Miễn đào tạo nghề và miễn tập sự hành nghề công chứng

Một phần của tài liệu Thực hiện pháp luật công chứng trên địa bàn thành phố hà nội (Trang 48)

Số lượng các công chứng viên trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng nhanh, do được bổ sung một số lượng lớn các công chứng viên từ các đối tượng được miễn đào tạo nghề và miễn tập sự hành nghề công chứng, bước đầu góp phần đáp ứng nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch tăng nhanh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, quy định này đã bộc lộ bất cập, hạn chế sau:

Luật Công chứng số 82/2006/QH11 quy định đối tượng được miễn đào tạo và tập sự nghề công chứng quá rộng. Đều là những người có chức danh chuyên ngành, học hàm, học vị, có trình độ pháp luật tương đối cao. Tuy nhiên, công chứng lại là nghề có phạm vi hoạt động chủ yếu, chuyên sâu trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, thương mại. Trong khi đó, lĩnh vực pháp luật có rất nhiều mảng chuyên sâu khác nhau: hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, Hiến pháp, quốc tế, quyền con người,... Việc quy định một người hành nghề hoặc nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực này sang hành nghề trong lĩnh vực khác mà không qua đào tạo, tập sự là không phù hợp. Thực tế cho thấy, ngay cả các cán bộ của Bộ Tư pháp, những người làm công tác quản lý nhà nước về công chứng nhưng vẫn lúng túng trong việc hướng dẫn học viên xử lý tình huống cụ thể. Do không được đào tạo và tập sự hành nghề nên các đối tượng này khi trở thành công chứng viên có thể mới tìm hiểu kiến thức, kỹ năng liên quan đến công chứng, dẫn đến còn lúng túng, chủ quan, không đáp ứng được yêu cầu khi hành nghề. Nghề công chứng được coi là nghề đặc biệt, những sai sót trong thực hiện công chứng có thể sẽ dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong xã hội. Do vậy, để đảm

bảo hiệu quả khi hành nghề thì những đối tượng trên cần phải được bồi dưỡng nghề công chứng hoặc giảm thời gian đào tạo để thu nhận kiến thức, kinh nghiệm liên quan đến hành nghề công chứng. Nhờ có việc đào tạo, bồi dưỡng này, khi được bổ nhiệm công chứng viên họ đã được "nạp" sẵn những kiến thức, kinh nghiệm liên quan đến nghề công chứng để yên tâm xử lý từng tình huống nghiệp vụ cho đúng pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Ngoài ra, những đối tượng này cần phải qua tập sự hành nghề để áp dụng nhuần nhuyễn những kiến thức, kỹ năng thu nạp được qua quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Thực tế cho thấy, sai phạm trong hoạt động công chứng xảy ra chủ yếu là công chứng viên được miễn đào tạo nghề công chứng và miễn tập sự hành nghề công chứng, đã có phát sinh những tranh chấp dân sự trong một số vụ việc và hệ quả này sẽ kéo dài bởi tranh chấp phát sinh từ các văn bản công chứng có thể không xảy ra ngay mà trong một vài năm sau, thậm chí còn lâu hơn nữa mới phát sinh hậu quả.

Theo Luật gia Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam: Trong tất cả các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực công chứng nói riêng, con người luôn là yếu tố quyết định. Là một người công chứng viên tiêu chuẩn đầu tiên là cần phải có đủ trình độ năng lực và đạo đức nghề nghiệp. Điều đó sẽ được thể hiện qua chất lượng công chứng, qua thái độ niềm nở, ân cần, làm việc cặn kẽ, có trách nhiệm. Hiện nay các công chứng viên chủ yếu vẫn làm công tác đối nội với các loại giao dịch trong nước, ít các hợp đồng giao dịch có yếu tố nước ngoài, đa số chất lượng ngoại ngữ của các công chứng viên còn thấp, kiến thức về hội nhập rất hạn chế. Vì vậy tự bản thân mỗi người làm công tác công chứng phải có ý thức trau dồi những hạn chế nói trên. Thêm vào đó hiện nay theo quy định chung thì những cán bộ đã được đào tạo, công tác ở các cơ quan tư pháp, hành pháp được miễn thực tập công chứng viên. Đây là một kẽ hở,

nó đúng nhưng chưa được hoàn thiện bởi vì mỗi lĩnh vực của pháp luật lại có những yêu cầu riêng, chỉ có cái nền kiến thức chung của ngành tư pháp để đem vào làm việc cụ thể trong lĩnh vực công chứng thì chưa đủ. Những người đã qua đào tạo, công tác tại các cơ quan tư pháp, hành pháp muốn làm việc trong lĩnh vực công chứng vẫn phải qua lớp đào tạo ngắn hạn, có thi, kiểm tra một cách nghiêm túc để lấy chứng chỉ. Nếu chỉ dựa trên quá trình công tác mà miễn thực tập thì sẽ chỉ đáp ứng được về mặt số lượng, không đáp ứng được về chất lượng [11].

Ngoài ra, Luật Công chứng số 82/2006/QH11 cũng bỏ sót một đối tượng quan trọng cần được miễn/giảm thời gian đào tạo nghề và tập sự hành nghề công chứng. Đó là những người làm việc tại các tổ chức hành nghề công chứng với nhiệm vụ giúp việc cho các công chứng viên. Những người này có trình độ cử nhân về pháp luật, lại qua thực tiễn hoạt động, được các công chứng viên (nhiều công chứng viên đang trực tiếp giảng dạy tại Học viện Tư pháp) kèm cặp, hướng dẫn, nếu được miễn/giảm thời gian đào tạo nghề và tập sự hành nghề công chứng thì sẽ là một nguồn nhân lực chất lượng bổ sung cho đội ngũ công chứng viên. Trong thực tế, các công chứng viên hoàn thành trách nhiệm của mình có sự giúp sức rất lớn của đội ngũ giúp việc, ngoài các công việc có tính chất hành chính, sự vụ, những người giúp việc còn trợ giúp các công chứng viên trong các công việc có tính chất chuyên môn (tư vấn, hướng dẫn người yêu cầu công chứng chuẩn bị hồ sơ, thủ tục công chứng, viết yêu cầu công chứng; soạn thảo hợp đồng, giao dịch; giải thích, hướng dẫn người yêu cầu công chứng ký kết hợp đồng, giao dịch), các công chứng viên chỉ phải xác minh, kiểm tra lại toàn bộ quá trình và ký vào văn bản công chứng. Những người này chỉ khác các công chứng viên là không được ký các hợp đồng, giao dịch, còn các công việc khác họ cũng thực hiện không khác gì một công chứng viên.

Một phần của tài liệu Thực hiện pháp luật công chứng trên địa bàn thành phố hà nội (Trang 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)