Phân bón lá

Một phần của tài liệu Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống in vitro cây hoa chuông (sinningia speciosa) tại tỉnh thừa thiên huế (Trang 41)

5. Những đóng góp mới của luận án

1.3.3.Phân bón lá

Phân bón lá là hỗn hợp bao gồm các chất dinh dưỡng đa lượng, trung lượng, vi lượng, một số chất điều hòa sinh trưởng và các chất phụ gia hỗ trợ kết dính, nhằm giữ chất dinh dưỡng trên bề mặt lá để cây hấp thụ dễ dàng. Phân bón lá dùng để bón phân qua lá, qua quả và qua thân cây.

* Tác dụng của phân bón qua lá

Phun chất dinh dưỡng qua lá sẽ tiết kiệm được phân bón, tiết kiệm thời gian mà hiệu quả mang lại cao hơn nhiều so với dinh dưỡng qua rễ. Phương pháp này càng có hiệu quả cao đối với các cây rau, hoa và cây giống các loại...

Khi sử dụng các chất có nồng độ thấp, các chất có hoạt tính sinh lý như các chất điều hòa sinh trưởng, các nguyên tố vi lượng... thì chỉ có phun qua lá mới có hiệu quả sinh lý và kinh tế nhất. Việc phun phân qua lá cũng là cách phục hồi nhanh chóng cây trồng khi có dấu hiệu thiếu dinh dưỡng hơn là bón vào đất [13].

Nhiều loại phân bón lá được đề xuất sử dụng trong nông nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ví dụ, ở Ai Cập, trong thời gian năm năm (1990 - 1995), 554 loại phân bón mới được đăng ký, trong số đó có 285 loại là phân bón lá [42].

Nghiên cứu của Alexander và Schroeder (1987), Fageria và cs, Kannan

(2010) cho thấy tiềm năng lớn của phân bón lá như là một cách để giảm ô nhiễm đất

và nước ngầm [23], [44], [62].

Nghiên cứu của tác giả Pavlova và Michailova (2009) với tiêu đề “Phân bón lá - lợi ích -20 năm nghiên cứu và ứng dụng”, đã chỉ ra rằng trong 20 năm nghiên cứu

và ứng dụng phân bón lá ở Bulgaria với thành phần dinh dưỡng (21%N, 5% P2O5,

10% K2O, 0,020% B, 0,014% Cu, 0,250% Fe, 0,002% Mn, 0,002% Mo và 0,018%

Zn) đã chứng tỏ hiệu quả về kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường đất và góp phần làm hạn chế việc sử dụng phân bón qua đất và tối ưu hóa việc sử dụng phân bón [93].

Việc phát hiện ra các chất kích thích sinh trưởng như auxin [124], gibberellin [65], [84], [130], cytokinin [109], [110], các chất ức chế sinh trưởng như axit abscisic [22], [73], [90], ethylen… và sử dụng các chất này làm phương tiện hóa học để điều trỉnh quá trình sinh trưởng phát triển của cây trồng được coi như bước tiến đầu tiên sử dụng chế phẩm phân bón qua lá cho cây trồng.

Phân sinh hóa cho cây trồng trên thị trường chủ yếu chứa các chất điều hòa sinh trưởng như GA3, -NAA, IBA, Ethrel, CCC… Được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau: điều khiển thời gian ra hoa của cây cũng có nghĩa là điều khiển sự cân bằng hoocmon chung trong cây. Người ta có thể làm cho cây trồng ra hoa sớm hơn (sớm đạt cân bằng giữa tác nhân kích thích và ức chế) hoặc ngược lại, làm cho cây đạt cân bằng hoocmon này muộn hơn để cây ra hoa quả muộn. Có thể sử dụng các điều kiện ngoại cảnh hoặc các biện pháp kỹ thuật để điều khiển cân bằng hoocmon chung đó của cây theo hướng có lợi cho con người.

