Căn cứ vào tính chất của hoạt động thực hiện pháp luật, lý luận chung về nhà nước và pháp luật xác định bốn hình thức thực hiện pháp luật là tuân thủ pháp luật, thi hành pháp luật, sử dụng pháp luật và áp dụng pháp luật. Nhận thức các hình thức thực hiện pháp luật công chứng cũng dựa trên lý luận chung về các hình thức thực hiện pháp luật trên và dựa vào nững đặc trưng của lĩnh vực pháp luật cụ thể này. Theo đó, các hình thức thực hiện pháp luật công chứng bao gồm:
- Tuân thủ pháp luật công chứng: là một hình thức thực hiện pháp luật trong đó các chủ thể pháp luật kiềm chế không tiến hành những hoạt động mà pháp luật ngăn cấm. Những quy phạm pháp luật cấm quy định tại Điều 12 của Luật công chứng được thực hiện dưới hình thức này. Để hình thức này đi vào
cuộc sống, các chủ thể pháp luật công chứng (công chứng viên, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, cơ quan, tổ chức, cá nhân) phải kiềm chế không thực hiện hành vi bị nghiêm cấm. Ví dụ: Luật công chứng quy định "nghiêm cấm công chứng viên sách nhiễu, gây khó khăn cho người yêu cầu công chứng", nghĩa là khi công chứng viên không gây khó khăn cho người yêu cầu công chứng thì lợi ích của người yêu cầu công chứng được bảo vệ, ngược lại, khi công chứng viên gây khó khăn, lợi ích của người yêu cầu công chứng sẽ bị xâm phạm. Tuy nhiên, nội dung của quy định phải rõ ràng, dễ thực hiện, thực tế cho thấy thế là "gây khó khăn" không quy định hành vi cụ thể, do đó chủ thể khó có thể thực hiện được.
- Thi hành pháp luật công chứng: là một hình thức thực hiện pháp
luật, trong đó chủ thể thực hiện nghĩa vụ của mình bằng hành động tích cực. Những quy phạm pháp luật quy định khoản 2 Điều 22 (Nghĩa vụ của công chứng viên), Điều 32 (Nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng) thể hiện dưới hình thức này. Để hình thức này đi vào cuộc sống, các chủ thể công chứng (công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng) cần tích cực, chủ động thực hiện các quy định về nghĩa vụ cụ thể. Ví dụ: Luật công chứng quy định công chứng viên có nghĩa vụ tuân thủ nguyên tắc hành nghề công chứng có nghĩa là bằng hành vi chủ động của mình, khi hành nghề công chứng, công chứng viên phải tuân thủ nguyên tắc hành nghề đã được pháp luật quy định. Nếu công chứng viên không tuân thủ nguyên tắc hành nghề, sẽ dẫn tới vi phạm pháp luật.
- Sử dụng pháp luật công chứng: là hình thức thực hiện pháp luật,
trong đó, các chủ thể pháp luật thực hiện quyền chủ thể của mình (thực hiện những hành vi mà pháp luật cho phép). Ở hình thức này, chủ thể pháp luật có thể thực hiện hoặc không thực hiện quyền được pháp luật trao, theo ý thức của mình, chứ không bị ép buộc phải thực hiện. Những quy phạm pháp luật
quy định tại khoản 1 Điều 22 (Quyền của công chứng viên), Điều 31 (Quyền của tổ chức hành nghề công chứng) thể hiện dưới hình thức này. Để hình thức này đi vào cuộc sống, các chủ thể pháp luật công chứng (công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng) có thể thực hiện hoặc không thực hiện quyền của mình. Ví dụ: Luật công chứng quy định "Tổ chức hành nghề công chứng có quyền thuê nhân viên làm việc cho tổ chức hành nghề công chứng". Thực tế cho thấy, có những tổ chức hành nghề công chứng thuê nhân viên làm việc, đặc biệt là các văn phòng công chứng, thuê nhiều hay ít nhân viên phụ thuộc vào hiệu quả của từng tổ chức hành nghề công chứng. Nhưng cũng có những tổ chức hành nghề công chứng không thuê nhân viên làm việc, việc này không bị coi là hành vi vi phạm pháp luật
- Áp dụng pháp luật công chứng: là một hình thức thực hiện pháp luật, trong đó Nhà nước thông qua các cơ quan có thẩm quyền hoặc nhà chức trách tổ chức cho các chủ thể thực hiện các quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, các chủ thể pháp luật thực hiện pháp luật có sự can thiệp của Nhà nước. Trong trường hợp đặc biệt, theo quy định của pháp luật, cơ quan tổ chức xã hội cũng có thể thực hiện hoạt động này. Áp dụng pháp luật công chứng gồm các chủ thể sau: cán bộ, công chứng phụ trách lĩnh vực công chứng của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Sở Tư pháp thành phố Hà Nội; công chứng viên hoạt động tại các tổ chức hành nghề công chứng, trong đó các công chứng viên là chủ thể quan trọng. Ví dụ: Những quy phạm pháp luật quy định tại Điều 27 (thành lập và đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng), Điều 35 (Công chứng hợp đồng, giao dịch đã được soạn thảo sẵn) thể hiện dưới hình thức này. Theo quy định tại Điều 27, khi nhận được hồ sơ đề nghị thành lập và đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng, các cán bộ, công chức phụ trách lĩnh vực công chứng của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Sở Tư pháp thành phố Hà Nội phải ban hành văn bản áp dụng pháp luật, từ đó Văn
phòng công chứng được phép thành lập và hoạt động. Theo quy định tại Điều 35, khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật để ban hành văn bản áp dụng pháp luật, làm phát sinh giá trị thực hiện của hợp đồng, giao dịch. Để hình thức này đi vào cuộc sống đòi hỏi phải nâng cao ý thức pháp luật, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn của các cán bộ, công chức, các công chứng viên để việc ban hành các văn bản áp dụng pháp luật nhanh chóng, kịp thời và chính xác.