở THCS. Vì vậy, khi dạy học, giáo viên căn cứ vào nội dung của từng phần trong chương trình mà soạn thảo thêm. Trong việc soạn thảo cần lưu ý cả mục đích củng cố lý thuyết cả mục đích rèn luyện kĩ năng ngôn ngữ, đồng thời với trình độ học sinh, đảm bảo tính khoa học, tính tư tưởng và tính sư phạm. Trong việc soạn thảo bài tập tạo lập, cần xác định rõ các yêu cầu của bài tập (các yêu cầu này nhằm vào mục đích rèn luyện các kĩ năng tạo lập sản phẩm) và dựa vào các yêu cầu đó để đánh giá các sản phẩm mà học sinh tạo được. Hơn nữa, nên hướng các bài tập vào các tình huống (hoàn cảnh) giao tiếp có thể xảy ra. Việc làm đó có tác dụng thiết thực đến việc phát triển lời nói, nâng cao kĩ năng sử dụng ngôn ngữ của học sinh.

Một phần của tài liệu Vận dụng phương pháp rèn luyện theo mẫu trong dạy học tiếng việt ở các trường trung học cơ sở thuộc quận 6 thành phố hồ chí minh (Trang 73)