THỰC TRẠNG VIỆC THỰC HIỆN QUY ĐỊNH VỀ CÔNG CHỨNG VIÊN

Một phần của tài liệu Thực hiện pháp luật công chứng trên địa bàn thành phố hà nội (Trang 39)

Nghề công chứng là một nghề có những đặc thù và yêu cầu riêng biệt: Chủ yếu công chứng các giao dịch, hợp đồng trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, thương mại...; là nghề có nhiều kỹ năng thực hành (xác minh nhân thân người yêu cầu công chứng, xác minh đối tượng hợp đồng là có thật, nhận dạng chữ ký, chữ viết, con dấu trong văn bản, cách lấy dấu vân tay của người yêu cầu công chứng...). Các hợp đồng, giao dịch trong lĩnh vực công chứng yêu cầu không quá phức tạp, thường có mẫu do Bộ Tư pháp ban hành, tuy nhiên, đòi hỏi áp dụng phải lành nghề, thông thạo nhất định, càng có nhiều kinh nghiệm thì độ lành nghề càng cao, số lượng các hợp đồng được công chứng càng nhiều, bảo đảm chất lượng. Trong thực tế, công chứng viên chỉ có 30-60 phút cho việc công chứng một hợp đồng, giao dịch, nếu là hợp đồng do công chứng viên soạn thảo và chuẩn bị trước thì thời gian để các bên ký kết và công chứng viên công chứng việc ký kết là 30 phút, nếu là hợp đồng do công chứng viên soạn thảo và không có sự chuẩn bị trước thì thời gian khoảng 60 phút. Pháp luật không quy định về thời gian tối thiểu cho việc giải quyết một hợp đồng, giao dịch cụ thể, nhưng do áp lực về cạnh tranh, về thời gian của người yêu cầu công chứng (thời gian công chứng được quy định là giờ hành chính nên người yêu cầu công chứng phải bố trí, sắp xếp công việc để có mặt thực hiện giao kết, việc bố trí thời gian không phải dễ, đặc biệt là những hợp đồng, giao dịch có sự tham gia của nhiều người. Ngoài ra, người Việt Nam hay chọn giờ đẹp khi giao kết hợp đồng, giao dịch) nên thời gian cho việc công chứng một hợp đồng, giao dịch rất ngắn. Trong khoảng thời gian như vậy, công chứng viên phải thực hiện một loạt các hành vi sau: xác minh nhân thân của người yêu cầu công chứng, xác minh tính hợp pháp, phù hợp về đạo

đức của nội dung hợp đồng, giao dịch, xác minh tính có thật của giấy tờ, tài sản, tài sản không bị tranh chấp, chưa thực hiện các giao dịch khác làm hạn chế quyền của người chủ sở hữu, sử dụng, giải thích ý nghĩa của hợp đồng, giao dịch, hướng dẫn các bên ký kết hợp đồng, giao dịch..., do đó, đòi hỏi công chứng viên phải có kinh nghiệm thực tiễn, áp dụng trình tự, thủ tục nhuần nhuyễn, thuần thục với độ chính xác cao.

Số lượng người tham gia một hợp đồng, giao dịch cũng là một yếu tố gây áp lực, tác động đến hành vi công chứng của công chứng viên, càng đông người tham gia hợp đồng, giao dịch, áp lực càng lớn. Một hợp đồng, giao dịch thường có sự tham gia giao kết của tối thiểu là 4 người, có những trường hợp có đến hơn chục người tham gia hợp đồng, giao dịch như các hợp đồng, giao dịch liên quan đến hộ gia đình, liên quan đến di sản thừa kế. Với số lượng người như vậy cùng tham gia giao kết hợp đồng, giao dịch, đặc biệt là với những tổ chức hành nghề công chứng bố trí diện tích phòng làm việc nhỏ, hẹp sẽ gây áp lực rất lớn đối với công chứng viên trong việc công chứng, bảo đảm tính chính xác của hợp đồng, giao dịch.

Trong cùng một thời điểm, một công chứng viên phải đồng thời tiếp nhận hồ sơ, tư vấn, hướng dẫn và công chứng các loại hợp đồng, giao dịch khác nhau (hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, mua bán, thế chấp, bảo lãnh, ủy quyền, khai nhận di sản thừa kế, thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, di chúc) với nhiều người yêu cầu công chứng khác nhau, với những trình tự, thủ tục chặt chẽ do luật định trong một khoảng thời gian ngắn, thậm chí có thể tiếp nhận và xử lý hồ sơ yêu cầu công chứng ngay lập tức nếu các điều kiện để giao kết giao dịch, hợp đồng đã đầy đủ, mà vẫn phải bảo đảm yếu tố chính xác, an toàn, áp lực công việc rất lớn, sai sót rất dễ xảy ra nếu thiếu kỹ năng hành nghề. Chính vì vậy, khi được bổ nhiệm công chứng viên, các công chứng viên đã phải hội tụ đầy đủ cả hai yếu tố, một là các kiến thức pháp luật về công chứng, hai là các kỹ năng cần thiết để tiến hành hoạt động công

chứng. Nếu thiếu một trong hai yếu tố trên, các công chứng viên gặp nhiều lúng túng trong việc công chứng các hợp đồng, giao dịch.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Tư pháp đã có những biện pháp đẩy mạnh việc thực hiện để đáp ứng nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch rất lớn của người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội, số lượng công chứng viên trên địa bàn tăng lên nhanh chóng, tính đến tháng 4/2014, Hà Nội có tổng số 341 công chứng viên đang hành nghề, đứng đầu trong cả nước (68 công chứng viên tại 10 Phòng công chứng và 273 công chứng viên tại 93 văn phòng công chứng). Tất cả các công chứng viên được bổ nhiệm đều đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về công chứng viên theo quy định của Luật Công chứng. Tuy nhiên, dù tăng nhanh về số lượng nhưng chất lượng các công chứng viên lại chưa tăng tương xứng, dẫn đến chất lượng văn bản công chứng chưa cao, chưa thực sự hoàn thành trách nhiệm -phòng ngừa- trong các giao dịch về dân sự, kinh tế.

Nhìn chung, chất lượng đội ngũ công chứng viên còn nhiều bất cập, hạn chế, bên cạnh các công chứng viên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có tâm với nghề, còn nhiều công chứng viên hạn chế về năng lực chuyên môn, kỹ năng hành nghề, chưa tuân thủ quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, thậm chí một số công chứng viên có hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật nghiêm trọng đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự làm ảnh hưởng đến uy tín của đội ngũ công chứng viên nói riêng và nghề công chứng nói chung. Phần lớn các công chứng viên yếu kém này là các công chứng viên được miễn đào tạo, miễn tập sự hành nghề công chứng [6].

Một phần của tài liệu Thực hiện pháp luật công chứng trên địa bàn thành phố hà nội (Trang 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)