* Cơ chế hấp thụ phân bón qua lá

Hầu hết các chất khoáng từ đất xâm nhập vào cây qua hệ thống rễ. Tuy nhiên, các bộ phận khác của cây đặc biệt là lá cũng có khả năng hấp thu chất khoáng thông qua khí khổng và tầng cutin mỏng. Đây là con đường hấp thu dinh dưỡng bị động

nên không cần năng lượng. Sự xâm nhập các chất khoáng vào cây qua bề mặt lá phụ thuộc vào các yếu tố như: thành phần của các chất khoáng sử dụng, nồng độ chất khoáng, pH của dung dịch chất khoáng, tuổi của lá và cây…

Cây xanh có thể hút chất dinh dưỡng ở dạng khí như CO2, O2, NH3 và NO2 từ khí quyển qua lỗ khí khổng. Đầu thế kỷ XIX, bằng phương pháp đồng vị phóng xạ các nhà khoa học đã phát hiện ra, ngoài các bộ phận lá, các bộ phận khác như thân, cành, hoa, quả, đều có khả năng hấp thu dinh dưỡng [18].

Diện tích lá của cây bằng 15 - 20 lần so với diện tích đất do tán che phủ. Lỗ khí khổng có kích thước dài 7 - 10 µm, rộng 2 - 12 µm, số lượng khá lớn, có thể chiếm tới 1% diện tích lá, phân bố ở cả mặt trên và mặt dưới lá. Số lượng lỗ khí khổng của từng loại cây khác nhau là không giống nhau. Muốn cho phân bón qua lá mang lại hiệu quả cao nhất thì phải được phun lên bề mặt lá có nhiều lỗ khí khổng và vào thời điểm khí khổng mở rộng hoàn toàn [20].

Cơ chế đóng mở khí khổng rất phức tạp chịu ảnh hưởng của các yếu tố ngoại cảnh như ánh sáng, độ ẩm không khí, độ ẩm đất, nhiệt độ và tình trạng sinh lý của

cây. Ánh sáng quá mạnh, độ ẩm quá khô, nhiệt độ cao hơn 30oC đều làm cho khí

khổng đóng. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả khi sử dụng phân bón lá cần tưới nhẹ nước trên bề mặt lá trước khi bón phân. Nên bón phân khi nhiệt độ không khí nhỏ hơn 30oC, trời nắng nhẹ và cung cấp đủ nước cho cây qua rễ [19].

Các chất dinh dưỡng được cây vận chuyển tự do theo chiều từ trên xuống dưới với vận tốc 30 cm/giờ. Dinh dưỡng hấp thụ qua lá nhanh hơn so với hấp thụ dinh dưỡng thông qua đất [45], [62], [70], [123]. Do đó, năng lực hấp thu dinh dưỡng từ lá cao hơn nhiều lần so với từ rễ. Cây có khả năng hấp thụ dinh dưỡng qua lá gấp 8 đến 20 lần so với khả năng hấp thu dinh dưỡng qua rễ bằng cách bón phân vào đất [29]. Như vậy, việc bón phân qua lá cho cây luôn có hiệu suất đồng hóa các chất dinh dưỡng cao hơn so với bón phân vào đất. Bón phân qua lá là biện pháp có tính chiến lược của ngành nông nghiệp.

* Các loại phân bón lá thường sử dụng

Hiện nay, phân bón lá trên thị trường trong nước và trên thế giới rất phong phú, có thể chia thành 3 nhóm chính:

+ Nhóm có các nguyên tố đa lượng và vi lượng phối hợp hoặc riêng rẽ.

+ Nhóm có thêm các chất kích thích sinh trưởng nhằm thúc đẩy sinh trưởng hoặc thúc đẩy ra hoa kết trái, giảm tỷ lệ rụng quả, thúc đẩy quá trình chín hoặc xúc tiến việc ra rễ.

+ Nhóm có chứa các loại thuốc hóa học phòng trừ sâu bệnh.

Trong đó, 2 nhóm trên được sử dụng rất rộng rãi trong sản xuất nhất là đối với nhóm cây hoa cảnh.

Thông thường người ta chú trọng đến 3 nguyên tố chính: N, P, K với nhiều tỷ lệ, tùy vào mục đích sử dụng, loài hoa, thời kì sinh trưởng của cây. Ngoài ra còn kết hợp thêm các nguyên tố vi lượng khác như Cu, Fe, Zn, một số các vitamin cần thiết khác và các chất điều hòa sinh trưởng.

