Luật Công chứng số 82/2006/QH11 quy định, việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, chỉ trừ một số trường hợp cụ thể, người yêu cầu công chứng là người già yếu không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng. Việc công chứng tại trụ sở có đặc điểm: thể hiện sự trang trọng, tôn nghiêm của pháp luật, trụ sở tổ chức hành nghề công chứng khang trang, rộng rãi, có đủ các phương tiện phục vụ việc ký hợp đồng, thậm chí có trường hợp, người yêu cầu công chứng còn thực hiện việc thanh toán tiền giao dịch tại trụ sở tổ chức hành nghề công chứng, thuận tiện cho việc tra cứu, kiểm tra dữ liệu công chứng và sửa đổi, bổ sung nội dung thỏa thuận trong hợp đồng theo yêu cầu của người yêu cầu công chứng, hạn chế được hành vi lừa dối của người yêu cầu công chứng như giả mạo giấy tờ, giả mạo người ký...
Tuy nhiên, việc thực hiện công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng diễn ra khá phổ biến, vận dụng -lý do chính đáng- theo quy định của Luật Công chứng số 82/2006/QH11.
Thực tế thanh tra cho thấy, số lượng các vụ việc công chứng ngoài trụ sở khá nhiều. Ngoài các lý do người yêu cầu công chứng ốm, già yếu thì nhiều hồ sơ yêu cầu công chứng ngoài trụ sở còn có lý do bận công tác, để bảo quản giấy tờ, tài liệu gốc…; Thậm chí một số hồ sơ của Phòng công chứng số 7, Văn phòng công chứng Thăng Long, công chứng viên còn thực hiện việc yêu cầu công chứng ngoài trụ sở mà không có lý do [28].
Nguyên nhân chính là do người yêu cầu công chứng tương đối bận, số lượng người tham gia đông, nếu thực hiện việc công chứng trong giờ hành chính sẽ rất khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp thời gian cho các bên. Ngoài ra, 1 nguyên nhân quan trọng khác, do đặc thù của thị trường bất động sản ở
nước ta, cộng với trình độ hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, người dân thường giao dịch với nhau bằng các hợp đồng viết tay, khi chưa có đủ các giấy tờ theo quy định của pháp luật. Ví dụ: chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mua bán căn hộ khi mới có hợp đồng góp vốn, hợp đồng mua bán căn hộ mà chưa có Giấy chứng quyền quyền sở hữu căn hộ. Khoảng thời gian từ khi mua bán thực tế diễn ra cho đến khi diện tích đất, căn hộ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu là từ 3 đến 5 năm, khi đó giá trị của bất động sản đã thay đổi rất nhiều so với thời điểm diễn ra giao dịch. Do đó, khi người nhận chuyển nhượng, người mua đến nhờ người chuyển nhượng, người bán ký hợp đồng chính thức để sang tên thì thường người chuyển nhượng, người bán không hợp tác, nêu ra nhiều lý do để không ký hợp đồng công chứng được, trong đó có lý do bố mẹ bận công việc, con cái bận học hành, không đến trụ sở tổ chức hành nghề công chứng được. Khi đó, người nhận chuyển nhượng, người mua phải yêu cầu các công chứng viên bố trí thời gian đến địa điểm theo yêu cầu để công chứng hợp đồng.
Tuy có một số hạn chế trong việc thực hiện công chứng ngoài trụ sở tổ chức hành nghề công chứng so với công chứng tại trụ sở như: địa điểm ký công chứng không trang trọng, nhiều khi ký tại nhà hàng, quán xá, việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản trong hợp đồng khó khăn,... nhưng hoạt động này phần nào đã tạo điều kiện thuận lợi cho người yêu cầu công chứng về mặt thời gian, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong bối cảnh có quá nhiều các thủ tục hành chính phải thực hiện trong giờ hành chính, mặt khác, góp phần tăng doanh thu cho các tổ chức hành nghề công chứng, khuyến khích xã hội hóa do thu thêm phí dịch vụ ký ngoài trụ sở; hơn nữa, một lý do quan trọng là, địa điểm công chứng không ảnh hưởng đến hành vi công chứng, dù địa điểm ở bất cứ đâu thì công chứng viên vẫn phải thực hiện đầy đủ các bước của thủ tục công chứng theo quy định. Do đó, không nên hạn chế việc công
chứng ngoài trụ sở tổ chức hành nghề công chứng, mà nên quy định địa điểm ký tùy thuộc vào yêu cầu của người yêu cầu công chứng và khả năng đáp ứng của công chứng viên.
TS. Lê Quốc Hùng - Trưởng Văn phòng công chứng Hà Nội: Không cần quy định việc công chứng bắt buộc phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng vì công chứng viên chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về văn bản công chứng nên việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở nếu công chứng viên thấy thuận lợi. Từ đó, trong quá trình bàn thảo sửa đổi Luật Công chứng, không nhất thiết phải tiếp tục giữ lại Điều 39 quy định về địa điểm công chứng [11].