Căn cứ -Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020- đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2104/QĐ-TTg ngày 29/12/2012 thì đến năm 2020, Quy hoạch phát triển tổ
chức hành nghề công chứng trên địa bàn thành phố Hà Nội là 121 tổ chức, trong đó đến hết năm 2015 là 95 tổ chức, giai đoạn 2016-2020 là 26 tổ chức.
Số lượng Văn phòng công chứng trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay vượt so với quy hoạch là 08 (quận Cầu Giấy 04, quận Đống Đa 02, quận Hai Bà Trưng 01, huyện Sóc Sơn 01). Các Văn phòng công chứng này đều được thành lập trước khi có Quy hoạch được phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ [57].
Việc thực hiện quy hoạch công chứng trên địa bàn Hà Nội tồn tại những vấn đề sau:
Thứ nhất, do Thủ tướng Chính phủ ban hành quy hoạch chậm (Luật
Công chứng có hiệu lực thi hành năm 2007 thì 3 năm sau mới có Đề án quy hoạch tổng thể và thêm 1 năm nữa mới có Tiêu chí quy hoạch) nên đã rơi vào tình trạng phát triển "nóng", quận Cầu Giấy, một địa bàn không lớn, nhưng có tới 10 tổ chức hành nghề công chứng (bao gồm Phòng công chứng số 3, các Văn phòng công chứng: Đông Đô, Miền Bắc, Việt, Hà Nội, Hà Thành, A1, A9, Ngọn Lửa Việt, Cầu Giấy). Trên trục đường Giải Phóng - Ngọc Hồi, chiều dài khoảng sáu, bảy km, cũng có tới 05 Văn phòng công chứng nằm cách nhau không xa, dẫn tới tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề công chứng. Trong khi đó, ở nhiều huyện ngoại thành, người dân phải vượt quãng đường dài, có khi vài chục km mới tới được Văn phòng công chứng, khiến người dân đi lại vất vả.
Thứ hai, việc quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng đang là vấn đề
gây tranh cãi về cơ sở pháp lý. Theo quan điểm và thực tiễn xây dựng luật hiện nay, Chính phủ, các Bộ chỉ được hướng dẫn chi tiết, quy định những vấn đề được giao trong luật. Trong Luật Công chứng số 82/2006/QH11 không quy định nhiệm vụ này cho Chính phủ, Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, Chính phủ lại cho rằng, Chính phủ được quyền hướng dẫn những vấn đề phát sinh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Như vậy, cơ sở pháp lý đúng hay sai sẽ hạn chế
hay khuyến khích việc thành lập các tổ chức hành nghề công chứng nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội.