Nguyên tắc vừa sức

Một phần của tài liệu Vận dụng phương pháp rèn luyện theo mẫu trong dạy học tiếng việt ở các trường trung học cơ sở thuộc quận 6 thành phố hồ chí minh (Trang 45)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.3.Nguyên tắc vừa sức

Đây là một trong những nguyên tắc giáo dục quan trọng trong dạy học nói chung và dạy học tiếng Việt nói riêng. Trong dạy học, với bất cứ môn nào, đều phải chú ý đến tính vừa sức, phù hợp với trình độ của học sinh. Dạy quá khó hoặc quá dễ đối với trình độ, khả năng tiếp thu của các em sẽ tất yếu dẫn đến những kết quả tiêu cực.

Nguyên tắc này đòi hỏi trong quá trình dạy học, khi lựa chọn nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học phải không ngừng nâng cao mức độ khó khăn trong học tập, gây nên sự căng thẳng về trí lực, thể lực một cách cần thiết. Nói cách khác, dạy học vừa sức có nghĩa là trong dạy học phải tạo nên độ khó vừa sức, những yêu cầu và nhiệm vụ học tập đề ra phải tương ứng với

giới hạn cao nhất của vùng phát triển trí tuệ gần nhất. Theo quan điểm của Vũ Nho, “Sức là một cái gì không tĩnh tại, được tạo ra và phát triển trong quá trình học tập của học sinh, luôn biến đổi theo chiều hướng gia tăng”. Dạy học vừa sức không có nghĩa là sức học sinh đến đâu thì dạy đến đó, mà bao giờ cũng đề ra những khó khăn mà dưới sự chỉ đạo của người giáo viên, người học bằng sự nỗ lực của mình cũng đều khắc phục được. Dạy học như vậy mới đảm bảo đi trước sự phát triển, thúc đẩy sự phát triển của học sinh. Tính vừa sức đòi hỏi phải phù hợp với đặc điểm lứa tuổi. Học sinh ở mỗi lứa tuổi khác nhau có những đặc điểm tâm lí riêng trong quá trình tiếp thu kiến thức và kỹ năng mới. Vì vậy, tuân thủ nguyên tắc này, người soạn chương trình và người thầy giáo phải nắm chắc đặc điểm lứa tuổi học sinh, nắm chắc trình độ, khả năng tiếp thu bài của các em để có cơ sở xác định nội dung và phương pháp dạy học cho phù hợp.

Trong dạy tiếng Việt, sở dĩ phải chú ý đến tính vừa sức và xem đó là một trong những nguyên tắc quan trọng trước hết bởi nội dung đặc thù của phân môn. Ở góc độ phương pháp dạy học, chú ý đến tính vừa sức của học sinh là "phát huy tính tích cực chủ động của học sinh trong giảng dạy tiếng, một yêu cầu đang đặt ra một cách cấp thiết trong lý luận và thực tiễn giảng dạy. [...] Bộ môn Tiếng Việt có đầy đủ điều kiện và khả năng đặt học sinh vào tình huống nghiên cứu: giáo viên có thể cùng học sinh tìm ngữ liệu, quan sát, phân tích ngữ liệu rồi khái quát, tổng hợp nên những quy tắc, quy luật ngôn ngữ [1, tr. 59]. Một tiết học chỉ đảm bảo tính vừa sức khi cả giáo viên và học sinh đều cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái, cùng tranh luận sôi nổi những tình huống có vấn đề. Đổi mới phương pháp dạy học dù ở mức độ nào thì cũng không ngoài mục đích làm cho học sinh hứng thú học tập.

Nguyên tắc vừa sức chi phối đến việc lựa chọn, sử dụng phương pháp dạy học tiếng Việt. Với phương pháp rèn luyện theo mẫu, chúng ta lại càng

phải đảm bảo nguyên tắc này bởi phương pháp rèn luyện theo mẫu là phương pháp thông qua những mẫu cụ thể về lời nói hoặc mô hình lời nói, GV hướng dẫn HS tìm hiểu đặc điểm của mẫu, cơ chế tạo mẫu, biết cách tạo ra những lời nói theo định hướng của mẫu. Tuy nhiên khi sử dụng phương pháp rèn luyện theo mẫu, giáo viên phải căn cứ vào những mặt mạnh và mặt yếu của học sinh để lựa chọn kiến thức và định hướng đúng nội dung thực hành rèn luyện, hướng dẫn các mẫu phù hợp với trình độ của từng học sinh, để từ đó các em mới có thể mô phỏng, thể hiện được khả năng sáng tạo trong tạo ra những mẫu đạt chuẩn ngôn ngữ.

Một phần của tài liệu Vận dụng phương pháp rèn luyện theo mẫu trong dạy học tiếng việt ở các trường trung học cơ sở thuộc quận 6 thành phố hồ chí minh (Trang 45)