Thực hiện pháp luật công chứng là hiện tượng, quá trình có mục đích làm cho các quy phạm pháp luật về công chứng trở thành hoạt động thực tế của các chủ thể pháp luật nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch dân sự, kinh tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia giao dịch, đáp ứng yêu cầu công cuộc phát triển kinh tế, cải cách hành chính, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Từ khái niệm trên cho thấy, vai trò của thực hiện pháp luật công chứng chính là bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch dân sự, kinh tế, bảo
vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia giao dịch, đáp ứng yêu cầu công cuộc phát triển kinh tế, cải cách hành chính, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Bằng các hành vi hợp pháp của mình, với những trình tự, thủ tục được pháp luật quy định chặt chẽ, các công chứng viên bảo đảm tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch, trong đó bao gồm việc xác định năng lực hành vi dân sự của người tham gia giao dịch, mục đích, nội dung của hợp đồng, giao dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội, đối tượng của hợp đồng, giao dịch là có thật, chữ ký là đúng của người tham gia giao dịch. Như vậy, hợp đồng, giao dịch sau khi được công chứng sẽ là hợp đồng đúng quy định của pháp luật, được nhà nước thừa nhận, bảo vệ và bảo đảm thực hiện, có giá trị thi hành đối với các bên; quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch được bảo đảm, đúng với nguyện vọng, mong muốn của các bên và phù hợp với quy định của pháp luật. Các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, dù là cá nhân hay tổ chức, dù là có hay không có trình độ, nhận thức, hiểu biết về pháp luật đều được các công chứng viên bảo đảm quyền và lợi ích khi tham gia quan hệ dân sự, kinh tế, góp phần phòng ngừa tranh chấp và vi phạm pháp luật, tạo sự ổn định cho các hoạt động giao dịch, hạn chế tối đa hậu quả đáng tiếc và không đáng có xảy ra trong các quan hệ dân sự, làm lành mạnh các quan hệ xã hội, bảo đảm dân chủ, công bằng, giữ vững ổn định trong giao lưu dân sự, đồng thời bảo đảm cho các tranh chấp phát sinh một cơ sở pháp lý đáng tin cậy để giải quyết theo hướng tích cực, tạo lối ra an toàn cho các tranh chấp đó. Các cơ quan xét xử lấy đó làm cơ sở pháp lý để giải quyết vụ tranh chấp được an toàn, nhanh chóng.
Ngoài ra, việc thực hiện pháp luật công chứng đã hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa lĩnh vực công chứng, huy động được sự tham gia của các cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực công chứng, các văn phòng công chứng ra đời, từng bước khẳng định được vị thế, đáp ứng nhu cầu công chứng các hợp đồng, giao dịch ngày càng nhiều hơn, đa dạng, phong phú hơn, đòi hỏi phải chặt chẽ về
mặt pháp lý, đơn giản về mặt thủ tục hành chính, nhanh chóng, thuận tiện. Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là khi Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN, tăng cường tham gia các khu vực mậu dịch tự do trên thế giới thì hoạt động công chứng càng trở nên cần thiết đối với người dân và doanh nghiệp. Xét trên góc độ xây dựng Nhà nước pháp quyền, xã hội công dân và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì công chứng vừa là công cụ hữu hiệu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, vừa là công cụ quản lý, vừa là công cụ hỗ trợ quan trọng cho các hoạt động tư pháp và là một trong những điều kiện cơ bản góp phần đẩy nhanh việc phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam.