II. Đánh giá thực trạng một số yếu tố nội sinh cấu thành năng lực cạnh tranh của
1. Nguồn vốn
1.1. Các nguồn huy động vốn của doanh nghiệp xuất khẩu
Ngoài khoản vốn tự có của mình, doanh nghiệp xuất khẩu có thể huy động các nguồn vốn vay từ bên ngoài bao gồm 2 nguồn chính là vay từ các ngân hàng và vay từ các quỹ của nhà nước. Thế nhưng, thực tế việc huy động các nguồn vốn của doanh nghiệp xuất khẩu cũng gặp không ít khó khăn, nhất là trong thời kỳ gia nhập WTO khi mà các hình thức trợ cấp cho doanh nghiệp trong nước đều bị giảm bớt và tiến tới loại bỏ.
- Vay từ ngân hàng:
Để tăng thêm nguồn vốn kinh doanh, nguồn huy động dễ thấy nhất của doanh nghiệp xuất khẩu là từ tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên việc vay từ ngân hàng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu còn gặp nhiều hạn chế.
Thứ nhất, lãi suất cho vay bằng ngoại tệ của các ngân hàng nước ta còn cao khi so sánh với mặt bằng lãi suất cho vay của các nước khác. Theo như Diễn đàn kinh tế thế giới WEF trong báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2005-2006 thì xét
30
về khả năng vay tín dụng so với năm trước nước ta xếp ở vị trí thứ 56/117, trong khi Singapore xếp ở thứ 29/117, và xét về mức độ dễ dàng trong vay tín dụng không cần thế chấp thì nước ta chỉ xếp ở thứ 75/117 trong khi Singapore đứng ở vị trí 16/117. Từ đó có thể thấy việc vay tín dụng từ các ngân hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu nước ta còn gặp nhiều khó khăn.
Thứ hai, để có thể nhận được khoản tín dụng từ ngân hàng các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải đáp ứng một số điều kiện, như tài sản thế chấp hay bảo lãnh của ngân hàng. Đây là điều cần thiết để các ngân hàng có thể chủ động quản lý các khoản vay nợ một cách an toàn. Tuy nhiên các quy định này lại hạn chế khả năng phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ vì hiện nay các doanh nghiệp đều thiếu các giấy tờ về sở hữu đất đai và bất động sản sử dụng cho kinh doanh.
Thứ ba, các doanh nghiệp xuất khẩu có nhu cầu vốn đa dạng. Doanh nghiệp vừa cần cả nguồn vốn trung và dài hạn để mở rộng nhà xưởng và nâng cấp thiết bị máy móc, vừa cần cả nguồn vốn ngắn hạn để sản xuất hàng xuất khẩu. Trong nhiều trường hợp, giá trị tài sản hiện có của doanh nghiệp không đủ để đảm bảo các khoản vay, do đó, ngân hàng không thể đáp ứng được các nhu cầu về vốn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp xuất khẩu thường chỉ được đáp ứng nhu cầu vay ngắn hạn về vốn lưu động để kinh doanh, còn nhu cầu vay vốn đầu tư trung và dài hạn chỉ được đáp ứng ở mức độ còn thấp.
- Hỗ trợ từ nhà nước
Ngoài nguồn vốn vay từ ngân hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu có thể nhận được sự hỗ trợ từ nguồn tín dụng xuất khẩu ưu đãi do nhà nước cấp. Trước đây, nguồn tín dụng xuất khẩu này được Quỹ hỗ trợ phát triển quản lý, nhưng khi nước ta gia nhập WTO thì việc quản lý nguồn vốn này do Ngân hàng phát triển đảm nhiệm.
Quỹ hỗ trợ phát triển được thành lập từ năm 2000. Đây là hình thức ngân hàng đầu tư có định hướng hỗ trợ sản xuất xuất khẩu theo mục tiêu xã hội với nguồn vốn điều lệ và vốn hàng năm được nhà nước cấp. Theo số liệu thống kê từ Quỹ hỗ trợ và phát triển, Quỹ đã đầu tư trên 6500 tỷ đồng (tương đương với 430 triệu USD) vốn
31
trung và dài hạn trong giai đoạn 2001-2004 cho hơn 700 dự án sản xuất hàng xuất khẩu và gần 17000 tỷ đồng hỗ trợ cho hơn 2000 doanh nghiệp thực hiện khoảng 5500 hợp đồng xuất khẩu các loại mặt hàng. Tuy nhiên khi nước ta đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới WTO thì tất cả các hình thức trợ cấp xuất khẩu đều phải thay đổi để phù hợp với quy định của WTO. Theo như Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng (Susidy and Countervailing Measures Agreement- SCM) thì tín dụng xuất khẩu là một hình thức trợ cấp và bị cấm. Chính vì thế, Quỹ hỗ trợ và phát triển đã trở thành Ngân hàng phát triển Việt Nam vào tháng 5 năm 2006 để đảm bảo các điều kiện cho nước ta khi gia nhập vào WTO.
Có thể thấy, nguồn vốn tín dụng hỗ trợ phát triển của Quỹ hỗ trợ phát triển trước đây và hiện nay là của Ngân hàng phát triển Việt Nam đã góp phần tạo cho các doanh nghiệp xuất khẩu nước ta lợi thế cạnh tranh quan trọng trên thị trường thông qua việc giảm giá thành, bảo đảm nguồn vốn sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận và được hưởng chính sách này còn chưa nhiều. Nguyên nhân chính là thủ tục để nhận những ưu đãi còn khá phức tạp, nguồn vốn vay còn hạn hẹp, số mặt hàng được vay còn ít, hệ thống bảo lãnh tín dụng chưa phát triển khiến các doanh nghiệp thường bỏ lỡ cơ hội kinh doanh. Việc quảng bá về chính sách và dịch vụ hỗ trợ tín dụng cho công chúng, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu trên các phương tiện thông tin đại chúng không được thực hiện.