Các loại phân bón lá khác nhau thường có tỷ lệ đạm, lân, kali (N:P:K) khác nhau nhưng nổi bật lên là các tỷ lệ sau: (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

- 1:1:1 là tỷ lệ N:P:K bằng nhau - 3:1:1 là tỷ lệ N cao

- 1:3:1 là tỷ lệ P cao - 1:1:3 là tỷ lệ K cao

Ngoài ra, còn có các tỷ lệ khác nữa như: 3: 1: 2; 3: 2: 1; 1: 5: 8....

Ngoài việc quan tâm đến tỷ lệ các chất, người trồng hoa còn quan tâm tới nồng độ các chất trong mỗi tỷ lệ. Công thức phân bón cao, khi tổng số khối lượng nguyên chất của cả 3 chất lớn hơn 50% toàn bô khối lượng của phân. Ngược lại, các công thức phân bón thấp khi tổng số khối lượng nguyên chất của cả 3 chất N, P2O5, K2O thấp hơn 50% toàn bô khối lượng của phân.

Ví dụ: theo công thức của Lecoufle (1981) ta có:

Công thức cao: 30:10:10 (= 50%) tỷ lệ (3:1:1) sử dụng trong giai đoạn sinh trưởng thân lá.

Công thức thấp: 10:18:10 (= 38%) gần bằng tỷ lệ (1:2:1), sử dụng trong giai đoạn ra rễ kết hợp với công thức thấp: 10:10:20 (= 40%) tỷ lệ (1:1:2) dùng cho cây khi ra hoa [68].

Phun phân bón lá Đầu trâu 902 (17:21:21) 1g/lít, 7 ngày một lần, cho cây hoa lily Sorbonne có tác dụng kích thích nở hoa sớm từ 3 - 6 ngày, giảm tỷ lệ nụ bị thui và tăng chất lượng hoa [4].

Để khắc phục hiện tượng rụng nụ và khô mầm hoa ở cây lily khi ở điều kiện thiếu ánh sáng, có thể dùng phân bón lá STS có chứa bạc 0,1 mmol/l phun 1 - 2 lần/tuần khi nụ dài 2 - 3 cm.

Hoa cúc ra hoa mùa hè cũng có thể trồng để ra hoa trong vụ đông khi được xử lý GA3 ở nồng độ 20 - 25 ppm (cúc trắng nhật, cúc tím lá nhọn, cúc phấn hồng hè). Hoa nhài có thể ra hoa sớm hơn nếu được xử lý CCC ở nồng độ 1000 ppm.

Hoa loa kèn trắng có thể ra hoa sớm hơn so với đối chứng từ 5 - 7 ngày, khi phun GA3 50 ppm sau trồng 90 ngày. Để nâng cao chất lượng hoa loa kèn trái vụ có

thể phun GA3 50 ppm 3 lần mỗi lần cách nhau 15 ngày hoặc phun GA3 80 ppm khi

cây mới hình thành nụ có tác dụng kéo dài quá trình ra hoa để tránh thu hoạch tập trung. Xử lý GA3 với nồng độ 100 ppm trước khi trồng, sau đó định kỳ 30 ngày phun 1 lần cho hoa nở sớm hơn, bông dài, nhiều mỏ và hoa bền hơn [5].

Như vậy, các loại phân bón lá có thành phần dinh dưỡng khác nhau, được sử dụng rộng rãi cho nhiều loại hoa cây cảnh và mang lại kết quả to lớn trong sản xuất. Tuy nhiên, đối với cây hoa chuông cho đến nay chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về phân bón được thực hiện, đặc biệt là ở Thừa Thiên Huế. Vì vậy, việc nghiên cứu để xác định được loại phân bón lá có thành phần dinh dưỡng phù hợp cho cây giống

in vitro ở giai đoạn vườn ươm, cây thương phẩm ở giai đoạn vườn sản xuất có ý nghĩa quan trọng để mở rộng diện tích trồng cây hoa chuông ở Thừa Thiên Huế.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống in vitro cây hoa chuông (sinningia speciosa) tại tỉnh thừa thiên huế (Trang 41)