TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Hà Nội là Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.
Thủ đô Hà Nội có diện tích tự nhiên hơn 3.300 km2; dân số hơn 7,2 triệu người và khoảng 02 triệu người từ các địa phương đến làm ăn, sinh sống thường xuyên. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2013 là 8,25 %, thu ngân sách Thành phố năm 2013 đạt 162.035 tỷ đồng.
Nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch của tổ chức, người dân trên địa bàn thành phố rất lớn, đứng thứ 2 cả nước chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh. Số hợp đồng, giao dịch đã công chứng tăng dần qua các năm 2007 đến 2010 và ổn định từ năm 2010 đến 2013, tổng số hợp đồng, giao dịch đã công chứng trên địa bàn thành phố trong 07 năm (2007-2013) là 1.151.000, cụ thể như sau: Năm 2007: 52.000, Năm 2008: 85.000, Năm 2009: 160.000, Năm 2010: 216.000, Năm 2011: 220.000, Năm 2012: 200.000, Năm 2013: 218.000 hợp đồng, giao dịch [57, tr. 1].
Sau hơn 07 năm thi hành Luật Công chứng, Hà Nội đã có 103 tổ chức hành nghề công chứng (10 Phòng công chứng và 93 Văn phòng công chứng), phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã, hoạt động công chứng tại thành phố Hà Nội có được nhiều kết quả tích cực, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách, bảo đảm an toàn cho các hợp đồng, giao dịch, đáp ứng kịp thời nhu cầu công chứng của tổ chức và người dân. Trong phạm vi nghiên cứu, phục vụ mục tiêu
nghiên cứu, luận văn chỉ đi sâu vào phân tích các bất cập trong thực hiện pháp luật công chứng trên các phương diện: công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng và thủ tục công chứng.