Giá thể trồng

Một phần của tài liệu Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống in vitro cây hoa chuông (sinningia speciosa) tại tỉnh thừa thiên huế (Trang 39)

5. Những đóng góp mới của luận án

1.3.2. Giá thể trồng

Giá thể là từ dùng để chỉ tất cả các vật chất bao quanh bộ rễ của cây trồng, các loại giá thể khác nhau có ưu nhược điểm khác nhau và tùy theo mục đích trồng, loại cây trồng mà chọn các loại giá thể thích hợp.

Giá thể bao gồm hỗn hợp của các vật liệu có thể giữ nước, tạo độ thoáng cho sự phát triển của cây. Hỗn hợp này được dùng đơn lẻ hoặc phối trộn lại để tận dụng ưu điểm từng loại: bột núi lửa, vỏ trấu hun, mùn dừa, than bùn, đá trân châu, cát, sỏi,... Các loại giá thể này được dùng phổ biến trong ngành khoa học nghề vườn [99].

Giá thể trồng cây có ưu điểm:

- Kiểm soát được pH, thành phần dinh dưỡng, các yếu tố gây bệnh và lây truyền bệnh cho cây.

- Có khả năng giữ ẩm và thoáng khí tốt.

- Có khả năng tái sử dụng hoặc an toàn cho môi trường khi phân hủy.

Cây giống hoa chuông in vitro khi đưa ra trồng ngoài vườn ươm cần loại giá

thể giữ ẩm và thoát nước tốt, giúp cây ít bị mất nước trong giai đoạn đầu. Ở giai đoạn vườn sản xuất, do cây có bộ lá lớn, nhiều nụ, hoa, bộ rễ chùm nên giá thể trồng cần chứa nhiều chất hữu cơ mùn làm tăng độ xốp, điều hoà chế độ nước tưới và chế độ nhiệt, giúp ổn định kết cấu các thành phần trong giá thể, tăng khả năng hấp phụ và trao đổi ion làm cho giá thể có khả năng chịu nước, chịu phân cao, tăng tính đệm, đảm bảo cho các phản ứng hoá học và ôxy hoá khử xảy ra bình thường, tạo điều kiện cho cây sinh trưởng phát triển tốt [99].

* Các loại giá thể được sử dụng

Xơ dừa: Xơ dừa được lấy từ vỏ quả dừa, nghiền nhỏ và có thể làm khô đóng thành bánh để dễ vận chuyển và bảo quản. Trước khi sử dụng cần loại bỏ chất chát (tanin). Xơ dừa là giá thể có khả năng giữa ẩm và thông thoáng khí tốt nhưng nó dễ gây úng cho một số loại cây trồng, có pH từ 6,5 - 7, có trọng lượng riêng thấp, tính ổn định cao. Xơ dừa có thể sử dụng đơn lẻ hoặc phối trộn với các nguyên liệu khác như than bùn, tro trấu, đất mùn theo tỷ lệ thể tích 1:2; 1:1, sẽ tạo ra loại giá thể có độ tơi xốp cao, thông thoáng khí rất thích hợp để trồng rau hoặc trồng các cây hoa ngắn ngày trong giai đoạn vườn ươm, trồng cây trong nhà kính mà không cần đất [61].

Trấu hun: Trấu hun là mảnh vỏ lúa (sau khi đã lấy gạo) đem hun cháy nhưng chưa thành tro. Trấu hun là giá thể hữu cơ, thoát nước tốt, thích hợp với nhiều loại cây trồng. Trong trấu hun chứa một lượng lớn kali có tính kiềm, có thể tái sử dụng và hoàn toàn sạch bệnh. Trấu hun là loại phế phẩm rất phổ biến trong nông nghiệp. Cũng như xơ dừa, sử dụng trấu hun làm giá thể trồng cây mang lại hiệu quả kinh tế cao [101].

Cát: Đây là loại giá thể trơ điển hình và thường được sử dụng trong các hệ thống mở. Trồng cây trên giá thể cát có lợi là dễ tìm kiếm, rẻ tiền và đơn giản khi sử dụng. Cát tồn tại ở dạng hạt, độ lớn của hạt cát từ 0,1 mm đến 2 mm. Chúng được rửa sạch, khử trùng sấy hay phơi khô trước khi sử dụng [101].

Đất phù sa và phân chuồng: Là loại nguyên liệu thường được dùng để phối trộn với các nguyên liệu khác làm giá thể ươm cây. Đất phù sa có chứa nhiều dinh dưỡng nhưng dễ bị dí dẽ khi sử dụng đơn lẻ, cây sinh trưởng kém. Phân chuồng được ủ hoai mục cung cấp chất dinh dưỡng cho cây và góp phần làm tơi xốp giá thể [101].

Đất Tribat: Đất sinh học Tribat là một thành tựu mới của công ty công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh là hỗn hợp hữu cơ gồm có mùn, bột dừa có bổ sung N tổng số, K2O tổng số, P2O5 tổng số, các trung vi lượng gồm Mg, Mn, Zn, Bo, Cu, Mo và các cấp hạt khác nhau. Được sử dụng để trồng các loại rau, hoa, gieo ươm cây con rất có hiệu quả [133].

Giá thể làm giá đỡ cho cây, cung cấp ẩm độ, độ thoáng khí và cải thiện độ pH, đồng thời cung cấp các chất dinh dưỡng để thích hợp với từng đối tượng cây trồng. Theo John và Harold (1999) [61], để tăng hiệu quả sử dụng nên phối trộn các loại giá thể với nhau. Trước đây, người ta dùng các loại vỏ cây, mùn cưa, và vỏ bào trong quá trình chế biến gỗ được dùng trực tiếp để làm giá thể trồng cây nhưng hiệu quả không cao. Ngày này, thay vì sử dụng trực tiếp người ta đã phối trộn và xử lý trước khi sử dụng nên khả năng giữ ẩm tăng, độ thông khí tốt, CEC cao [37].

Năm 1999, John và Harold đã nghiên cứu khả năng giữ ẩm của các loại giá thể hỗn hợp bao gồm: đất, cát, than bùn với tỷ lệ (1:1:1); than bùn, ve cmiculite với tỷ lệ (1:1); và vỏ ngũ cốc, cát, than bùn tỷ lệ (3:1:1). Kết quả nghiên cứu đã xác định được khả năng giữ nước của hỗn hợp than bùn + vecmiculite là tốt nhất, kế đến là hỗn hợp vỏ ngũ cốc + cát + than bùn và kém nhất là hỗn hợp đất + cát + than bùn. Nhưng khi xét tính thông thoáng khí thì hai hỗn hợp giá thể than bùn + vecmiculite và vỏ ngũ cốc + cát + than bùn tương đương nhau, hỗn hợp giá thể đất + cát + than bùn là kém nhất trong 3 loại giá thể thử nghiệm [61].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống in vitro cây hoa chuông (sinningia speciosa) tại tỉnh thừa thiên huế (Trang 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(155 trang)